‘Sự kiện Cư Kuin,’ hồi chuông cảnh báo?

Blog VOA

Trân Văn

14-6-2023

Đài VTC News hôm 13/6 loan tin về việc bắt thêm các nghi phạm vụ tấn công trụ sở công an xã ở Đắk Lắk.

Song tương quan giữa “sự kiện Cư Kuin” với các “chủ đất” – nếu có vẫn chưa phải là điều quan trọng nhất. “Sự kiện Cư Kuin” là hồi chuông cảnh báo về một ẩn họa mà tính chất, mức độ nguy hiểm đáng ngại hơn nhiều…

Tiếp theo phần đầu: ‘Khủng bố’ ở Tây Nguyên?

Nếu tìm kiếm, đối chiếu thông tin nhằm xác định nguyên nhân dẫn tới chuyện vài chục người có vũ trang tấn công trụ sở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk lúc rạng sáng 11/6/2023, chắc chắn sẽ nhận ra: Việc phê duyệt, thực hiện các dự án tiếp tục là nguyên nhân dẫn tới bất đồng giữa dân chúng và chính quyền địa phương.

Cho dù chưa thể khẳng định “thu hồi đất” và “bồi thường” là nguyên nhân dẫn tới “sự kiện Cư Kuin” nhưng ít nhất cũng có thể thấy, mâu thuẫn về lợi ích giữa “chủ đất” (doanh nghiệp được giao quyền sử dụng đất) với “người lao động” (cả cá nhân lẫn gia đình đang sử dụng đất) vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.

Mâu thuẫn đã trở thành gay gắt khi các “chủ đất” được chính quyền xuất công quỹ bồi thường (tổng chi phí bồi thường đã được bổ sung thêm 332 tỉ) nhưng “phương án phân chia khoản bồi thường về tài sản trên đất” của “chủ đất” với “người lao động” bị “người lao động” cho là “không hợp lý, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi” của họ, thành ra thu hồi đất và bồi thường vẫn là… “vấn đề(1). “Vấn đề” đó vốn không mới và cách nay bảy năm, một “người lao động” đã từng phải dùng súng để giải quyết mâu thuẫn…

***

Cuối tháng 10/2016, dư luận Việt Nam rúng động khi một người đàn ông 41 tuổi ngụ tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông bắn vào “đoàn cưỡng chế thu hồi đất lấn chiếm” khiến ba người chết. 13 người bị thương. Hung thủ – ông Đặng Văn Hiến (sinh năm 1975) và ba đồng phạm bị bắt.

Ở cả hai phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm, ông Hiến cùng bị các Hội đồng xét xử (HĐXX) phạt tử hình. Tuy nhiên đã có khoảng 5.000 người ký vào kiến nghị Chủ tịch Nhà nước ân xá cho ông Hiến. Thân nhân của hai trong số ba nạn nhân bị ông Hiến bắn chết gửi thư cho HĐXX phúc thẩm đề nghị đừng phạt tử hình ông Hiến (2). Các thẩm phán tham gia xét xử ông Hiến cũng áy náy với hình phạt tử hình do chính họ tuyên nên liên tục nhắc nhở để ông Hiến đừng bỏ lỡ cơ hội xin ân xá (3)! Vì sao lại thế?

…Giống như nhiều vùng khác ở Tây Nguyên, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông cũng là túi chứa di dân tự do – những cá nhân lìa bỏ nơi chôn nhau, cắt rốn, dắt díu nhau đi khai hoang, lập nghiệp ở những vùng đất mới với hi vọng có thể thoát khỏi khốn cùng. Ở Tây Nguyên, đất mới là những khu rừng nguyên sinh đã bị khai thác đến cạn kiệt rồi bỏ hoang… Tuy hoang hóa nhưng đất rừng luôn là công thổ và vì vậy chỉ chính quyền mới có quyền định đoạt công thổ.

Năm 2008, chính quyền tỉnh Đắk Nông quyết định cho Công ty Long Sơn thuê 1.079 héc ta rừng ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Tiếng là rừng nhưng một phần không nhỏ trong 1.079 héc ta đó đã là nơi cư trú, là vườn, là rẫy… vừa là sinh kế, vừa là tương lai của hàng trăm gia đình di dân. Sau khi được thuê 1.079 héc ta rừng ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, chủ Công ty Long Sơn đã bán cả công ty lẫn quyền khai thác hàng ngàn héc ta đất cho gia đình ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu.

Kể từ đó, gia đình ông Sửu – chủ mới của Công ty Long Sơn bắt đầu tiến trình xua đuổi di dân tự do ra khỏi khu vực mà công ty đã được công nhận là… “chủ”, toàn quyền… khai thác. Vườn, rẫy – cơ hội đổi đời của hàng trăm gia đình bị chặt phá, bị đốn hạ, nhà cửa bị giật sập. Sau vài thập niên đổ mồ hôi, sôi nước mắt, dốc hết sức lực, vốn liếng vào việc khai hoang, định cư, hàng trăm gia đình đối diện với viễn cảnh vừa trắng tay, vừa vô gia cư… Họ bắt đầu tất tả ngược xuôi xin cứu xét.

Khai phá – sử dụng công thổ để mưu tìm cơm no, áo ấm có thể là sai nhưng lẽ nào lại gạt bỏ thực tế khai thác – sử dụng công thổ cũng như tất cả những tình tiết có liên quan khác để cho phép Công ty Long Sơn phủi tay, không bồi thường, không hỗ trợ? Nếu cho thuê 1.079 héc ta rừng ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức nhằm phát triển kinh tế – xã hội địa phương, tại sao không cho những gia đình di dân tự do thuê lại phần đất họ đã khai hoang mà lại dành quyền thuê cả thổ cư, vườn, rẫy của họ cho riêng Công ty Long Sơn?..

Không thể trả lời những thắc mắc ấy, năm 2010, chính quyền Đắk Nông yêu cầu Công ty Long Sơn thảo luận với dân chúng địa phương về chuyện bồi thường. Năm năm sau, chính quyền Đắk Nông quyết định thu hồi 265/1.097 héc ta đã giao cho Công ty Long Sơn vì phần đất này vốn là nơi cư trú, vườn, rẫy của hàng trăm gia đình. Năm sau nữa (tháng 7 năm 2016), sau khi thị sát tại chỗ, một Phó Thủ tướng yêu cầu chính quyền tỉnh Đắk Nông ngăn chặn Công ty Long Sơn “cưỡng chế – thu hồi đất” để kiểm tra lại.

Song tất cả những động tác vừa kể chỉ có giá trị trên… giấy, trong thực tế, Công ty Long Sơn vẫn liên tục điều động các loại xe chuyên dụng và “công nhân” dỡ bỏ nhà cửa, hủy diệt những vườn tiêu, vườn điều, vườn cà phê,… trên phần đất mà chính quyền tỉnh Đăk Nông đã cho công ty này… thuê. Trong quá trình “cưỡng chế – thu hồi đất”, “công nhân” của Công ty Long Sơn đã đánh đập, gây thương tích cho nhiều người dân ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức chỉ vì họ “dám” bảo vệ nhà cửa, vườn tược vốn là của họ.

Suốt tám năm, toàn bộ hệ thống công quyền từ xã đến tỉnh ở Đắc Nông án binh bất động trước tất cả các đợt “cưỡng chế – thu hồi đất” mà Công ty Long Sơn thực hiện, bất kể dân chúng xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, có người bị “công nhân” của Công ty Long Sơn dùng rựa vạt mất gần nửa hộp sọ, tuy may mắn không mất mạng nhưng sẽ sống với cái đầu bị móp ấy cho đến hết đời. Có phụ nữ bị trụy thai do “công nhân” của Công ty Long Sơn đạp vào bụng,…

Đó cũng là lý do dân chúng xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức quyết định tự cứu mình bằng cách tự vũ trang với súng tự chế. Sau khi bị 30 “công nhân” Công ty Long Sơn hành hung vì ngăn cản Công ty Long Sơn dỡ nhà, phá vườn của mình trong đợt “cưỡng chế – thu hồi đất” mà công ty này tiến hành vào ngày 23 tháng 10 năm 2016, ông Hiến đã chạy về nhà lấy súng tự chế, bắn chỉ thiên để cảnh cáo. Bởi “công nhân” Công ty Long Sơn vừa lao đến, vừa ném đá… ông Hiến có thêm sự hỗ trợ của hàng xóm chĩa thẳng súng vào đám đông bóp cò…

Chỉ đến khi có ba người chết, 13 người bị thương, hệ thống công quyền ở tỉnh Đắk Nông mới chuyển động. Tuy nhiên những chuyển động ban đầu chỉ nhắm tới chuyện trừng phạt Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình, Hà Văn Trường vì “giết người”, Đoàn Văn Diện vì “che giấu tội phạm”… Một tuần sau thảm án, ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu, chủ Công ty Long Sơn vừa dọa sẽ kiện nhiều cơ quan truyền thông chính thức ra tòa vì thông tin sai sự thật, vừa chỉ dẫn báo chí “lên huyện, lên tỉnh” để tìm… “sự thật (4).

Mũi dùi công lý chỉ chĩa vào Công ty Long Sơn khi công chúng sôi lên vì giận: Chuyện doanh nghiệp này tự tổ chức cưỡng chế – thu hồi đất bằng cách trang bị dao, rựa, gậy gộc, khiên, đá,… để “công nhân” tấn công dân lành được xác định là “trái pháp luật”. Cũng phải tới lúc đó, đại diện chính quyền tỉnh Đắk Nông mới phân trần, rằng… quyết định giao đất cho Công ty Long Sơn chỉ dựa vào bản đồ, chưa đo đạc thực địa nên không rõ hoạt động cưỡng chế – thu hồi đất của doanh nghiệp này có chính xác hay không!

Cũng phải tới lúc đó, chính quyền Việt Nam mới thừa nhận một sự thật khác, trong 1.079 héc ta rừng mà chính quyền tỉnh Đắk Nông cho Công ty Long Sơn thuê có 539 héc ta là rừng tự nhiên, 540 héc ta là đất lâm nghiệp không còn rừng. Từ năm 2008 đến ngày xảy ra thảm án Quảng Trực, công ty Long Sơn đã phá trụi 501/539 héc ta rừng mà lẽ ra công ty này phải giữ, 38 héc ta còn lại không bị tác động chỉ vì đó là rừng… “nghèo kiệt”… Tháng 12/2016, ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu và một phụ tá bị bắt (5).

Kết quả chung thẩm, ông Đặng Văn Hiến vẫn bị phạt “tử hình” (tháng 9 năm ngoái ông mới được ân xá – miễn tử [6]). Ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu và một đồng phạm cùng bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì “hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” được giảm mỗi người hai năm tù nên một người ở tù bốn năm, một người ở tù hai năm. Không có bất kỳ viên chức nào trong hệ thống công quyền ở tỉnh Đắk Nông bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

***

Trong vài năm gần đây, một số cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam đã từng đề cập đến tình trạng hỗn loạn ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk sau khi chính quyền công bố chủ trương sẽ thực hiện một số dự án ở nơi này. Chẳng hạn tháng 6 năm ngoái, khi đề cập đến việc cưỡng chế 64 công trình xây dựng trái phép và dự trù sẽ giải quyết thêm 500 công trình nữa tại huyện Cư Kuin, tờ Tiền Phong cho rằng, sở dĩ tình trạng xây dựng trái phép ở xã Ea Tiêu trở thành trầm trọng bởi nhiều người cho rằng, chính quyền sẽ thu hồi đất trong tay một công ty vốn là “chủ đất” và vì vậy sẽ giao đất cho những cá nhân, gia đình thực sự đang sử dụng đất (7).

Cứ như những gì mà một số cơ quan truyền thông chính thức đã tường thuật về các dự án – hoạt động thu hồi đất để thực hiện dự án – thanh toán tiền bồi thường tại huyện Cư Kuin thì ít nhất tại huyện này cũng có vài doanh nghiệp được chính quyền giao đất kiểu như Công ty Long Sơn được nhận đất ở Đắk Nông, tuy nhiên không có cơ quan truyền thông chính thức nào bận tâm đến chuyện đã có bao nhiêu héc ta đất được giao cho các doanh nghiệp không sử dụng đất?

Chưa thể xác định các “chủ đất” có liên quan đến “sự kiện Cư Kuin” chăng nhưng chẳng lẽ giao đất cho một số doanh nghiệp làm “chủ đất”, bất kể có sử dụng đất hay không rồi vui vẻ trả tiền bồi thường cho các “chủ đất” là chuyện không đáng bận tâm? Song tương quan giữa “sự kiện Cư Kuin” với các “chủ đất” – nếu có vẫn chưa phải là điều quan trọng nhất. “Sự kiện Cư Kuin” là hồi chuông cảnh báo về một ẩn họa mà tính chất, mức độ nguy hiểm đáng ngại hơn nhiều…

(Còn tiếp)

Chú thích

(1) https://laodong.vn/xa-hoi/dan-o-xa-ea-tieu-eaktur-cu-kuin-da-giao-dat-lam-duong-tranh-buon-ma-thuot-1204088.ldo

(2) https://tuoitre.vn/tu-hinh-ong-dang-van-hien-khoang-cach-nao-giua-phap-ly-va-dao-ly-20180128091153419.htm

(3) https://tuoitre.vn/ong-dang-van-hien-bi-tuyen-y-an-tu-hinh-20180712145538175.htm

(4) http://plo.vn/thoi-su/chung-toi-chi-san-ui-phan-dat-bi-lan-chiem-661945.html

(5) https://news.zing.vn/vu-xa-sung-o-dak-nong-bat-pho-giam-doc-cong-ty-long-son-post708464.html

(6) https://tuoitre.vn/tu-tu-dang-van-hien-thoat-an-tu-2022091515275989.htm

(7) https://tienphong.vn/cuong-che-xong-64-cong-trinh-trai-phep-tren-dat-ca-phe-hon-500-diem-khac-vao-tam-ngam-post1442797.tpo

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Cái mà người Thượng cần nhất là một không gian sinh tồn cho riêng họ. Nhưng đó chính là thứ họ đã, đang và sẽ tiếp tục bị tước đoạt. Phải có một thay đổi căn bản, thậm chí đảo ngược, trong nhận thức về người Thượng (cả phía chính quyền lẫn người dân), đi cùng với đó là một chính sách căn cơ ngay từ bây giờ để khôi phục không gian sinh tồn cho họ, thì may ra vài thế hệ nữa cuộc sống bình yên mới thực sự trở lại Tây Nguyên, với cả người Kinh lẫn người Thượng.

    [Người của rừng]
    Buổi chiều trời kéo âm binh xám xịt dưới hốc mắt ông lão ngồi bó giò trước cửa căn nhà tạm công trường.
    Căn nhà vách tôn gỉ mái lợp lá dừa nước khô lênh khênh trên mô đất hoang lùi sâu, sâu mãi, sâu mãi, hun hút trong quầng mây thâm tím.
    Lão nhướng mắt nhìn xa, xa, xa mải mê về phía cội rễ rừng già, có tiếng suối, tiếng ông hổ gầm gừ và quầng mây đại ngàn thuở xa xưa tổ tiên lão dựng làng phát rẫy.
    Lão mất gốc rồi. Đôi bàn chân đã đi quá xa. Ánh mắt đã quá mòn. Xứ sở lụi tàn.
    Lão phu hồ già bập khói thuốc vẽ vòng tròn mắt cú ướt nhoèn. Lão chết dần đến thắt lưng.
    Bụng lép xoắn quẩy hai lớp da nhăn nheo càng dúm dó khi ý nghĩ lão vừa chớm quay nhìn về phía tương lai hun hút.
    “Sao ta lại ở đây? Ta sẽ về đâu?” – khói thuốc xoay vòng thành dấu hỏi.
    Đoàn xe bồn lừng lững tiến lại, từ xa đã kéo còi ầm ĩ, chúng như tất cả những kẻ thô bỉ khác, luôn biết cách áp chế người ta bằng thân hình khủng khiếp và cái miệng to tổ bố gầm ghè.
    “Bãi đất này, cỏ cây kia, ếch nhái và cả những kẻ như lão già này nữa, tất cả sẽ nằm bẹp dưới gạch vữa bê-tông của ta, cao ốc, biệt thự sẽ mọc lên và các ngươi phải biến mất” – ống khói đen ngòm phụt liên hồi từ miệng con quỷ nhe nanh cười ác độc.
    Tôi chộn rộn uất ức.
    “Ta chết đến thắt lưng rồi. Xứ ta chết đến cổ rồi. Đất ta chết hẳn rồi” – ông lão thầm thì và bình thản thả khói thuốc bay theo làn gió sông Sài Gòn xế bóng.
    “Mưa, ta vào nhà đi” – ông lão bất chợt giục tôi, lần này ông nói rành rọt và không có hạt nước nào đi cùng.

    Nguồn FB NĐK

  2. Sự kiện Tây Nguyên 2001 đã dẫn tới kẻ cắt đất cho Tàu, tội đồ dân tộc, Lê Khả Phiêu, bị đồng đảng ép về vườn …

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây