Chiến tranh sẽ không kết thúc như thế nào (Phần cuối)

Foreign Affairs

Tác giả: Margaret MacMillan

Cù Tuấn, biên dịch

14-6-2023

Tiếp theo phần 1phần 2

Các tòa nhà bị phá hủy ở Chasiv Yar, Ukraine, tháng 4-2023. Nguồn: Violeta Santos Moura / Reuters

CUỘC CHIẾN HẬU CHIẾN

Ngay cả những cuộc chiến kéo dài cuối cùng cũng phải kết thúc, đôi khi do một bên hiếu chiến không thể chiến đấu được nữa, và đôi khi thông qua đàm phán. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng chỉ có thể xảy ra khi cả hai bên sẵn sàng đối thoại và thỏa hiệp.

Một số nhà sử học về Chiến tranh thế giới thứ hai đã lập luận rằng, quân Đồng minh, với việc nhất quyết yêu cầu Đức đầu hàng vô điều kiện, đã khiến Đức Quốc xã không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chiến đấu đến cùng. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy Hitler đã từng chuẩn bị đàm phán nghiêm túc. Năm 1945, ông ta tự sát thay vì thừa nhận thất bại, mặc dù thành phố Berlin đã trở thành đống đổ nát, lực lượng vũ trang của ông ta đã tan rã và quân đội Đồng minh đang nhanh chóng tiến vào Berlin.

Chuẩn bị sẵn sàng cho công chúng Nhật Bản chiến đấu đến chết trong trường hợp Mỹ xâm lược, quân phiệt đang kiểm soát Nhật Bản thiếu vũ khí đến mức họ bắt đầu phát cho dân những thanh tre vót nhọn. Chỉ sau khi Mỹ ném bom xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản mới đầu hàng vô điều kiện.

Có thể Ukraine và Nga, dưới áp lực từ Trung Quốc và Mỹ, một ngày nào đó có thể đồng ý thảo luận về việc chấm dứt chiến tranh. Thời điểm có thể là rất quan trọng. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, mặc dù nhiều sáng kiến hòa bình khác nhau đã được đưa ra—chẳng hạn như của Giáo hoàng và của Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson—cả hai bên vẫn tiếp tục bám vào hy vọng chiến thắng quân sự. Chỉ đến mùa hè năm 1918, khi bộ chỉ huy cấp cao của Đức nhận ra mình đang thua cuộc, Đức mới yêu cầu đình chiến.

Nhưng thật khó để tưởng tượng một dàn xếp như vậy ở Ukraine sẽ như thế nào, và khi giao tranh và tổn thất của cả hai bên gia tăng và ngày càng có nhiều báo cáo về sự tàn bạo của Nga được đưa ra ánh sáng, sự thù hận và cay đắng tích tụ sẽ gây ra những trở ngại to lớn cho bất kỳ sự nhượng bộ nào từ một trong hai bên.

Chắc chắn, trong một cuộc chiến tranh lâu dài, mục tiêu của cả hai bên đều sẽ thay đổi. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, mục tiêu chiến tranh của Đức được mở rộng để bao gồm một nước Bỉ phục tùng—và có lẽ bị sáp nhập—ở phía Tây và một đế chế, mang tính kinh tế hoặc chính thức hơn, sẽ bao gồm các quốc gia vùng Baltic và Ukraine. Pháp, quốc gia bắt đầu cuộc chiến với mong muốn giành lại các tỉnh Alsace và Lorraine đã bị mất, vào năm 1918 đang dự tính sáp nhập toàn bộ lãnh thổ của Đức ở phía Ty sông Rhine. Và Pháp với Anh đã tranh cãi về việc quốc gia nào sẽ giành được những phần lớn nhất của Đế chế Ottoman bị đánh bại.

Trong cuộc đấu hiện tại, Nga dường như đã từ bỏ việc chiếm Kiev vào lúc này, nhưng dường như đang cố gắng chiếm càng nhiều vùng đất Ukraine càng tốt và biến những tỉnh còn lại của Ukraine thành một quốc gia nghèo khó, không giáp biển. Trớ trêu thay, Nga, nước bắt đầu cuộc chiến tuyên bố rằng mục tiêu của họ là giải phóng những người Ukraine vô tội khỏi chính phủ phát xít nghiện ma túy của Zelensky, bây giờ lại nói về những người Ukraine bình thường như những kẻ phản bội.

Đổi lại, chính phủ Ukraine, ban đầu chỉ nhằm mục đích chống lại cuộc tấn công của Nga và bảo vệ lãnh thổ của mình, giờ đã tuyên bố ý định đẩy bật Nga ra khỏi toàn bộ Ukraine, bao gồm cả bán đảo Crimea, cũng như các khu vực Donetsk và Luhansk do Nga chiếm đóng kể từ năm 2014. Chừng nào cả hai bên còn tiếp tục hy vọng vào điều gì đó mà họ có thể gọi là chiến thắng, thì việc đưa họ đến bàn đàm phán sẽ còn khó khăn và khoảng cách ngày càng lớn giữa các mục tiêu chiến tranh của họ sẽ khiến việc đạt được một thỏa thuận càng khó khăn hơn.

Vào năm 1914, ít ai ngờ được sự bế tắc, quy mô của sự tàn phá, sự lan rộng của cuộc giao tranh từ châu Âu sang Trung Đông, châu Phi và châu Á, hoặc sự tàn phá của chiến tranh đối với các xã hội châu Âu. Khi tiếng súng cuối cùng cũng im bặt, châu Âu đã trở nên rất khác. Ba đế chế—Áo-Hung, Đức và Nga—trở nên hỗn loạn, và Đế chế Ottoman sắp tan rã. Cán cân quyền lực đã thay đổi với một Đế quốc Anh suy yếu và một nước Mỹ và Nhật Bản đang trỗi dậy. Liệu cuộc chiến ở Ukraine có mang lại những thay đổi lớn tương tự, với một nước Nga bị thiệt hại nặng và một Trung Quốc ngày càng hùng mạnh và quyết đoán?

Georges Clemenceau, thủ tướng Pháp năm 1919, từng nói rằng, kiến tạo hòa bình khó hơn gây chiến. Chúng ta có thể sắp khám phá lại sự thật trong lời nói của ông. Ngay cả khi cuộc chiến ở Ukraine có thể đi đến hồi kết, thì việc xây dựng hòa bình sau chiến tranh sẽ là một thách thức ghê gớm. Kẻ thất bại sẽ không dễ dàng chấp nhận thất bại, và kẻ chiến thắng sẽ khó có thể tỏ ra hào hiệp.

Hiệp ước Versailles chưa bao giờ trừng phạt Đức nặng nề như Đức tuyên bố, và nhiều điều khoản của hiệp ước không bao giờ được thi hành. Nhưng châu Âu của thập niên 1920 sẽ là một nơi hạnh phúc hơn nếu các nước Đồng minh không cố gắng đòi Đức phải bồi thường thiệt hại thật nhiều tiền, và chào đón nước này trở lại cộng đồng các quốc gia sớm hơn.

Lịch sử có thể đưa ra nhiều ví dụ đáng khích lệ hơn. Sau Thế chiến II, Kế hoạch Marshall của Mỹ đã giúp xây dựng lại các quốc gia Tây Âu thành các nền kinh tế phát triển, và quan trọng không kém, thành các nền dân chủ ổn định. Vào năm 1945, có vẻ như là một điều phi thường khi đó, khi mà Tây Đức và Ý, dưới sự đe dọa của Chiến tranh Lạnh, đã được phép gia nhập NATO và trở thành những thành viên cốt lõi của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương. Ngay cả những kẻ thù cũ cũng có thể trở thành đối tác thân thiết.

Số phận của các cường quốc phe Trục sau Thế chiến II ít nhất mang lại hy vọng rằng một ngày nào đó nước Nga ngày nay có thể chỉ còn là ký ức xa vời như nước Đức năm 1945. Đối với Ukraine, hứa hẹn về những ngày tốt đẹp hơn nếu chiến tranh có thể kết thúc thuận lợi cho quốc gia này, với việc đất nước này phục hồi phần lớn lãnh thổ phía đông bị mất và bờ biển Biển Đen, cũng như việc được kết nạp vào EU.

Nhưng nếu điều đó không xảy ra và phương Tây không nỗ lực lâu dài để giúp Ukraine tái thiết—và nếu các nhà lãnh đạo phương Tây nhất quyết coi Nga như một kẻ thù phải bị hạ bệ vĩnh viễn—thì tương lai của cả hai nước sẽ là một tương lai khốn khổ, đầy rẫy bất ổn chính trị và tràn ngập tâm lý muốn trả thù.

(Hết)

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Các nước Châu Âu và phương Tây nên tự xét mình vì đã không làm gì khi Nga xâm chiếm Crimea để Putin ảo tưởng làm tới. Phải công nhận Ukraina là một quốc gia anh hùng, đã đổ xương máu để giữ vững một quốc gia dân chủ cũng là đại diện bảo vệ cho dân chủ của toàn thế giới cho nên Châu Âu, phương tây phải xem hỗ trợ về mọi mặt cho Ukraina là nghĩa vụ, là trách nhiệm của mình chứ không phải “ban ơn”, và cũng phải cương quyết trước con ác quỷ Putin chứ không phải rụt rè cân nhắc khi cấp vũ khí chậm trễ cho Ukraina khiến nước này phải trả giá đắt về nhân mạng!!!

  2. Cái kết cục không phải nước Nga bị hạ bệ vĩnh viễn mà là chế độ của tập đoàn Putin bị hạ bệ vĩnh viễn . Nước Nga vẫn còn đó như mọi quốc gia khác . Để biêt đâu , tương lai lịch sử lại ghi nhận nước Nga là đồng minh phương Tây , cùng nhau chống chọi với 1 thứ chủ nghĩa đối kháng nào đó .

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây