Nhân trí dân chủ (Phần 2)

GS Lê Hữu Khóa

11-11-2018

Tiếp theo Phần 1

Cá nhân đặc thù, tập thể đặc sắc, cộng đồng đặc điểm

Nhân trí dân chủ tiến bộ hằng ngày làm nên tiến hoá cho cả nhân loại, với cá nhâncông dân không hề thụ động, mà là những chủ thể dân chủ có sáng kiến để làm cho xã hội tốt hơn, dân tộc hay hơn, đất nước khá hơn. Chính sáng kiến của các chủ thể dân chủ khi thành hành động cụ thể, từ giáo dục qua văn hoá, từ khoa học qua kỹ thuật, từ thông tin qua truyền thông… đã thành sáng tạo, giúp tập thể, cộng đồng, dân tộc sáng lập ra các phong trào theo hướng hay, đẹp, tốt, lành để đưa xã hội về hướng phát triển, dân tộc về phía văn minh.

Chỉ có thể chế dân chủ mới làm công việc quang minh chính đại này qua hệ sáng (sáng kiến, sáng tạo, sáng lập), còn các thể chế độc tài qua độc đảng thì tìm mọi cách để truy diệt hệ sáng này ngay trong trứng nước, chỉ vì hệ sáng chính là vai vóc của sự thông minh của con người, biết thay đời đổi kiếp mình theo hướng thăng hoa ngay trong cuộc sống. Vì hệ sáng (sáng kiến sáng tạo, sáng lập) này là bản lĩnh của hệ minh (thông minh, thông thái, thông thạo) sẽ xoá đi tà tật của hệ độc (độc đảng, độc tài, độc quyền, độc trị) có trong hai hệ: hệ tham (tham quyền, tham lợi, tham quan, tham nhũng) và hệ bất (bất tài, bất trung, bất tín, bất trung).

Tại sao lại gọi hệ độc (độc đảng, độc tài, độc quyền, độc trị) tà tật? vì nó biến quyền lực thành quyền lợi, rồi biến quyền lợi thành tư lợi; và tật vì nó không tự đổi được mà phải thay chúng bằng nhân lý của nhân đạo, nhân tri của nhân từ, nhân trí của nhân bản.

Nhân trí dân chủ tiến bộ hằng ngày bảo vệ nhân tính giữa nhân sinh, khi thể chế dân chủ sử dụng chính pháp quyền của mình, xác nhận và xác chứng ba phạm trù mới của nhân trí:

Cá nhân đặc thù, nơi đây mọi công dân có quyền lợi và quyền hạn như nhau, nhưng trong mọi công dân còn có các cá nhân với đặc thù riêng, với khả năng riêng thường tìm cách thành tựu trong giáo dục, thành đạt trong nghệ nghiệp, thành công trong xã hội, một chế độ thật sự dân chủ thì phải bảo vệ thành quả của cá nhân này. Bảo vệ hệ thành (thành tựu, thành đạt, thành công, thành quả) là phải bảo vệ từ thù lao tới lợi tức, từ tiền của tới tài sản của cá nhân này bằng luật, cụ thể là phải đa dạng hoá hệ thống luật pháp hiện có, tại đây không chỉ có luật hình sự, mà phải có luật lao động, luật thương nghiệp, luật kinh tế, luật bảo vệ tài sản trí tuệ…

Tất cả các luật này luôn được hiện đại hoá để bảo vệ ba hệ của cá nhân đó: hệ sáng (sáng kiến sáng tạo, sáng lập); hệ minh (thông minh, thông thái, thông thạo); hệ thành (thành tựu, thành đạt, thành công, thành quả). Chính quá trình cá nhân hoá trong đặc thù là bản lĩnh đấu tranh vì tự do cá nhân, mà vẫn dựa trên công bằng xã hội của mọi công dân. Tại đây, nó không để “vàng thau lẫn lộn” giữa các cá nhân tích cực “thức khuya dậy sớm”, chấp nhận “một nắng hai sương”, chịu đựng “đầu sóng ngọn gió” phải “ăn cùng chiếu, ngồi cùng mâm” với đám tiêu cực “nhớt thây, dầy cốt”, chỉ biết “chờ sung rụng”, để được “ngồi mát ăn bát vàng”.

Loại thứ nhì này là ký sinh trùng của dân tộc, chúng ngày ngày ăn bám xã hội, chúng bòn rút tài nguyên của đất nước, đây là thảm kịch của Việt tộc hiện nay, với bọn tham quan “ăn trên, ngồi trốc”, chúng dựa vào chế độ độc đảng của chúng để làm chuyện “cướp ngày là quan”, chúng chính là bọn “sâu dân, mọc nước”, chúng cũng ngày đêm “mất ăn, mất ngủ” để tiêu diệt các phong trào dân chủ đấu tranh cho công bằng xã hội, cho tự do của đồng bào, vì chúng chỉ muốn tiếp tục “cởi đầu, cởi cổ” dân tộc!

Tập thể đặc sắc, được trưởng thành qua các phong trào đấu tranh chống bất công vì công bằng, có nội công của các nhận thức nhanh nhạy từ luật pháp tới kinh tế, từ giáo dục tới văn hoá, từ thông tin tới truyền thông… làm nên bản lĩnh của tập thể này trong sinh hoạt xã hội, trong hành động chính trị mà không cần phải qua đảng phái, và chỉ qua sáng kiến của xã hội dân sự. Tập thể đặc sắc biết vận động sự thông minh của thời đại để làm nên vai vóc đặc sắc cho tập thể của mình qua hội đoàn, qua tập hợp.

Các tập thể đặc sắc có mặt không những trong các sáng kiến về thiện nguyện mà có mặt luôn trong các cuộc ứng cử, bầu cử, tuyển cử, khi chính họ yêu cầu nhà nước pháp quyền phải kiểm tra các hành vi của chính khách, phải kiểm soát các phương án của chính giới, kiểm định các ý đồ của chính phủ. Họ đặc sắc qua cái khác với các chính đảng, họ không cần quyền lợi được ban bố bởi chính quyền, họ không màng tới bổng lộc đã có trong các đảng phái.

Vì bản chất hành động chính trị liêm chính của họ, vì một xã hội thượng tôn pháp luật, nên họ vô vụ lợi để thực hiện được những chuyện mà chính quyền chưa có ý thức đúng, chính giới chưa có nhận thức tốt, chính khách chưa có tâm thức lành. Các tập thể này, họ đặc sắc qua hệ lương (lương tâm, lương thiện, lương tri) của chính họ, và họ biết “vạch mặt chỉ tên” bọn đầu cơ chính trị “mượn đầu heo nấu cháo”, bọn đầu nậu chính thể “treo đầu dê, bán thịt chó”, bọn đầu sỏ chính giới “thừa gió bẻ măng”.

Cộng đồng đặc điểm hiện diện trong văn hoá địa phương, có sắc thái riêng với truyền thống riêng, có di sản riêng với sinh hoạt cộng đồng riêng, với tất cả đặc điểm của vùng miền của chính mình. Nơi mà di tích của tổ tiên có mặt trong các sinh hoạt văn hoá hiện tại, từ nghệ thuật tới lễ hội… với kinh nghiệm riêng, với cách diễn đạt riêng. Nơi mà quá khứ của tổ tiên khi đã thành ký ức của cộng đồng, thì không hề bị lỗi thời trong hiện tại, luôn được tái tạo qua hiện đại hoá các sinh hoạt cộng đồng, vì biết thích ứng với các hoàn cảnh mới, môi trường mới, thực trạng mới.

Cộng đồng đặc điểm này biết loại ra để xoá đi các hủ tục; cùng lúc biết giữ lại các sinh hoạt dân chủ của họ, tức là có ứng cử, có tuyển cử, có bầu cử ngay trong các đơn vị: thôn, làng, huyện, vùng… Họ còn đủ trí lực và tâm lực để thích ứng với các định chế dân chủ hiện đại nhất qua hệ hiệu (hiệu năng, hiệu quả, hiệu suất) trong các sinh hoạt cụ thể vì quyền lợi của cộng đồng. Họ biết phát huy các sáng kiến hay, đẹp, tốt, lành để phát huy cộng đồng của họ, qua các sáng kiến các chương trình mới về bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch… bằng các sinh hoạt thật sự dân chủ. Chính các cộng đồng đặc điểm này đóng góp rất tích cực cho quá trình toàn cầu hoá hiện nay, vì họ đã làm sáng ra một chân lý: mọi chuyện toàn cầu đều có gốc rễ từ địa phương (tout global est local).

Từ lỗi tới tội, ĐCSVN với ý đồ toàn quyền để toàn trị, nhưng lại “hèn với giặc, ác với dân” đã truy diệt hệ đặc (đặc thù, đặc sắc, đặc điểm) làm nên đặc tính của văn hoá Việt, với nhân phẩm Việt sẵn có trong bản sắc Việt, làm nên cá tính của dân tộc Việt. Chính cá biệt Việt làm nên cá thể Việt, tạo ra cá tính Việt biết kiên cường để bảo vệ đất nước, biết quật khởi để bảo vệ tiền đồ của tổ tiên, biết “lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn” (Nguyễn Trãi). Chính bản lĩnh dân tộc đậm sắc này đang bị chế độ ngu dân, độc đảng cai trị dân tộc bằng công an trị, nơi mà Việt tộc đang trong ở thế ao tù bằng cái đớn hèn của ĐCSVN trước hiểm hoạ Tầu tặc hiện nay!

Hợp thể pháp quyền vì tổng thể tự do

Nhân trí dân chủ tới từ nhận thức về công bằng, ý thức về tự do, và cũng tới từ các thử thách để nên sự hội tụ giữa sức mạnh của một dân tộc, một cộng đồng, một tập thể biết tự chủ hoá để tự định vị cho mình, để trả lời các câu hỏi các giá trị của nhân cách: mình muốn sống nhân sinh nào trong hiện tại? Mình muốn có nhân phẩm gì cho tương lai? Mình muốn bảo vệ nhân đạo nào cho tổ tiên? Mình muốn trao truyền nhân bản nào con cháu?

Từ đây, nhân trí dân chủ phải rời mê tín, dị đoan, hoang tưởng để đi vào một con đường tự lập của nhân tri, tự chủ của nhân trí, không gạt bỏ thượng đế, tôn giáo, nhưng cũng không còn tin vào hai thượng thể này một cách vô điều kiện, nếu hai ẩn số này không trả lời rành mạch về hằng số tự do, công bằng, bác ái phải có trong nhân lý làm nên sức mạnh đấu tranh vì dân chủ. Không những nhân trí dân chủ không hề dựa vào mê tín, dị đoan, hoang tưởng, mà cũng không còn tin một cách vô điều kiện vào thượng đế, tôn giáo, nếu nhân loại không được khai phóng bởi hai ẩn số này. Từ đây nhân trí dân chủ phải sáng mắt để trực diện với bạo quyền, thường xuyên lạm dụng tà quyền để triệt tự do, diệt công bằng, hủy bác ái.

Tà quyền biết rất rõ là ngay trên thượng nguồn, nhân trí dân chủ mang chính nghĩa của dân tộc, mang ý nghĩa vì đất nước, vì nó muốn đứng trọn nghĩa để cùng phía với đồng bào. Trong lịch sử nhân loại, các phong trào dân chủ thường xuyên bị đàn áp, bị tù ngục, có khi bị thảm sát, nhưng cũng có nhiều chuyện vừa lạ, vừa đẹp trong hiệu quả đấu tranh vì dân chủ. Cụ thể là các quốc gia có chính quyền độc tài, và có nơi các lực lượng quân đội và công an đã bỏ súng để đứng về phía dân (tức là đứng về phía dân chủ), bất chấp mệnh lệnh của cường quyền, họ cùng dân tộc đứng lên lật đổ độc tài, độc trị, độc tôn, độc đảng… Đó là câu chuyện của cuối thế kỷ qua tại Đông Âu qua nửa thế kỷ độc đảng công an trị với tên gọi là chủ nghĩa xã hội với chuyên chính vô sản; đó cũng là chuyện của vài quốc gia Trung Đông, Bắc Phi đầu thế kỷ này biết trỗi dậy để dẹp độc tài trong chớp nhoáng, cùng lúc tránh được “máu đổ, đầu rơi”.

Nhân trí dân chủ dùng chính nghĩa, ý nghĩa, trọn nghĩa để làm nên nhân nghĩa trong một hợp thể có pháp quyền; và pháp quyền này phải có đủ tâm và đủ tầm để bảo vệ một tổng thể của các tự do khác nhau, nhưng biết cùng nhau tập hợp qua những lợi ích vì dân tộc, qua những công ích vì đất nước, tất cả làm nên hiệu quả của một hợp thể biết sống chung, biết làm việc chung để cùng nhau giữ gìn các đạo lý hay, đẹp, tốt, lành của nhân tính.

Từ đây quan hệ xã hội, đời sống xã hội, sinh hoạt xã hội không còn nằm trong tay một đấng thiêng liêng nào mà ta không thấy mặt, các đấng này lại thường xuyên không có mặt trước các bất công của kiếp người, trước các hành động bất lương của bạo quyền trong xã hội. Nhân trí dân chủ không chối từ tôn giáo, nhưng nó đặt tôn giáo vào phạm trù của niềm tin và bảo vệ niềm tin đó không những qua tự do tôn giáo, mà qua cả công bằng giữa người theo tôn giáo và kẻ không theo tôn giáo, tức là người tin và kẻ không tin đều được công bằng qua luật pháp, qua tín ngưỡng và không qua tín ngưỡng. Vì thể chế dân chủ không chấp nhận niềm tin biến thành cực đoan trong hành động, thành quá khích trong phong trào, cụ thể là nó không để đánh mất cái sáng suốt của nhân lý, cái tỉnh táo của nhân tri, cả hai làm nên cái thông thái của nhân trí dân chủ.

Hợp thể pháp quyền vì tổng thể tự do mang theo năng lực của một thống hợp luôn ở thế mở vì tự do, luôn có thế rộng vì công bằng, tại đây nhân trí dân chủ phải biết kết nối ba lĩnh vực trong tiến trình dân chủ của một dân tộc:

– Định hướng lịch sử của một dân tộc, nơi mà hiện tại phải chuẩn bị cho một tương lai khá hơn là trong quá khứ.

– Thể chế pháp quyền dân chủ phải bảo vệ chương trình của hành pháp, bằng đạo lý của lập pháp, qua độc lập của tư pháp.

– Cá nhân công luật, nơi mà tự do của một công dân phải được bảo vệ cùng với quyền lợi tối thượng của công dân đó, kể cả tư lợi của cá nhân cũng được công pháp bảo vệ như bảo vệ một công lý.

Nhân trí dân chủ liên kết ba lĩnh vực này bằng khả năng biết dung hoà để tạo ra hài hoà trong hiệu năng của một chính quyền hiểu quản lý-biết quản lý-và muốn quản lý mọi giai đoạn của một nhiệm kỳ dân chủ, trong một thể chế dân chủ. Cụ thể là có khó khăn trong quản lý xã hội, có trở lực ngay trong quần chúng, nhưng tựu chung là quản lý được, vì nhờ dân chúng hiểu dân chủ-biết dân chủ và muốn có dân chủ. Tại đây, dân chủ làm được một chuyện mà các chế độ độc tài không làm được: dân chủ là một thể chế của một tổng thể biết tổng hợp các chính khách, các chính giới biết làm chính trị, có cùng một công quyền vì biết tôn trọng công lý; từ đó dân chủ tạo ra được các định chế xã hội từ phong trào tới hội đoàn, có lực và có tầm trong các sinh hoạt tự do trong xã hội, để tạo ra sức mạnh của dân chủ.

Xin đừng xem nhân trí dân chủ qua thể chế dân chủ, mà phải thấy được nội chất của nhân trí này quá ý nguyện giờ đã thành ý lực, luôn biết đi tìm các phương án để tạo ra các phương tiện xã hội mới để bảo vệ vừa tự do cho cá thể, vừa công bằng trong tập thể. Chính phương trình tự do cá thể-công bằng tập thể được bảo vệ bởi pháp quyền, nơi mà công pháp được sinh ra từ công lý, để làm rường cột cho chủ quyền một dân tộc, biết bảo vệ nguyên khí của quốc gia qua các thế hệ, để duy trì giống nòi trong nhân phẩm, sống có nhân cách với các giá trị của tự do-công bằng-bác ái.

Khi có nhận thức về ý nguyệný lực của nhân trí dân chủ, con người thấy rõ là nhân loại phải vượt thoát độc tài, có khi phải dẫm lên chúng để vượt thắng chúng, dù với cái giá rất đắt của tù ngục, tra tấn, khủng bố, thảm sát, với “thịt rơi, xương rụng”. Nhưng cũng chính nhân trí dân chủ biết thể hiện cái chỉnh lý của nhân lý, cái toàn lý của nhân tri, để làm ra cái định lý của nhân trí là: chỉ có dân chủ mới công bằng, chỉ có dân chủ mới có tự do, và nhất là chỉ có dân chủ mới làm vơi bớt nỗi khổ, niềm đau của nhân sinh, luôn bị chà đạp bởi bất công của cường quyền, bởi bất tài của độc quyền.

Khi dân chủ biết dụng: chỉnh lý của nhân lý, toàn lý của nhân tri, để làm ra định lý của nhân trí, thì nó đã có sức thuyết phục cao, sức cảm hoá mạnh, sức diễn luận sâu, cho nên những kẻ có tâm, những người có lòng không vu cáo nó, vu khống nó. Còn bọn bất tài độc trị và bọn bất tín độc tôn thì “nói xấu” dân chủ qua tuyên truyền mà không dám tranh luận với dân chủ, chỉ dám “nói liều” về dân chủ qua nhồi sọ mà không dám trực diện để giải luận trước nhân trí dân chủ.

Và khi bọn này phải tranh luận để trao luận qua hệ luận (lý luận, lập luận, giải luận, diễn luận) một cách liêm chính, thì chúng dùng mọi tà thuật của xảo ngôn, mọi ma thuật của xảo quyền, với hành vi của âm binh trong bóng tối. Nên chúng thường xuyên vắng mặt trong các hội thảo, hội nghị, hội luận về dân chủ trên chính trường quốc tế; vì chúng mà xuất hiện thì chúng sẽ bị các học giả lột mặt nạ tà quyền của chúng, các chuyên gia tuột trần bạo quyền của chúng, vì họ biết phân tích cặn kẽ và giải thích đầy đủ ý đồ tham quyền để tham nhũng của chúng.

Đây là nỗi nhục của ĐCSVN từ khi thành lập 1930 cho tới nay: không dám đối thoại với trí thức đại diện cho nhân trí dân chủ, không dám đối luận với các chuyên gia về nhân tri dân chủ, và không dám đối mặt với thế giới văn minh, tiến bộ nhờ có dân chủ trong những vận hội lớn của nhân loại. Trong mọi cái nhục của tà quyền luôn luôn có cái ác của nó đối với dân tộc, cái độc với tổ tiên, cái tồi với đất nước, và nhất là cái hèn với thời đại văn minh mà nó đang chui rút và ẩn nấp.

_____

Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie*Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á* Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Các bài của giáo sư LÊ HỮU KHOÁ trên BÁO TIẾNG DÂN đã được ANTHRPOL-ASIE xuất bản và các bạn đọc có thể chuyển tải trực tiếp qua TRỰC LUẬN (l’argumentation directe), XÃ LUẬN (l’argumentation sociétale) http://bit.ly/2OMGXH9 trong VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).

Mời đọc lại các bài cùng tác giả: Thư gởi tuổi trẻ của Việt tộc  —  Thư gởi các đảng viên của ĐCSVN: Trả lại thẻ đảng để nhận lại nhân phẩm Việt!  —  Thư gởi các ủy viên Bộ Chính trị đảng CSVN  —  Thư gởi các đại biểu Quốc hội: Cúi đầu bấm nút, rồi cúi đầu quỳ gối!  —  Thư gởi các Bộ trưởng của chính phủ: Chạy chức hay chạy dân? —  Thư gởi các nhà lãnh đạo tương lai của Việt tộc: Lãnh đạo nhận nhân lý, nhập nhân trí  —  Một xã hội bị tàu nạn hóa (Phần 1)  —  Một xã hội bị tàu nạn hóa (Phần 2)  — Một xã hội bị tàu nạn hóa (Phần 3) —  Một xã hội bị âm binh hóa (Phần 1)  —  Một xã hội bị âm binh hóa (Phần 2)  —  Một xã hội bị khổ sai hóa (Phần 1) —  Một xã hội bị khổ sai hóa (Phần 2)  — Một xã hội bị ngu dân hóa (Phần 1)  — Một xã hội bị ngu dân hóa (Phần 2)  —  Một xã hội bị ngu dân hóa (Phần 3)  —  Một xã hội bị ngu dân hóa (Phần 4) —  Nhân lý dân chủ (Phần 1)  —  Nhân lý dân chủ (Phần 2) —  Nhân tri dân chủ (phần 1)  —  Nhân tri dân chủ (phần 2)Nhân tri dân chủ (phần 3) —  Nhân trí dân chủ (Phần 1)

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây