Pho tượng Lê-Nin ở Hà Nội và chiếc bóng của mình

Văn Biển

4-7-2018

Tượng Lê Nin ở Hà Nội. Ảnh trên mạng

Ở công viên Canh nông mặt đối diện với cột cờ, có pho tượng Lê-nin trải qua bao tai biến lịch sử vẫn sừng sững đứng cùng mưa nắng Thủ đô. Vào một đêm vắng vẻ. Giờ này không còn ai qua lại. Cái bóng bèn đứng lên, mon men tới gần pho tượng.

– Ngài có còn nhớ tôi không?

Sao lại không, anh có mặt cùng tôi lúc người ta dựng tôi ở công viên này.

Chiếc bóng rụt rè:

– Ngài cảm thấy thế nào?

Anh có thể nói rõ được không?

– Thế sự, buồn vui, tương lai, số phận. Những ý nghĩ của mình mà Ngài chẳng có dịp thổ lộ cùng ai.

Anh cũng bận tâm những chuyện đó sao?

– Cái gì liên quan tới Ngài đều không nằm ngoài sự quan tâm của tôi. Cái bóng cười. Câu này tôi học lỏm được của người đời.

Ta biết.

– Trông ngài có vẻ buồn và… cô đơn. Còn nhớ Ngài từng một thời làm nên lịch sử.

Pho tượng buồn, cố giấu tiếng thở dài: Lịch sử có quyền uy của nó. Trên con đường đi lên của nhân loại lịch sử biết cần giữ cái gì và sàng lọc loại đi những rác rưởi nhơ bẩn cản đường đi của nó.

– Ngài không có ý định cản nó sao? Hồi năm 17 của thế kỷ trước, Ngài mạnh mẽ, uy dũng biết bao. Trong bộ áo khoác dài màu xám tro, cằm Ngài hất lên nhô về phía trước hô đoàn quân Cộng sản tiến lên cướp chính quyền non trẻ từ tay Tư sản lập nên chính quyền Xô viết đầu tiên trên Trái đất. Nói như Mao Trạch Đông vài mươi năm sau: “Chính quyền đẻ ra từ họng súng”. Giọng cái bóng trở nên buồn. Thế mà non hơn nửa thế kỷ, tất cả thành mây khói.

Đừng buồn anh bạn ạ. Cái gì đến ắt phải đến.

– Gần đây ở Ucraina nhiều pho tượng của Ngài cũng bị kéo đổ xuống.

Chuyện thường ngày ở… Trái đất mà. Pho tượng cười.

– Cái bóng cười theo: Ngài cũng học được cách nói của người dân ở đây. Nhân nói tới nơi này, nơi kia kéo đổ tượng của Ngài, gần đây trên mạng xôn xao có một vị giáo sư Tiến sĩ lên tiếng phê phán chuyện này. Ông ta nói: “Phá tượng Lenin là thiếu văn hóa”. Vậy là cho tới nay vẫn còn có người yêu quý tôn trọng Ngài. Xin chúc mừng Ngài.

Thấy pho tượng vẫn bình thản, chiếc bóng nói tiếp: Nghe tin này tôi tưởng Ngài phải vui chứ. Mà đây là một giáo sư Tiến sĩ thứ thiệt, phó giám đốc một trường Đại học lớn ở Thủ đô. Nhờ chuyện này tên tuổi ông ta nổi lên như cồn.

Tôi nghĩ anh ta hoặc là kẻ cuồng tín ít ỏi còn sót lại. Hoặc là được ân sủng lớn của Đảng và Nhà nước. Chắc dân mạng chửi bới ông ta ghê lắm vì tới nay vẫn còn mê muội. Cũng có thể anh ta bị tâm thần. Ngừng một lát pho tượng nói tiếp. Ta lại còn biết có một câu nói có thể xếp vào loại danh ngôn. Người nói câu này là con gái Stalin, sợ bố bỏ trốn qua Mỹ sinh sống. Ta biết ngươi đang hồi hộp chờ nghe.

– Vâng, Ngài tâm lý quá.

Bạn không thể hối tiếc cho số phận của mình, nhưng tôi đã hối tiếc vì mẹ đã không lấy một chàng thợ mộc”. Câu đó đã nói lên bản chất độc ác tàn bạo của con người Stalin. Hình như trên thế giới không có tượng Stalin. Ta nghĩ đôi khi đó là điều hay cho ông ta. Khỏi bị giật đổ.

– Cái hôm bọn côn đồ tới định kéo đổ ngài xuống, may nhờ có công an kịp thời can thiệp.

Không phải côn đồ đâu. Những người bất đồng chính kiến. Họ là đại đa số nhưng không có súng, lưỡi lê như chính quyền nên chính nghĩa không làm gì được.

– Ngài có nghĩ những chuyện này lặp lại không?

Thành thật mà nói. Ta không quan tâm tới việc còn hay không còn ở đây.

– Nhưng cũng có điều đáng vui. Ngài không thấy pho tượng sống lâu hơn lý tưởng của mình?

Chẳng hay ho gì chuyện đó đâu anh bạn ạ. Ta chưa bao giờ nghĩ tới chuyện này. Cái tượng dầu là vàng cũng chỉ là kim loại hoặc bằng đất nung hay xi-măng thôi. Cái tượng đài lớn nhất là ở trong lòng người.

Nhân nói về tượng đài, một tối có mấy người ngồi chơi trên bục đọc ta nghe lỏm được:

Khi không còn có thể bước đi, thiên tài thường hóa tượng.

Tượng thật ra cũng chỉ là sự mỏi mòn chết đứng trước khát khao.

Sự câm lặng giữa bốn bề huyên náo.

Lại còn những tượng ngồi, tượng nằm ngớ ngẩn ngó trời cao (1).

Ngươi thấy vậy, bài thơ dành cho những Thiên tài hóa thành tượng. Nó đúng vào mọi trường hợp. Chua chát tới rợn người.

– Đúng như Ngài nói. Câu nào cũng lạnh buốt tới xương. Xin lỗi, chữ xương tôi dùng không đúng chỗ.

Không sao. Ta hiểu. Một lát pho tượng nói thêm. Ta đã sai lầm ngay từ đầu. Các người nối tiếp lại càng lún sâu vào tội ác.

– Ngài muốn nói Stalin, Mao Trạch Đông và bao nhiêu kẻ khác?

Pho tượng không trả lời, hình như “ông ta” đang suy nghĩ miên man, bao nhiêu chuyện khác xảy ra trên dòng sông lịch sử chảy xiết. Cuộc Cách mạng tháng Mười long trời lở đất vẫn còn ảnh hưởng nơi này nơi khác. Hình như cái ác của chủ nghĩa Cộng sản vẫn không ngừng phát triển cả trên nước Nga.

– Ngài liệu còn đứng ở đây được bao lâu nữa? Bất ngờ cái bóng hỏi.

Anh quên là ta bị chôn đứng ở đây à? Chắc không phải vì lòng tốt của chính quyền mà họ không biết làm cách nào. Thôi số phận… Vả ta không quan tâm đến điều này.

Cái bóng buồn bã trở về chỗ của mình.

Còn lại một mình “Lênin” đứng giữa vườn hoa hiu quạnh. Càng về đêm càng mênh mang giá buốt.

(1) Thơ Trần Minh Hồ

____

Tạp bút của Văn Biển. Mời đọc lại: Lịch sử là thằng nào mà ác thế?  —  Xin đừng biến nhân dân thành cái sọt rác  —  Câu hỏi vu vơ nhưng… câu trả lời chắc như đinh đóng cột  —  Bức chân dung đẹp nhất hay ông vua chột và họa sĩ  —  Các Mác và pho tượng của mình ở Đông Đức cũ (TD).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây