Một năm cuộc chiến xâm lược

Dương Quốc Chính

24-2-2023

Chỉ vài tiếng nữa là tròn một năm ngày Nga tấn công xâm lược một quốc gia từng là anh em ruột – Ukraine – mà họ gọi là “Chiến dịch quân sự đặc biệt”. Mục tiêu ban đầu của Nga là “phi phát xít hóa, phi quân sự hóa” Ukraine. Nhưng chiến dịch tấn công ồ ạt, phủ đầu, trực tiếp vào thủ đô Kyiv đã không dễ dàng khuất phục được quốc gia nhỏ bé này. Đây cũng là điều bất ngờ với chính các nước phương Tây, khi cho rằng Kyiv chỉ trụ được không quá 72 giờ tấn công. Do sức mạnh quân sự quá chênh lệch giữa hai bên.

Cuộc chiến càng kéo dài, càng lộ rõ về sức chiến đấu của quân đội Nga không tốt như người ta tưởng tượng. Gấu Nga có vẻ giống gấu bông. Sự kiện nổi bật cho thấy điều đó là đoàn quân xa của Nga dài mấy chục km bị đánh tan dễ dàng, sau đó là soái hạm Nga bị tên lửa Ukraine đánh chìm ở biển Đen, sau đó là cuộc triệt thoái thảm hại khỏi Kherson của quân Nga.

Dự đoán sai lầm duy nhất của mình khi cuộc chiến nổ ra là mình đã đánh giá quá cao Putin khi cho là ông ta sẽ học theo Đặng Tiểu Bình để “dạy cho Ukraine một bài học” nhanh gọn rồi rút quân về hỗ trợ ngầm hai quốc gia tự xưng Donetsk và Luhansk như đã từng làm hồi 2014. Một cuộc tấn công đại quy mô và chớp nhoáng là đủ dằn mặt Zelensky và NATO, lại bảo toàn lực lượng, tránh bị cấm vận và giữ được hình ảnh cho một đại cường.

Nhưng không, Putin đã bộc lộ rõ dã tâm đế quốc với não trạng của chủ nghĩa thực dân trước thế chiến. Ông ta đã sáp nhập hai vùng tự xưng kia như đã làm với Crimea và điên cuồng tấn công vào các cơ sở dân sự, năng lượng của Ukraine hòng triệt hạ ý chí vệ quốc của họ. Như vậy, chính nước Nga hiện nay mới đang mang một bộ mặt phát xít y như Đức quốc xã những năm đầu thế chiến hai với việc xâm lược Ba Lan. Các lý do xâm lược trước đây của Nga đã trở nên lố bịch.

Hiện tại, cuộc chiến đang ở thế giằng co, tương đối cân bằng, Nga vẫn chiếm ưu thế về vũ khí và quân số do vốn là cường quốc về vũ khí chiến lược, cũng như dân số gấp gần 4 lần Ukraine. Tuy nhiên, bộ đội chủ lực của Nga bây giờ, éo le thay, lại là lực lượng đánh thuê Wagner! Sức chiến đấu của quân đội Nga không cao, sự vượt trội của họ chủ yếu đến từ vũ khí chiến lược như máy bay, tên lửa… Nhưng lịch sử chiến tranh cho thấy, muốn chinh phục lãnh thổ thì bắt buộc phải dùng tới quân bộ. Còn việc ném bom hay bắn tên lửa chỉ có thể hủy diệt cơ sở hạ tầng mà thôi.

Hãy nhìn cuộc chiến Việt Nam khi Mỹ ném bom Bắc Việt ròng rã từ 1964 tới 1972, đặc biệt là trận B52 rải thảm Linebacker II khoảng 10 ngày liên tục ném bom hủy diệt nhưng cuối cùng thì Bắc Việt vẫn hồi sinh do sự hỗ trợ không mệt mỏi của đồng minh và ý chí chiến đấu của quân đội CS, trong khi Mỹ lại không dám dùng quân bộ đánh VNDCCH.

Cuộc chiến sẽ đi về đâu?

Có nhiều kịch bản cho những gì sẽ diễn ra. Với sức chiến đấu khá kém của quân bộ, thì khả năng Nga chiếm được toàn bộ Ukraine là không thể xảy ra, nếu phương Tây vẫn duy trì hỗ trợ Ukraine. Lạc quan nhất cho phía Nga là họ giữ vững được lãnh thổ miền Đông Ukraine như hiện tại và khiến cho quân Ukraine không còn sức tấn công vào vùng này.

Thực tế cho thấy cả Putin lẫn Zelensky đều không muốn lùi bước. Putin thì đã đánh cược cả uy tín chính trị vào cuộc chiến này, ông ta không thể rút lui. Điều này giống hệt như Mỹ trước khi ký Hiệp định Paris trong chiến tranh Việt Nam. Thực tế Mỹ đã rút đến 90% quân số khỏi Việt Nam cộng hòa nhưng họ vẫn cần “Hòa bình trong danh dự” bởi một hiệp định. Putin cũng sẽ phải cần danh dự còn hơn cả Mỹ. Bởi tổng thống Mỹ không đánh cược uy tín cá nhân vào cuộc chiến và không thể làm Tổng thống trọn đời như Putin. Tổng thống Mỹ sẵn sàng rút quân để đổi lấy lá phiếu. Còn Putin thì không cần. Hiện chưa thấy có giải pháp rút quân Nga nào có thể bảo toàn danh dự cho Putin.

Còn Zelensky, ông ta đã xây dựng được một hình ảnh đẹp, một anh hùng vệ quốc trước con mắt nhân dân và quốc tế với uy tín rất cao. Nên Zelensky không đời nào chấp nhận đổi đất lấy hòa bình. Hãy nhìn Palestine, một quốc gia nhược tiểu trước Israel, nhưng họ vẫn kiên quyết không chấp nhận đổi đất lấy hòa bình bằng cách công nhận đất của Israel. Trong khi Ukraine đang được phương Tây hỗ trợ mạnh mẽ và Nga thì bị hầu hết các nước cô lập.

Hiện không có nước nào dám ra mặt ủng hộ Nga xâm lược Ukraine, chỉ có vài nước, tiêu biểu là TQ, Ấn Độ, Bắc Triều Tiên, Việt Nam là phản đối việc cô lập Nga. Nga hiện không có đồng minh chính thức nào để cùng tham chiến, ngay cả Belarus cũng không tham chiến cùng Nga. Iran và Bắc Triều Tiên thì bị tố cáo là lén lút cung cấp vũ khí cho Nga. Chỉ có tập đoàn đánh thuê Wagner chính thức là đồng minh của Nga mà thôi!

Ảnh chụp kết quả Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vừa thông qua nghị quyết do Ukraine đề xuất nhân sự kiện 1 năm cuộc chiến tranh xâm lược của Nga, trong đó kêu gọi Liên bang Nga chấm dứt hành động chiến tranh và rút quân khỏi Ukraine. Việt Nam một lần nữa bỏ phiếu trắng. Ảnh chụp màn hình

Kịch bản lạc quan cho Ukraine là họ tái chiếm được toàn bộ miền Đông và Crimea. Khả năng này cũng khá thấp, vì Nga có tiềm lực quân sự rất mạnh so với Ukraine, tiềm lực kinh tế cũng quá chênh lệch. Nên khả năng chiến thắng bằng quân sự là khó. Hơn nữa, nếu Ukraine thắng, đồng nghĩa với Putin sẽ bị hạ bệ, hạ nhục, nếu tình huống đó có nguy cơ xảy ra, ông ta sẽ dùng tới đe dọa hạt nhân.

Giải pháp hạt nhân của Putin có thể là một cuộc thử bom hạt nhân ở Siberia hoặc/và bắn tên lửa có đầu đạn hạt nhân loại nhỏ vào lãnh thổ hẻo lánh của Ukraine để đe dọa, chặn đứng bước tiến của quân Ukraine. Khả năng Putin dám chơi bom hạt nhân loại lớn vào khu vực đô thị của Ukraine là cực thấp vì làm vậy cũng sẽ tự tạo ra nguy cơ bị hủy diệt tương tự từ phía NATO. Khả năng Thế chiến III sẽ khá cao nếu tình huống này xảy ra.

Như vậy, kịch bản thứ ba có vẻ dễ xảy ra hơn cả là hai bên đình chiến không chính thức hoặc bán chính thức, lấy sông Dnepr làm giới tuyến tạm thời như chiến tranh Triều Tiên. Khả năng này không thể xảy ra sớm được vì cuộc chiến vẫn chưa thực sự cao trào do phía NATO mới hỗ trợ quân sự cho Ukraine ở mức độ nhỏ giọt. Tức là sức chiến đấu của Ukraine vẫn chưa lên tới mức cao nhất. Kịch bản này xảy ra nhanh nhất cũng phải ít nhất 1 năm tới. Khi mà phương Tây hỗ trợ hết mức mà Ukraine vẫn không thể thắng hoặc xuất hiện tình huống TQ công khai hỗ trợ quân sự cho Nga.

Liệu có khả năng phương Tây bỏ rơi Ukraine như Mỹ đã làm với VNCH?

Không thể có khả năng phương Tây bỏ rơi hoàn toàn Ukraine. Bởi uy tín của Mỹ, Anh, Pháp, Đức cũng đặt cược vào cuộc chiến này. Đặc biệt là Mỹ, nếu Mỹ bỏ rơi Ukraine thì khả năng TQ tấn công Đài Loan hay vài đảo ở Hoàng San, Trường Sa là rất dễ xảy ra, vì TQ coi Mỹ là con hổ giấy thôi. Mỹ hiện được lợi nhiều ở cuộc chiến này, như việc bán dầu đá phiến cho EU, bán/ quảng cáo vũ khí và tăng sự hiện diện cũng như khiến EU phụ thuộc Mỹ hơn nữa. Kể cả tình huống ông Trump hay một tổng thống cộng hòa đắc cử thì người đó cũng sẽ tìm giải pháp hòa bình cho cuộc chiến chứ không thể quay lưng lại với lợi ích quốc gia. Đây có lẽ là cuộc chiến duy nhất mà Mỹ can thiệp nhưng lại chẳng tốn một mạng lính nào, do đó khả năng bị phản chiến là rất thấp.

Nếu các cường quốc có ngãng ra thì ba nước Baltic, Ba Lan, Phần Lan, Thụy Điển (Hai nước thành viên NATO và hai nước đang xin vào NATO) cũng sẽ hỗ trợ Ukraine đến cùng, vì chính là bảo vệ họ. Nếu Ukraine thua, thì sẽ đến lượt họ. Chỉ cần dựa vào các nước này thì Zelensky cũng đủ duy trì một cuộc chiến du kích, quấy rối, khủng bố nước Nga để chờ… Putin chết. Zelensky có tuổi trẻ, ông ta sẵn sàng duy trì cuộc chiến 10 năm để chờ Putin chết, vì dù sao Putin cũng đã 70 tuổi.

Tóm lại, cửa thắng (nếu coi việc Nga rút quân là thắng) của Ukraine vẫn sáng hơn Nga. Vì Zelensky có lợi thế về tuổi tác và tính chính danh bền vững hơn. Phương Tây hỗ trợ Ukraine mà không phải e dè vì sức ép dân chúng như nhiều nước hỗ trợ VNCH hồi xưa. Putin tuy độc tài và sắt máu nhưng đã già và nếu cuộc chiến kéo dài quá lâu thì phản ứng ở trong nước cũng sẽ nổi lên. Như Hitler cũng đã từng bị ám sát hụt vài lần, nên Putin cũng khó tránh. Nếu so về tính độc tài thì nhà nước Đức Quốc xã còn mạnh hơn Nga bây giờ nhiều.

Còn Việt Nam, với vị trí không có nhiều ảnh hưởng, thì vẫn chỉ lên tiếng “ba phải”, ngoại giao cây tre, vì rơi vào thế ‘đi mắc núi, về mắc sông’. Không thể công khai ủng hộ Nga nhưng cũng chẳng dám phản đối do sự phụ thuộc quốc phòng và món nợ quá khứ.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Bạo chúa Putin có dự trữ ngoại tệ lớn nắm trong tay lại được bổ sung liên tục từ nguồn thu ngoại tệ do bán năng lượng nên mặc dù trải qua 01 năm chiến tranh, chịu 10 gói trừng phạt của EU, cấm vận từ Mỹ, Anh, Úc, Nhật thì nền kinh tế Nga vẫn trụ vững & điều này càng củng cố thêm niềm tin của hơn 70% người dân Nga vào tài lãnh đạo của bạo chúa Putin trong thời bình cũng như thời chiến. Có ngoại tệ & nguồn tài nguyên khoáng sản cực lớn đã giúp guồng máy quân dân sự Nga hiện vẫn được cung cấp vật tư, nguyên liệu, thiết bị, máy móc, quân trang, quân dụng, vật tư y tế, thuốc men, hàng hóa gia dụng….qua các mua bán, trao đổi sơ cấp hay thứ cấp từ các nước Trung Quốc-Triều Tiên, Ấn Độ-Indonesia-Việt Nam, Nam Phi, Iran,… (động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung cho Nga từ đây). Trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, trên tinh thần chống phát xít, dưới bàn tay Joseph Vissarionovich Stalin, Liên Xô huy động hầu hết thanh niên ra trận, trong nước chỉ còn phụ nữ, người già tham gia sản xuất phục vụ chiến tranh. Nay dưới bàn tay Putin, bạo chúa cũng kích động tinh thần dân tộc chống phát xít của người dân Nga còn lưu lại trong ký ức để đưa nước Nga mù quáng lao vào cuộc chiến phi nghĩa với Ukraine cho đến ngày chiến thắng, như Hồng quân Liên Xô đã chiến thắng phát xít Đức thuở xưa. Nguồn lực đã có, con người cũng có, bạo chúa Putin sẽ theo đuổi cuộc chiến với mục tiêu gần là kéo dài qua kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, mục tiêu xa là cho đến khi nền quốc phòng và nền kinh tế Nga kiệt quệ, có lẽ lúc đó Putin mới nghĩ đến chấm dứt chiến tranh chăng? (thực tế Iran, Triều Tiên bị cấm vận bao năm mà thể chế độc tài, thần quyền toàn trị vẫn tồn tại nhưng gây chiến thì không dám). Trung Quốc muốn có 01 nước Nga suy yếu nhưng không sụp đổ để Nga phụ thuộc vào Trung Quốc và cuộc chiến Nga-Ukraine góp phần làm tiêu hao nguồn lực kinh tế, quân sự của EU, NATO, Mỹ, Anh,… tạo lợi thế cho Trung Quốc. Vậy Trung Quốc có khả năng cung cấp vũ khí sát thương cho Nga là điều có thể xảy ra (trước mắt là cung cấp các loại đạn, đạn pháo, pháo phản lực, UAV tự sát cho quân Nga hay dùng chiến thuật ‘tiền pháo hậu xung’). Tóm lại, cuộc chiến Nga-Ukraine là cuộc chiến tiêu hao kéo dài không quyết định thắng thua trên chiến trường mà kẻ thua là kẻ khi đã cạn nguồn lực (hay Putin bị lật đổ, bị ám sát).

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây