Chu Mộng Long
13-6-2024
Khi học văn học trung đại, đặc biệt là Văn học Lý – Trần, tôi đọc giáo trình và nghe các giáo sư ca ngợi đó là “nền văn học vô ngã” hay “nền văn học phi ngã”. Đến khi học trào lưu Thơ Mới, cũng các giáo sư và các giáo trình ngợi ca: “Phong trào Thơ Mới giải phóng cái tôi cá nhân”, giải phóng cả thân xác lẫn tinh thần, tức thể hiện “bản ngã” hay “cái tôi”.
Ở một trình độ nhận thức nào đó, khi chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, ắt bị entropy, nhiễu thông tin, kéo theo loạn não. Chẳng biết đâu là hệ giá trị để thể hiện hành vi sống cho đúng.
Nay có hiện tượng Thích Minh Tuệ, các trí thức, văn nghệ sĩ lại luận bàn về “buông bỏ”, “vô ngã” rất hăng như là chân lý. Nhiều người tán dương sự buông bỏ tất cả, có cảm giác như vô ngã đến mức phải “vô thân”, “vô tâm”. Kết quả, một hiệu ứng bất ngờ, không tính đám đông bỏ công bỏ việc bu theo thầy Thích Minh Tuệ để hưởng Phước, mà đã có một số đại gia thực hiện luôn việc “buông bỏ” gia đình, tài sản, công việc để đi khất thực.
Hiệu ứng tích cực, tạo đức tin tâm linh lành mạnh, trong sáng thì không cần bàn. Nhưng hiệu ứng tiêu cực, thái quá thì người có trách nhiệm phải lên tiếng.
Đại gia làm ăn phi pháp mà buông bỏ tất cả để lo tích đức thì phúc cho đất nước. Nhưng các chủ doanh nghiệp làm ăn tử tế, đang gặp lúc khó khăn mà “buông bỏ tất cả” là một thảm họa. Thảm họa cho gia đình và cho cả đất nước. Gia đình cần các bạn để an cư lạc nghiệp. Đất nước cần các bạn để phát triển và đi đến tiến bộ văn minh.
Phật dạy “buông bỏ” tiền tài, danh vọng, kể cả buông bỏ thân xác ở cõi vô thường, nhưng không đồng nghĩa với buông bỏ cảm xúc đến vô tâm. Đức từ bi là cái tâm lớn. Thay vì “chấp nhặt” cảm xúc nhỏ, mỗi con người nên hướng đến tình cảm lớn, từ gia đình đến cộng đồng, với non sông đất nước, cho đến với muôn loài. Lẽ đơn giản, tình cảm với muôn loài là bảo vệ tài nguyên, môi trường… như một phần sinh mệnh của mình.
Sự cực đoan trong chủ trương “diệt dục” của tôn giáo từng được các triết gia chỉ ra. Bắt đầu từ nhận thức cực đoan, rằng “dục là tội lỗi”, từ đó sinh ra “chủ nghĩa khắc kỷ”, chỉ chăm lo tinh thần, buông bỏ cả thân xác. Đến lúc các triết gia, nhà tâm lý học hiện đại đều xem dục là bản năng của muôn loài. Dục là tất yếu của sự sống. Sinh có được từ dục. Dễ hiểu là nếu không có dục, chúng ta và muôn loài không tồn tại và sinh sôi trên cuộc đời này. Động lực sự sống và cả tiến hóa văn minh bắt đầu từ dục.
Không ngẫu nhiên mà nhà phân tâm học S. Freud phân tích thành hai loại dục: Eros (bản năng tình yêu và sự sống) và Thanatos (bản năng xâm hại và sự hủy diệt). Có nghĩa là dục mang cả hai mặt: tích cực lẫn tiêu cực. Mặt tích cực, ngoài duy trì sự sinh tồn, còn có khả năng dịch chuyển, thăng hoa thành phát minh, sáng tạo. Mặt tiêu cực, ngoài các hành vi dã thú như cướp, giết, hiếp, ở cực đối lập còn có thể sinh ra những cấm kỵ (taboos), dẫn đến tự hủy diệt thân xác, kể cả là các giới luật trong tôn giáo theo chủ nghĩa khắc kỷ.
Tôi vẫn tin K. Marx, F. Engels đúng khi phân tích tư hữu, tức “dục”, vừa là động lực của sự phát triển và tiến hóa văn minh (sự chế biến công cụ lao động, các phát minh khoa học) vừa là nguyên nhân gây ra thôn tính, chiến tranh và bạo lực. Sự tiến hóa vật chất kéo theo tha hóa về tinh thần là tất yếu của diễn biến tâm lý người và sự vận động của lịch sử.
Không ngẫu nhiên mà Chủ nghĩa hiện sinh đòi giải phóng triệt để cái tôi để thực hiện vai trò của chủ thể: Con người không là nô lệ bởi thần quyền lẫn cường quyền. Con người là chủ thể, sáng tạo ra chính mình và sáng tạo ra thế giới.
Tôi cho rằng, dù có muốn “buông bỏ” kiểu gì, hoặc cúng dường, hiến cả tài sản lẫn nhà đất cho nhà chùa, hoặc “theo chân Minh Tuệ” thì tính chất đều giống nhau. Đều là buông bỏ một cách cực đoan và có hại: Hại cho cá nhân, gia đình và hại cho đất nước. Buông bỏ để ta được vui mà gia đình phải nhận buồn đau, buông bỏ để ta đến cõi Cực Lạc hay Niết Bàn mà kinh tế đất nước suy thoái, khủng hoảng thì nên chăng? Suy thoái kinh tế, ắt kéo theo rối loạn, từ tâm lý đến hành động, dẫn đến bạo loạn. Lúc ấy, Phật cũng không cứu độ được.
Tôi không cực đoan chống tôn giáo hoặc chạy theo lợi ích vật chất. Thông điệp tôi muốn nói với những người thiện tâm là nên cân bằng giữa lợi ích vật chất, thân xác và tinh thần, hiện thực và tâm linh. Tôi tin trong bản năng sinh tồn của mỗi con người, buông bỏ thân xác hay dục tính là bất khả.
Những lúc các bạn tưởng đã “buông bỏ” tất cả, lại là lúc các bạn nuối tiếc và yêu quý hơn phần thân xác của mình và của người khác. Tình cảm khi ấy bắt đầu lớn lên hơn chứ không phải vô tâm. Và biết vậy thì lo tu sửa trước, từng diễn biến tâm lý và hành vi của mình chứ không cần thoắt cái là “buông bỏ tất cả”. Buông bỏ như vậy chẳng khác tự sát. Trên thế giới, từng có những tà đạo khiến tín đồ tự sát tập thể.
Tôi hiểu “buông bỏ” mang nghĩa lớn lao là xả thân cá nhân mình để mang lại lợi ích và niềm vui cho người khác chứ không phải đòi tất cả mọi người đều phải buông bỏ. Cá nhân chấp nhận tu rèn khổ hạnh để yêu thương hơn cuộc đời này. Đó mới gọi là tu, không cần theo tôn giáo nào, mà tu sửa theo đạo lý của cuộc đời.
______
Hình Phật, Chúa trên mạng. Mỗi ngày nhìn Phật, nhìn Chúa như là tấm gương từ bi, yêu thương để điều chỉnh dục vọng đã là mang Tâm Phật, Tâm Chúa.