Từ chuyện con ngựa của cụ Phan, tới hai quả trứng ung và bước đi chậm tai ác của lịch sử

Văn Biển

15-7-2018

Chuyện thứ nhất: Con ngựa cũ và người cưỡi mới

Khoảng những năm 19, 20 của thế kỷ trước, lúc đó Phan Chu Trinh và Nguyễn Ái Quốc cùng ở Paris. Paris đang tiến hành thành lập Đảng Cộng sản. Khi nghe tin ông Nguyễn Ái Quốc vào Đảng Cộng sản Pháp, đồng thời là một sáng lập viên của Đảng. Ông hoạt động cho Đảng Cộng sản với mưu đồ giành độc lập cho Việt Nam. Cụ Phan bèn gửi cho ông Nguyễn một bức thư trong đó có câu nổi tiếng: “Việc Nguyễn Ái Quốc theo Quốc tế Cộng sản để giành độc lập cho Việt Nam thì quốc dân đồng bào vẫn nguyên là cái lưng của con ngựa chỉ thay người cưỡi mà thôi”.

Lời nói ngày đó của cụ Phan như một lời tiên tri. Có điều cụ chưa kịp thấy hết sự tàn bạo khốc liệt của chủ nghĩa Cộng sản. Điều khó hiểu là tại sao giữa Paris vào những năm 20 mà nhà ái quốc vĩ đại Phan Chu Trinh đã sớm nhận ra bản chất của chủ nghĩa Cộng sản, trong lúc chủ nghĩa Mác đang chiếm ưu thế trên toàn châu Âu, nhất là sau khi Đảng Cộng sản Nga cướp chính quyền thành công, lập nên nhà nước vô sản chuyên chính Liên bang Xô Viết đầu tiên trên trái đất. Có điều gì đó đã mách bảo cho nhà ái quốc họ Phan vốn xuất thân từ một nhà khoa bảng đích thực (Phó Bảng).

Và việc gì đến đã phải đến. Gần 20 năm sau ông Hồ đã đưa chủ nghĩa Cộng sản vào Việt Nam bằng cách cướp chính quyền từ chính phủ Trần Trọng Kim và hậu quả đúng như lời tiên tri của họ Phan, con ngựa quốc dân đồng bào Việt Nam phải oằn lưng gánh chịu người cưỡi mới, với biết bao chuyện đau lòng không lời nào kể xiết. Sau non một thế kỷ đầy kinh hoàng, sách báo và nhất là gần đây báo mạng đã nói nhiều. Ở đây chỉ xin nói hai việc trọng đại quan hệ tới an nguy đất nước.

Trước hết là cuộc Cải Cách Ruộng Đất, dẫu biện minh cho một lí do gì đi nữa cũng không tránh được một tội ác trời không dung đất không tha, phá hoại thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp, quan hệ gia đình và làng xã. Chủ trương lớn của cách mạng ruộng đất người cày có ruộng, sau gần một thế kỷ, ruộng đất của người dân vốn tự mình khai phá hoặc tổ tiên để lại, trở thành ruộng đất toàn dân, điều này được ghi trong Hiến pháp mới và kẻ giàu, có quyền thế mới lên muốn chiếm lúc nào cũng được. Tiếng súng hoa cải ở huyện Tiên Lãng ngày nào của người dân, cùng quả bom tấn Đồng Tâm ở ngay thủ đô, hay tiếng súng Đặng Văn Hiến ở Đắk Nông, nói lên sự căm phẫn hết sức chịu đựng của con ngựa người… oằn lưng cho Cộng sản cưỡi.

Chuyện thứ hai: Hai quả trứng ung và bước đi chậm tai ác của Lịch sử

Bây giờ xin nói tới một việc lớn thứ hai, đó là công cuộc “giải phóng miền Nam”. Có người coi đó là trang sử vàng, nhưng cũng có người gọi ngày 30-4 là “Tháng Tư – Đen”. Phải mất 20 năm ròng rã, cả hai miền hàng chục triệu người ngã xuống để mở nên những trang lịch sử máu này: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đem non sông về một mối. Lẽ ra ai cũng mừng, coi đó là cuộc thắng lớn của dân tộc Việt Nam. Nhưng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lại nói: Ngày đó có một triệu người vui, nhưng cũng có một triệu người buồn.

Còn người dân thì đa số lại nghĩ khác. Một nửa nước bị họa cộng sản chưa đủ sao, lại còn muốn biến một nửa nước còn lại cũng thành cộng sản nốt. Nếu cộng sản là một thiên đường thì cái công lao đó của Đảng, đứng đầu là anh Ba Duẩn, người dân ngàn đời không quên. Nhưng có một câu nói rất hay: Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể thành công ở hai nơi “Thiên đường, nơi mà không cần nó. Còn Địa ngục nơi mà đã có nó”. Câu nói của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã khái quát một cách thần tình chủ nghĩa xã hội.

Trong một bài viết tháng 4/2017, Phạm Quốc Sử nói về anh Ba: Lê Duẩn: Nhân vật lớn của lịch sử Việt Nam, rằng anh Ba “là một trong số ít nhân vật có tầm vóc, ảnh hưởng lớn tiến trình phát triển của đất nước. Tác giả viết: “Có thể nói, Lê Duẩn là nhân vật hàng đầu của lịch sử Việt Nam hiện đại nổi bật trong 3 nội dung lớn, đó là: (1) Xây dựng thành công miền Bắc Xã hội chủ nghĩa làm ‘hậu phương lớn’ cho cách mạng cả nước; (2) giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc; (3) hóa giải nhiều mưu đồ và đập tan cuộc xâm lược quy mô lớn của Trung Quốc...”

– Xây dựng thành công miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Xin nói ngay điều này, câu nói quả quá khôi hài. Miền Bắc và cả các nước lớn anh Hai, anh Cả đã bao giờ có xã hội chủ nghĩa chưa, mà dám nói khống lên miền Bắc xây dựng thành công với không thành công và làm hậu phương vững chắc cho công cuộc giải phóng miền Nam. Phải nói trắng ra rằng công cuộc giải phóng miền Nam có “thành công” là do súng đạn của anh Cả và lương thực của anh Hai, còn xương máu của đồng bào Việt Nam, không có liên quan gì tới xã hội chủ nghĩa thành công hay thất bại.

Nếu nói xã hội chủ nghĩa thành công thì sao cho tới nay từ cán bộ cao cấp tới người dân chưa ai biết mặt mũi nó ra làm sao. Đến nỗi vị Tổng Bí thư đương nhiệm cũng phải thốt lên: “Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?”. Câu nói tự đáy lòng thốt lên và cho tới hôm nay, những năm tháng này ai cũng biết Việt Nam đang sống trong một chế độ tư bản hoang dã, hay nói như học giả Nguyễn Khắc Viện, có người gọi là một bậc tiên tri, khi ông trả lời chất vấn của tờ báo Việt ngữ tại Pháp, sau Đại hội Đảng lần thứ 6 (1986): “Đổi mới kinh tế mới được 50%, còn phải đổi mới chính trị, nếu không sẽ trở thành nền kinh tế của bọn mafia”. Bây giờ thì ai cũng thấy điều đó rõ như ban ngày (Lê Phú Khải).

– Còn cái ý xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công, làm hậu phương lớn để giải phóng miền Nam thì quả là ăn nói một cách tếu táo: Khi bà Nguyễn Thị Định trong đoàn cán bộ miền Nam ra thăm miền Bắc, sau khi chứng kiến cảnh sống cơ cực của đồng bào miền Bắc bà phải giật mình tự hỏi: Miền Bắc thiên đường xã hội chủ nghĩa là thế này ư? Có lẽ lúc đó bà so sánh với đời sống “xa hoa” của miền Nam dưới chế độ Mỹ ngụy.

– Cái nội dung lớn thứ ba xin được miễn bàn. Không hiểu tác giả bài viết muốn nói gì. Cái dã tâm của Trung Quốc càng về sau người dân thường ai cũng thấy rõ. Còn trước đó không phải chỉ có Lê Duẩn mà hầu như nhà lãnh đạo kiệt xuất nào của Đảng cũng một lòng tin tưởng, tự nguyện học tập tư tưởng Mao Trạch Đông và một thời đưa hẳn tư tưởng Mao Trạch Đông vào Hiến pháp Việt Nam. Chính anh Ba có lần đã thốt lên: Thế giới có Stalin, phương Đông có Mao Trạch Đông. Mà chắc không phải chỉ nói một lần.

Có lẽ nên nói thêm, tác giả bài viết quên không nói, nếu không bận tâm cho công cuộc giải phóng miền Nam và xây dựng xã hội chủ nghĩa miền Bắc thành công, thì anh Ba sẽ không ngần ngại gì mà không học tập họ Mao làm cuộc cách mạng văn hóa long trời lở đất, giết chết trên dưới 50 triệu người! Đó là chuyện lớn, còn nhỏ thì… có lẽ không kể hết nếu chịu khó học tập họ Mao… như chuyện Đại nhảy vọt, Toàn dân luyện thép và chuyện tưởng như đùa: giết hết chim sẻ để năm sau xảy ra nạn đói chết hàng chục triệu dân… đều xuất phát từ cái đầu coi “trí thức không bằng cục phân” của lãnh tụ “vĩ đại” Mao Trạch Đông.

Sau mấy mươi năm giải phóng miền Nam, Bắc Nam thành một khối thống nhất xã hội chủ nghĩa, thử xem kết quả của anh Ba ra sao? Có đốt đuốc ban ngày cũng không tìm thấy dấu vết chủ nghĩa xã hội trong đời sống kinh tế chính trị. Người giàu ngày càng giàu lên hầu hết một cách bất minh, bất chính, và quả trứng xã hội chủ nghĩa cho miền Nam cuối cùng là một quả trứng ung thối. Để có được quả trứng vĩ đại đó phải mất 20 năm với bao nhiêu xương máu của người dân ở cả hai miền: và bao lần suýt đưa cả nước xuống hố.

Chưa kể những năm ngồi ghế Tổng Bí thư Đảng, anh để lại bao nhiêu di sản tai hại. Từ những “chuyện nhỏ” như đánh phá tư sản miền Bắc rồi sau 1975 tiếp tục đánh phá tư sản miền Nam, ngăn cản sản xuất, cứ lo dân giàu, triệt hết mọi đường sinh sống. Đời sống nhân dân ngày càng tụt hậu so với các nước lân bang. Hòn ngọc viễn Đông Sài Gòn suýt biến thành hòn đá cuội. Đời sống người dân hai miền cơ cực hết chỗ nói, xuống tới đáy của sự bần cùng.

Đó là quả trứng ung thứ nhất. Bây giờ xin nói quả trứng ung của Mỹ.

Mỹ ồ ạt đổ quân vô miền Nam với ý đồ ngăn chặn làn sóng cộng sản hóa miền Nam và các nước lân bang. Họ sợ cộng sản hơn bất cứ đại dịch nào trên thế giới (ai cũng biết không làm gì có chuyện Mỹ muốn chiếm miền Nam Việt Nam thành thuộc địa, thâu tóm tài nguyên hay bất cứ cái gì ở đó). Mục đích duy nhất là ngăn chặn tai họa cộng sản. Để đạt được mục đích này, Mỹ phải mất tới 9 năm với mấy đời Tổng thống cùng với 58.000 nghìn lính Mỹ bỏ xác ở miền Nam. Nửa chừng Mỹ phải bỏ cuộc, cũng để lại một quả trứng ung.

Bây giờ hãy nói tới vai trò của Lịch sử. Giá… lịch sử không chậm chân, có những bước tiến nhanh thì sẽ cứu được hàng trăm triệu người và bao nhiêu hệ lụy sau nó. Nếu sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết và sau đó các nước Đông Âu tiếp tục đổ theo sớm vài chục năm, thì những chuyện bi thảm đau lòng không xảy ra, trước hết là Việt Nam và nhân dân Mỹ khỏi hứng chịu hai quả trứng ung của Lê Duẩn và 4 đời Tổng thống Mỹ! Dẫu trách sự chậm trễ của nó, nhưng cũng cần có lời cảm ơn. Chúa đã ra tay! Thật ra thì không có bàn tay của Chúa trong việc hệ thống chủ nghĩa xã hội sụp đổ. Một chủ nghĩa phi nhân tính, phản khoa học sớm muộn sẽ tự kết thúc. Tuy chậm còn hơn không!

***

Có người viết, nếu anh Ba biết dừng lại từ năm 1975 (nghĩa là sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử “lớn lao” giải phóng miền Nam, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, đưa non sông về một mối cộng sản) thì anh Ba là bậc anh hùng!

Rõ ràng người viết xem những thành tích của anh Ba từ 1975 trở về sau là không ra gì, nếu không muốn nói là thất bại. Song có người lại nói giá anh Ba cứ ở quê làm một anh giáo làng bình thường thì nhân dân Việt Nam đỡ tổn thất biết bao nhiêu. Trước hết tránh cho Đất nước thoát khỏi cuộc chiến nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn giữa hai miền Nam – Bắc kéo dài đằng đẵng suốt 20 năm ròng rã với bao tang thương chết chóc. Nếu miền Nam Việt Nam lúc đó đang như một địa ngục như cụ Hồ từng lo lắng ngày đêm ăn ngủ không yên mà miền Bắc đang sống trên Thiên đường thì việc giải cứu đồng bào miền Nam là mệnh lệnh thiêng liêng, cấp thiết, cần phải tiến hành giải phóng bằng mọi giá. Nhưng chuyện lại hoàn toàn ngược lại.

Nghe nói nhà văn Dương Thu Hương lúc đó là Thanh niên xung phong trong những ngày đầu đã có mặt ở Sài Gòn giải phóng, vô tình đứng trước quầy sách báo. Chị tò mò ngó qua một lượt, càng lúc càng sững sờ. Nàng tìm một góc vắng, lặng lẽ ngồi khóc. Tại sao miền Nam lại được tự do in ấn thế này. Toàn những sách báo bạn đọc miền Bắc có nằm mơ cũng không thấy được. Lại có cả những sách báo về chủ nghĩa Mác-Lê bày bán công khai một cách vô tư, hồn nhiên. Rõ ràng là họ Tự do dân chủ điều mà Miền Bắc không thể nào có. Chỉ bấy nhiêu thôi nhưng đã giúp nhà văn lúc đó “ngộ” ra nhiều điều: Và cũng là lúc nhà văn bắt đầu thức tỉnh, tìm một hướng đi khác cho những năm tháng còn lại sau này.

Chợt nhớ một trường hợp tương tự, nhà văn Nguyễn Quang Lập trong lúc nói về nhà thơ Tố Hữu: Nếu Tố Hữu làm nghề thợ mộc thì thơ ông ta hay hơn… Đó là sự gặp nhau của hai “Thiên tài” vừa sắc máu vừa lãng mạn.

Điều đáng buồn, đáng tiếc, luồng gió cách mạng (hay bạo lực cách mạng) đã thổi bay mất những tinh túy, những giá trị văn hóa nghìn năm của dân tộc, và để lại quá nhiều rác rưởi, đau thương, những vết thương khó lành…, nhiều thế kỷ sau chưa chắc đã khôi phục lại được. Đó là về mặt tinh thần, còn về đời sống vật chất, môi trường thì di họa cũng không kể xiết.

Kết quả cuối cùng, sau non một thế kỷ Đảng độc quyền lãnh đạo, Dân tộc Việt Nam đã hứng chịu bao thảm cảnh đau lòng. Vấn đề đặt ra trước tòa án lương tâm và công luận: Được hay Mất. Nhân dân Được gì và Mất gì? Ai được và ai mất? Một câu hỏi lớn không phải đợi lịch sử mai sau trả lời. Hiện thực phơi bày ngổn ngang trước mắt, chỉ có mù mới không nhìn thấy.

____

Mời đọc lại: Lịch sử là thằng nào mà ác thế?  —  Xin đừng biến nhân dân thành cái sọt rác  —  Câu hỏi vu vơ nhưng… câu trả lời chắc như đinh đóng cột  —  Bức chân dung đẹp nhất hay ông vua chột và họa sĩ  —  Các Mác và pho tượng của mình ở Đông Đức cũ —  Pho tượng Lê-Nin ở Hà Nội và chiếc bóng của mình — “Tiền phạt” hay chuyện vui về “bệnh nghề nghiệp” — Lại chuyện về chủ nghĩa Mác Lê và chủ nghĩa Xã hội  — Nhà độc tài sắc máu và lãng mạn (TD).

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Chuyện cái lưng con ngựa là chuyện cụ Phan Châu Trinh nói cụ Phan Bội Châu nhờ Nhật đuổi Pháp chứ đâu phải như tác giả nêu nhỉ

  2. Một bài viết rất thuyết phục với bằng chứng thực tại trước mắt và cả qúa khứ
    và đúng nhu tác giả viết “chỉ có mù mới không nhìn thấy”.
    Thế nhưng,tôi xin góp ý thêm là tất cả những ai bị CS.NHỒI SỌ và TẨY NÃO
    thì cũng không thể nhìn thấy mà đáng sợ là số này đông đảo nhất !

Comments are closed.