Covid-19 ở VN ngày 10/8/2020: Tổng cộng 14 ca tử vong, 847 ca nhiễm

BTV Tiếng Dân

Bộ Y tế thông báo sáng nay, hai bệnh nhân nữ 33, 47 tuổi không qua khỏi, Việt Nam có 13 ca COVID-19 tử vong. Ca tử vong thứ 12 là nữ bệnh nhân số 430, chỉ mới 33 tuổi, ở Quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Từ ngày 23/7, bệnh nhân đã có các triệu chứng mệt mỏi, khó thở, nhập viện điều trị tại Khoa Nội thận BV Đà Nẵng, sau đó xét nghiệm có kết quả dương tính.

Đến ngày 30/7, bệnh nhân diễn biến nặng, được chuyển đến BV Đa khoa Trung ương Huế lọc máu liên tục. Ngày 1/8, bệnh nhân tiếp tục được đặt nội khí quản, thở máy, rồi được đặt cả ECMO 2 ngày sau đó. Nghĩa là bao nhiêu công nghệ tiên tiến mà VN có thể huy động để cứu chữa đã được áp dụng hết, nhưng đến đêm qua 9/8, bệnh nhân nguy kịch, ngừng tuần hoàn hô hấp, đến 0h30 sáng nay qua đời.

Ca tử vong thứ 13 là nữ bệnh nhân 737, 47 tuổi, ở quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Ngày 27/7, bệnh nhân được cách ly nhưng kết quả xét nghiệm âm tính, phải xét nghiệm lần 2 vào ngày 4/8 mới có kết quả dương tính. Ngày 6/8, bệnh nhân được chuyển sang Trung tâm y tế Hòa Vang. Đến 19h30’ tối qua, bệnh nhân suy hô hấp, phải thở máy, đặt nội khí quản. Lúc 0h45’ sáng nay, bệnh nhân hôn mê sâu, nhịp tim rời rạc rồi ngừng hẳn và ra đi lúc 1h15’.

VOV có đồ họa: Chi tiết 13 bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong.

Kênh FBNC VN có clip: Covid-19 hôm nay: Thêm 2 bệnh nhân (430,737) tử vong, hiện tại Việt Nam đã có 13 ca tử vong.

VnExpress có đồ họa: Tuổi và bệnh phổ biến ở 13 ca Covid-19 tử vong.

Dưới đồ họa trên, bình luận được nhiều lượt thích nhất có đoạn: “Theo tôi từ nay mọi người hãy ngừng tung hô kiểu VN giỏi nhất, không để ai chết này nọ như trước nay, ngừng mỉa mai các nước khác, ngừng chủ quan dù VN tuyên bố hết ca trong cộng đồng… Cười người hôm trước hôm sau người cười…”. Đó là bằng chứng cho thấy, toàn bộ nỗ lực của bộ máy tuyên truyền của đảng CSVN trước đó, đã tan theo mây khói.

Hôm qua virus đã cướp đi sinh mạng của bệnh nhân số 456, là ca tử vong thứ 11, người bệnh chỉ mới qua ngưỡng trung niên và chỉ bị cao huyết áp, thì hôm nay hai ca tử vong mới chỉ 33 tuổi và 47 tuổi. Hai ca này đã tạo nên một làn sóng dư luận, không chỉ thừa nhận sự nguy hiểm của Covid-19 mà còn phê phán những quan điểm cho rằng, Covid-19 chỉ giết chết người già.

Diễn biến trong mục bình luận của bài: Hai bệnh nhân Covid-19 tử vong ở tuổi 33 và 47 trên VnExpress thể hiện rõ mâu thuẫn giữa dư luận “lề dân” và “lề đảng”. Bình luận được nhiều lượt thích nhất ở thời điểm bản tin sắp lên mạng: “Hai bệnh nhân 33 tuổi và 47 tuổi là hai bệnh nhân trẻ tuổi, tuy có bệnh nền nhưng vẫn không qua khỏi Covid. Thế mới thấy Covid nguy hiểm như nào…”

Gần 50 lượt trả lời đã tạo nên một cuộc “bút chiến” nhỏ ở ngay dưới bình luận trên. Những người dân đã hiểu ra, bây giờ tra vấn ngược lại các tuyên truyền viên. Còn một số tuyên truyền viên không bỏ được ảo tưởng về hình ảnh VN “ngạo nghễ thắng dịch”, lại tiếp tục tranh cãi với dân, bất chấp đúng sai, nhưng vẫn yếu thế trước quá nhiều người đã hiểu sự thật, biết được thực tế khả năng phòng, chống dịch của hệ thống.

Ngay khi bản tin này sắp lên mạng, thì Bộ Y tế thông báo về ca tử vong thứ 14, cũng là ca tử vong thứ 3 được công bố trong ngày hôm nay! VnExpress đưa tin: Bệnh nhân Covid-19 thứ 14 tử vong.  Đó là nam bệnh nhân 436, 66 tuổi, trú ở quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng.

Từ ngày 6 đến 27/7, ông điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chống độc, BV Đà Nẵng. Trong ngày 26/7, bệnh nhân có kết quả dương tính. Ngày 28/7, ông được chuyển đến BV Trung ương Huế và được cho thở máy, lọc máu liên tục, ngày 2/8 được đặt ECMO. Hôm nay, bệnh nhân vẫn hôn mê sâu, huyết áp tụt thấp, tim đập rời rạc rồi qua đời.

Thống kê 11 ca tử vong trước đó gồm: Ca thứ nhất là bệnh nhân 428, mất ngày 31/7; ca thứ 2 là bệnh nhân 437, mất cùng ngày; ca thứ 3 là bệnh nhân 499, mất ngày 1/8, ca thứ 4 là bệnh nhân 524, mất ngày 2/8; ca thứ 5 là bệnh nhân 475, mất cùng ngày; ca thứ 6 là bệnh nhân 429, mất cùng ngày; ca thứ 7 là bệnh nhân 426; ca thứ 8 là bệnh nhân 496; ca thứ 9 là bệnh nhân 651, mất ngày 6/8; ca thứ 10 là bệnh nhân 718, mất cùng ngày; ca thứ 11 là bệnh nhân 456.

***

Về các ca nhiễm mới, sáng nay Bộ Y tế thông báo không có ca nhiễm mới. Đến chiều, Bộ Y tế cập nhật, thêm 6 ca mắc mới COVID-19, trong đó 4 ca ở Đà Nẵng, Việt Nam có 847 bệnh nhân. Các ca mới được đánh số từ 842 đến 847, trong đó ca 842 là bệnh nhân nam mới 8 tuổi ở TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, là cháu ngoại của bệnh nhân 774. Ca 843 là bệnh nhân nữ ở quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng, là vợ của ca 800.

Ca bệnh 844 là bệnh nhân nữ ở quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng, còn ca 845 là bệnh nhân nữ ở quận Hải Châu, các ca này đều là nhân viên y tế tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ca 846 là bệnh nhân nam, ở quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Ca 847 là bệnh nhân nam, về nước trên chuyến bay từ đảo Guam, ngày 4/8.

Như vậy, không tính trường hợp dương tính được cách ly ngay lúc nhập cảnh, hôm nay VN có 5 ca lây nhiễm cộng đồng. VN hiện có tổng cộng 847 ca dương tính và 13 ca tử vong do Covid-19.

Thông Tấn Xã VN có đồ họa: Số ca mắc COVID-19 qua các ngày không tính ca nhập cảnh.

Trong tình hình dịch bệnh thế này, “Chú Phỉnh” lại muốn chống dịch bằng cách… ép buộc mọi công chức có điện thoại thông minh đều phải cài Bluezone. Báo đài “lề đảng” đưa tin sai lệch rằng, ứng dụng này có thể phát hiện Covid-19, bằng cách truy vết các ca F1, F2 để xác định xem người sở hữu ứng dụng có tiếp xúc gần với người có nguy cơ nhiễm Covid-19 hay không.

Nhà báo Nguyễn Tiến Tường bình luận: “Hiểu theo cách bluezone phát hiện được virus là sai trầm trọng. Đến cả những ông chó nghiệp vụ mang hàm đại uý bên Mỹ cũng không có kỹ năng đánh mùi được virus nữa là thiết bị điện tử bo mạch vô hồn… Bluzone, hiểu nôm na là nó tìm được người bệnh nếu người đó đã có dữ liệu y tế, dùng smartphone. Nếu ngài chưa khám hoặc dùng phone nồi đồng cối đá thì vô phương!

Tôi không phản đối số hoá data để cùng hợp tác đẩy lùi dịch bệnh. Nhưng cứ kiểu truyền thông vô lối, màu nhiệm hoá nó thì niềm tin sẽ giảm theo chiều ngược lại. Gọi bluezone là ‘khẩu trang điện tử’ là thái quá về bản chất. Nó hoàn toàn có thể tạo ra sự chủ quan trong tiếp xúc đời thật nếu hiểu không đúng. Thế nên đừng có nổ hoặc dùng mệnh lệnh hành chính thô bạo nữa. Hãy để bluezone là chính nó!

Mời đọc thêm: Sáng 10-8 thêm 2 ca COVID-19 tử vong, ca thứ 12 và 13 (PLTP). – Hai bệnh nhân Covid-19 tử vong ở tuổi 33 và 47 (Zing). – Bệnh nhân nam 66 tuổi tử vong vì COVID-19, ca thứ 14 ở Việt Nam (TT). – Ca bệnh Covid-19 thứ 14 tử vong là người đàn ông 66 tuổi ở Quảng Nam (NLĐ). – Nửa tháng bùng phát Covid-19 từ Đà Nẵng (VNE). – Thêm 6 ca mắc mới COVID-19, bệnh nhân nhỏ nhất 8 tuổi (TP). – Thêm 6 ca mới, Việt Nam có tổng cộng 847 người mắc Covid-19 (VOV).

3 bệnh nhân Covid nặng tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam (VOV). – Số ca F1, F2 tiếp tục tăng, Quảng Trị giãn cách xã hội TP Đông Hà trong 15 ngày (KTĐT). – Xác định 150 người là F1, F2 của bệnh nhân Covid-19 số 832 và 833 (GT). – hớt lờ Covid-19, nhiều người Hà Nội vẫn quên đeo khẩu trang nơi công cộng (GT). – Phòng chống dịch tại chợ dân sinh: Nơi nghiêm túc, nơi lơ là (HNM). – Nữ hành khách Việt Nam dương tính với SARS-CoV-2 khi đến Nhật Bản (NLĐ).

Kinh tế thời Covid-19

Trang Đầu tư Tài chính VN thống kê: 4 ngành kinh doanh đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 ở Việt Nam. Theo số liệu từ Bộ KH&ĐT, các ngành đó là: Bất động sản, với 927 doanh nghiệp dừng hoạt động, tăng 98,5% so với cùng kỳ năm 2019; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí, với 265 doanh nghiệp dừng hoạt động, tăng 69,9% so với cùng kỳ năm 2019, Dịch vụ lưu trú và ăn uống, với 2.040 doanh nghiệp dừng hoạt động, tăng 71,4% so với cùng kỳ năm 2019; Giáo dục và đào tạo, với 612 doanh nghiệp dừng hoạt động, tăng 64,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Không chỉ thế, trong 7 tháng đầu năm 2020, có 63.461 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bao gồm 32.722 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 21.802 doanh nghiệp chờ giải thể, 8.937 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Trung bình mỗi tháng có 9.065 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tạp chí Công Thương có bài: Ngấm đòn Covid-19 cả 3 khoản thu ngân sách nhà nước đều giảm mạnh. Theo đó, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện tháng 7 ước tính đạt 107,9 nghìn tỷ đồng, luỹ kế thu 7 tháng đạt 779,8 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 51,6% dự toán, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, 3 nguồn thu NSNN đồng loạt giảm là nguồn thu nội địa, thu từ dầu thô và thu từ hoạt động xuất khẩu.

Riêng lĩnh vực thu nội địa, cơ quan thuế “đã tiếp nhận khoảng 170 nghìn giấy đề nghị gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất. Số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là 53 nghìn tỷ đồng”. Về các đề nghị hỗ trợ, đến ngày 27/7/2020, đã có khoảng 44.600 hộ kinh doanh gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đến UBND cấp xã và khoảng 11.600 hồ sơ đã được gửi đến UBND cấp tỉnh để thẩm định.

Tình hình ảm đạm của một ngành quy tụ khá nhiều lao động thu nhập thấp của xã hội VN: Doanh nghiệp dệt may ngày càng gặp khó do Covid-19, theo VOV. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vừa công bố Báo cáo Tài chính Quý 2, trong đó thừa nhận doanh thu thuần của Tập đoàn đạt 3.082 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ 2019, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 120,1 tỷ đồng, giảm 22%.

Trong 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất – kinh doanh của Tổng công ty May 10, một trong các đơn vị của Vinatex, bị ảnh hưởng mạnh trong mảng sản phẩm truyền thống. Doanh thu các mặt hàng may mặc truyền thống của đơn vị này chỉ đạt khoảng 70% so với cùng kỳ.

Mời đọc thêm: Nợ xấu của BIDV ‘chấp cả’ Vietcombank và VietinBank cộng lại (ANTT). – Bình quân mỗi ngày có hơn 300 doanh nghiệp đóng cửa (KTĐT). – Ngân hàng phải cắt giảm lương thưởng để hạ lãi suất cho vay (VOV). – Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ngân hàng cắt chi phí để tiếp tục giảm lãi vay cho doanh nghiệp ảnh hưởng dịch (ĐTCK).

Đường sắt lao đao vì dịch bệnh COVID-19 quay trở lại (TTXVN). – Gánh nặng chi phí khiến nhiều doanh nghiệp không thể “thoát khỏi” chuỗi cung ứng Trung Quốc (NCĐT). – Bốc hơi liên tiếp, giá vàng mất mốc 59 triệu đồng (VTC). – Dịch COVID-19: Vietnam Airlines dự kiến lỗ hơn 15.000 tỷ đồng (BNews). – ‘Dịch Covid-19 tái bùng phát khiến số chuyến bay giảm 5 lần’ (Zing).

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Con Korona đã cho thế giới biết qua loa đài đảng rằng VN có rất nhiều bệnh nền, từ khi có dịch mới biết hầu hết y học VN bó tay với bệnh nền tiền sử.

Leave a Reply to Bình nhanh Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây