Vấn đề ở Tây Nguyên: Cần một chính quyền có ‘tâm’ và có ‘tầm’

Blog VOA

Trân Văn

14-6-2023

Chưa thể xác định đâu là nguyên nhân dẫn đến “sự kiện Cư Kuin” nhưng người thiểu số ở Tây Nguyên càng ngày càng nghèo túng, bế tắc là một thực tế không thể phủ nhận.

Tiếp theo phần 1: ‘Khủng bố’ ở Tây Nguyên? Và phần 2: ‘Sự kiện Cư Kuin,’ hồi chuông cảnh báo?

Do đặc điểm địa lý và lịch sử, tại Việt Nam có ba khu vực mà phần lớn các sắc tộc thiểu số quần cư tại đó đã nhiều thế kỷ: Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ (đồng bằng sông Cửu Long). Vì nhiều lý do, cả ba khu vực đều chậm phát triển, dân chúng các sắc tộc thiểu số nghèo túng và do chính sách vừa thiển cận, vừa lệch lạc lại dễ dàng bị thao túng bởi lợi ích của các cá nhân, phe nhóm nên cả ba khu vực đều bị đe dọa bởi nguy cơ các sắc tộc thiểu số nổi loạn, đòi tự trị như người Việt đã từng và đang chứng kiến.

Không phải tự nhiên mà đầu thập niên 2000, Bộ Chính trị của đảng CSVN quyết định thành lập ba “Ban Chỉ đạo” (BCĐ) cho ba khu vực này (BCĐ Tây Bắc, BCĐ Tây Nguyên, BCĐ Tây Nam bộ). BCĐ Tây Nguyên được thành lập đầu tiên (2002) sau khi xảy ra vụ nổi loạn hồi 2001 – người thiểu số chiếm trụ sở chính quyền tỉnh Đắk Lắk. Hai năm sau (2004), do hai khu vực còn lại cũng bất ổn, Bộ Chính trị của đảng CSVN quyết định thành lập thêm BCĐ Tây Bắc và Tây Nam bộ.

Tuy mục tiêu của cả ba BCĐ vừa kể là giám sát, tư vấn về chủ trương, phối hợp với chính quyền các địa phưng trong khu vực trách nhiệm để duy trì trật tự, trị an nhưng trên thực tế, các BCĐ loại này chỉ thêm tốn kém cho công quỹ, tạo thêm điều tiếng vì đủ loại tiêu cực. Năm 2004, người thiểu số ở Tây Nguyên lại nổi loạn thêm một lần nữa. Đến năm 2011 là cuộc nổi loạn ở Tây Bắc (Mường Nhé). Đó cũng là lý do cuối năm 2017, Bộ Chính trị của đảng CSVN quyết định giải thể cả ba BCĐ (1).

Sở dĩ phải dông dài về các BCĐ Tây Bắc, BCĐ Tây Nguyên, BCĐ Tây Nam bộ vì đó chính là một trong những chuyện có thể dùng làm ví dụ để chứng minh, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền nhận thức rất rõ về ẩn họa đe dọa cả sự toàn vẹn lãnh thổ lẫn an ninh chính trị – kinh tế – xã hội quốc gia nhưng “dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của đảng CSVN” các chủ trương, chính sách cũng như việc thực thi những chủ trương, chính sách này chẳng khác gì gài mìn ở tương lai, đặc biệt là gài mìn tại khu vực Tây Nguyên.

***

Rừng là không gian sinh tồn của các sắc tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Rừng là phần chính yếu trong cả văn hóa lẫn đời sống của 12 sắc tộc bản địa. Bất kể sự khốc liệt của chiến tranh, đầu thập niên 1980, rừng vẫn còn bao phủ khoảng 70% tổng diện tích ở Tây Nguyên (khoảng 3,8 triệu héc ta) nhưng đến nay, tại Tây Nguyên chỉ còn khoảng 2,1 triệu héc ta rừng và chỉ 10% trong số này được xem là “rừng giàu”, 90% còn lại là rừng nghèo kiệt (2).

Giữa thập niên 1970, dân số ở khu vực Tây Nguyên là 1.225.000 người thuộc 18 sắc tộc, trong đó người thuộc các sắc tộc thiểu số là 850.000 người, chiếm khoảng 70% dân số. Hiện nay, dân số ở khu vực Tây Nguyên khoảng sáu triệu người (số liệu năm 2021) thuộc 53 sắc tộc, trong đó 52 thuộc các sắc tộc thiểu số nhưng dù có thêm nhân khẩu của 35 sắc tộc thiểu số khác, tỷ lệ người thiểu số ở Tây Nguyên chỉ chừng 37,5% (khoảng 2,2 triệu người [3].

Theo nhiều chuyên gia KHXH, bởi mỗi sắc tộc cần không gian sinh tồn riêng, khi Tây Nguyên trở thành nơi tập trung gần như tất cả các sắc tộc ở Việt Nam, những sắc tộc bản địa phải cư trú xen kẽ với các sắc tộc khác, trong đó đa số là người Kinh, việc soạn – thực thi chính sách phải chú trọng đến hóa giải khác biệt, loại bỏ những ẩn ức có thể dẫn tới xung đột. Tuy nhiên trên thực tế, chính sách đã biến phần lớn thành viên của các sắc tộc bản địa trở thành đói nghèo, gánh chịu đủ loại thiệt thòi cả về y tế lẫn giáo dục.

Cho dù 1,7 triệu héc ta rừng đã bị đốn trụi nhưng theo một số thống kê do các cơ quan hữu trách của chính quyền Việt Nam thực hiện và công bố: Giai đoạn 2013 – 2015, trong 326.909 gia đình thuộc các sắc tộc thiểu số thì có 32.975 (10%) gia đình thiếu đất ở (10%), 293.934 (khoảng 90%) gia đình thiếu đất canh tác (4). Các số liệu vừa đề cập tuy đáng ngẫm nghĩ nhưng chắc chắn đã lạc hậu, tỉ lệ người thiểu số không có đất ở, thiếu đất canh tác đã vượt xa mức vừa dẫn khi nghèo túng và bế tắc tiếp tục khiến họ phải bán xới nhà cửa, ruộng nương để tiếp tục sinh tồn trên bản quán, năm ngoái, giới hữu trách và hệ thống truyền thống chính thức cảnh báo hiện tượng người thiểu số ở Tây Nguyên bị… “dụ dỗ” nên thi nhau bán sạch nhà cửa, ruộng nương (5).

Trong một bài viết được công bố trên tạp chí Lý luận Chính trị hồi tháng 1/2021, dẫn trên dữ liệu thống kê từ các nguồn chính thống bà Nguyễn Thị Thanh Dung (Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhận định: Do tình trạng “mạnh ai nấy được” diễn ra khá phổ biến, dẫn đến các tộc người thiểu số Tây Nguyên vốn chưa thích nghi với điều kiện sản xuất thị trường hiện đại đã bị “nghèo đi” theo cả nghĩa tương đối và tuyệt đối, làm tăng mâu thuẫn xã hội, tăng nguy cơ xung đột xã hội. Trong lúc tỷ lệ số hộ nghèo tuyệt đối ở Tây Nguyên đã giảm từ gần 50 % (2006) xuống dưới 15% (hiện nay) thì tỷ lệ hộ nghèo tương đối của các tộc người thiểu số, chiếm từ 52% đến 70% trong tổng số hộ nghèo ở Tây Nguyên (6).

Cũng trong bài viết vùa đề cập, bà Dung cho biết: Ở Tây Nguyên, các nông, lâm trường làm ăn thua lỗ, không mang lại lợi ích kinh tế cho nhà nước, nhà nước không có nguồn thu từ các nông, lâm trường này để giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội mới nảy sinh do sự thu hẹp đất đai của các cộng đồng… Đất rừng bị khai thác bừa bãi, lượng nước ngầm trong đất cạn kiệt, lượng nước tưới giảm, suy giảm thảm thực vật, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người sản xuất mà trước hết là các tộc người thiểu số. Người dân Tây Nguyên bị “nghèo” đi trong nền “kinh tế rừng” truyền thống, trong lúc chưa có sinh kế thay thế hiệu quả, chưa thể và chưa có điều kiện để thích nghi hoặc chuyển sang nền sản xuất hiện đại

***

Chưa thể xác định đâu là nguyên nhân dẫn đến “sự kiện Cư Kuin” nhưng người thiểu số ở Tây Nguyên càng ngày càng nghèo túng, bế tắc là một thực tế không thể phủ nhận. Ngoài việc thỉnh thoảng thừa nhận thực tế đó, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam tiếp tục khiến thảm trạng về dân sinh trong các cộng đồng thiểu số trở nên tồi tệ hơn. Làm sao có thể xem chính quyền Việt Nam vừa có “tâm”, vừa có “tầm” khi càng ngày càng nhiều thành viên của các sắc tộc bản địa không có nơi cư trú, không có đất canh tác mà vẫn thản nhiên giao đất vào tay những doanh nghiệp chỉ nhận đất để sang nhượng rồi tiếp tục phá rừng như Công ty Long Sơn hay để nhận tiền bồi thường từ các dự án như đã trình bày trong hai phần trước của bài viết này?

Trước giờ, những cảnh báo, đề nghị của bất kỳ ai nằm bên ngoài hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam về việc điều chỉnh chính sách, cách đối xử đối với các cộng đồng thiểu số tại Việt Nam nói chung, tại Tây Nguyên nói riêng đều bị quy chụp là “thù địch”, là “phản động”, là “phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân” nhưng chẳng lẽ di dân thiếu viễn kiến, phá rừng để… trồng cao su, để phát triển kinh tế, để phát triển thủy điện, để thực hiện dự án sân golf này, dự án đô thị kia,… và tạo ra thực trạng như đã biết với Tây Nguyên, với các cộng đồng thiểu số cả ở Tây Nguyên lẫn các khu vực khác lại là… “thiện chí”, là… “đúng đắn, tiến bộ” và là… “củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân”?

Không phải tự nhiên mà nhiều quốc gia đa dạng về sắc tộc dành đủ loại ưu đãi cho các sắc tộc bản địa cũng như sắc tộc thiểu số… Nếu không thể tìm hiểu qua thân nhân, bạn bè thì có thể sử dụng Google để tìm kiếm thông tin về chính sách đối với các sắc tộc bản địa của Mỹ, Canada, Úc,… Những diễn biến ngay sau khi xảy ra “sự kiện Cư Kuin”, đặc biệt là những hình ảnh, video clip và những nhận định, bình luận vừa hằn học, vừa miệt thị nhắm vào nhiều thành viên của các cộng đồng thiểu số ở Tây Nguyên từ các tài khoản vốn vẫn dùng để bảo vệ đảng CSVN, bảo vệ nhà nước XHCN trên mạng xã hội có thể “bảo vệ” cái gọi là… “khối đại đoàn kết toàn dân”.

Cứ nhìn vào lịch sử nhân loại cả cận đại lẫn hiện đại ắt sẽ nhận ra, việc chủ động phát tán, giới thiệu những hình ảnh, video clip nhằm xiển dương “quân – dân đoàn kết cùng chung tay trấn áp tội phạm(7), bày tỏ sự hào hứng, hả hê khi săn lùng thành viên của các cộng đồng thiểu số sau “sự kiện Cư Kuin”, khăng khăng quy chụp đó là “âm mưu, thủ đoạn” của những “Nhà nước Degar”, “Tin lành Degar”, “FULRO”,… như đang thấy chính là cách chứng minh cho thành viên của các cộng đồng thiểu số nhận ra họ chẳng là gì ngay tại bản quán, trao cho kẻ thù thật sự của xứ sở này, dân tộc này cơ hội để khi cần có thể “hà hơi, tiếp sức” nhằm hình thành các lực lượng đòi ly khai, đòi tự trị để lũng đoạn tương lai quốc gia, vận mệnh dân tộc.

Đối tượng nào thật sự đang “phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân”?

Chú thích

(1) https://plo.vn/ly-do-dung-hoat-dong-3-ban-chi-dao-vung-post458227.html

(2) https://vnexpress.net/rung-tay-nguyen-ngay-cang-suy-giam-4589491.html

(3) http://ubdt.gov.vn/ctmtqg/tao-sinh-ke-ben-vung-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-tay-nguyen.htm

(4) https://vov.vn/xa-hoi/tay-nguyen-nong-cac-van-de-thuy-dien-pha-rung-va-di-dan-335479.vov

(5) https://www.vietnamplus.vn/canh-bao-dong-bao-dan-toc-thieu-so-tay-nguyen-bi-du-do-ban-dat/790182.vnp

(6) http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/3396-thuc-trang-xung-dot-dat-dai-vung-dan-toc-thieu-so-o-nuoc-ta.html

(7) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0YnJkGteFaJv3SC6kUg1WPMBtfjNbM5ppUiAEkUgyiRcAgiWqrxCLUvQHYmw2vwWml&id=100090309433825

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Cái mà người Thượng cần nhất là một không gian sinh tồn cho riêng họ. Nhưng đó chính là thứ họ đã, đang và sẽ tiếp tục bị tước đoạt. Phải có một thay đổi căn bản, thậm chí đảo ngược, trong nhận thức về người Thượng (cả phía chính quyền lẫn người dân), đi cùng với đó là một chính sách căn cơ ngay từ bây giờ để khôi phục không gian sinh tồn cho họ, thì may ra vài thế hệ nữa cuộc sống bình yên mới thực sự trở lại Tây Nguyên, với cả người Kinh lẫn người Thượng.

    [Người của rừng]
    Buổi chiều trời kéo âm binh xám xịt dưới hốc mắt ông lão ngồi bó giò trước cửa căn nhà tạm công trường.
    Căn nhà vách tôn gỉ mái lợp lá dừa nước khô lênh khênh trên mô đất hoang lùi sâu, sâu mãi, sâu mãi, hun hút trong quầng mây thâm tím.
    Lão nhướng mắt nhìn xa, xa, xa mải mê về phía cội rễ rừng già, có tiếng suối, tiếng ông hổ gầm gừ và quầng mây đại ngàn thuở xa xưa tổ tiên lão dựng làng phát rẫy.
    Lão mất gốc rồi. Đôi bàn chân đã đi quá xa. Ánh mắt đã quá mòn. Xứ sở lụi tàn.
    Lão phu hồ già bập khói thuốc vẽ vòng tròn mắt cú ướt nhoèn. Lão chết dần đến thắt lưng.
    Bụng lép xoắn quẩy hai lớp da nhăn nheo càng dúm dó khi ý nghĩ lão vừa chớm quay nhìn về phía tương lai hun hút.
    “Sao ta lại ở đây? Ta sẽ về đâu?” – khói thuốc xoay vòng thành dấu hỏi.
    Đoàn xe bồn lừng lững tiến lại, từ xa đã kéo còi ầm ĩ, chúng như tất cả những kẻ thô bỉ khác, luôn biết cách áp chế người ta bằng thân hình khủng khiếp và cái miệng to tổ bố gầm ghè.
    “Bãi đất này, cỏ cây kia, ếch nhái và cả những kẻ như lão già này nữa, tất cả sẽ nằm bẹp dưới gạch vữa bê-tông của ta, cao ốc, biệt thự sẽ mọc lên và các ngươi phải biến mất” – ống khói đen ngòm phụt liên hồi từ miệng con quỷ nhe nanh cười ác độc.
    Tôi chộn rộn uất ức.
    “Ta chết đến thắt lưng rồi. Xứ ta chết đến cổ rồi. Đất ta chết hẳn rồi” – ông lão thầm thì và bình thản thả khói thuốc bay theo làn gió sông Sài Gòn xế bóng.
    “Mưa, ta vào nhà đi” – ông lão bất chợt giục tôi, lần này ông nói rành rọt và không có hạt nước nào đi cùng.

    Nguồn FB NĐK

  2. Nhưng nhà cầm quyền hiện nay không phải là “chính quyền” vì nó không phải do người dân bầu ra, nó phải được gọi là “bạo quyền” mới chuẩn, và cách thường xuyên nhất mà nó dùng để giải quyết các bất đồng xung đột với người dân là đàn áp bắt bớ, được gọi là “bạo lực cách mạng”

  3. Vớ phải một chính quyền: tâm thì đen, tầm thì hẹp, người Tây Nguyên biết làm sao đây, thưa tác giả ?

  4. “Tâm” của VC là bạo lực, khủng bố và chuyên chính, là tham lam vơ vét và phá hoại.
    “Tầm” của VC là não trạng của khỉ Trường Sơn.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây