Minh Phạm
26-3-2021
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5
Về phương diện hành xử quyền lực, cựu Tổng thống Donald Trump cũng sẽ được nhắc đến như người đã gián tiếp làm lung lay nguyên tắc “kiểm soát và cân bằng” giữa ba ngành Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp của chính quyền liên bang. Nền cộng hòa Mỹ với tính dân chủ bậc nhất thế giới vốn nổi tiếng với nguyên tắc “Tam quyền phân lập” suýt “bổ ngửa” vì một trong 3 trụ cột – quyền Tư pháp – gần như bị vô hiệu hóa trước Tổng thống Trump – người đứng đầu quyền Hành pháp.
Năm 2017, năm đầu tiên của Hành pháp Trump (Trump Presidency, Trump Administration), khuynh hướng đảng phái đã vào tận pháp đình liên bang, bất chấp truyền thống và luật lệ vốn là niềm tự hào của Tư pháp Mỹ: Nền Tư pháp độc lập.
***
Trong lịch sử, chức-chưởng Tổng thống (Presidency), quyền đề cử thẩm phán của Tổng thống giúp khẳng định tầm ảnh hưởng của vị tổng thống đó trong lịch sử ngay từ khi chính quyền liên bang Mỹ bắt đầu hoạt động.
Mặc dù các thẩm phán liên bang – chỉ riêng các thẩm phán, Điều III Hiến pháp, tức là các thẩm phán của Tối cao Pháp viện, 13 Tòa Thượng thẩm và 91 Tòa Sơ thẩm liên bang – có pháp nhiệm suốt đời; nhưng vòng luân-hồi “sinh lão bệnh tử” khiến các Tòa án liên bang luôn thiếu hụt nhân lực.
Hiện nay, số lượng thẩm phán liên bang (2 cấp Tòa thường luật và Tối cao Pháp viện) do ông Trump đề cử chỉ mới một nhiệm kỳ (4 năm) đã chiếm trên 1/4 tổng số thẩm phán liên bang trên toàn quốc. Con số này xấp xỉ với số lượng thẩm phán được đề cử trong 8 năm của cựu Tổng thống Obama.
Thống kê vào ngày 13/1/21 cho biết, toàn quốc có 226/816 thẩm phán liên bang thực thụ (active judges, khác với các thẩm phán về hưu hay hoạt động bán thời gian, tức các thẩm phán niên trưởng: Senior judges) do ông Trump đề cử, chiếm 28% tổng số thẩm phán trên toàn quốc.
Trong số 226 thẩm phán này có 174 thẩm phán Tòa Sơ thẩm (chiếm 27%), 54 thẩm phán Tòa Thượng thẩm (chiếm 30%). Có 2 vị được ông Trump đề cử lên cả 2 cấp Sơ thẩm và Thượng thẩm.
Một sự thay đổi cũng rất quan trọng là Trump đã lật ngược sự ảnh hưởng đảng phái ở 3 trong số 13 Tòa Thượng thẩm liên bang (U.S. Circuit Court of Appeals): Tòa Thượng thẩm số 11, trú sở ở Atlanta, tiểu bang (Georgia); Tòa Thượng thẩm số 2, trú sở Manhattan (New York) và Tòa Thượng thẩm số 3, trú sở Philadelphia (Pennsylvania).
Ở 3 Tòa Thượng thẩm vừa kể, từ chỗ các thẩm phán do Tổng thống Dân chủ đề cử chiếm đa số (Democratic-appointed majorities), đã trở thành thiểu số trong năm 2017. Đây là một tin tốt lành cho đảng… Cộng hòa.
(Tòa Thượng thẩm số 11 quản hạt 9 Tòa Sơ thẩm liên bang thuộc 3 tiểu bang Alabama, Florida và Georgia. Tòa Thượng thẩm số 2 quản hạt 6 Tòa Sơ thẩm liên bang thuộc 3 tiểu bang Connecticut, New York và Vermont. Tòa Thượng thẩm số 3 quản hạt 5 Tòa Sơ thẩm liên bang thuộc 3 tiểu bang Delaware, New Jersey và Pennsylvania.)
Cần nói thêm tầm quan trọng của tính đảng phái trong các Tòa án Thượng thẩm liên bang. Các vụ án xét xử ở Tòa Thượng thẩm được thực hiện bởi một Hội đồng gồm 3 thẩm phán. Trong một số trường hợp đặc biệt, vụ án sẽ được xét xử bởi toàn bộ các thẩm phán của Tòa Thượng thẩm đó, gọi là xử toàn-thẩm (en bang).
Dễ hiểu là, các Thẩm phán của đảng nào chiếm đa số ở Tòa Thượng thẩm đó chắc chắn cũng sẽ theo đuổi tôn chỉ (chính sách, nghị trình) của đảng đó trong các bản án của họ. Vậy điều này có ý nghĩa gì? Đó là tất cả các vụ kiện liên quan đến nguyên tắc kiểm soát quyền lực thì 90% phần thắng có khả năng thuộc về đảng Cộng hòa của cựu Tổng thống Trump.
Tưởng cũng nên nói thêm rằng, một vụ án mà lên đến cấp tòa án liên bang là rất quan trọng, vì kết quả của vụ án ấy có thể là “luật pháp trong tương lai” được áp dụng trên cả nước vì Mỹ, là quốc gia áp dụng án lệ. Với nguyên tắc xét xử theo hai cấp (xử Sơ thẩm: trial và Thượng thẩm: appeal) thì vụ kiện bị kháng cáo lên tòa Thượng thẩm liên bang là rất hiếm và vụ kiện xem ra đã… đụng nóc!
Kể từ đó, một vài phán quyết ở các cấp tòa án liên bang đã khiến cho tính chính đáng của Tòa án và phẩm hạnh của một vài thẩm phán bị hạ thấp, cho phép người ta cho rằng Tối cao Pháp viện nói riêng và ngành tòa án Mỹ nói chung, PHẦN LỚN bị chính trị hóa. Cựu tổng thống Trump trở nên “nổi tiếng” với khái niệm “Thẩm phán Obama” (Obama’s judges), và nay cho phép người ta “phân loại “Thẩm phán Trump” (Trump’s judges).
***
Nhưng khởi thủy cho sự can thiệp “thô bạo” chốn pháp đình của Donald Trump có nguồn từ nhân vật quyền lực nhất của đảng Cộng hòa tại Thượng nghị viện: Mitch McConnell.
Cựu tổng thống Donald Trump, bằng cách can thiệp vào ngành tư pháp thông qua những chỉ trích gay gắt cá nhân thẩm phán bất chấp truyền thống, đã thách thức trắng trợn mà không bị trừng phạt, nhờ vào sự tiếp tay của “một nửa quyền Lập pháp” (“một nửa quyền lập pháp” ở đây ám chỉ Thượng nghị viện; và nửa kia là Hạ nghị viện) dưới sự kiểm soát của đảng Cộng hòa, đảng của ông Trump, thông qua quyền đề cử Thẩm phán cho các tòa án liên bang. Với điều khoản Hiến định “Khuyến cáo và Chấp nhận” (advised and consent), Mitch McConnell toàn quyền quyết định ai sẽ được ngồi vào ghế thẩm phán liên bang (nghe có vẻ trái khoáy nhưng sự thật là thế) cùng với sự đề cử toàn những “người-đằng-mình” của Donald Trump.
Khi Thủ lãnh khối đa số (Cộng hòa) tại Thượng nghị viện Mitch McConnell không chịu tổ chức phiên chuẩn nhận chức vụ Phụ thẩm Tối cao Pháp viện cho Thẩm phán Merrick Galand – được tổng thống của đảng Dân chủ Obama đề cử – buộc ông Garland chờ đợi gần một năm để cuối cùng ông này đành trở về nhiệm sở cũ; tính chính đáng của Quyền Tư pháp mà Tối cao Pháp viện là đại diện, lại được đặt ra.
Lý do duy nhất mà McConnell không chịu chuẩn nhận cho ông Galand, rằng “Thượng nghị viện không chuẩn nhận thẩm phán Tối cao Pháp viện trong năm bầu cử” là không đứng vững. Trường hợp này, ông McConnell đã sử dụng một “tiêu chuẩn kép” (double-standard), nôm na là “kẻ hai mặt”, thường bị lên án. Tại sao vậy?
Cũng chính McConnell đã làm ngược lại những gì ông nói cách đây 4 năm: Chuẩn nhận chức vụ cho nữ thẩm phán Amy Barrett vào Tối cao Pháp viện ngay trong năm bầu cử 2020, vì nữ thẩm phán này do một tổng thống của đảng Cộng hòa – phe ông – đề cử. Chính tân Phụ thẩm Barrett đã làm lệch cán cân lực lượng (6-3) giữa Cộng hòa và Dân chủ với lợi thế nghiêng về Cộng hòa. Đây là nhân tố quan trọng mà những người ủng hộ Donald Trump cho rằng, sẽ giúp Trump một khi tranh chấp bầu cử được giải quyết tại Tối cao Pháp viện. Trump cũng kỳ vọng rất nhiều vào những người do ông đề cử vào Tòa án có thẩm quyền cao nhất nước Mỹ.
Rõ ràng, ẩn chứa phía sau hành động của thủ lãnh đảng Cộng hòa tại Quốc hội là sự bảo đảm cho tính chất “sống còn” của đảng Cộng hòa hơn là vì quyền lợi quốc gia. Phóng tầm mắt, và trong một đoản kỳ, liệu Tối cao Pháp viện còn có thể giữ thăng bằng cho cái quan điểm nhị-nguyên hiện diện trong mọi định chế chính trị ở Mỹ?
Nhờ sự ủng hộ từ Mitch McConnell, Trump “tác oai tác quái” suốt 4 năm làm tổng thống. Nhưng cái gì cũng có giá của nó: Sự tác quái không có điểm dừng khiến Trump 2 lần bị luận tội, phần lớn nhờ hệ thống giám sát quyền lực bên ngoài chính quyền: Tổ chức xã hội dân sự và tự do báo chí.
Và trong khi Trump không còn là tổng thống, McConnell – trong phiên tòa luận tội xét xử Donald Trump lần thứ hai – đã phải thừa nhận quyền tư pháp vẫn còn “sống” khi ông ta khẳng định rằng, dù được tòa án Thượng viện hai lần tha bổng, nhưng Donald Trump phải bị xét xử bởi các Tòa án Tư pháp.