Những chuyện chưa quên (phần 9)

Hồ Phú Bông

Phần 9: Chẩn

Ảnh: Khóc Bạn. Nguồn: ykhoahuehaingoai.com

Tiếp theo phần 1, phần 2, phần 3, phần 4, phần 5, phần 6, phần 7 phần 8

Tháng ba bà già chết rét. Còn tháng hai thì sao? Ca dao tục ngữ không nói đến nhưng tù trại Khe Tối đã nếm trải.  

Từng dãy lán làm bằng dang, nứa, màu nâu xám, xỉn lại, như co ro tê cứng trong cái lạnh tháng Hai. Sờ đâu cũng thấy lạnh. Đụng đâu cũng thấy lạnh. Bao nhiêu áo quần phải mặc hết lên người cũng không đủ ấm. Chỉ một số ít có áo len hoặc áo mặc ấm, còn đa số giống như những cái giá móc áo quần di động. Những cái khăn cũ, áo lót, thì dùng để trùm đầu. Da tím bầm và mốc thếch. Nước mắt, nước mũi chảy thành dòng không ngưng. Hai má tóp lại, răng nhô ra, đôi mắt trũng sâu hoắm. Tối tăm và đờ đẫn.  

Toàn trại là những hình nộm halloween sống động. Vô cùng sống động! Ban đêm không thể ngủ, nhưng bụng thì đói, cồn cào xay xát. Trong lúc nầy thì “giá cả” một vài bi thuốc lào vô cùng cao. Có người nghiện, phải hy sinh gô coóng, hoặc nhín lại thức ăn để đổi thuốc. Càng đói, con người càng đâm liều với cơn đói  Vì đàng nào cũng đói rồi nên chạy tìm chút lãng quên khác trong hơi thuốc khi ngồi bên đống lửa  Dù lệnh của trại cấm tù đốt lửa, chỉ trừ hai ngọn đèn treo ở hai đầu lán, nhưng không còn cách nào khác để chống lạnh, chống đêm dài, chống đau nhức vì da các kẻ tay, kẻ chân đều bị nứt nẻ, chỉ còn có lửa!  

Đêm tăm tối, rừng núi thâm u với những âm thanh bí hiểm, năm bảy người ngồi co cụm vây quanh từng đống lửa hồng. Tiếng than nổ tí tách, thỉnh thoảng bắn ra những đóm đỏ cháy vèo như những ánh ma trơi. Quay mặt vào đống lửa thì lưng lạnh, quay lưng vào đống lửa thì mặt lạnh, nên tù phải xoay qua trở lại, nhưng làm cách nào thì đôi cánh tay áo cũng ướt vì phải quẹt nước mũi đang chảy liên tục mà bàn tay không còn khả năng để lau chùi. Mười ngón tay tê cứng không còn cảm giác cứ đưa sát gần lửa cho đến khi cảm thấy nóng, giựt bắn người trở lại, thì đã có mùi khét của thịt cháy và bỏng.

Toàn trại như một đạo âm binh, đêm đêm xuất hiện giữa rừng hoang với ánh lửa bập bùng, ma quái.

Đói và lạnh. Cái lạnh làm thêm đói và cái đói làm thêm lạnh. Đói lạnh đi liền với nhau, khắng khít với nhau. Đôi uyên ương nầy là nỗi kinh hoàng của tù. Đói lạnh đã làm tê điếng hình hài. Đói lạnh đã làm rã rời trí óc. Đói lạnh đã làm con người mụ mị. Khù khờ. Ngu ngơ. Đôi mắt không còn thần sắc. Mờ và đục. Bước chân xiêu vẹo. Cái lạnh trong văn chương, với mền bông, áo bông. Cái lạnh đẹp. Cái lạnh nên thơ. Cái lạnh để đứng nhìn hoa đào năm trước còn cười gió đông là cái lạnh đài các, cao sang. Nhưng cái lạnh của tù đói, xương xẩu, da nứt nẻ, mốc thếch, áo quần không đủ mặc, là cái lạnh bị hành hạ thời nô lệ thời Trung cổ. Người nô lệ, dù sinh mạng nằm trong tay chủ, nhưng chủ bỏ tiền ra mua về để làm việc thì cũng phải cho cái ăn, cái mặc. Nhưng với tù đói thời đại Xã hội Chủ nghĩa thì khác. Họ không tốn tiền để mua nên không cần cho ăn, không cần cho mặc và phải lao động khổ sai cho đến chết. Còn sống, còn khổ sai. Chết đi thì tù khác lấy chăn chiếu của tù chết quấn lại, khiêng ra bìa rừng ngoài trại, đào huyệt chôn là xong.

Chẩn đói. Chẩn lao động quanh khu nhà bếp của khung. Chẩn vừa làm, vừa theo dõi. Bột mì nhồi nước, đập lại thành bánh và luộc. Những cái bánh luộc có màu trắng đục, đang bốc khói làm Chẩn thèm thuồng. Cứ tưởng tượng nhai được miếng bánh, vừa dai vừa bùi! Chỉ cục bột làm thành bánh, đơn giản như vậy thôi cũng đã thấy ngon tuyệt vời. Còn nước luộc bánh hơi sánh lại, bỏ thêm tí muối vào làm cháo… Chẩn biết nơi nào ông bộ đội anh nuôi cất giữ bánh để sáng mai phát cho các ông cai tù.

Buổi chiều sau xuất sắn ăn tối, Chẩn đi dạo ngoài sân. Chẩn đếm từng cây trụ hàng rào. Ghi dấu trong đầu nơi nào hàng rào có khe hở, có thể chui lọt qua được. Đêm không trăng sao như đêm nay sẽ thuận tiện cho việc chui rào, mò đến khu nhà bếp bộ chỉ huy. Ông chín ngón và bộ chỉ huy biết núi rừng ở đây tù không thể trốn thoát, nên hai lớp hàng rào nứa là ngăn trở khó vượt qua đối với tù thường, nhưng không khó lắm đối với tù quyết tâm trốn trại. Tù cũng biết như vậy. Chẩn có kế hoạch trong đầu và quyết thực hiện một mình. Vào khuya, trời tối đen như mực nhưng Chẩn đã định hướng nên tìm được chỗ bò ra khỏi trại. Men theo hàng rào một đoạn, rồi rẽ xuống con mương và bò vào hàng rào nhà bếp khung. Đêm thật yên. Chỉ có tiếng côn trùng và nhịp tim đập của Chẩn. Hai cánh cửa tre được cái khóa dây loại khóa xe đạp khóa lại. Chẩn kéo cánh cửa ra và nhờ cái nền nhà cao hơn bên ngoài tạo một cái khe hở vừa đủ để Chẩn nằm chui vào. Chẩn mò mẫm thật cẩn thận. Đây rồi cái chảo lớn đựng thức ăn, vì không có tủ. Chẩn phân vân, nên lấy bao nhiêu cái. Lấy nhiều thì chỉ một lần vì bị lộ, không thể tiếp tục lần khác. Đặt kế hoạch lâu dài, Chẩn quyết định chỉ lấy năm cái. Với số lượng ít như vậy thì hy vọng ông bộ đội anh nuôi không phát hiện, vì ít ra khi làm bánh mấy ông anh nuôi cũng phải làm dư ra một số để phòng hờ. Chẩn ôm mớ bánh bò trở vô trại an toàn. Chẩn kín đáo chia cho bọn Nghiêm ba cái, dặn phải tuyệt đối bí mật và ăn tất cả trong đêm, không để lại dấu vết.

Hai đêm sau Chẩn quyết định thực hiện chuyến thứ hai vì sợ mùa trăng non lại đến. Theo lộ trình cũ, Chẩn vào trong nhà bếp khung không khó. Lần nầy không phải là bánh mà là một chảo cơm còn ấm. Phải khó khăn Chẩn mới xới cơm sang cái túi nylon được. Chẩn đậy nắp soong lại như cũ và mò trở ra cửa. Hai cánh cửa được đẩy ra và đôi chân Chẩn chui ra trước. Chẩn nằm ngửa, để bọc cơm trên bụng oằn người chui ra. Nửa thân người Chẩn vừa lọt được ra khỏi cửa thì ánh đèn pin chói sáng. Một chiếc dép râu đạp đè mạnh lên bụng Chẩn. Chẩn như ngộp thở. Kinh hoàng. Tiếng một ông bộ đội vang lên:

– Đéo mẹ, chúng không nói thẳng với ông nhưng tớ biết chúng nghi ông ăn vụng bánh. Bây giờ thì đã rõ rồi.  

Ông gằn giọng:

– Con tới số rồi con ạ.

Chẩn kẹt giữa cửa, không thể nào tránh được những cú đá, những cú đạp trên nửa thân người phía dưới, chỉ cố xoay người nằm sấp xuống để chống đỡ trận đòn thù. Rồi lịm đi.

Chẩn tỉnh dậy khi thấy mấy ánh đèn pin chiếu thẳng vào mặt. Nhắm mắt lại trong giây lát, Chẩn biết tay chân mình đã bị trói chặt. Hơi đất ướt đập vào mũi. Miệng môi Chẩn đầy bùn đất và có vị mặn của máu. Chẩn không thể cựa quậy. Chẩn biết mình đã kiệt sức nhanh chóng.

– Nó tỉnh rồi, phải hỏi cho ra thôi.

Tiếng một ông bộ đội nào đó thật mơ hồ, dội đến.

Chẩn được kéo ngồi dậy, có thể họ đã dội nước cho Chẩn tỉnh dậy. Tiếng một ông bộ đội khác:

– Ai là đồng bọn ăn trộm với mày?

Quai hàm Chẩn cứng lại. Đầu óc tê dại. Chẩn không thể trả lời. Mấy ông bộ đội đổ về mỗi lúc một đông hơn. Một vòng người đằng đằng sát khí vây quanh Chẩn. Chẩn là con mồi cùng đường, đầy thương tích, đang giãy giụa giữa một bầy chó săn. Những móng vuốt, những răng chỉa nhọn đang diệu võ dương oai, sẵn sàng nuốt sống.

Chẩn lại ngất đi dưới những ngọn đòn thù.  

Không biết bao lâu Chẩn mới tỉnh lại. Chẩn ngạc nhiên trước khả năng chịu đựng của cơ thể mình. Cha mẹ sinh ra, nuôi nấng, dưỡng dục, chỉ mong cho cơ thể con khỏe mạnh, nhưng trong lúc nầy tỉnh dậy càng sớm càng chịu thêm những ngọn đòn thù. Phải chi được hôn mê. Hôn mê và chẳng bao giờ tỉnh lại!

Con người khi đối diện với cái chết thường nghĩ tới gia đình. Chẩn cũng thế. Cái đầu tiên, Chẩn nghĩ đến mẹ. Mẹ đã một nắng ba sương, chứ không phải một nắng hai sương  như ca dao, tục ngữ, đã mô tả về sự vất vả của một đời người bất hạnh. Mẹ Chẩn cũng như hàng trăm bà mẹ quê, tần tảo, nghèo nàn, tại miền Trung, cố nuôi con khôn lớn. Mẹ đã ra đồng từ tinh mơ, lúc sương sớm chưa kịp bủa vây. Những ruộng lúa, những vườn rau, công việc tất bật mẹ một mình gánh chịu. Bầy con mẹ, những bốn đứa đều còn thơ dại. Chồng bị giết chết trong một đêm hãi hùng năm 1965, khi mấy ổng tràn về! Từ đó mẹ yên lặng. Câm nín. Mẹ nhẫn nhục. Dạy con đèn sách, thiếp làm phụ thân! Sương chiền tản mạn, khói lam chiều cô đơn, u uất, mẹ cũng miệt mài với công việc. Gắng chút nữa. Gắng thêm chút nữa trời đang mát dễ làm! Cứ như thế, mẹ tự nhủ. Và ngày tháng trôi đi. Khi sương đêm buông xuống, mẹ đành ngưng việc để trở về nhà. Lúc đó mẹ lại chăm sóc cho từng đứa con. Cho Chẩn.

Chẩn nhận ra quang cảnh chung quanh đã khác. Ông chín ngón nét mặt lạnh lùng, đang nhìn Chẩn và hai ba ông bộ đội nữa. Họ đang quan sát Chẩn. Ông chín ngón sai mở dây trói chân cho Chẩn và đưa Chẩn đến văn phòng làm việc. Chẩn khập khểnh từng bước.

Ông chín ngón và ông quản giáo Hương ngồi làm việc với mấy tờ giấy để trên bàn và cây đèn dầu có cái thông phong thật lớn. Chẩn được chỉ định ngồi trên ghế để dựa vào vách. Hai ông vệ binh đứng hai bên cửa ra vào.

Ông chín ngón đặt vấn đề:

– Anh thấy đấy, nếu không có sự hiện diện của chúng tôi kịp lúc thì anh đã chết rồi. Anh chết vì tội trạng anh đã rõ nhưng đó không phải là mục đích của cách mạng. Cách mạng bao giờ cũng khoan hồng và tha thứ, tạo điều kiện tốt để các anh làm lại cuộc đời. Bây giờ anh thật thà khai báo vẫn còn kịp. Có những ai trong toán của anh đã âm mưu đầu độc chúng tôi?

Chẩn bất ngờ trước câu hỏi. Chẩn nghĩ, có thể sau mấy lần ngất đi tỉnh lại nên nghe và hiểu không đúng với ý nghĩa câu hỏi của ông chín ngón. Chẩn yên lặng và vẫn gục đầu xuống. Ông chín ngón ôn tồn lặp lại câu hỏi. Thật kiên nhẫn. Lúc nầy Chẩn cố gắng ngẩng đầu lên. Thều thào:

– Tôi đói. Tôi ăn cắp thức ăn. Chỉ có vậy. Tôi hoàn toàn không biết gì về việc đầu độc cả!

Chẩn gục đầu trở xuống.

Ông chín ngón chậm rãi tiếp:

– Tôi biết rõ âm mưu đầu độc chúng tôi của các anh, nhưng các anh chưa kịp thực hiện thì bị phát giác. Cho nên các anh giả vờ đánh lạc hướng bằng cách ăn cắp thực phẩm, chứ chút thực phẩm có đáng gì để trị tội anh?

Rồi ông tiếp:

– Các anh có một âm mưu lớn là đầu độc toàn thể cán bộ, cướp vũ khí và trốn trại. Anh ăn năn, hối cải, nhận tội vẫn còn kịp.

Chẩn biết đây là đòn độc. Ông chín ngón dùng ngón đòn nầy để giết Chẩn và chạy tội cho chính ông. Vì ông đã làm ngơ để bộ đội hành hạ Chẩn đến thân tàn, ma dại. Trung đoàn có đọc bản báo cáo thì chắc chắn khen ông chín ngón đã kềm hãm được nóng giận, không rút súng bắn vào Chẩn trước tội lỗi tày trời của Chẩn. Ông chín ngón sẽ được khen. Vừa mẫn cán trong công tác, vừa chấp hành chính sách Đảng!  

Ông quản giáo Hương đọc biên bản và bảo Chẩn ký vào. Chẩn không ký và lặp lại:

– Tôi chỉ ăn cắp vì đói. Chỉ có thế thôi.

Yên lặng kéo dài. Sau cùng ông chín ngón bảo ông quản giáo Hương viết thêm dòng cuối đối tượng vẫn ngoan cố không chấp nhận tội trạng dù đã được giải thích rõ ràng về sự khoan hồng của đường lối chính sách! Sau đó ông chín ngón nói lời cuối với Chẩn:

– Anh đừng lợi dụng tính nhân đạo của cách mạng mà ngoan cố. Không phải cách mạng không có biện pháp đâu.

Ông chín ngón đẩy ghế đứng lên. Ông ném một cái nhìn cho ông quản giáo Hương, rồi bước ra ngoài.

Đêm lạnh. Trời tối đen. Ông chín ngón châm điếu thuốc và rít một hơi dài. Ông vẫn nhớ tiếc ổ trứng gà của ông nhưng cơn giận của ông ít ra cũng giảm đi nhiều.

Đêm tăm tối, u uất. Bên trong căn phòng với ánh đèn mờ nhạt, vang lên từng tiếng thình thịch. Liên tiếp. Nhưng không nghe một tiếng người.

Buổi sáng ông quản giáo ra lệnh cho Nghiêm và Lân thu góp đồ cá nhân của Chẩn, đi theo ông đem ra cổng, vì Chẩn thuộc toán Nghiêm.

Nghiêm và Lân làm một cái cáng để khiêng Chẩn lên trung đoàn. Khi bước vào căn phòng, thấy Chẩn như một con vật đã chết, nhưng tay chân vẫn còn bị trói chặt. Nghiêm gọi:

– Chẩn…

– …..

– Chẩn.  Nghiêm và Lân đây. Tụi tao sẽ khiêng mầy lên trung đoàn.

Như một đứa con liệt giường chợt nghe tiếng mẹ. Khuôn mặt dị dạng của Chẩn bắt đầu cử động. Mắt trái sưng húp. Tím bầm, không thấy được bên trong. Mắt phải đỏ màu máu. Môi trên sưng cao làm cái miệng bị méo đi. Từng mảng máu khô trên cằm. Trên râu.  Vung vải trên áo. Cái quần ướt sũng và bốc mùi.

Nghiêm xin phép ông cán bộ để thay cho Chẩn cái quần khác. Ông cán bộ bỏ ra ngoài. Phải khó khăn và nhẹ tay Lân và Nghiêm mới làm được.

– Mày có nhắn gì lại cho gia đình thì suy nghĩ kỹ đi. Dọc đường đi đến trung đoàn mày cho tụi tao biết. Đây là bổn phận của những đứa còn sống sót trở về.

Dẫu đói lạnh, dẫu ốm đau, nhưng hàng ngày sáng sáng, chiều chiều cũng bị gậy ra vào cổng trại lao động với nhau. Sự thân quen trên từng lối đi về giờ đây sẽ là kỷ niệm. Ba chiếc bánh Chẩn trao cho bọn Nghiêm là sự tiếp máu cho nhau. Nhưng cái giá Chẩn phải trả một mình là mạng sống. Tình chiến hữu. Tình anh em. Tình tù. Bao nhiêu thứ tình xoáy quyện vào nhau, ràng buộc lấy nhau. Một con ngựa đau, cả tàu chê cỏ! Giờ một con đã ngã ngựa, nếu tìm được chút cỏ biết chia sớt cùng ai? Những mẩu chuyện trong ngày tháng tù chung lại hiện về. Chẩn còn độc thân vì bận chuyện hành quân khắp các vùng chiến thuật nên chưa kịp lấy vợ cho mẹ có cháu bồng, dù đó là ước ao của mẹ. Mẹ như cục than hồng luôn luôn làm ấm lòng và thêm nghị lực cho Chẩn trong những lúc khó khăn, cùng khốn.

Nghiêm khiêng phía sau nên nhìn Chẩn đầy xúc động. Mái tóc đen, tuổi chưa tới ba mươi của Chẩn, qua một đêm chịu đựng tra hỏi, hành hạ, không bạc trắng như mái tóc của Ngũ Viên sau một đêm tìm kế thoát thân, nhưng cũng trở thành mái tóc bạc. Bánh xe thời gian chợt quay cuồng vội trong một đêm đen trước tuổi thanh niên của Chẩn.

Đến trung đoàn, khi chia tay Chẩn mới khò khè:

– Đừng kể chuyện này cho mẹ tao, vì sợ mẹ không chịu đựng nổi. Chỉ nói với mẹ là tao luôn luôn nghĩ đến mẹ. Mẹ là điểm tựa của tao trong giờ nguy khốn. Là hơi thở. Là từng nhịp tim của tao.

Chẩn ngưng lại giây lát. Rồi tiếp:

– Vĩnh biệt.

Khuôn mặt chai sạn và lì lợm của Lân chợt run lên:

– ĐM. Giá như tao khóc được!

_____

[1] Đào hoa y cựu tiếu đông phong, thơ Thôi Hiệu, Tản Đà dịch.

[2] Chinh Phụ Ngâm.

[3] Ngũ Tử Tư, một nhân vật trong Đông Châu Liệt Quốc.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây