Một góc nhìn về Trung Quốc – Phần 1

Đặng Duân

27-5-2019

Lời nói đầu: Đây là một cuộc phỏng vấn tưởng tượng. Thời gian qua có nhiều thông tin về cuộc đối đầu Mỹ – Trung, trong đó chủ yếu đứng từ góc độ bài Trung ngày càng dâng cao trong mọi tầng lớp ở Mỹ và trên thế giới. Nhưng có ít sự khai thác về điều gì dẫn đến tình thế ngày nay ở Trung Quốc và cuộc đối đầu với Mỹ. Hy vọng cuộc phỏng vấn vui này có thể mang lại một góc nhìn khác, với một lý thuyết về chuyển động nội bộ của nền chính trị Trung Quốc và cả những dự báo cực đoan về tương lai.

PV: Chào anh, tôi nghe nói anh là nhà bình luận quốc tế?

BLV: Đúng một nửa.

– Tôi chưa hiểu lắm, thưa anh?

– Ở Việt Nam chúng tôi hầu như ai cũng là một nhà bình luận quốc tế. Nên nếu anh gọi tôi là nhà bình luận quốc tế người Việt thì đúng. Còn nhà bình luận quốc tế như anh nghĩ thì không đúng.

– Ồ, quốc gia các anh hẳn là cường quốc bình luận quốc tế.

– Không hẳn. Do lịch sử thôi. Ở nước chúng tôi, mỗi gia đình đều có ít nhất một nhà bình luận quốc tế, một nhà bình luận bóng đá. Những người còn lại có thể là nhà bình luận về các vấn đề nữ quyền, hoặc quyền trẻ em… Nói chung chúng tôi rất thích bình luận, mà cái gì gắn chữ quốc tế vào thì càng ghê gớm.

– Vâng, đi vào vấn đề chính, tôi xin hỏi anh một vấn đề khiêu khích. Anh có nghĩ Trung Quốc sẽ sụp đổ trong 5 năm tới?

– Anh muốn nói Đảng Cộng sản Trung Quốc đúng không? Từng có nhiều người viết sách về chuyện họ sẽ sụp đổ trong 5 năm đúng không?

– Vâng, vấn đề của họ cho đến lúc này là cứ mỗi 5 năm họ lại tái bản sách một lần.

– Phải, phải. Nhưng lần này thì có lẽ khác. Tôi không chắc Đảng Cộng sản Trung Quốc có sụp đổ hay không, nhưng tôi nghĩ trong 5 năm tới chúng ta sẽ chứng kiến những biến cố địa chính trị ở quy mô chưa từng diễn ra trong thế kỷ 21 này.

– Liên quan đến Trung Quốc?

– Liên quan đến Trung Quốc.

– Anh có thể giải thích cụ thể hơn không?

– Hãy bắt đầu bằng cuộc đối đầu chiến lược Mỹ – Trung đang diễn ra. Ngày 13.5 vừa qua là một bước ngoặt cực kỳ quan trọng.

– Đó là ngày Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế trả đũa Mỹ đúng không?

– Nhiều hơn thế. Đó là ngày Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc nhóm họp và thông qua nghị quyết kháng Mỹ. Trong ngày này anh chứng kiến 3 sự kiện dồn dập xảy ra.

Cuộc họp Bộ Chính trị với tuyên bố mở chiến dịch giáo dục “về nguồn”, hay là “trung thành với sứ mệnh ban đầu của đảng” từ tháng 6. Mục đích là chuẩn bị tinh thần cho cuộc trường kỳ kháng chiến với thế trận bao vây của Mỹ.

Sự kiện thứ hai là Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) tối hôm đó phát lời hiệu triệu Trung Quốc trải qua 5.000 năm thì sá gì khó khăn, anh nhớ không? Và cuối cùng như anh nói, tuyên bố áp thuế trả đũa lên 60 tỉ USD hàng hóa Mỹ được phát đi lúc nửa đêm.

Những ngày sau đó, CCTV phát sóng các bộ phim chống Mỹ, với tần suất gần như là mỗi ngày một phim. Trên Nhân Dân nhật báo thì các bài bình luận của Chung Thanh và Chung Hiên Lý dồn dập xuất hiện với mức độ đả phá Mỹ ngày càng gia tăng. Chung Thanh nghĩa là Tiếng chuông nhưng cũng đọc giống Trung Thanh, tức tiếng nói của Trung Quốc, hay tiếng nói của Trung ương. Còn Chung Hiên Lý đọc giống Trung Tuyên Lý, tức là Cục Lý luận của Ban Tuyên truyền trung ương của đảng.

Những ngày sau, ta chứng kiến chuyến thăm Giang Tây với lời kêu gọi toàn dân bước vào một cuộc Vạn Lý Trường Chinh mới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sau nữa, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố Mỹ phải sửa chữa sai lầm trước khi đàm phán có thể tiếp tục. Và mới nhất, Tân Hoa Xã dùng cụm từ “lợi ích cốt lõi” khi đề cập đến lợi ích kinh tế quốc gia.

Như vậy, ngày 13.5 thể hiện sự thay đổi thái độ của Trung Quốc theo hướng chấp nhận bước vào cuộc đối đầu chiến lược với Mỹ. Hay nói cách khác, Chiến tranh Lạnh có thể đã chính thức bắt đầu từ ngày này.

Nhưng tôi nói với anh, ngày này còn có thể có một ý nghĩa trọng đại hơn nữa. Bởi đây là ngày phe bảo thủ ở Trung Quốc đã chiến thắng phe cải cách, mở ra một thời kỳ đặc biệt nguy hiểm ở Trung Quốc và kéo theo đó là cả thời kỳ nguy hiểm cho khu vực và thế giới.

– Phe bảo thủ và phe cải cách? Nếu theo sự phân chia này, liệu nhà lãnh đạo Tập Cận Bình ở phe nào?

– Ông Tập Cận Bình được đưa lên làm lãnh đạo với một sự ủy nhiệm thực hiện cải cách. Nhưng cho đến lúc này, sau gần 7 năm có vẻ như ông đã thất bại và chấp nhận xuôi dòng.

– Ủy nhiệm từ ai?

– Từ những nguyên lão.

– Chẳng phải ông Tập là nhân vật thâu tóm quyền lực, thậm chí từ tay những nguyên lão sao?

– Câu chuyện phức tạp hơn một chút. Trên thực tế, một mức độ tập quyền cao hơn dành cho Tập Cận Bình là một phần của kế hoạch đồng thuận trước đó.

– Để làm gì?

– Để thúc đẩy cải cách. Đổi mới hay là chết, như người ta thường nói.

– Thực sự là hơi trái ngược với suy nghĩ thông thường.

– Nếu như nhận định của tôi về thất bại của phe cải cách là chính xác, thì chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình sẽ giảm tốc đột ngột. Anh hãy theo dõi thử xem.

– Thực sự phức tạp. Anh có thể giải thích rõ hơn không?

– Để có thể hiểu được vấn đề này, có lẽ chúng ta nên bắt đầu bằng “Mô thức Trung Quốc”.

– “Mô thức Trung Quốc”, liệu có tồn tại cái gọi là “Mô thức Trung Quốc” không?

– Có, nhưng nó không có gì là ảo diệu như người ta vẫn nghĩ. “Mô thức Trung Quốc” thực ra là một biến thể của mô thức châu Á. Ngay từ khi Trung Quốc mới cải cách và mở cửa, các nền kinh tế châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore đã trỗi dậy thành công thông qua một mô hình phát triển tương tự, được mệnh danh là Kỳ tích Đông Á.

Mô hình này gắn liền với ưu tiên cao nhất cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn phát triển ban đầu. Các nhà lãnh đạo chuyên chế ở các nước này lo sợ sự sụp đổ thảm khốc của chế độ và bắt đầu thực hiện cải cách kinh tế và xã hội triệt để.

Vì vậy, trong giai đoạn phát triển ban đầu, họ làm suy yếu ảnh hưởng của ý thức hệ chính trị và che giấu tham vọng địa chính trị.

Những chiến lược dứt khoát này đã chuyển dịch toàn bộ trọng tâm của cả nước sang phát triển kinh tế, chính quyền trung ương đầy uy quyền tiến hành lập kế hoạch và kiểm soát, rồi dần dần nhường chỗ cho nền kinh tế thị trường khi nền kinh tế phát triển, và cuối cùng đạt được sự cất cánh về kinh tế.

Nói tóm lại, “Mô thức Trung Quốc” thực ra là sự mô phỏng “Kỳ tích Đông Á”, với một vài chính sách kinh tế linh hoạt và thân thiện. Nhưng nó xảy ra ở quy mô chưa từng thấy nên người ta cảm thấy nó có chút gì đó hơi khó hiểu.

Tuy nhiên, sau vài thập niên, “Mô thức Trung Quốc” gặp vấn đề, cũng như những kỳ tích Đông Á khác gặp phải trước đó. Và đó là lúc Tập Cận Bình xuất hiện.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây