Hoa Kỳ và Tổng thống Ngô Đình Diệm (Phần I)

Đỗ Kim Thêm

8-11-2021

(Phần I: Thành quả xây dựng ban đầu của Việt Nam Cộng Hoà từ năm 1954-1960)

Bối cảnh

Trong những năm đầu của thập niên 1950, chính giới Mỹ chủ yếu quan tâm đến hậu quả của chủ thuyết Domino. Ngay sau khi Hiệp định Genève năm 1954 được ký kết, Hội đồng An ninh Quốc gia của Mỹ lập luận là, nếu Cộng sản chiếm được một nước trong khu vực Đông Nam Á, tình hình an ninh của nước Mỹ và phương Tây sẽ bị đe doạ.

Để đối phó kịp thời với phong trào cộng sản đang bành trướng, Mỹ phải nhanh chóng soạn thảo một chính sách an ninh chung cho khu vực mà xây dựng cho miền Nam thành một tiền đồn chống Cộng là ưu tiên.

“… Việt Nam là nền tảng của Thế giới Tự do ở Đông Nam Á, … chúng ta không được phép bỏ rơi và bỏ qua nhu cầu của Việt Nam….”

Đó là lời tuyên bố của Nghị sĩ John F. Kennedy trong năm 1956. Dĩ nhiên, đây không phải là biểu lộ về một niềm tin hay thiện cảm cá nhân, mà là phản ảnh sự đồng thuận về quan điểm chung của chính giới tại Washington trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh đang thành hình.

Ý tưởng ban đầu của chính giới Mỹ là miền Nam phải có thể chế dân chủ và tự do, hoàn toàn độc lập với ảnh hưởng chính trị của thực dân Pháp, có một chính quyền bao gồm tất cả các đại diện cho các xu hướng chính trị hiếu hoà mang tinh thần đoàn kết dân tộc và kiên quyết xa lánh Việt Minh.

Công luận của Mỹ cho rằng, thách thức này là một thực tại khách quan và giải pháp tìm ra là những lý tưởng cao đẹp mà một quốc gia còn non trẻ như Việt Nam Cộng Hoà cần theo đuổi.

Nhìn chung, trong giai đoạn này, thế giới phương Tây đang ở thế mạnh về thực lực kinh tế và chủ thuyết ngăn chận của Tổng thống Harry S. Truman là thích hợp về sách lược chính trị.

Nhưng thực tế cho thấy, chủ trương xây dựng hiếu hoà của miền Nam khó có thể xoa dịu được hung đồ xâm lược của miền Bắc. Lý do chính là Liên Xô và Trung Quốc đồng thuận về chủ trương bành trướng ý thức hệ và yểm trợ dồi dào phương tiện để thực hiện.

Trong những năm cuối của thập niên 1950, trọng tâm trong chính sách đối ngoại của các nước là hướng về hợp tác và phát triển quốc tế.

Thoạt đầu, Liên Xô, một cường quốc có trang bị vũ khí nguyên tử, luôn có những biện pháp độc tài tàn bạo để đàn áp người dân trong nước và can thiệp quân sự tại nước ngoài, mà hai thí dụ điển hình là tại Cộng hoà Dân chủ Đức năm 1954 và Hung năm 1956. Sau khi Stalin chết, giới lãnh đạo mới đề ra chủ thuyết “Sống chung Hoà bình”, tỏ ra có thay đổi hoà dịu khi giảm dần việc thanh trừng giới đối lập trong nước và can thiệp các nước Đông Âu.

Trong cộng đồng thế giới, vấn đề độc lập cho các quốc gia bị thực dân cai trị trở thành sách lược ưu tiên chung. Các cuộc đấu tranh vũ trang giành độc lập dân tộc của Algérie và Việt Nam gây nhiều thương tổn và uy tín cho Pháp, trong khi thực dân Anh, thông qua hình thức hợp tác trong khối Thịnh vượng Chung (Commonwealth of Nations), tránh được nhiều thiệt hại về nhân mạng. Khi Anh đồng thuận, Ấn Độ thu hồi độc lập năm 1947, Mã Lai và Ghana năm 1957, các nước khác cũng lần lượt tiếp theo.

Trong chiều hướng này, Thủ tướng Anh Harold Macmillan cũng nhận ra là gió đã xoay chiều (wind of change); tình thế đổi thay, nên các nước Á- Phi sinh ra nhiều biến động.

Để vượt qua các nghịch cảnh và bất hoà, các nước Á-Phi cũng ý thức là không còn muốn bị thúc ép trong khuôn khổ xung đột ý thức hệ Đông-Tây. Chính sách ngoại giao của Ấn Độ năng động hơn sau khi giành được độc lập là một tấm gương mới trong mối quan hệ quốc tế. Thủ tướng Jawaharlal Pandit Nehru chọn thái độ trung lập, đó là hiếu hoà, không liên kết quân sự, chỉ lo hợp tác kinh tế để phát triển và tiếp tục ủng hộ chính trị cho các nước đấu tranh giành độc lập.

Tiếp theo lời kêu gọi của Nehru trong hội nghị Bandung tháng 4 năm 1955, “Phong trào các Quốc gia Phi liên kết” được thành hình. Từ nay, các quốc gia Á- Phi chủ trương là không còn phân biệt hệ thống xã hội và cùng nhau theo đuổi một mục tiêu chung là phụng sự cho hoà bình thế giới, mà chống thực dân, phân biệt chủng tộc và tân trang vũ khí nguyên tử là phương tiện.

Trong khi thế giới đang chuyển mình trong một bối cảnh đầy năng động và đa dạng, chính giới Mỹ tỏ ra không phản ứng mềm dẻo cho phù hợp với biến chuyển của tình thế. Tổng thống Dwight D. Eisenhower và Ngoại trưởng John Foster Dulles vẫn còn tiếp tục lo sợ về các hiểm hoạ xâm lăng của Cộng Sản và luôn cảnh báo các nước theo phe Trung lập là sẽ bị sa lưới. Thực tế cho thấy là các biện pháp đe doạ quốc tế hay trấn áp trong nước theo kiểu của Stalin trước đây không còn tái diễn.

Đến cuối thập niên 1950, ngay trong nội tình nước Mỹ cũng không đạt được những tiến bộ khích lệ về mặt phúc lợi xã hội; ngược lại, các thách thức thuộc về kỳ thị chủng tộc và bất công xã hội ngày càng gia tăng. Các đòi hỏi của người da đen và Martin Luther King về quyền hội nhập và bình đẳng sắc tộc không được giải quyết thoả đáng; người dân có cảm tưởng chung là xã hội Mỹ đang từ ổn định biến thành trì trệ và từ bảo thủ chuyển sang bất động.

Luận điểm căn bản về lý thuyết viện trợ của Mỹ

Ngay từ năm 1949, Tổng thống Harry S. Truman đã đề ra chương trình phát triển kinh tế, mà nội dung chính là cần phân biệt hai khu vực trung tâm và ngoại vi để tiến hành.

Các đại học Mỹ bắt đầu đặt trọng tâm nghiên cứu về các chương trình phát triển cho các nước chậm tiến. Các khái niệm về “Viện trợ phát triển” hay “Thế giới thứ Ba” được thảo luận sâu rộng.

Chính quyền Mỹ nhận ra một luận điểm lý thuyết chung cho viện trợ phát triển: điều kiện tiên quyết làm ổn định chính trị cho chế độ là tăng trưởng kinh tế cho toàn dân. Cho đến nay, tiền đề này vẫn còn đúng.

Trong chiều hướng này, tác phẩm The Stages of Economic Growth (1959) của Kinh tế gia Walt W. Rostow ra đời. Đó là một thí dụ điển hình.

Ảnh bìa sách “The Stages of Economic Growth”. Nguồn ảnh Amazon

Theo Rostow, phát triển kinh tế đất nước phải trải qua các giai đoạn từ sản xuất nông nghiệp, sang công nghiệp và cuối cùng là cung ứng dịch vụ. Cuộc cách mạng công nghiệp tại Tây Âu làm thay đổi mọi mặt về kinh tế, văn hoá và xã hội là thành quả chứng minh. Một xã hội nông nghiệp dần dà được hiện đại hoá, mà Rostow gọi là sẽ cất cánh (Take-off) thành một xã hội công nghiệp.

Theo suy luận này, tiến trình phát triển tại các nước chậm tiến cũng sẽ tương tự như tại phương Tây; nhất định ảnh hưởng của trào lưu hiện đại hoá sẽ lần lượt lan toả đến các nước thuộc Thế giới thứ Ba.

Do đó, may ra, nếu có được hai biện pháp vừa công nghiệp hoá và viện trợ Mỹ cùng lúc, thì tốc độ phát triển càng nhanh. Lý thuyết của Rostow đã thuyết phục được giới khoa bảng và chính giới tại Washington.

Để thực thi, Mỹ đưa ra hằng loạt các chương trình viện trợ phát triển kinh tế, kỹ thuật và văn hoá cho các nước đang phát triển. Nhìn chung trong bối cảnh này, triển vọng cho các nước nhận viện trợ Mỹ là lạc quan, điển hình là miền Nam.

Thực tế về thành quả xây dựng của miền Nam

Miền Nam đang bắt đầu chuyển mình trong bối cảnh mới: Pháp phải ra đi và Mỹ sắp đến, một nền dân chủ cộng hoà cho chế độ chưa thành hình và sự đồng thuận của toàn dân trong việc xây dựng quốc gia chưa đạt được.

Ý thức được thách thức nảy, Tổng thống Eisenhower ủng hộ cho Thủ tướng Diệm thực thi một chương trình cải cách toàn diện, đặc biệt nhất là cố tạo ra một ý thức về tinh thần quốc gia cho người dân miền Nam.

Đúng như Tổng thống Eisenhower kỳ vọng, chỉ trong hơn ba năm sau ngày chấp chánh, Tổng thống Diệm đã tạo ra những thành tựu đáng kể. Nổi bật nhất là tình hình trật tự tại miền Nam được vãn hồi, các giáo phái không còn chống đối, các đơn vị vũ trang được sát nhập vào quân đội quốc gia và phân tán, các tổ chức phiến loạn đã được dẹp tan, sự phân hoá trong quân đội không còn.

Các biện pháp táo bạo của ông Diệm để đem lại trật tự cho xã hội là đóng cửa hai sòng bạc Đại Thế giới và Kim Chung tại Sải Gòn (15-1-1955), chiến dịch Đinh Tiên Hoàng (5-6-1955- 20-12-1955) mang lại an ninh cho các tỉnh miền Tây Nam phần, chiến dịch Hoàng Diệu (21-9-1955- 21-10-1955) hoạt động tại khu Rừng Sát nhằm truy sát sào huyệt của Bình Xuyên.

Nâng cao thanh thế cho ông Diệm là cơ cấu hành chánh quốc gia bắt đầu hoạt động và dân sinh cải tiến; do đó, chế độ thu phục nhân tâm nhiều hơn.

Thành công trong chương trình tái định cư cho 818.131 đồng bào miền Bắc là một kỳ tích lịch sử cho Việt Nam Cộng Hoà. Với 565.000 mẩu đất hoang được khai khẩn thành khu canh nông dinh điền giúp cho đồng bào có cơ hội bắt đầu làm lại cuộc đời mới tại miền Nam, mà Cái Sắn, La Ngà, Pleiku, Cà Mau, Đồng Tháp Mười là những thí điểm lập nghiệp điển hình.

Cho đến năm 1960, Việt Nam bắt đầu có tiếng nói trên chính trường quốc tế. Việt Nam trở thành hội viên của 30 tổ chức quốc tế và khu vực, đặt 16 sứ quán tại hải ngoại.Với 42 nước công nhận chế độ, Sài Gòn có 22 nước đặt sứ quán.

Ảnh: Tổng thống Eisenhower đón tiếp Tổng thống Ngô Đình Diệm tại phi trường. Nguồn: Wikipedia

Đáng kể nhất là năm 1957, khi ông Diệm công du chính thức Hoa Kỳ lần đầu tiên với cương vị Tổng thống Việt Nam Cộng hoà. Với khả năng hùng biện lưu loát bằng Anh ngữ, ông Diệm đã xuất sắc nêu cao chính nghĩa quốc gia và thuyết phục được chính giới Mỹ. Trước Quốc hội và các cơ quan truyền thông, ông gây được tiếng vang cho Việt Nam. Không những trong nước Mỹ, mà nhiều quốc gia khác bắt đầu dành nhiều thiện cảm cho sự trỗi dậy của Việt Nam. Cho đến nay, trong lịch sử bang giao Mỹ-Việt, chưa có một nhà lãnh đạo nào của Việt Nam có thể đạt được thành quả ngoại giao tương xứng.

Kinh tế Việt Nam trên đà xây dựng thuận lợi khi cơ chế thị trường nội địa bắt đầu hoạt động hữu hiệu. Các nhà máy công nghiệp như sản xuất đường Biên Hoà, cát trắng Khánh Hoà, than đá Nông Sơn, xi măng Hà Tiên đi vào sản xuất. Gạo Việt Nam xuất cảng gia tăng và gây tiếng vang trong thị trường nông phẩm thế giới. Kinh tế xuất khẩu gia tăng mang lại thặng dư cho ngân sách và cải tiến dân sinh.

Dù đang trong bước đầu, nhưng thành quả xây dựng vượt trội của Việt Nam Cộng Hoà làm cho tất cả các quốc gia khác trong khu vực đã không sánh kịp. Singapore, Nam Hàn và Thái Lan kém xa Việt Nam Cộng Hoà về mọi lĩnh vực.

Kỳ tích này cũng đã được Tổng thống Eisenhower ca ngợi. Trong thư đề ngày 22 tháng 10 năm 1960 gửi cho Tổng thống Ngô Đình Diệm, Eisenhower nêu lên:

“Chúng tôi đã chứng kiến sự can đảm và táo bạo mà Ngài và nhân dân Việt Nam đã biểu dương để đạt tới độc lập trong một tình huống nguy hiểm đến độ mà nhiều người đã coi như là vô vọng. Chúng tôi còn ngưỡng mộ khi tình trạng hỗn loạn ở miền Nam đã nhường chỗ cho trật tự, và tiến bộ đã thay thế cho tuyệt vọng, tất cả với một tốc độ quá là nhanh chóng.”

Sở dĩ xã hội miền Nam biến đổi nhanh chóng trong một thời gian ngắn như vậy một phần lớn là do viện trợ của Mỹ đóng góp đầy hào phóng.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây