Nhân bản dân chủ (Phần 3)

GS Lê Hữu Khóa

18-11-2018

Tiếp theo phần 1phần 2

Nẻo đường dân chủ: dân tộc-khoa học-tiến bộ

Qua sự linh hoạt thay thế nhau giữa các nhân tố đối trọng nhau trong đó sự khác biệt được bảo vệ từ tự do tới tự chủ, từ cá thể tới cá tính trong sinh hoạt xã hội biết tôn trọng công bằng và bác ái, nẻo đường tới dân chủ trong đó dân biết và hiểu quá trình làm chủ của mình, qua ba hành động cụ thể làm nên đường đi nước bước cho dân chủ:

* Dụng tự do trong bầu cử để chọn tương lai, trước chân trời của tiến bộ và văn minh, nhưng vẫn giữ được tổng thể đa nguyên trong một thể chế hợp nhất biết tôn trọng tự do, công bằng, bác ái.

* Dụng tự chủ để tiến tới các công trình của tương lai, nhưng luôn biết bảo vệ sự khác biệt, chính sự khác biệt qua đa tàiđa trí là sự thông minh hỗ tương, có khác nhau nhưng biết dựa nhau mà bảo vệ xã hội, dân tộc, đất nước.

* Dụng tự quyết qua hành động biết bầu cho một chính phủ đủ năng lực để vận động xã hội, dân tộc, quần chúng trong một chương trình chỉnh lý với các chính sách không những vì phát triển, vì tiến bộ, vì văn minh, mà nhất là vì dân luôn là chủ.

Ba hành động này cũng là ba nội lực của dân chủ sẽ làm nên tiến bộ trong nhân sinh, cho nhân loại vừa qua dân chủ, vừa qua khoa học, đẩy xã hội thăng hoa về hiểu biết vì tự do cho cá nhân, cho đoàn thể, cho cộng đồng, cho nhân trí. Chính định nghĩa: tự do trong tiến bộ là sức mạnh lớn nhất của nhân bản dân chủ!

Khi phân tích về các đường đi nẻo về của dân chủ, Mazzini giải luận rõ về kinh nghiệm của tập thể, qua phong trào, qua công đoàn, qua đảng phái, qua xã hội dân sự… trong sinh hoạt dân chủ, phải thấy được: tự do của tập thể luôn mở ra một chân trời, nơi đó sẽ hội tụ các nguyên tắc phổ quát giữa các công dân, có quan hệ với nhau qua công bằng vì có quan niệm chung về bình đẳng, để giữ gìn tự do của mình, vừa qua cá thể và vừa qua tập thể. Từ đây, chúng ta nên thấy uy lực của của một xã hội, một dân tộc muốn nhân bản của mình trở thành nhân vị trong dân chủ bằng tự chủ, bằng chính trị của vắng thần (trống thần linh, trống thượng đế). Cũng tại đây, nên phân biệt vắng thần với vô thần, nếu vô thần là loại bỏ đời sống tinh thần của tín ngưỡng, thì dân chủ không hề mang ý đồ xoá diệt đời sống tinh thần của tín ngưỡng.

Câu chuyện trở nên linh hoạt khi ta nghiên cứu về vai trò của công giáo với các giáo dân là nạn nhân trực tiếp của ô nhiễm môi trường, của hủy diệt môi sinh do Formosa gây ra trên các tỉnh miền Trung, biến các nơi này không những thành biển chết làm bao triệu đồng bào miền Trung khốn đốn, mà nó còn biến các nơi này thành biển độc qua nhiều thế hệ, cho tương lai với bao dịch bịnh trầm trọng. Cũng tại đây, các lãnh đạo công giáo đã đóng đầy đủ vai trò của các chủ thể dân chủ đấu tranh không những cho môi trường, mà còn vì nhân quyền với đòi hỏi dân chủ tức khắc (bây giờ và ở đây) cho Việt tộc. Họ trực diện chống bạo quyền của ĐCSVN!

Trong lịch sử hiện đại đấu tranh vì nhân quyền và dân chủ, vì công bằng để chống tham nhũng, vì nhân sinh chống ô nhiễm môi trường, những kẻ viết sử với lương tri (tri thức của lương tâm) phải phân tích mạch lạc giai đoạn này, không nao núng trước bạo quyền, không tháo lui trước tà quyền phản dân tộc vì phản dân chủ, các sử gia phải giải thích rõ ràng và rành mạch về vai trò chủ thể dân chủ các lãnh đạo của các dòng thánh của công giáo hiện nay.

Vì cùng thời điểm này, thì đại đa số sư sải cùng các thương tọa của Phật giáo đang sa đà vào thương mại hóa chùa chiền, mượn cửa Phật để buôn thần bán thánh, với các chiêu bài mê tín, dị đoan không quan hệ gì với Phật pháp. Họ lại còn bị bọn sư công an, sư tuyên giáonắm tóc, xỏ mũi” trong các trò cầu siêu được dàn dựng thành quốc tang cho bọn đồ tể tay vấy đầy máu đồng bào: Trần Đại Quang, Đỗ Mười…

Bọn sư này thuở trước dân ta còn gọi là sư hổ mang, mà bây giờ Việt tộc phải gọi chúng là ma tăng, chúng phục dịch cho bạo quyền, cùng lúc vơ vét vì tham tiền qua cửa Phật. Chúng không hề có nhân tri vì không biết gì về nhân bản, cái vô minh cộng với cái vô tri, đẻ ra cái vô giác trong não bộ của bọn ma tăng này, và có kẻ trong bọn chúng dám ví bọn đồ tể lãnh đạo này là “bồ tát”! Chỉ còn một thiểu số tăng sư chân chính thì bị bạo quyền độc tài đày đọa như thượng tọa Thích Quảng Độ… Như Phật tính luôn bàng bạc trong nhân sinh Việt, luôn ngầm ngấm vào nhân thế Việt bằng nhân từ của Phật tính qua nẻo từ bi.

Và, chánh niệm của từ bi ngày ngày vẫn tạo nên chính ngôn vì dân chủ trong chánh kiến báo động vận mệnh của dân tộc đang bên bờ vực thẳm, càng ngày càng nhiều tăng sư nói lên tiếng nói của dân tộc không những trong pháp thoại của họ, mà trực tiếp cổ vũ biểu tình để đòi nhân quyền, dân chủ ngay trên các mạng xã hội. Chính thiểu số này đang đại diện cho nhân bản của Phật giáo biết chia sẻ nỗi khổ niềm đau với chúng sinh, nhất là chúng sinh trước mắt lại là đồng bào của mình.

Khi dân chủ được xây dựng bằng tự chủ, từ tư duy đến hành động, thì đây chính là giai đoạn nhân lý không còn tin vào uy quyền của thượng đế hay thần linh để tiếp tục trao nhân kiếp của mình cho các tín ngưỡng. Trên nẻo đường lần tìm dân chủ mà cùng lúc đi tìm tiến bộ để xây dụng hạnh phúc cho mình, thì nhân loại đã tìm ra được tiến bộ qua các khám phá khoa học.

Đây là khúc quanh quyết định của con đường dân chủ nơi mà dân tộc luôn là ưu tiên, được trợ lực bởi khoa học tạo ra phát triển, để có tiến bộ giúp nhân sinh được thăng hoa. Không thể chối cãi được khi các quốc gia có các thể chế dân chủ liêm chính nhất chính là các quốc gia đóng các vai trò chủ đạo trong các khám phá khoa học, ứng dụng kỹ thuật, phát triển truyền thông… đã trực tiếp hoặc gián tiếp áp dụng vào mọi lãnh vực của đời sống xã hội. Có những giai đoạn dân chủ nơi mà khoa học đại diện cho tiến bộ củng cố cường lực của dân chủ:

– Giai đoạn định hướng lại trí tuệ của nhân sinh, trong đó chúng ta không quên các công trình của Moleschott về Vòng vận hành của cuộc sống (Circuit de la vie) 1852, cho tới công trình của Ludwig Büchner về Sức mạnh và nguyên thể (Force et matière), cùng các công trình nghiên cứu khác không những đã định hướng lại tư duy của giới trí thức mà trực tiếp tác động vào đời sống xã hội, từ đó làm thăng tiến vai trò của khoa học trực tiếp tham gia vào tiến bộ của nhân loại.

– Giai đoạn gạt huyền thoại để thấu cuộc sống, đó là công trình Nguyên thủy của muôn loài (L’origine des espèces) của Darwin, giải biện minh bạch sinh hoạt của sự sống, nơi mà sự sống tới từ đấu tranh để sinh tồn, chớ không tới tự một ý muốn của một thượng đế, hoặc uy quyền của một thần linh nào cả. Từ đây, khoa học đã đẩy phạm trù lý tưởng hóa bằng huyền hoặc thần thánh ra khỏi phạm vi lý luận, qua tính chính xác với chứng minh khoa học của mình. Tại đây, khoa học đã thắng mê tín dị đoan, nó cũng thắng luôn mọi giả thuyết giả tưởng thần thoại không sao kiểm chứng được.

– Giai đoạn khoa học tổng kết nhân sinh, qua công trình triết học tổng kết (philosophie synthétique) của Herbert Spencer đưa ra nhận định khoa học về thế giới (conception scientifique du monde), bằng phương pháp luận trở lại lịch sử của con người và giải thích mọi vấn đề của nhân sinh bằng nhận định chỉnh lý của khoa học, vì từ đây các phòng thí nghiệm của khoa học đã từ từ thay thế các mê tưởng của các tư duy giả tưởng về con người.

– Giai đoạn khoa học thẩm định nhân vị trong vũ trụ, với lý luận của Huxley, 1863, nơi mà nhân vị trong thiên nhiên qua các quan hệ của nó với vũ trụ chung quanh, chính là đường đi nẻo về của khoa học bằng một luân lý khoa học là phải làm rõ một cách chính xác nhất, tích cực nhất ý nghĩa của cuộc sống, giải thích nội chất của cuộc sống bằng ánh sáng của khoa học biết định vị nhân sinh trong vũ trụ.

– Giai đoạn khao học thực nghiệm giữa nhân sinh, bằng công trình Dẫn nhập về nghiên cứu y khoa thực nghiệm (L’introduction à l’étude de la médécine expérimentale) của Claude Bernard, 1865, đã tác động trực tiếp lên niềm tin của xã hội, của quần chúng nơi mà niềm tin tới từ khoa học có hùng lực chỉnh lý của dử kiện-chứng từ-chứng minh-kiểm chứng, một niềm tin có cơ sở, và nó đã thắng thế và đã đứng trên lưng, trên vai các niềm tin mơ hồ hoặc mù quáng vì không có minh chứng.

– Giai đoạn khoa học trở thành niềm tin mới, với luận điểm của David Strauss, 1872, phân tích niềm tin mới tới từ khoa học, xua đuổi các niềm tin cũ phản khoa học vì không có khả năng chứng minh bằng xác chứng, lại không có tiềm năng lý luận bằng phản biện. Trong khi đó khoa học có sung lực của khám phá, lại có hùng lực của chứng minh, và chỉ có khoa học mới đủ bản lĩnh và tầm vóc giải thích vũ trụ, từ đó trợ lực cho nhân loại trên con đường đi tìm tiến bộ cho nhân sinh.

– Giai đoạn khoa học toàn bộ về thiên nhiên, với lý luận triết học về tiến bộ của Comte qua công trình Hệ thống hóa chung kết của nhận định nhân sinh (Systématisation finale des conceptions humaines) ; đây là giai đoạn khoa học trực tiếp giải thích phát triển xã hội qua các tiến bộ khoa học tự nhiên, với tham vọng giải thích toàn bộ đời sống thiên nhiên để lý giải toàn thể sự sống trong đó có nhân loại, tại đây khoa học đóng vai trò chủ đạo và rất tích cực để làm tiền đề cho mọi phát triển.

– Giai đoạn khoa học của nhân trí vì nhân loại, tại đây văn hào Zola, 1898 đã đưa ra một lập luận để thẩm định vai trò và chức năng của khoa học: nếu có một tôn giáo đáng tin cậy, tôn giáo đó phải là tôn giáo khoa học. Vì khoa học tháo gỡ được mọi thắc mắc, khoa học sẽ đưa nhân sinh trên con đường dài của kiến thức, và chính kiến thức khoa học sẽ tạo dựng được tổng thể kiến thức phục vụ cho đoàn kết xã hội. Chỉ có khoa học mới có đầy đủ luận điểm qua minh chứng để bảo vệ sự sống của từng người, cùng lúc đủ chỉnh lý để bảo quản các tiến bộ xã hội.

– Giai đoạn công nghiệp nặng của đệ nhất thế chiến (1914-18) cùng với sử dụng nguyên tử của đệ nhị thế chiến (1939-45), đây là một dấu ấn nặng trong ký ức của nhân loại, nơi mà khoa học qua các ứng dụng trong công nghiệp lúc thì đóng góp cho phát triển, lúc thì bị thao túng bởi các ý đồ phục vụ cho chiến tranh với sức tàn phá bất nhân của nó. Tại đây, chính các quốc gia dân chủ tiến bộ đại diện cho văn minh của nhân loại đã nhận định lại toàn diện vấn đề của hòa bình của thế giới, bằng cách tăng cường các liên minh dân chủ để bảo toàn phát triển trong hòa bình, với quyết tâm củng cố khối dân chủ âu châu làm rường cột chống lại mọi ý đồ thế chiến, với sự trợ lực hữu hiệu của Mỹ quốc.

– Giai đoạn tự động hóa với hùng lực của vi tính làm nền cho phát triển tự kinh tế tới xã hội trong cả hậu bán thế kỷ XX, đây là thời điểm mà các quốc gia thật sự dân chủ, với khả năng khoa học kỷ thuật đã tạo ra sức bật trong toàn bộ tổ chức kinh tế, thương mại cho tới văn hóa, xã hội… Trong quá trình này, Bắc Mỹ và Tây Âu là nơi tập trung các thể chế thật sự dân chủ, luôn lấy sáng kiến, luôn có sáng tạo, lập nên những kỷ lục mới, qua tự động hóa trong nhiều lảnh vực từ sản suất tới tiêu thụ, với sự trợ lực của vi tính làm thay đổi không những sinh hoạt xã hội mà cả quan hệ xã hội. Tại đây dân chủ đã mở cửa ra ít nhất ba chân trời mới: xã hội tiêu thụ theo nhu cầu, bảo an xã hội qua các chính sách an sinh, quyền lợi hưu trí tác động trực tiếp vào phát triển du lịch.

– Giai đoạn mạng xã hội của xã hội dân sự trong toàn cầu hóa nhân quyền, đây là quy luật thông minh của nhân bản dân chủ đang diễn biến trước mắt chúng ta, nơi đây khoa học truyền thông phục vụ trực tiếp cho mọi sinh hoạt dân chủ hóa tin tức, dử kiện, chứng từ… nơi mà sinh hoạt dân chủ đã tận dụng mạng xã hội truyền thông để khách quan hóa mọi thực tế xã hội, mọi thực trạng quần chúng. Xã hội dân sự có chổ đứng toàn diện trong sinh hoạt dân chủ, nơi mà các bộ máy tuyên truyền độc đảng dùng ngu dân để diệt nhân trí dần dần bị vô hiệu hóa, đây là một chỉ báo chủ chốt trong cuộc đấu tranh trực diện giữa độc tài và dân chủ đã đến hồi quyết liệt, nơi mà độc đảng dùng chuyên chính thể chế để chuyên chế qua luật pháp, với các luật an ninh mạng ; và chỉ có các thể chế phản dân chủ như Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam mới làm luật để kiềm chế mạng xã hội, tức là kiềm hảm để truy diệt xã hội dân sự.

Khi tổng kết các giai đoạn này, nơi mà khoa học đã khẳng định vai trò chủ chốt của nó trong phát triển vì tiến bộ cho nhân sinh, cho nhân loại, từ đây ta có thể nhận định được các lập luận để hiểu thêm về nhân bản của dân chủ:

– Các hệ thống dân chủ được xây dựng từ ba thế kỷ qua, luôn kết hợp ba phạm trù sinh hoạt của nhân sinh để cổ súy cho dân chủ: dân tộc, khoa học và tiến bộ.

– Các thể chế dân chủ được củng cố qua nhận định tự chủ qua sử tính của nhân sinh với ý nguyện luôn muốn làm hay hơn, đẹp hơn, tốt hơn, lành hơn nhưng gì đã xẩy ra trong quá khứ, có trong lịch sử. Tại đây, lịch sử là tiềm năng của nhân thế, sử tính là tiềm lực của sự thông minh có trong nhân trí.

– Các quốc gia thực sự dân chủ sau khi đã hình thành xong sân chơi-trò chơi-luật chơi của dân chủ bằng tam quyền phân lập qua định chế và cơ chế, họ đã biết đưa dân chủ vào các sinh hoạt xã hội, trong đó quần chúng đã dựa vào dân chủ để hình thành ra: xã hội dân sự để bảo vệ dân chủ.

– Các hệ thống dân chủ, các thể chế dân chủ, các quốc gia thực sự dân chủ luôn tăng cường sự thăng hoa của thông minh bằng cách biến các khám phá khoa học thành hiệu quả của kỷ thuật, của truyền thông, của kinh tế, của thương mại để phát triển công nghệ, công nghiệp… đóng vai trò rất cụ thể trong sản xuất và tiêu thụ làm nên những thay đổi tích cực cho nhân sinh.

– Các quốc gia thực sự dân chủ luôn bảo vệ các phong trào xã hội đấu tranh vì dân chủ, tức là vì nhân quyền, trong đó bình đẳng làm cơ sở cho các cuộc đấu tranh khác vì công bằng xã hôi. Tại đây, các phong trào này đại diện một cách sắc nhọn xã hội dân sự, không những đấu tranh trực diện chống bất công, tham nhũng, mà còn biết nghiên cứu, điều tra, điền dã để lập ra các cuộc thăm dò quần chúng làm cơ sở vững cho mọi cuộc trưng cầu dân ý, làm sức mạnh cho dân chủ trực tiếp, mà không có một chính quyền nào có thể thao túng, giật dây, vu cáo được.

– Các thể chế dân chủ xây dựng phát triển để có tiến bộ luôn kết hợp được khám phá của khoa học trên thiên nhiên và vũ trụ trong đó đường đi nẻo về của dân chủ có định hướng cho tương lai vì nhân quyền trong nhân phẩm, làm nên tri thức của nhân loại: nhân tri, môt chỉ báo trung tâm để định nghĩa thế nào là nhân bản dân chủ.

Cuộc đấu tranh trực diện giữa khoa họcthần quyền học, diễn biến trong thế mạnh của khoa học từ ba thế kỷ qua các khám phá của chính khoa học, nó mang bản lĩnh của lý trí đã thay thế cuống tín mê hoặc bằng sự thật nhân sinh có chứng minh, chuyện chính là khoa học đã làm được chuyện lấy cái lý (raison) để thay thế của lịnh (ordre) tới từ tín ngưỡng không có xác chứng. Khoa học mang tới tiến bộ, khoa học đi lên bằng chính uy tín của nó, các tín ngưỡng phản khoa học đi xuống vì tính thiếu thuyết phục, chỉ vì nó không có chỉnh lý trong xác chứng, không có toàn lý trong minh chứng.

Phát triển mở đường cho tiến bộ, đưa tới văn minh, trong đó nhân bản dân chủ luôn tìm cách hoàn thiện hóa nhân sinh trong quỹ đạo của nhân văn, được trợ lực bởi nhân lýnhân trí, trong đó dân chủ không hề quên đời sống tâm linh của quần chúng, các giá trị thiêng liêng của dân tộc, các niềm tin hiện tại biết dựa vào tiền đồ của tổ tiên. Phương trình tiến bộ-văn minh dựa vào phát triển, bó buộc các lãnh đạo liêm sỉ, các chính quyền liêm chính có được quyền lực qua dân chủ đa nguyên phải hiểu thế nào là phát triển. Nơi mà Stuart Mill lý giải: cái thường trực có trong cái liên tục của cuộc sống, và cả hai thường trựcliên tục đều nhận ra là nó có thêm một sức mạnh tích cực thứ ba là phát triển sẽ làm cầu nối cho mọi sức mạnh khác đang nghịch hướng nhau, đang bị phân ly, và phát triển sẽ là điểm hội tụ để nhân loại biết hẹn nhau trên con đường đi tìm hạnh phúc cho nhân sinh.

Nhân bản dân chủ khi được “trợ duyên” rồi trợ lực bởi ba hùng lực dân tộc-khoa học-tiến bộ sẽ tạo ra tính năng động đầy cường lực để bảo vệ nhân quyền trong tự do và công bằng, nó chính là niềm tin mới: niềm tin của mọi niềm tin!

_____

Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie*Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á* Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Các bài của giáo sư LÊ HỮU KHOÁ trên Tiếng Dân đã được ANTHRPOL-ASIE xuất bản và các bạn đọc có thể chuyển tải trực tiếp hai tác phẩm TRỰC LUẬN (l’argumentation directe), XÃ LUẬN (l’argumentation sociétale) http://bit.ly/2OMGXH9 qua Facebook VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).

Mời đọc lại các bài cùng tác giả: Thư gởi tuổi trẻ của Việt tộc  —  Thư gởi các đảng viên của ĐCSVN: Trả lại thẻ đảng để nhận lại nhân phẩm Việt!  —  Thư gởi các ủy viên Bộ Chính trị đảng CSVN: hằng số bạo quyền, hàm số vô dạng, ẩn số trình độ  —  Thư gởi các đại biểu Quốc hội: Cúi đầu bấm nút, rồi cúi đầu quỳ gối!  —  Thư gởi các Bộ trưởng của chính phủ: Chạy chức hay chạy dân? —  Thư gởi các nhà lãnh đạo tương lai của Việt tộc: Lãnh đạo nhận nhân lý, nhập nhân trí  —  Một xã hội bị tàu nạn hóa (Phần 1)  —  Một xã hội bị tàu nạn hóa (Phần 2)  — Một xã hội bị tàu nạn hóa (Phần 3)

Một xã hội bị âm binh hóa (Phần 1)  —  Một xã hội bị âm binh hóa (Phần 2)  —  Một xã hội bị khổ sai hóa (Phần 1) —  Một xã hội bị khổ sai hóa (Phần 2)  — Một xã hội bị ngu dân hóa (Phần 1)  — Một xã hội bị ngu dân hóa (Phần 2)  —  Một xã hội bị ngu dân hóa (Phần 3)  —  Một xã hội bị ngu dân hóa (Phần 4) —  Nhân lý dân chủ (Phần 1)  —  Nhân lý dân chủ (Phần 2) —  Nhân tri dân chủ (Phần 1)  —  Nhân tri dân chủ (Phần 2)Nhân tri dân chủ (Phần 3) —  Nhân trí dân chủ (Phần 1) —  Nhân trí dân chủ (Phần 2) — Nhân trí dân chủ (Phần 3)Nhân bản dân chủ (Phần 1)Nhân bản dân chủ (Phần 2)

Bình Luận từ Facebook