Donald Trump và luật pháp Mỹ (Phần 2)

Minh Phạm

5-3-2021

Tiếp theo phần 1

Trong khi các chính trị gia và công tố viên liên bang Mỹ đang “vật lộn” với câu hỏi, liệu có nên truy tố cựu tổng thống Donald Trump về trách nhiệm hình sự mà ông ta có thể phạm phải hay không (vì chưa có tiền lệ) thì tin từ nước Pháp cho biết, Tòa án nước này vừa kết án cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, phải chịu 3 năm tù vì tội tham nhũng.

Với bản án này, sự nghiệp chính trị của ông Sarkozy xem như kết thúc. Nên nhớ, ông Sarkozy không phải là trường hợp đầu tiên một cựu tổng thống Pháp bị truy tố hình sự và gánh chịu hình phạt tù. Trước ông Sarkozy, cựu tổng thống Jacques Chirac cũng chịu thảm cảnh tương tự.

***

Ngày 24 tháng 7 năm 2019, trả lời cho dân biểu Cộng hòa trong một buổi điều trần trước Quốc Hội sau khi kết thúc điều tra nghi vấn thông đồng Trump-Nga, ông Robert Mueller cho biết, nếu được phép, ông sẵn sàng truy tố Donald Trump với tội hình sự SAU KHI ông Trump mãn nhiệm.

Ngày 22/2/21, Tối cao Pháp viện liên bang ra quyết định cựu tổng thống Donald Trump phải giao nộp Hồ sơ tài chính cá nhân trong 8 năm liên tục (2011-2018) cho Biện lý hạt Manhattan của tiểu bang New York là Cyrus Vance để ông nộp cho Bồi thẩm đoàn luận tội (Grand Jury) của Viện công tố hạt này.

Trong mọi cáo buộc hình sự đối với ông Trump thì án-vụ của Biện lý Vance được cho là “có cơ sở phạm tội” (probable cause) để Bồi thẩm đoàn luận tội Manhattan quyết định ra cáo trạng truy tố hình sự (true bill) ông cựu tổng thống Donald Trump.

Ngoài Biện lý Vance, cấp trên trực tiếp của ông này là Tổng chưởng lý Letitia James của tiểu bang New York cũng đang điều tra vụ án gian lận thương mại (dân sự) và có khả năng vụ này sẽ được chuyển sang án hình sự.

Hôm thứ tư, Ủy ban Giám sát Hạ nghị viện tiếp tục phát trát Subpoena cho các định chế tài chính buộc họ phải giao nộp hồ sơ tài chính của ông Trump theo yêu của ủy ban này. Nếu có cơ sở tin rằng ông Trump phạm luật, Ủy ban giám sát có thể yêu cầu Bộ Tư pháp truy tố ông Trump ra tòa án liên bang.

Hồ sơ tài chính của ông Trump – mà ông hứa sẽ công bố nếu được đề cử làm ứng cử viên tổng thống năm 2016 nhưng cho đến nay ông vẫn tìm mọi cách để che giấu – cũng có thể trở thành chứng cứ phạm tội vững chắc mà ngoài Biện lý Vance thì Tổng chưởng lý New York và Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ nghị viện tin chắc là ông Trump phạm phải.

Vì vậy, quyết định của Tối cao pháp viện khiến nhiều người tin rằng số phận chính trị của ông Trump “như mành treo chuông”.

“Cái sảy nảy cái ung”. Trong số những vụ kiện còn lại, có thể sẽ phát sinh thêm nhiều cáo buộc hình sự đối với ông Trump như vụ “Điện đàm Ucraine”, “Điện đàm Georgia” (GA call), vụ bạo loạn 6/1…

Tuy vậy, những diễn biến chính trị ở Washington trong thời gian gần đây, cùng với đặc tính của chế độ lưỡng đảng hiện tại khác biệt so với chế độ đại nghị của Pháp, liệu ông cựu tổng thống Mỹ Donald Trump có bị truy tố hình sự hay không là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Hệ lụy của vấn đề này cũng khiến người ta nghi ngờ câu hỏi là phải chăng “không một thế lực nào có thể ngăn cản Donald Trump trở thành một ứng cử viên tổng thống tiềm năng vào năm 2024, ngoại trừ…luật pháp”?

Một khi câu hỏi này được đặt ra, tất nhiên đã có sự nghi ngờ về tính “công bằng của luật pháp”. Câu hỏi này nếu được đặt ra từ năm 2016 trở về trước ắt người viết sẽ bị thiên hạ cười đến “trẹo quai hàm”!

Vậy nếu các bằng chứng phạm tội của cựu tổng thống là “có cơ sở” (probable cause) thì liệu có chắc là công tố viện sẽ truy tố cựu tổng thống, và trong trường hợp bị chứng minh là “có tội” (guilty) thì liệu cựu tổng thống sẽ gánh chịu một sự chế tài thích đáng?

***

Người ta vẫn chưa quên Robert Mueller trả lời trước ủy ban tư pháp Hạ nghị viện trước đây. Và nay người ta cũng chờ đợi Trump “tổng thống” khác với Trump “dân thường” ra sao trước Tòa án thường-luật, nơi hoàn toàn khác biệt với Tòa án Thượng nghị viện sặc mùi đảng phái trong cả hai phiên tòa luận tội xét xử Donald Trump.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây