Những chuyện chưa quên (phần 4)

Hồ Phú Bông

Phần 4: Mơ miền Nam

Ảnh: Măng vầu ở Bắc Kạn. Nguồn: tuhaoviet.vn

Tiếp theo phần 1; phần 2phần 3

Ai ơi đừng lấy thợ cưa

Trên tàng dưới mạt dái đưa lòng thòng.

Sự khổ cực của người thợ cưa gỗ ngày xưa đã đi vào ca dao, bây giờ đám tù đói đang phải thực hiện. Đội mộc chọn 7 người vào toán cưa xẻ. Là những tù trẻ, thuộc loại to con, sức khỏe còn tương đối khá hơn hết. Nhóm được ăn theo tiêu chuẩn đặc biệt, 18 cân. Việc làm tự giác và có nhiều cơ hội cải thiện. Toán gồm Đương cốm, Dân lùn, Trí, Phước dù, Phương râu, Nghi và Tòng cháy. Đương cốm phụ trách toán.

Ông chín ngón đã lùng sục khắp trong rừng. Nơi nào có cây to, gỗ tốt, ông đều kiểm tra, chọn địa điểm và lên kế hoạch. Kiểm lâm sức mấy mà vào đến đây được. Toán cưa xẻ sẽ làm việc trực tiếp với ông, vì đây là kinh tế của riêng ông, của cấp chỉ huy ông. Hai lưỡi cưa cá mập là linh hồn của ông. Nhờ nó ông sẽ có những miếng gỗ rộng bản, dày mỏng tùy ông muốn. Ông sẽ bắt toán mộc đóng cái tủ, cái bàn, cái ghế. Căn nhà ước mơ cả đời người của ông sẽ có. Xóm giềng sẽ vị nể ông và ít nữa, khi ông về lại gia đình, vợ ông phải nhìn ông thán phục. Vợ ông sẽ hãnh diện vì ông quyền uy, giàu có. Ông không thể là cô bé đội thúng trứng trên đầu, mơ ước những quả trứng sẽ thành đàn gà con, rồi đàn gà con sẽ lớn và bán rồi mua con bò, con bò sẽ cho sữa… cô mừng quá, nhảy lên và thúng trứng rơi xuống đất!

Để bảo đảm kế hoạch riêng được tốt đẹp, không còn khe hở, ông phải nghĩ đến cách thực hiện kỷ luật nghiêm khắc toàn trại. Tạo bộ mặt trại thật nề nếp, khang trang. Bộ mặt trại thật quan trọng. Ở trên nhìn xuống sẽ thấy ông làm việc rất tốt, rất chuyên chính với kẻ thù, thể hiện tấm lòng của ông với Đảng, với giai cấp. Ông cho thực hiện ngay việc nuôi cá trám cỏ. Cái hồ nước đang có sẵn, chỉ tu sửa lại, be bờ cho bằng phẳng. Xuất ngân quỹ đợt đầu 30.000 cá trám cỏ con được thả xuống. Từ bộ chỉ huy trại nhìn xuống, trông thật đẹp mắt. Ông gật gù.

Nhóm cưa xẻ hàng ngày vác hai lưỡi cưa cá mập vô rừng. Nhóm chia hai toán nhỏ. Mỗi toán ba người. Hai người cưa, một người nghỉ và luân phiên. Cả nhóm bàn kế hoạch cải thiện. Rừng chỉ có cây quế là nhiều, còn không có cây gì khác có thể ăn được, kể cả rau tàu bay, rau má. Các cây khô mục cũng không thấy bóng dáng nấm mèo.

Nghi thử xuống suối, mò cua, bắt ốc. Suối nước rất lạnh và trong vắt. Không thấy bóng dáng một con cá nhỏ nào. Mấy tiếng đồng hồ bì bõm, không kết quả. Nghi trở lên đồi. Cả toán không ai có kinh nghiệm. Vầu, dang rất nhiều nhưng không tìm được một mụn măng. Tòng cháy đem về hai mụn măng nhỏ nhưng khô cứng và đắng, không thể nào ăn được. Đương cốm là dân biệt kích nhảy dù nên tương đối có kinh nghiệm, nhưng không thể rời nhóm lâu vì đề phòng ông chín ngón đến kiểm tra bất ngờ. Cho nên, có chút thì giờ, có củi lửa, có gô coóng, nhưng ngoài thuốc lào, nước sôi, chẳng còn gì khác.

Ở đâu có nước, ở đó có cá, cho nên Đương cốm nhất định dòng suối lớn và sâu đến thắt lưng như vậy thì không thể không có cá. Đích thân đi quan sát một tiếng đồng hồ sau trở lại, Đương cốm báo tin mừng: có cá và cá rất to. Một loại cá tương tự như cá chép, nhưng nhỏ hơn, có vảy màu hồng. Chúng bơi thành đàn năm bảy con. Khi Đương cốm xuống vẫn không thấy tăm hơi một con cá nhỏ nào, do đó Đương cốm nghĩ rằng phải có cá lớn, vì cá nhỏ không dám ở trong khu vực nầy. Đương cốm ẩn mình trong lùm kín, chờ đợi, nửa tiếng sau, bầy cá màu hồng nhởn nhơ xuất hiện. Chúng bơi ngược dòng nước, có đàn mười mấy con. Đương cốm vừa đứng dậy thì đàn cá vụt biến mất. Nhóm cưa xẻ có đề tài bàn thảo, đặt kế hoạch bắt cá. Đầu tiên nghĩ đến việc dùng mùng muỗi ngăn hai đầu lại nhưng dòng suối rộng và sâu không thể nào thực hiện được. Câu thì không có lưỡi câu, dây cước và cũng không chắc loại cá nầy sẽ cắn câu. Cho nên, nhóm cưa xẻ biết để mà biết, để mà ấm ức.

Những miếng ván đầu tiên đã ra đời. Ông chín ngón săm soi kỹ lưỡng nhưng không khen, cũng không chê. Đường cưa không phẳng nhưng nhóm tù đói bước đầu đã đạt được như vậy là tốt rồi. Ông chín ngón như vô tình:

– Tiêu chuẩn cao cả đấy.

Chắc không phải ý ông muốn nói về ván gỗ là tiêu chuẩn cao trong đời sống. Tù hiểu ý, nhưng mặt tù sưng sưng, chì chì, như không còn cảm giác.

Nghi rẽ các lùm cây, đi xuống suối để lấy nước, hôm nay Nghi làm anh nuôi cho toán. Nhớ lời Đương cốm, Nghi đi thật nhẹ nhàng như không gây ra tiếng động, với hy vọng sẽ được nhìn thấy đàn cá màu hồng mà Đương cốm mô tả. Phải thấy để thỏa mãn, để ước mơ, và biết đâu Nghi sẽ nghĩ ra được cách bắt chúng. Nắng đã lên cao nhưng tàng cây che khuất, chỉ cho những bóng nắng chạy nhảy lẻ loi trên lối đi xuống suối. Nghi nghe tiếng nước chảy róc rách vọng về nhưng hình như có thêm tiếng người. Vâng, hai giọng nữ đang trò chuyện. Óc tò mò trẻ thơ bỗng chốc nổi lên, giữa núi rừng hoang dã nầy sao lại có tiếng người? Nữ bộ đội hay dân thiểu số? Nghi ẩn mình vào trong bụi rậm. Mười, mười lăm thước không chừng.

Nghe giọng nói mệt mỏi, có chút âm hưởng đắng cay của tù, ngày nầy qua ngày khác, nghe giọng nói chì chiết của các ông quản giáo, vệ binh, ngày nầy qua ngày khác, nay bất chợt, nghe lại giọng nói của người nữ, thật lạ lùng. Thanh âm sao trong thế? Trẻ thế? Nó như tiếng chim gọi buổi sáng để đánh thức núi rừng. Nó như tiếng chim đánh thức tâm hồn Nghi. Hóa ra anh cũng còn tràn đầy cảm xúc mà tưởng đã chai lỳ. Mà tưởng đã khô cứng. Những nàng tiên trong cổ tích hiện về. Bầy tiên nào đó đang đùa tắm giữa rừng hoang?

Nghi thấy hai cô gái đang dầm mình trong dòng suối. Hai gùi măng đang để trên bờ. Một cô đang tắm và cô kia đang kỳ cọ búp măng trắng nõn. Khi cô bước lên bờ để bỏ búp măng vô gùi, Nghi như đứng tim. Nín thở. Đôi mắt Nghi như hoa lên. Nghi không thể tin ở thực tại. Da thịt những vùng kín trên cơ thể cô gái tuy không trắng như búp măng cô đang cầm, nhưng cũng nõn nà, phân biệt thật rõ ràng với đôi cánh tay, với khuôn mặt và cái cổ rám nắng. Cảm giác đến ồ ạt. Ngột ngạt. Lần đầu tiên Nghi biết lại chính mình. Nghi vẫn còn là một người đàn ông trẻ! Những ray rức, rạo rực, tiềm ẩn như côn trùng âm ỉ dưới lớp cây lá mục, phút chốc lột xác thành những con đom đóm lòe ra, bay bổng trong bóng đêm. Cái ấn tượng ấy một lần Nghi đã gặp. Đã sững sờ. Lần đó Nghi và toán lính nằm phục kích trên một khu vực đầy lá đen, ẩm ướt. Bóng đêm vừa sụp xuống thì hàng trăm con đom đóm phút chốc đã hóa thân và bay lên như cả trời sao di động. Giây phút hóa thân. Giây phút tiềm ẩn. Giây phút bản năng sống thức dậy.

Chờ cho hai cô gái tắm xong, chuẩn bị đi, thì Nghi gây tiếng động. Và tiếp tục đi xuống suối. Nghi như vô tình không biết có họ ở đó. Hai cô gái thấy Nghi cũng có vẻ ngạc nhiên, một cô lên tiếng:

– Anh là cải tạo đấy à?

– Dạ.

– Anh chỉ đi một mình cơ à?

– Dạ không. Còn một nhóm anh em cưa xẻ trên đồi. Tôi xuống đây lấy nước.

– Các anh lao động xa trại nhỉ?

– Dạ.

Tiếng anh thoát ra từ miệng một cô gái đã cho Nghi trở lại đời thường trong giây lát. Cũng là tiếng anh, nhưng thoát ra từ miệng các ông quản giáo, vệ binh, luôn có vẻ là một tiếng đệm, gằn giọng, mang một ý nghĩa khác. Ôi chao, cũng một tiếng gọi nhưng ý nghĩa lại khác nhau. Một đàng của tù ngục. Một đàng của tự do. Nghi muốn hỏi nhưng Nghi thận trọng. Nội quy trại cấm tuyệt đối không được giao tiếp với dân trong vùng mà họ gọi là quan hệ. Cho nên Nghi chỉ trả lời những câu hỏi. Họ hình như là hai chị em. Khuôn mặt giống nhau. Nhân dáng giống nhau. Nhưng có một điều dễ nhận ra là họ không phải là người địa phương, không phải là người thiểu số tại đây. Nét mặt thanh tú. Dáng dấp không quê kệch, cục mịch. Đôi bàn tay cũng không quá cỡ, sần sùi.

– Anh là cải tạo từ miền Nam ra?

– Dạ.

– Chúng em nhỏ hơn anh. Đừng dạ với chúng em như vậy.

– Dạ.

Rồi Nghi tiếp:

– Kỷ luật của trại… Tôi đang nói chuyện với hai cô là vi phạm nội quy.

– Anh đừng lo. Chúng em từ Hà Nội lên kinh tế mới ở đây sáu bảy năm rồi. Gia đình thầy mẹ chúng em là giới tiểu thương, hết tiền hối lộ, nên bị đưa đi. Em là Tố Nga, còn Tố Uyên là em.

Chỉ qua mấy câu đối thoại ngắn ngủi đã cho Nghi an tâm hơn. Tố Nga và Tố Uyên đang có tự do. Loại tự do được chỉ định nơi núi rừng. Chỉ tự do với núi rừng. Họ có khác gì anh không?

– Hai cô ở gần đây không?

– Xa, khoảng năm ki lô mét cơ ạ.

– Hai cô tìm đâu ra nhiều măng quá. Anh em chúng tôi cũng cố tìm nhưng chẳng thể tìm được một búp nào cả.

– Đây là măng vầu. Các anh không biết, vì rất khó tìm thấy. Măng vầu không mọc chung tại bụi như măng dang. Măng vầu thường mọc đơn độc. Chỉ nhú lên khỏi mặt đất vài cen ti mét thì đào lên mới ăn được. Nếu chúng lên cao hơn thì rất đắng.

– Dạ, cô có thể hướng dẫn cách tìm cho tôi được không?

Tố Nga cơi cơi đống vỏ măng vừa lột bên suối. Cô vớ lấy một đỉnh nhọn đã cắt bỏ, đặt lên mặt đất, đỉnh nhọn hướng lên trời:

– Đấy, giống như thế nầy. Nhưng chiều cao cỡ 2 cen ti mét cơ.

– Màu vỏ măng, màu đất, lại giống nhau mà chỉ nhú lên chút xíu, trong lúc mặt đất đầy cây lá mục, quả là khó nhận ra thật. Anh em chúng tôi không biết là khó tìm đến như vậy, mà chỉ nhìn những cây măng đã lên cao cao trên đất.

Tố Uyên xen vào:

– Quen như chúng em thì nhận ra dễ hơn các anh.

Nhìn hai gùi măng đã lột, rửa trắng phau, Nghi nói:

– Tìm được nhiều măng như thế nầy chắc hai cô tốn nhiều thời gian lắm?

– Đi từ rạng sáng đến bây giờ thôi ạ. Mùa măng đã hết nên chỉ có thế, chứ trước đây khoảng hai tháng thì nhiều hơn lắm cơ.

Tố Uyên tiếp:

– Chúng em hái và làm măng khô bán về xuôi. Nhưng lúc nầy hết mùa rồi. Mà thôi, đừng nói về măng nữa! Chúng em thích nghe chuyện miền Nam cơ. Anh kể cho chúng em nghe nhé?

Miền Nam như một huyền thoại đối với người miền Bắc. Miền Nam hấp dẫn. Miền Nam văn minh. Miền Nam có nhạc vàng.

Lúc ở trại 5, nông trường chè Trần Phú, tỉnh Hoàng Liên Sơn, Nghi cũng đã có dịp nói chuyện với hai cô gái hái chè ở đó. Họ cũng đi kinh tế mới đến đấy. Lần đó cả đội đi đốn dang. Nghi và Dũng đốn chung, nhưng cả hai không thể nào đạt chỉ tiêu vì những cây dang khoe thân mình xanh mượt, nằm cạnh ngoài của bụi dang, rất dễ đốn, nhưng ngọn dang đã bị dây rừng quấn chặt, do đó đốn rất dễ, nhưng không thể nào kéo xuống được. Dũng và Nghi đã trầy trụa, mệt nhừ, nhưng cũng không làm ngọn dang rơi xuống đất. Nó cứ nhùng nhằng, đong đưa. Bỏ thì tiếc, nhưng kéo xuống thì không thể. Nghi và Dũng đang ngồi nghỉ xả hơi thì gặp hai cô gái đi vào khu vực đốn dang. Có chút e dè khi mới gặp nhau nhưng trao đổi đôi ba câu chào hỏi, Nghi thấy hai cô rất chân thật và nhiệt tình:

– Trước khi các anh bị đưa ra đây thì địa phương đã phải học tập, đã được nghe họ mô tả các anh như không còn mang tính người. Phải ghê sợ các anh. Khi thấy các anh thì phải tránh cho xa kẻo bị các anh giết chết. Nhưng vì chính sách khoan hồng, nên dù bản tính các anh có như vậy, Đảng không giết mà chỉ giáo dục để các anh trở thành người dân lương thiện. Chỉ đánh người chạy đi, chứ không ai đánh người chạy lại. Do đó ban đầu khi vừa thấy các anh là chúng em tránh xa ngay, nhưng dần dần chúng em nghĩ khác. Các anh từ nét mặt, đến nhân dáng, đều không có nét hung dữ. Các anh không là những con quái vật mà rất hiền lành. Do đó chúng em thường tìm cách tiếp xúc với các anh để được nghe kể chuyện về miền Nam.

Một cô hỏi:

– Các anh có biết nhạc vàng không?

Nghi cười hiền lành:

– Biết chứ. Biết nhiều lắm.

– Anh hát cho chúng em nghe đi cơ.

Biết thì biết rất nhiều, nhưng hát, mà hát trong hoàn cảnh như thế nầy, thì dù có là ca sĩ cũng không thể nào cất giọng được. Nghi nghĩ như vậy nhưng không nói ra.

Cô kia tiếp:

– Hai anh hát cho chúng em nghe, chúng em sẽ đốn hộ dang cho hai anh.

Dù có mệt mỏi thế nào cũng không thể không cười được. Một sự trao đổi rất sòng phẳng. Rất mộc mạc. Nhạc vàng là loại nhạc Đảng muốn tiêu hủy. Đảng muốn tận diệt. Di sản văn hóa miền Nam phải đốt sạch. Đó là văn hóa Mỹ-Ngụy. Nó ghê gớm, độc hại đến như vậy mà sao hai cô gái nông trường nầy đòi đổi lấy mồ hôi của chính mình để được nghe? Phong trào cấm nhạc vàng càng mạnh, thì nhạc vàng với những dòng nhạc mềm mại, những dòng nhạc trữ tình, những dòng nhạc phản ảnh trung thực tình cảm tự nhiên của con người, lại có thêm sức hút.

Cái gì Đảng muốn, quả thật, rất khác với tình tự con người!

Những ngày đầu 30-4-1975, mở radio theo dõi tin tức, thì cứ nghe giọng nói đanh thép, lạnh lùng của xướng ngôn viên, rồi hàng hàng lớp lớp những bản nhạc, ít khi nghe rõ được lời. Giọng ca chạy lên óc. Giọng ca làm nổi cả gai ốc. Giọng ca the thé, cứ dồn đuổi theo nhau, đã làm Nghi bật khóc. Khóc nức nở. Miền Nam mất rồi. Mất thật sự rồi. Những điệu nhạc thường ngày bỗng dưng biến mất. Mất trọn vẹn. Thế giới đang sụp đổ. Phố phường đang qua giai đoạn khác. Giai đoạn xa lạ. Giai đoạn mà khi nói phải nghiến răng. Giai đoạn the thé. Giai đoạn long óc. Khi hát như nghiến răng. Khi nói như nghiến răng. Ù lỗ tai, dội lên tận óc. Nhạc Việt hay nhạc Trung Quốc? Đài Việt Nam hay đài Trung Quốc?

Việt Nam độc lập rồi ư? Đảng bảo độc lập cơ mà!

Miền Nam đang thật xa xôi với hai cô gái nông trường nầy. Miền Nam là ngoại quốc văn minh, từ vật chất tới nhạc vàng. Và, người miền Nam đó, những người miền Nam với án lệnh tập trung. Những con người hiền lành với khổ ải không có ngày về. Các cô hiểu cái án tập trung. Người miền Bắc hiểu cái án tập trung. Cái án cao su. Cái án không có án. Cái án cố trù dập thân phận con người. Những con người không theo Đảng. Nhưng người miền Nam mới bắt đầu biết. Chỉ mới bắt đầu.

Bánh xe của Đảng đang trên đường đi tới.

Lần đó Nghi và Dũng không hát được, nhưng đọc cho hai cô gái nông trường chè Trần Phú lời của hai bản nhạc tình theo nhạc điệu của nó. Hai cô không có bút, không có giấy, nên cố nhớ. Lặp đi, lặp lại. Dù Nghi và Dũng can ngăn nhưng hai cô nhất định trả công bằng hai bó dang đúng chỉ tiêu để Nghi và Dũng vác về trại.

Một phút quên chính mình. Một phút Nghi thấy thương đời sống và tuổi trẻ như Tố Uyên, Tố Nga. Chỉ một phút thôi. Một phút của tự do chợt đến. Một phút quặn thắt. Một phút quên thân phận tù. Một phút xúc động trong tình người.

Tố Uyên lấy ra mấy búp măng trao cho Nghi:

– Anh đem về toán để các anh cải thiện.

Tố Nga đưa cho Nghi một gói lá chuối khá nặng mà màu xanh của lá đã bị hơi nóng làm đổi ra màu nâu sậm:

– Đây là xuất trưa của chúng em, anh mang về tất.

Nghi xúc động trong giọng nói:

– Hai cô giữ lại một ít để đỡ đói trên đường về nhà.

Tố Nga không trả lời và tiếp:

– Nếu anh muốn tìm măng cải thiện thì ngày mai chúng em sẽ trở lại đây, anh đi với chúng em.

Nghi ngần ngừ:

– Tôi muốn lắm nhưng vô cùng nguy hiểm.

– Cảnh giác. Chúng em biết. Lối xóm với nhau còn phải cảnh giác cơ mà! Chúng em quen chuyện bị theo dõi, nên mỗi người phải luôn đóng một vai nào đó để đánh lạc hướng. Công an ở mọi nơi. Công an ở cả núi rừng. Nhưng phải làm thôi anh ạ. Không luồn lách thì không thể nào sống được. Cứ chối bay chối biến, nếu chúng tóm được. Đến khi hết đường chối cãi thì cho chúng khảo của.

Nghi trở lên đồi khá trễ nhưng những chiến lợi phẩm Nghi mang về làm cả toán ngạc nhiên. Nghi kể lại từng diễn tiến nhưng giấu biệt không kể về chuyện Nghi trộm nhìn say sưa hai tiên nữ tắm suối. Đây là câu chuyện Nghi có thể khoe khoang, có thể thêu dệt theo thói thường. Nhưng có chút gì đó, tự nhiên chợt đến, như riêng tư, như thật riêng tư, nên Nghi giữ kín, dù Nghi chưa cảm nhận được một cách trọn vẹn.

Buổi tối, Nghi thấy hơi khó ngủ. Cứ nghĩ đến cái hẹn ngày mai. Dòng suối. Tố Uyên. Tố Nga. Tù. Cùm. Tra tấn. Đói. Vừa hồi hộp sợ sệt, vừa thích thú. Nghi biết đây không phải là chuyện bình thường. Đây là trò đùa với lửa. Đem sinh mạng ra đùa với tử thần. Kỷ luật trại.

Đương cốm và cả toán cưa xẻ cũng bàn kế hoạch trả lời cho suôn sẻ, nếu ông chín ngón kiểm tra nhân sự bất chợt. Những mảnh lá chuối gói cơm nếp Tố Nga cho hôm qua, cũng đã cho vào lửa tại chỗ, cẩn thận. Bên dưới làn da mặt sưng sưng, chì chì của tù, đang thoáng có chút sinh khí. Mỗi người đang đóng một vai nào đó, như Tố Nga đã nói.

Buổi sáng rừng núi như còn đang ngái ngủ. Tiếng chim vang vọng thật xa. Trong vắt. Khói sương còn đang lướng vướng trên các ngọn cây cao. Từng cụm. Nắng nhợt nhạt trải trên các lối đi ẩm ướt sương mưa. Toán cưa xẻ lầm lũi trên đường ra hiện trường lao động. Hôm nay khác với thường ngày, cả toán yên lặng, mỗi người theo một suy nghĩ riêng. Có chút căng thẳng.

Nghi xuống suối theo một lối khác. Vào phía sâu hơn, theo Tố Nga chỉ ngày hôm qua. Cây lá cọ quẹt trên lối đi làm áo quần Nghi ướt đẫm. Chỉ có tiếng chim buổi sáng chào đón nắng sớm và tiếng suối róc rách, rì rào. Nghi hồi hộp và có cảm tưởng như là buổi hẹn hò, tình tự. Càng vào sâu, dòng suối rộng hơn và hoang vu hơn. Đến ngả ba, nơi có một dòng suối khác nhập lại, một cụm cây mọc bao quanh một tảng đá khá lớn, chắn lối giữa ngả ba, nước chảy xoáy quanh, nơi Tố Nga hẹn gặp Nghi. Bên kia suối, rừng khá rậm rạp. Có nhiều bụi dang và vầu. Nghi chưa dám ra gần suối vì còn cảnh giác. Bất cứ người nào phát hiện Nghi ở đây cũng có thể bắt Nghi về giao nộp cho trại vì tội trốn trại. Nghi ngồi yên chờ đợi.

Nghe có tiếng động ở phía sau, Nghi quay lại thì thấy Tố Nga đang đi tới. Tố Nga đi một mình. Tố Nga không mặc bộ đồ lam lũ, hái măng hôm qua. Cô mặc một áo sơ mi cũ, màu cháo lòng và quần tây màu xanh đậm. Cô mang một túi vải thay cho cái gùi măng. Nghi ngạc nhiên lên tiếng:

– Cô Tố Nga đi một mình, còn Tố Uyên đâu?

– Tố Uyên đang lo dịch vụ tại Hợp Tác Xã vì sắp có hàng phân phối về.

Nghi tỏ ra phân vân. Tố Nga tiếp:

– Trên đường về hôm qua, Tố Uyên cứ bảo, tù gì như anh mà lành như bụt đấy cơ.

Ngưng một lát, Tố Nga tiếp:

– Tố Nga không hái măng hôm nay nhưng vẫn ra đây để chỉ cho các anh tìm cái cải thiện. Khu vực nầy chúng em thường đi hàng năm. Bên kia suối, có thể còn một ít măng vầu.

Nghi nhìn dòng suối:

– Nước hơi sâu làm sao Tố Nga qua bển được?

Tố Nga nhíu mày:

– Bển?

– Bển là bên kia.

– Lạ nhỉ. Bển. Lần đầu tiên Tố Nga nghe từ bển đấy.

Nghi có chút căng thẳng nhưng Tố Nga thì thật tự nhiên:

– Vào bên trong chút nữa sẽ có một thân cây vắt ngang suối. Chúng mình qua ngả ấy.

Rồi Tố Nga tiếp:

– Khi đánh được nhiều măng thì lúc trở về không thể theo lối nầy nhưng chúng em lột vỏ măng và tắm tại đây. Vừa tắm, vừa kiểm tra cho nhau, có con vắt nào bám trên người không. Ban đầu, chúng em sợ vắt kinh khiếp lắm, bây giờ vẫn sợ, nhưng đỡ hơn và vì kinh tế gia đình cả anh ạ!

Nghi chợt hiểu và nhớ lại hình ảnh Nghi bắt gặp hôm qua. Nghi thấy rạo rực trong lòng. Nghi định hỏi, bộ không sợ người khác nhìn thấy hay sao, nhưng Nghi kịp ngừng lại.

– Chúng mình qua bên kia suối đi anh.

Nghi theo Tố Nga đi dọc theo bờ suối, vừa đến một khúc quanh, thì một thân cây khô mục nằm vắt ngang qua dòng suối, quấn đầy dây lá rừng. Tố Nga lên tiếng:

– Rất trơn trợt, anh cẩn thận đấy.

Tố Nga vịn vào các nhánh cây khô, xoay ngang người, từng bước, bước qua bên kia. Nghi theo Tố Nga không khó. Nghi nhớ đến những cây cầu khỉ ở quê anh. Bên dưới là dòng nước đục ngầu phù sa mang những khóm lục bình trôi vô định. Những chiếc thuyền ba lá là phương tiện di chuyển, chở cây trái từ miệt vườn ra chợ. Nơi nào cũng có trái ngọt, cây lành, quanh năm không bao giờ nghĩ đến đói. Đứa con mộc mạc quê anh đó, bây giờ lại phải đi tìm cái ăn vì sự sống còn.

– Mình qua được “bển” rồi phải không anh?

Tố Nga cứ kéo dài chữ bển ra để trêu Nghi. Nghi cười hiền lành. Anh nhìn trong đôi mắt long lanh, tinh nghịch của Tố Nga như muốn nói: cám ơn em, giữa chúng ta không có sự hận thù mà Đảng mong muốn.

– Chỗ nầy khuất và an toàn. Anh dùng chút cơm Tố Nga mang cho anh đã, rồi mình đi tìm măng.

Tố Nga trao cho Nghi một gói cơm với muối vừng còn nóng. Cầm gói cơm trong tay, Nghi không nói được câu nào, Nghi chỉ nhìn Tố Nga thật yên lặng và sâu thẳm. Sự xúc động của Nghi làm cô bối rối. Cô lẫn tránh cái nhìn đó và giục:

– Ăn đi anh.

Những búp măng vầu được Nghi và Tố Nga đào lên từ lòng đất khá to và nặng. Cả hai đều ướt đẫm mồ hôi nhưng không ai thấy mệt. Họ vừa tìm, vừa đào, vừa nói chuyện nên thời gian trôi rất nhanh. Nhìn nắng đã lên khá cao, Nghi nói:

– Măng đã đủ cho ngày hôm nay và cả ngày mai nữa. Mình trở xuống suối kẻo trưa rồi.

Tố Nga nhìn Nghi như muốn nói sao thời gian trôi nhanh thế. Cô lặng lẽ chuốt một cành cây nhọn, đâm xuyên qua các chóp măng. Nghi luồn một sợi dây rừng qua đó và mang tất cả măng xuống suối.

Nghi theo sát Tố Nga. Bất chợt Nghi nhìn thấy một vết đen thẫm, cồm cộm, gần giữa lưng nơi có sợi dây nịt ngực của Tố Nga. Nghi vội vã:

– Tố Nga, có thể có con vắt ở sau lưng áo!

Nghi bỏ lửng câu nói. Tố Nga dừng lại. Cô bỏ ngay cái túi vải đang mang trên vai xuống đất. Cô cố khuỳnh tay ra phía sau kiểm soát. Cô thảng thốt, cuống quýt:

– Ấy chết, anh giúp hộ em.

Tố Nga ôm chầm lấy Nghi, mặt tái nhợt, úp vào ngực Nghi, sợ hãi giục:

– Nhanh, nhanh lên…

Nghi quăng xách măng xuống, cũng cuống quýt.

– Nhanh, nhanh đi anh.

Nghi luồn tay dưới áo sơ mi của Tố Nga, nhưng Tố Nga còn mặc một áo mỏng khác bên trong, làm Nghi luống cuống. Thấy Tố Nga không có phản ứng nào, nên một tay Nghi cố kéo chiếc áo lót đang bó sát người Tố Nga, tay kia lần ngược lên. Nhưng chiếc áo lót quá chật, lại bằng vải, không có độ dãn. Tố Nga mở các nút áo sơ mi. Nghi kéo dần chiếc áo lót lên cao. Một con vắt mập ú, mềm nhũn, đang bám chặt vào da Tố Nga, dưới chéo vải nối với sợi dây thun của cái áo ngực. Con vắt thật trơn và bám thật chắc. Nó đang say máu nên không thể kéo ra dễ dàng. Tố Nga đưa ngược hai tay ra phía sau lưng lần mở cái móc chiếc áo ngực. Con vắt màu đen xám, tròn trĩnh như một giọt mực lớn trên lưng Tố Nga. Nghi phải vất vã mới kéo được con vắt rớt ra. Một dòng máu đỏ tươi chảy trên tấm lưng trần, trắng mịn. Nghi lấy ngón tay di di nơi vết cắn. Lưng Tố Nga nóng ran. Người Tố Nga nóng ran. Cả người Nghi cũng nóng ran. Cánh tay còn lại của Nghi ghì chặt lấy Tố Nga. Cô mềm nhũn trong tay Nghi. Hơi thở cả hai dồn dập. Vết cắn bị bỏ rơi. Hai tay Nghi xục xạo. Tìm tòi. Nghi qùy xuống, úp mặt mình vào đôi vú trần đang săn cứng.

Tố Nga liên tiếp mất thăng bằng. Mười ngón tay cô bấu chặt vào chân tóc Nghi, rên rĩ:

– Đừng. Đừng anh.

Nghi lần tay xuống bên dưới. Chiếc quần lót cũng bằng vải. Không đàn hồi. Không mềm, mượt, mịn, sờ đến mát cả tay như của các cô ở miền Nam. Tố Nga cào cấu trên tóc, trên cổ, trên lưng Nghi. Hình như có tiếng anh nho nhỏ phát ra từ đôi môi run rẩy của Tố Nga. Nhưng âm thanh bị méo đi. Lạc giọng.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây