Những yếu tố giúp trẻ em trưởng thành (Bài 1)

Kim Anh

10-9-2020

Trẻ em cần được dạy dỗ cẩn thận trong thời gian dài để “nên người”, nếu không thì các em chỉ lớn lên chứ không “khôn lớn”. Một nền giáo dục cho dù đề ra những mục tiêu nào đi nữa, thì một trong những mục tiêu hàng đầu phải là giúp trẻ em trưởng thành.

Trẻ em không phải là người trưởng thành tí hon hay người trưởng thành thu nhỏ. Các em không tự động trở nên trưởng thành, như kiểu cây hoang cỏ dại. Có những người tuy đã lớn nhưng chưa thật sự trưởng thành, tâm tính và nhân cách vẫn chưa phát triển như người lớn.

Thế nào là người trưởng thành? Những yếu tố nào thật sự cần thiết để giúp trẻ em trưởng thành? Thiết nghĩ đây là điều chúng ta cần ôn lại, nhất là đầu mỗi năm học, là dịp thuận tiện để ngẫm nghĩ.

***

Thời gian để một đứa trẻ từ lúc sinh ra cho đến giai đoạn trưởng thành, kể ra chiếm gần 1/3 đời người. Thường chúng ta mất khoảng hai mươi năm hoặc hơn, trong giai đoạn đầu đời của mỗi người để học hỏi, rèn luyện và trưởng thành.

Để nắm giữ quyền lực lâu dài, các thể chế độc tài thực thi sự độc quyền chỉ huy nền giáo dục quốc gia, kiểm soát nhận thức của người dân, bởi đó là con đường giúp họ cai trị người dân lâu dài. Ta gọi đó là thủ đoạn “chính trị hóa giáo dục”. Nhà cầm quyền không cho phép nền giáo dục được độc lập, phi chính trị, cũng như không được phép lấy tôn chỉ là hướng tới sự thật, sự trưởng thành và sự tiến bộ; không được phép đặt nhân bản, tự do và khai phóng làm kim chỉ nam.

Các lãnh tụ độc tài thường nghĩ rằng, chỉ cần kiểm soát gắt gao nền giáo dục quốc gia trong 10, 15, 20 năm… là có thể tạo ra một thế hệ chỉ biết vâng lời, phục tùng vô điều kiện.

Họ nghĩ đúng khi đứng trên lợi ích của chính họ, nhưng người dân cũng có thể làm gì đó để vô hiệu hóa ý đồ của họ. Mỗi bậc cha mẹ, phụ huynh đều có cái quyền riêng trong mái ấm của mình, khó chính quyền nào có thể xâm phạm. Mỗi người dân đều có thể khởi đầu từ “pháo đài” riêng đó để góp phần thúc đẩy xã hội chuyển biến theo hướng tốt hơn, bằng cách chính mình tạo ra một thế hệ mới, biết phân định phải trái, biết suy nghĩ độc lập, biết sáng tạo, biết quý chuộng sự thật và tự do, công bình và nhân ái.

Cái phần mà mỗi bậc phụ huynh đều có thể làm ấy, thật ra lại vô cùng quan trọng cho xã hội, đó chính là phần quan trọng bậc nhất trong việc quyết định “thắng thua”. Mà cuộc “đấu tranh” ấy không đòi hỏi quá nhiều thời gian: Cũng chỉ mất 10, 15, 20 năm thôi cho mỗi gia đình, mỗi người cha, người mẹ.

Trên đây chỉ mới nói về sự cướp đoạt nền giáo dục bởi các tham vọng quyền lực trong phạm vi quốc gia. Nếu xét sâu rộng hơn, nhìn chung nền giáo dục của loài người thời đại hiện nay còn gặp nguy cơ bị thao túng và bị chỉ huy bởi một guồng quay vô hình khác mang tính toàn cầu. Chúng ta đang đứng trước một guồng máy chính trị/ kinh tế xuyên biên giới, muốn biến thế hệ con em chúng ta thành những rô-bốt chỉ biết kiếm tiền và tiêu thụ.

Học là để “thành tài” chứ không phải “thành người”. Thành tài để kiếm tiền. Kiếm tiền để mua sắm. Rồi lại hùng hục kiếm tiền và mua sắm. Và cứ theo vòng quay đó cho đến hết đời! Một xã hội loài người chỉ biết tiêu thụ. Một xã hội “tiêu thụ chủ nghĩa”, xem đồng tiền và lợi nhuận là trên hết. Một xã hội khai thác và bóc lột thiên nhiên đến tan hoang cạn kiệt.

***

Đại dịch virus làm tất cả phải dừng chững lại! Guồng máy không thể quay được nữa. Chỉ sau chín tháng, lần lượt các hoạt động kinh tế của hết quốc gia này đến quốc gia khác trên khắp hành tinh bị tê liệt vì dịch bệnh. Nhờ thế mà bầu trời đã trở nên trong xanh hơn; không khí nơi các đô thị trong lành hơn; các dòng sông và ao hồ bớt ô nhiễm hơn; chim trời, cá biển, thú rừng hoang dã… đã xuất hiện trở lại ở những nơi chúng từng bị loài người xâm lấn và tận diệt.

Cách sống điên rồ và phá hoại đó của hơn 7 tỉ con người trên hành tinh này đã đến lúc bắt loài người phải trả giá, làm chúng ta phải tự hỏi mình có nên và có dám tiếp tục tạo ra một thế hệ mới vẫn đi theo vết xe đổ đó không? Chúng ta, những người lớn đã tự tay đốt cháy ngôi nhà Trái Đất duy nhất của chính mình.

Có thể nói, thiên nhiên đang đứng về phe các gia đình, đang lên tiếng cảnh báo các bậc cha mẹ phải cứu lấy thế hệ con em chúng ta. Hay cũng có thể nói: Mẹ Trái Đất đang cầu cứu chúng ta, các phụ huynh và các nhà giáo dục chân chính! Mẹ Trái Đất đang cần một thế hệ loài người mới, trưởng thành hơn, đừng như “đám trẻ lớn xác” tham lam, hư hỏng và hung bạo như hiện nay nữa!

Có phải là lúc để chúng ta đặt lại câu hỏi: Điều gì giúp thế hệ con em chúng ta thật sự trưởng thành? Cái gì là cần thiết và cái gì là vô bổ, thừa thãi, thậm chí có hại cho tiến trình “nên người” của trẻ em?

Khi các trường học phải đóng cửa vì lý do dịch bệnh, trả lại con em cho chúng ta, chúng ta sẽ phải gánh nhận lại nhiều nhiệm vụ trong việc giáo dục con cái, những nhiệm vụ mà trước đây chúng ta giao phó cho học đường. Vậy, chúng ta sẽ làm thế nào và bắt đầu từ đâu?

Xin mạo muội trình bày trong phần tiếp theo một vài yếu tố mà tôi nghĩ là then chốt, giúp con em chúng ta thật sự trưởng thành trong tình cảnh khủng hoảng và tương lai đầy hiểm họa này của thế giới. Những yếu tố có lẽ không mới mẻ gì, có thể chưa đầy đủ, tôi chỉ mong gợi ra vài điểm để suy tư và để được nghe phản hồi, bổ túc từ quý độc giả.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN


  1. Bao mái đầu xanh Thế hệ Hôm nay như hàng triệu Hướng Dương đắm say
    ******************************

    https://www.youtube.com/watch?v=IneH6Ifi8hM John
    Barry – The Girl With The Sun In Her Hair

    Bao mái đầu xanh Thế hệ Hôm nay
    Như hàng triệu Hướng Dương đắm say
    Chờ Ánh Mặt trời gọi Bình minh mới
    Đươm mầm Mùa Xuân trong tầm tay
    Vĩnh cửu Tự do Pháp quyền Dân chủ
    Cho Tuổi trẻ canh tân Đất Việt này
    Sáng tạo Văn chương Khoa học Kỹ thuật
    Tái tạo sản xuất cho Đời đẹp thay
    Triệu Hướng Dương nhiệt tình nhiệt hạch
    Vươn lên từ Đồng xanh Thế hệ Hôm nay

    TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây