Quan và dân (Phần 4)

Nguyễn Thông

30-4-2024

Tiếp theo phần 1phần 2 và phần 3

Hôm nay 30.4 (ngày 30 tháng 4), trên phố xá, đường đi, nơi công cộng, và nhất là trên hệ thống báo chí truyền thông mậu dịch (báo, tivi, đài), cả bộ máy cai trị, cả “hệ thống chính trị” gần như vận hành hết công suất vào việc “kỷ niệm 49 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Rồi sau đó vài ngày, tất cả lại bị cuốn vào cơn sóng còn dữ dội hơn, “kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”. Biết bao nhiêu thời gian, công sức, tiền của đổ vào đó, không ai có thể biết, đong đếm được. Ngân sách được sử dụng thế nào, chi vào việc gì, bao nhiêu… luôn là bí mật.

Suốt lâu nay, khi người cộng sản nắm quyền xứ này, họ áp dụng những trò hình thức của các đàn anh Liên Xô, Trung Quốc rất triệt để, thậm chí về mặt nào đó còn “sáng tạo” hơn, khiếp hơn. Thích diễu binh, khoái kỷ niệm này nọ, ham hố treo đèn kết hoa, chăng khẩu hiệu, treo cờ. Phe cộng sản đã đẻ ra lực lượng chuyên nghiệp, chuyện làm việc này, gọi chung là tuyên giáo. Đại loại giống như anh hề chèo để làm vui cho sân khấu chèo. Tất nhiên, mọi trò đều do đám lãnh đạo tối cao quyết, tuyên giáo chỉ là kẻ thực hiện.

Ông hàng xóm nhà tôi có lần cười bảo bao giờ xứ ta vắng bặt bọn tuyên giáo thì may ra mới khá lên được, mới “sánh vai các cường quốc 5 châu” được, ít nhất về văn hóa văn nghệ, đời sống tinh thần. Lão còn đếm, những nước giàu mạnh nhất trên thế giới, cả những nước người dân được dễ thở nhất trên thế giới, không nước nào có ban tuyên giáo, ngược lại, họ đầy rẫy cơ sở nghiên cứu về khoa học công nghệ, kỹ thuật, phát minh phục vụ cuộc sống và con người. Món đặc sản tuyên giáo giờ chỉ thấy ở An Nam, Triều Tiên, Cuba, Trung Quốc, Lào, chưa biết khi nào “hoàn thành nhiệm vụ” để trả lại bầu không khí trong lành.

Thật không thể hiểu nổi, thôi thì việc kỷ niệm, tưởng nhớ, ôn lại chặng đường đã qua… cũng cho là được đi, cứ một vừa hai phải thì thiên hạ dễ xuê xoa chấp nhận, đằng này họ đàn hát hết năm này qua năm khác. Họ tự đặt ra “năm chẵn” là những dịp sự kiện ở năm đếm mốc đuôi 0 và 5. Đuôi 5 mà cũng năm chẵn, haha, chắc chỉ ở xứ này. Thế vẫn chưa đủ, năm nào cũng phải kỷ niệm mới thích.

Cứ đọc cái câu “Kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước – 30.4”, thấy vừa buồn cười vừa buồn. 49 năm, lẻ tới mức không còn lẻ hơn nữa, mà vẫn kỷ niệm tưng bừng, lễ này hội nọ. Sang năm tròn 50, ngũ thập chu niên, thì phải biết.

Bà bạn tôi từ Hà Nội mới vào thăm cháu, đi một vòng dòm ngó, nhắn tin nhận xét năm nay vắng vẻ, cờ quạt ít hơn hẳn. Tôi nhắn lại, bà chiêm quan phố xá vùng ven, mấy lị nắng nôi 40 – 41 độ thế này, mấy lị bà không thấy những căn nhà mặt tiền cửa đóng then cài đang dán chi chít bảng cho thuê kia hay sao, đời sống kinh tế, làm ăn ảm đạm như thế thì vui vẻ cờ quạt nỗi gì.

Nhưng buồn nhất ở chỗ, 49 năm rồi, vẫn cứ phải hô lên “giải phóng miền Nam”. Không bàn chuyện ai giải phóng ai, có cần giải phóng không, v.v.., đó là thứ tư duy cổ hủ “cờ đèn kèn trống hoa hoét”, sặc mùi tuyên giáo. Miệng nói hòa giải hòa hợp nhưng lại cứ sắt máu kiên định “giải phóng” như thế, vài nửa thế kỷ nữa cũng chả thể nào hòa hợp hòa giải.

Xét cho cùng, sự say sưa tự mãn về những thành tích đánh nhau, chém giết, giành được trong chiến tranh đâu có hay ho gì, chỉ bộc lộ bản tính hiếu chiến hiếu sát chứ không phải độ lượng hiền hòa yêu thương. Cần sớm dẹp bỏ.

Kiểu kỷ niệm, diễu hành, phô trương như này, xưa chỉ thấy ở đám phát xít Đức, về sau rõ nhất ở Triều Tiên (xứ ni hình như không làm vậy thì không chịu nổi, thậm chí tổ chức cả ban đêm). Trong phe xã hội chủ nghĩa, duyệt binh, kỷ niệm, cờ quạt, khẩu hiệu, tuyên truyền còn mạnh hơn cả sản xuất, nghèo mấy cũng cứ phải tung hô.

Đã đến lúc, thậm chí đã quá muộn, cần phải thay đổi triệt để, nhằm hòa hợp con người sau cuộc đánh nhau tàn khốc. Dùng rượu tình người chứ đừng dùng cờ-khẩu hiệu, “chút rượu nồng đây xin rưới xuống/giải oan cho cuộc bể dâu này” (Tô Thùy Yên). Gần nửa thế kỷ đi qua mà vẫn còn đầy hố ngăn cách, bất hòa. Buồn. Hãy sống với thế giới văn minh chứ đừng mãi man rợ cờ phướn như thế. Và nữa, tiết kiệm được cả đống tiền dùng để “vén tay áo xô đốt nhà táng giấy”.

Hơn hai chục triệu người ở đồng bằng sông Cửu Long đang khát nước, ngóng chờ từng giọt nước từ thiện. Kỷ niệm 49 năm giải phóng, 70 năm chiến thắng Điện Biên, nói thật, họ chả quan tâm, với họ chả ích gì, bởi lúc này họ chỉ quan tâm tới nước, nước uống, nước tắm, nước dội cầu, nước tưới vườn. Họ khác với quan-cán bộ thích màu mè, ăn xổi ở thì.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Nguyễn Thông viết bài nào cũng tuyệt, hôm nào bác viết loạt bài về anh thái thú Nguyễn Phú Trọng nhé. Tay này đã làm tổn thương quốc gia biết bao nhiêu rồi.

  2. Có vài chỗ, nhà cháu thấy bác dùng rất đắc : Một là, gọi nước này là “xứ An Nam” . Chuẩn lắm, bác ạ . Bởi, người ta tiến từng ngày mà nó cứ đứng ỳ một chỗ . Thậm chí, nhiều mặt còn lùi . Vậy thì, cứ trở lại quách cái thời “An Nam đô hộ phủ” cho nó lành . Chúng mày cứ ở yên đó nhé, ( đừng có mà bày đặt phản đối , phản khán gì sất ) để ông anh che chở cho mà sống tốt .
    Hai là, “49 năm, lẻ tới mức không còn lẻ hơn nữa,” . Ấy, chỗ này, thì bác nói oan chúng nó rồi ! Chúng nó quý trọng con số 9 , số hên nhất trong 9 số . Bảo rằng vô thần, bảo rằng không mê tín, chỉ là láo toét thôi . Bác thấy, trong làm ăn, mua bán , trao đổi . . .lúc nào chúng cũng chọn con số 9 cuối cùng .
    Còn, băng rộn, cờ xí, khẩu hiệu thì khỏi bàn . Giờ , lại thêm lồng đèn treo tòn teng, lủng lẳng nữa . Thế mới sang !
    Hình thức bề ngoài chỉ là sự phô trương, sự che đậy, sự dối trá . Nhưng, nó chính là lẽ sống thì sao bỏ được ?!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây