Một góc nhìn về Trung Quốc – Phần 4

Đặng Sơn Duân

2-8-2019

Tiếp theo Phần 1Phần 2 và Phần 3

PV: Chào anh, anh biến đâu mất hút gần 2 tháng qua?

BLV: Có một số vụ khủng hoảng, anh thừa biết mà.

– Dù sao cũng chào mừng anh trở lại. Chúng ta hãy trở lại câu chuyện dang dở. Tình hình Hồng Kông ngày càng trở nên nóng bỏng và ngày càng có nhiều người lo sợ về một Thiên An Môn thứ hai, như những gì chúng ta đã nói đến ở phần 3. Theo anh, Trung Quốc có triển khai quân đội ở Hồng Kông không?

– Không. Họ không cần xe tăng nữa.

– Thế anh nhìn nhận thế nào về những cảnh báo, hình ảnh đe dọa từ giới chức, truyền thông, quân đội Trung Quốc vài ngày qua?

– Chúng là trò tâm lý chiến, mục đích đe dọa làm nhụt chí người biểu tình Hồng Kông. Cũng như chiến thuật mà Trung Quốc sử dụng để hăm dọa các nước nhỏ hơn xung quanh họ. Họ có một hệ thống tín hiệu hăm dọa như thế hàng chục năm qua và áp dụng nó rất nhuần nhuyễn.

Trong trường hợp cùng cực, khi lực lượng cảnh sát Hồng Kông vỡ trận, họ sẽ sử dụng lực lượng cảnh sát vũ trang, chứ không phải quân đội chính quy.

Tuy vũ cảnh thuộc quân đội, nhưng cũng như lực lượng hải cảnh, nó là vùng xám. 30 năm qua, họ đã đầu tư vào lực lượng cảnh sát vũ trang để không phải sử dụng quân đội trấn áp nội loạn.

Anh nên nhớ có lúc ngân sách an ninh dưới thời Chu Vĩnh Khang còn lớn hơn cả ngân sách quốc phòng.

So với cách đây 30 năm, họ đã có nhiều phương tiện, thiết bị, kỹ thuật hiện đại hơn hẳn để kiểm soát đám đông, trấn áp bạo loạn…

Thứ hai, họ có thể sử dụng công an ở Quảng Đông, cái đám mới hội quân rầm rộ vừa qua, theo chiến thuật mà Nga sử dụng ở Crimea – sự xuất hiện của “little green men”.

Nói tóm lại, sẽ không có quân đội và xe tăng Trung Quốc ở Hồng Kông như người ta lo sợ. Nhưng trấn áp bằng các lực lượng khác thì không thể loại trừ.

– Anh dự đoán tình hình Hồng Kông sắp tới thế nào?

– Đáng lo ngại trong bối cảnh tình hình hiện nay. Tập Cận Bình tất nhiên muốn tránh đổ máu và duy trì ổn định, như nhiều tường thuật về phương châm đối phó tình hình Hồng Kông.

Tuy nhiên, như tôi nói ở phần 1, chúng ta đang sống trong một thời kỳ đặc biệt nguy hiểm ở Trung Quốc và kéo theo đó là cả thời kỳ nguy hiểm cho khu vực và thế giới, giữa lúc Tập Cận Bình cùng ban lãnh đạo Trung Quốc đang quay về với chủ nghĩa nguyên giáo (fundamentalism) của cộng sản, sau khi phe cải cách thất bại trước phe bảo thủ.

Lúc này đây, chúng ta sẽ chứng kiến tư tưởng “thà tả chứ đừng hữu” trong giới chức Trung Quốc. Giới chức Trung Quốc phụ trách Hồng Kông sẽ thi hành cách chính sách mạnh tay chứ không có chuyện thỏa hiệp hay nhượng bộ. Phát ngôn chỉ trích Mỹ từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho đến mới nhất là Dương Khiết Trì cho thấy điều đó.

– Liên quan đến quan hệ Mỹ – Trung, Donald Trump vừa thông báo sẽ áp thuế 10% với 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại, sau khi vòng đàm phán ở Thượng Hải kết thúc mà không có kết quả.

– Chẳng phải tôi và nhiều người khác đã nói ngay từ đầu rằng sẽ không có một thỏa thuận thương mại hay sao và đây sẽ là một cuộc đối đầu dài hơi hay sao.

– Nhưng vì sao họ vẫn đàm phán?

Cả hai phía đều cần có thời gian để thích nghi với thực tại mới. Nhìn vào đội hình đàm phán của Trung Quốc ở Thượng Hải, khi Chung Sơn, Bộ trưởng Thương mại, có mặt là anh phải biết sẽ chẳng có kết quả nào.

Lưu Hạc, một gương mặt cấp tiến, không còn được tin tưởng. Nó như kiểu họ áp dụng trở lại chế độ chính ủy trong thương mại, một kèm một. Anh biết chính ủy là thế nào rồi đấy.

Trung Quốc đã chọn ra chiến lược của họ và Donald Trump cũng vậy. Họ làm những gì họ nói họ sẽ làm. Đến giờ là toàn bộ hơn nửa nghìn tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. Đó là một cuộc đối đầu toàn diện.

Mọi cuộc đàm phán hiện nay chỉ là trò mua thời gian. Trung Quốc cần thời gian để điều chỉnh nền kinh tế. Mỹ cần thời gian để thị trường không bị sốc, và các tập đoàn nào đến nay còn mơ mộng về một thỏa thuận thương mại hãy mau chóng đóng gói hành lý.

Và bây giờ thì có lẽ mọi chuyện đã khép lại. Từ nay đến cuối năm, Trump và Tập không còn dịp nào gặp nhau để trì hoãn leo thang như hai lần trước – G20 ở Argentina năm 2018 và G20 ở Nhật Bản mới đây.

Riêng Tập sớm muộn cũng phải triệu tập hội nghị trung ương 4 mà ông ta trì hoãn cả năm qua. Tại đó chiến lược kháng Mỹ sẽ được quyết định và có lẽ sẽ một đi không trở lại.

– Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 sẽ ảnh hưởng thế nào?

Khi anh nghe mọi ứng viên của Đảng Dân chủ đang kêu gào Trung Quốc, Trung Quốc trong các cuộc tranh luận của họ, thì anh thấy sẽ không có cơ hội cho một “small deal” của Trump. Một thỏa thuận khiêm tốn với Trung Quốc lúc này sẽ là miếng mồi ngon để phía Dân chủ công kích.

Trong khi đó, Trump hiện không có cơ hội để có được một thỏa thuận mà ông ta có thể tuyên bố là một chiến thắng trước Trung Quốc. Ông chỉ có một chọn lựa: tiếp tục cuộc đối đầu ít nhất là qua kỳ bầu cử.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây