Điện, xăng… tăng giá: Người dân bị móc túi một cách hợp pháp

BTV Tiếng Dân

1-5-2019

Bị “móc túi”, người dân phản ứng

Báo Lao Động có bài tổng hợp lời bình của nhiều độc giả: Độc quyền cung cấp điện, EVN đang thiếu minh bạch với người dân. Một độc giả ở Đồng Tháp chia sẻ: “Chỉ xài thêm 1 quạt điện vì trời nóng mà tiền điện nhà tôi tháng này tăng 80%. Cách tính giá điện mới không hợp lý”.

Một độc giả khác nói thẳng: “Thật bất công! Còn độc quyền là còn khổ nhân dân. Tôi cho rằng, chúng ta nên noi gương ngành di động và so sánh giá cước điện thoại trước và sau khi tự do thị trường, cả chất lượng và giá cước di động đều được cải thiện rất nhiều, cả doanh nghiệp và nhân dân đều hưởng lợi”.

EVN thừa nhận

Báo Tuổi Trẻ có bài: Hóa đơn tiền điện tăng ít nhất 35%. EVN cho biết, chỉ trong một tuần, từ ngày 20-3 đến 26-4, có 13.000 người dân thắc mắc, yêu cầu EVN giải thích hóa đơn tiền điện. Cuối cùng thì EVN cũng phải thừa nhận, tổng số tiền điện trong hóa đơn tháng 4/2019 của các hộ dân phải trả, tăng ít nhất 35% so với tháng trước.

VTC có clip: Tiền điện của hơn một triệu gia đình tăng đột biến, EVN lên tiếng.

BBC dẫn lời bình của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, phản ứng của dân về tăng giá điện ‘là điều tất yếu’. Bà Lan nói: “Phản ứng của người dân về việc tăng giá điện là điều tất yếu trong bối cảnh giá cả mọi thứ thời gian qua đã tăng khá nhiều… Việc tăng giá điện cũng khiến chi phí cho doanh nghiệp bị đội lên, khiến sản phẩm, dịch vụ của họ khó cạnh tranh hơn”.

Nhà hoạt động Nguyễn Hồ Nhật Thành cho rằng: “Nguồn cơn của sự bức xúc theo tôi chính là sự mập mờ, thiếu minh bạch tài chính, và quan trọng hơn chính là sự độc quyền của EVN. Điều này gây cho người dân cảm giác khó chịu vì họ không có sự lựa chọn nào khác”.

VTV có bài: Xăng tăng giá, đánh bắt xa bờ gặp khó. Bài viết có đoạn, “xăng dầu tăng giá đồng nghĩa với việc ngư dân phải thêm chi phí, trong khi giá thủy sản bán ra trên thị trường lại không tăng. Hiện nay, bình quân mỗi chuyến biển chi phí phải tăng thêm từ 20 – 25%”. Không chỉ ngư dân mà tất cả những người dân khác có liên quan tới mọi hoạt động vận chuyển hàng hóa hiện nay đều phải chịu gánh nặng chi phí cao hơn.

Làn sóng lạm phát

Không chỉ giá điện tăng, giá xăng tăng, mà giá cả các mặt hàng khác đều tăng. Người dân VN đang lãnh trọn cú đá liên hoàn cước từ chính phủ. Từ ngày 1/5, giá gas ở các tỉnh, thành phía Nam tăng 2.000 đồng đối với bình 12kg, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Theo đó, giá gas bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng từ một số thương hiệu, gồm: Petrovietnam, Petrolimex, Sp gas, gas Dầu khí, Saigon Petro… hiện dao động ở mức 358.000-365.000 đồng/bình 12kg.

Đúng như nhiều người dự đoán, sau khi giá điện và giá xăng đồng loạt tăng mạnh, hiện tượng giá cả các mặt hàng khác tăng theo là không thể tránh khỏi. Thậm chí, có ý kiến bình luận rằng tác động của giá điện tăng và hai lần giá xăng tăng mạnh trong tháng 4/2019 sẽ còn biểu hiện trong nhiều tháng tới chứ không dừng lại ở đây.

Báo Đất Việt viết: Giá điện, xăng tăng, CPI biến động ngạc nhiên. Trong tháng 4/2019, xăng dầu có 2 đợt tăng giá khá mạnh vào ngày 2/4 và ngày 7/4, đã khiến CPI chung tăng 0,41%. Bên cạnh đó, giá vé tàu hỏa tăng 2,76% khiến chỉ số nhóm giao thông có mức tăng cao nhất là 4,29%.

Bên cạnh đó, trong tháng 4/2019, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, “điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do giá xăng dầu, điện tăng”. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, con số thực tế cao hơn, chứ không phải như những “số liệu” của chế độ đưa ra nhằm kiểm soát bất ổn.

Thông Tấn Xã VN có đồ họa: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2019 tăng 0,31%.

______

Mời đọc thêm: Giá gas tăng 3.500 đồng mỗi kg trong 5 tháng (VNE). – TP.HCM: Tăng giá vé xe buýt chất lượng phục vụ có tốt hơn? (DV). – Xăng dầu khó lường: Từ niềm hy vọng lớn đến cái kết nguy cấp (VNN). – Giá điện, xăng dầu… đẩy chỉ số giá tiêu dùng-CPI tháng 4 tăng 0,31% (LĐ). – Giá điện bán lẻ bình quân tăng: Người dân lo lắng (NĐT). – Giá điện bình quân thông báo tăng 8,36%, cuối cùng là bao nhiêu?Nên nghiên cứu thay đổi cơ chế giá bán lẻ điện (TT).

Giá điện tăng ‘điên cuồng’ trong tháng 4: EVN tiếp tục lý giải nguyên nhân (VTC). – Tiền dư 42.000 tỷ để ngân hàng: EVN nói chưa đủ trả nợ nóng (VNN). – Trách nhiệm minh bạch của EVN trước việc tăng giá, dấu mật —  Đóng dấu mật giá điện, xăng dầu: ĐBQH đặt câu hỏi khó… (ĐV). – Việt Nam: ‘Giá điện bất cập, thị trường độc quyền’ (BBC).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây