Bản tin ngày 2-1-2021

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Diễn biến mới ở Biển Đông: Trung Quốc đả kích dữ dội Anh Quốc, RFI đưa tin. Phản ứng lại vụ Anh thông báo, lần đầu tiên sẽ điều hàng không mẫu hạm đến làm nhiệm vụ ở Thái Bình Dương, kể cả ở Biển Đông và sự kiện NATO ra báo cáo chỉ trích tham vọng bá quyền của TQ, người phát ngôn Bộ Quốc phòng TQ nói: 

“Trung Quốc tin rằng Biển Đông không nên trở thành một vùng biển cho sự cạnh tranh giữa các cường quốc, bị chi phối bởi các loại vũ khí và tàu chiến… nguồn gốc thật sự của việc quân sự hóa Biển Đông đến từ việc nhiều nước bên ngoài vùng điều tàu chiến đến một nơi xa nhà hàng ngàn cây số để phô trương lực lượng”.

Cũng tin Biển Đông, báo Thanh Niên có bài: Trung Quốc và thách thức đối với quân đội Mỹ ở Biển Đông. Cựu phi công quân sự Mỹ Scott Trail, hiên là kỹ sư nghiên cứu của Viện nghiên cứu Công nghệ Georgia, cho rằng tham vọng bá quyền TQ chủ yếu tập trung vào khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Ở quần đảo Hoàng Sa, TQ đã xây dựng một cảng và đường băng trên đảo Phú Lâm, nơi có trên 1.000 binh sĩ TQ đóng trú. Còn ở Trường Sa, TQ cũng đã xây dựng 3 đường băng trên đá Xu Bi, Vành Khăn và Chữ Thập. Ông Trail cảnh báo, “nếu quân đội Mỹ không giải quyết thách thức hậu cần ở Biển Đông càng sớm thì nguy cơ Trung Quốc mở rộng sự hiện diện ở khu vực càng cao”

Mời đọc thêm: Biển Đông 2021 còn nhiều thách thức (TN). – Trung Quốc dọa Anh về chuyện điều tàu sân bay mới đến Biển Đông (TT). – Tàu sân bay Anh sắp đến Biển Đông, Trung Quốc nổi giận (MTG). – Lợi dụng đại dịch để gây rối, Trung Quốc gánh chịu hậu quả? (TN). – Thông điệp mới của Đài Loan gửi Trung Quốc (DV). 

Các vụ “ăn” đất

VnExpress thống kê: 6.080 m2 ‘đất vàng’ vào tay tư nhân trong vụ án ông Vũ Huy Hoàng. Đó là khu đất ở số 2-4-6 đường Hai Bà Trưng, TP HCM, là tài sản nhà nước bị cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa chuyển nhượng trái luật. Đây là khu đất “có vị trí đắc địa bậc nhất Sài Gòn khi có 3 mặt tiền”, vốn do doanh nghiệp nhà nước Sabeco quản lý, nộp tiền thuê đất hàng năm.

Ngày 8/11/2018, thời điểm khởi tố vụ án hình sự thương vụ bán rẻ “đất vàng” dựa trên liên doanh Sabeco Pearl, giá trị quyền sử dụng khu đất nói trên là hơn 3.800 tỉ đồng, còn giá trị 26% vốn góp của Sabeco vào ngày 1/4/2016 là hơn 465 tỷ đồng, nhưng chỉ bán hơn 196 tỷ đồng. Thủ thuật định giá, thoái vốn là thủ đoạn để tư nhân chiếm tài sản nhà nước, gây nên thiệt hại ước tính hơn 2.700 tỉ đồng.

Khu tứ giác vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa/VNE

Báo Lao Động đưa tin: Nhiều người dân phản ứng điều chỉnh quy hoạch KĐT An Phú – An Khánh. Theo đó, nội dung nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 đối với dự án Khu đô thị An Phú – An Khánh đang bị người dân phản đối, vì họ cho rằng sự điều chỉnh này “ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống và quyền lợi của người dân”. Nội dung điều chỉnh có đề xuất đổi đất công viên thành đất tái định cư, san lấp kênh rạch…

Đơn phản ánh của người dân khu phố 5, phường An Phú, có đoạn: “Vì điều này làm giảm tỷ lệ cây xanh, đất công viên, đất công xuống còn dưới 1m2/người, phá vỡ quy hoạch đã được Thủ tướng, Kiến trúc sư trưởng và gần đây là các quyết định của UBND quận 2 đã duyệt”. Quyết định giao đất của Thủ tướng ngày 13/8/1999, quy định, toàn bộ đất hạ tầng xã hội, trong đó có đất công viên, “không được lấy đất này sử dụng vào mục đích khác”.

Thực trạng khu đô thị An Phú -An Khánh hiện nay. Ảnh: Gia Miêu/LĐ

Mời đọc thêm: Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ đạo thoái vốn, chuyển ‘đất vàng’ vào tay tư nhân (VTC). – Hà Tĩnh: Đấu giá khu ‘đất vàng’ dự án gần 650 tỷ của TECCO do chậm tiến độ (VNF). – Một quận ở TP.HCM để nợ tiền sử dụng đất hàng trăm tỉ đồng (TN). – Phúc Yên (Vĩnh Phúc): Cưỡng chế, giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án Khu nhà ở TMS Land Hùng Vương (XD). – Khổ vì huyện chậm hỗ trợ thu hồi đất (PLTP).

Tin giáo dục

Diễn biến “gãi ngứa” trong vụ 626 bằng giả ĐH Đông Đô: Hủy kết quả 12 trường hợp, theo báo Đất Việt. Lãnh đạo Học viện Khoa học Xã hội cho biết, đơn vị đã cung cấp hồ sơ của các học viên sử dụng văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh của ĐH Đông Đô cho cơ quan điều tra, đồng thời làm việc với 11 người đang làm TS và một người làm ThS, đã sử dụng bằng giả nói trên để đạt điều kiện đầu vào ThS, nghiên cứu sinh tại Học viện.

Học viện KHXH ra quyết định thu lại bằng, hủy các kết quả liên quan đối với người học sử dụng văn bằng giả của ĐH Đông Đô. Xử lý được 12 bằng giả trên 626 trường hợp, nghĩa là gần… 2% số bằng giả, còn lại hơn 98% trường hợp thì cũng “im lặng” như chính vụ điều tra bằng giả đang có dấu hiệu chững lại. 

Báo Giáo Dục VN có bài của TS Phạm Long, phân tích khuynh hướng tự chủ ĐH ở VN: Một nền giáo dục đại học có thể sẽ bật gốc vì quả bong bóng ISI/Scopus. Trong các năm gần đây, ứng cử viên GS, PGS ở VN bắt buộc phải có bài đăng ISI/Scopus. TS Long cảnh báo: “Cái gốc cái nền không có thì ISI/Scopus làm sao? Không cẩn thận, chỉ trong thời gian rất ngắn một thị trường ISI/Scopus hình thành và tăng trưởng giống như Thị trường Chứng khoán Việt Nam lên đỉnh và nổ tung vào năm 2008; hay Thị trường Bất động sản lên dốc và trượt không phanh vào năm 2011”.

Mời đọc thêm: Hủy kết quả của nhiều nghiên cứu sinh sử dụng văn bằng 2 của ĐH Đông Đô (LĐ). – Hủy kết quả nhiều trường hợp nghiên cứu sinh dùng văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh của ĐH Đông Đô (SS). – Thánh Gióng mà phải đợi “đủ tuổi quy hoạch”, lấy ai đánh thắng giặc Ân? (GDVN). – Giải thể Trường Trung cấp Sư phạm Mẫu giáo – Nhà trẻ Hà Nội (TP). – Vi phạm bản quyền ngữ liệu trong SGK: Đừng nghĩ không phạm luật! (PLVN). – Cô giáo Mỹ tặng hơn 10.000 cuốn sách cho học trò (Zing). 

Tin môi trường

VOV đưa tin: Công ty xử lý chất thải nguy hại ở Đồng Nai bơm trộm nước bẩn ra môi trường. Công ty TNHH Cù Lao Xanh, chủ đầu tư nhà máy xử lý chất thải nguy hại tại xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, đã bơm trộm nước thải ô nhiễm ra môi trường, “hằng ngày có hàng ngàn m3 nước thải đen ngòm, hôi thối chưa qua xử lý, được bơm trực tiếp ra môi trường, ruộng lúa của người dân”.

Khu liên hợp xử lý chất thải của công ty này có tổng cộng 7 hồ “chứa nước màu đen, đặc quánh, nằm lộ thiên rộng hàng chục ngàn m2, bốc mùi thối nồng nặc”. Trong số 7 hồ chứa nước thải đen đặc chảy ra từ rác, có nhiều hồ chủ đầu tư không lót bạt dưới đáy hồ, nên nước thải có thể thấm xuống lòng đất, gây ô nhiễm mạch nước ngầm.

Mỗi ngày có hàng ngàn m3 nước ô nhiễm được bơm xả trực tiếp ra môi trường. Ảnh: VOV

Đợt không khí lạnh bất thường tràn xuống một số nước Đông Á và Trung Á, gây ảnh hưởng đến VN, khiến một số người nghi ngờ thông tin Trái đất nóng lên, trang Hành Tinh Titanic cung cấp 2 tấm ảnh chụp từ mô hình dự báo khí tượng của trang earth.nullschool.net, vào lúc 4h chiều 2/1/2021, giờ VN, cho thấy, quá trình tan băng ở Bắc Cực thực chất vẫn đang diễn ra, đúng như đã được dự báo.

Hình thứ nhất cho thấy, vì sự dao động xoáy cực (polar vortex) và dòng tia cận cực (Arctic jet stream), mức nhiệt ở khu vực Tomponsky Ulus, nước Cộng hòa Sakha thuộc Liên bang Nga xuống thấp đến mức -41,2°C. Nhưng hình thứ 2 lại cho thấy, tại khu vực gần trung tâm Bắc Cực, nhiệt độ ở mức cao hơn rất nhiều, -17°C, nghĩa là cao hơn gần 25°C so với khu vực Tomponsky Ulus ở gần vành đai rìa Bắc Cực.  Cũng trong hình số 2, khu vực eo biển Bering, có 2 cơn bão cận cực đang đẩy thêm khí ấm từ xích đạo lên.

Hình 1: Khu vực Tomponsky Ulus, nước Cộng hòa Sakha thuộc Liên bang Nga (62.58° vĩ Bắc, 135.74° kinh Đông), cách trung tâm Bắc Cực khoảng 4000km, có nhiệt độ -41,2°C. Ảnh: earth.nullschool.net/FB Hành Tinh Titanic
Hình 2:  Khu vực trung tâm Bắc Cực (89.64° vĩ Bắc, 153.38° kinh Đông), nhiệt độ ở mức -17°C. Các vòng tròn đỏ số 1 và số 2 cho thấy, tại eo biển Bering, đang có hai cơn bão cận cực có sức gió từ 100km/g – 120km/g đang đẩy thêm khối khí ấm từ vùng xích đạo lên. Ảnh: earth.nullschool.net/Hành Tinh Titanic

Có nghĩa là, ở Bắc Cực đang xảy ra hiện tượng bất thường, khu vực trung tâm Bắc Cực lẽ ra có nhiệt độ thấp nhất, thì mức nhiệt ở đó lại cao hơn 25°C so với khu vực Tomponsky Ulus, ở gần rìa vành đai Bắc Cực. Dữ liệu từ earth.nullschool.net được dẫn lại cũng cho thấy, các khu vực có vĩ độ tương đương với Tomponsky Ulus cũng lạnh nhưng dao động ở mức từ 0°C đến – 20°C, nghĩa là mức nhiệt cao hơn Tomponsky Ulus từ 20°C đến 40°C. 

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Vệ tinh NASA cho thấy nhiều dòng sông Mỹ liên tục đổi màu. Sau khi kiểm tra khoảng 235.000 ảnh vệ tinh được chụp từ năm 1984 đến 2018 thông qua chương trình Landsat, do NASA và Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ hợp tác, một nhóm nhà khoa học cho biết, “một phần ba các con sông ở Mỹ đã có sự thay đổi đáng kể về màu sắc trong 34 năm qua”, tùy theo lượng trầm tích, tảo hoặc mức độ ô nhiễm của nước. 

Các dòng sông thay đổi màu sắc liên tục. Ảnh: AP/PLTP

Mời đọc thêm: Một năm hạn mặn lịch sử (NNVN). – Điều tra vì sao nước suối có màu lạ, mùi hôi thối ở Bà Rịa – Vũng Tàu (NLĐ). – Tô Lịch vẫn là dòng sông chết dù nhiều phương án cải tạo được đưa ra (VOV). – Ô nhiễm môi trường đã tác động đến quang cảnh thế giới như thế nào? (PT). – Hiện tượng ấm lên đột ngột ở tầng bình lưu (FB Sam Carana). – Vì sao mùa đông không tuyết ở Moscow là lời cảnh báo cho toàn thế giới (Hành Tinh Titanic).

***

Thêm một số tin: Việt Nam khó đột phá trên nền “tư duy cũ”? (BBC). – Lòng thối chảy nước, thịt bốc mùi… hàng tấn đồ bẩn lên bàn nhậu tất niên (VNN). – Cha 38 tuổi ôm con trai 7 tháng đổ xăng tự thiêu, nghi do nợ nần (TT). – Mỹ vượt ngưỡng 20 triệu ca nhiễm Covid-19 vào ngày đầu năm 2021 (RFI). – California: Nhiều người gốc Việt nhiễm COVID-19 ở hạt Santa Clara (VOA). – Bác phủ quyết của TT Trump, Thượng Viện Mỹ thông qua luật ngân sách quốc phòng (RFI).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây