Chính tri của chính trị (Phần 13)

GS Lê Hữu Khóa

22-6-2019

Tiếp theo phần 1phần 2phần 3phần 4phần 5phần 6phần 7phần 8phần 9phần 10 —  phần 11phần 12

Tự… tại

(Tự lậptự chủ-tự cường)

Tự chủ nâng tự lập, tự lập tăng tự chủ, cả hai tương tác lẫn nhau, với thời gian, với thành công sẽ tạo ra tự cường, trong đó quyết tâm dứt khoát, thật mới và thật mạnh là: bỏ thói quen xin viện trợ, gạt thói xấu đi ăn xin quốc ngoại, giữ tự trọng để khi vào các đàm phán quốc tế không cúi đầu-khoanh tay-quỳ gối, mà ngược lại phải thẳng lưng-ngẩng đầu-mạnh bước.

Đừng tự hào mình cần cù, thông minh, cùng lúc cứ ngửa tay đi xin của người, các đàn anh lãnh đạo hãy làm gương cho đàn con, đàn cháu, đàn em sẽ lãnh đạo đất nước này: bỏ xin để làm, làm để tự lực, tự lực để nắm tự chủ, để giữ tự lập, nhất là tự lực tự trọng! Hãy học người, chứ đừng xin người, học để bằng người, xin người chỉ để người khinh!

Tự chủ mang theo ít nhất là sáu ý lực khi tạo dựng ra chính sách: tự chủ về sáng kiến, tự chủ về quyết định, tự chủ về phương tiện, tự chủ về mục đích, tự chủ về hành động, tự chủ về cách ứng dụng vào thực tế. Tại đây, viện trợ quốc tế về khoa học kỹ thuật để tăng sức tự chủ, viện trợ quốc ngoại về chất xám, về tư vấn để nâng lực tự lập, ta không tự chối, vì một chính sách chính trị đứng đắn luôn tạo ra tự cường, không lạc lối vào lệ thuộc, vì lệ thuộc bắt kẻ ăn xin phải đi ăn xin suốt kiếp!

Tự lập mang theo ít nhất là hai nội lực khi chế tác ra chính sách: sáng kiến sáng tạo, đây là chuyện rất cụ thể sáng kiến trong đề nghị sáng tạo ra sản phẩm, làm nên năng suất, hiệu suất để tăng sản xuất. Tại đây, kinh nghiệm quốc tế, tài năng của các nước văn minh, tiên tiến được vận dụng tích cực một cách có ý thức vào thực tế của xã hội nước nhà, vào thực tại của dân tộc, không viển vông để bị lạc lối, cũng không bừa bãi để bị “rút ruột” đầu tư lẫn nguyên liệu bởi bọn tham ô.

Tự cường khai thác tính chủ động tương tác của tự chủ nâng tự lập, tự lập tăng tự chủ, được phân tích qua một chuyên ngành mới là kinh tế tri thức dạy ta là sẽ có một phương trình mới sinh ra trong quá trình lãnh đạo: tự chủ về phương tiện phải đi đôi với tự chủ với thích ứng, cùng lúc tự lập về công cụ phải song hành với tự lập về sáng kiến. Tất cả luôn bị thu gọn vào một hệ số mà kẻ lãnh đạo phải làm dẫn đầu để nhân dân và quần chúng luôn đóng vai tích cực trong “hệ sáng tạo thường xuyên”, để vượt qua khó khăn!

Nếu muốn làm lãnh đạo mà không ở thế, ở vị, ở vai, ở lực của “hệ sáng tạo thường xuyên” thì đừng nên lãnh đạo! Vì sẽ không có tự chủtự lập để tự cường, và sẽ đánh mất tự tin, từ đấy sẽ không còn là lãnh đạo chính trị mà chỉ là ăn xin, ăn mày, ăn bám, ăn mòn chính trị.

Tự… lên

(Tự tin-tự tạo-tự trọng-tự hào)

Tự tin luôn là động cơ mà cũng là hằng số trong lãnh đạo. Chính lãnh đạo tự tin trên đường lối của mình qua xây dựng, qua chính sách, từ lý luận đến phương án, từ lập luận đến công trình, dựa trên giải luận của tiềm lực của dân tộc, các tiềm năng của đất nước. Nhân dân tự tin vì lãnh đạo tự tin! Và chính trị thức-lãnh đạo tỉnh là nội lực lãnh đạo luôn có một giáo khoa chính trị từ đề nghị đến đám phán, từ quyết định đến hành động, một giáo khoa chính trị tạo được niềm tin rộng rãi trong xã hội; Nhật Bản đã làm được điều này ngay trong thảm bại của họ sau đệ nghị thế chiến.

Tự tạo, lấy tự tin làm nền, nhưng cũng lấy đạo lý lao động (thức khuya dậy sớm) làm gốc, lấy tự tin để tra sáng kiến tìm sáng tạo, nhưng cũng lấy đạo đức lao công (một nắng hai sương) làm cội. Có nền, có gốc, có cội vững và bền vì có rễ sâu, và mạnh của cần lao dựa trên cần kiệm (ăn bữa sáng lo bữa tối), biết chắt chiu để làm đại sự, cùng lúc biết học các kinh nghiệm hay các gương sáng tài, các tri thức cao để: góp gió thành bão. Hàn Quốc đã làm được chuyện này chỉ non nửa thế kỷ, khi biết học không những phương Tây, mà cận kề là Nhật Bản.

Tự trọng,gốc, rễ, cội, nguồn cho mọi ý chí đi lên của một dân tộc, mọi ý nguyện thăng hoa của một giống nòi, mà lãnh đạo chính trị biến thành ý lực trong chính sách của mình, rồi chế tác ra thành thực lực trong hành động lãnh đạo. Hãy gạt ra chiến thuật ngu dân biển người trong chiến tranh kiểu Trung Quốc, xua ra luôn kiểu giải thích thành công của Trung Quốc qua lao động với lương bổng rẻ… để thấy cái cao, cũng là cái sâu của dân tộc này là họ có lòng tự trọng, quyết tâm thực hiện được những thành tựu, thành quả, thành đạt, thành công của hai quốc gia láng giềng là Nhật Bản và Hàn Quốc. Mà không quên vai trò lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình vừa có sáng suốt để đưa Hán tộc thăng hoa qua bốn hiện đại, vừa tỉnh táo thay đổi triệt để chính trị quan khi tới thăm Hoa Kỳ lần đầu, trực diện để trực quan, từ đó có đủ sáng suốt và tỉnh táo để thay đời, đổi kiếp cho bằng được số phận của Trung Quốc.

Tự hào chỉ có khi có cơ sở của tự tin-tự tạo-tự trọng, cụ thể hóa qua cơ ngơi của thành tựu, thành quả, thành đạt, thành công qua nhiều sinh hoạt của xã hội, nếu không có hai cơ sở-cơ ngơi này thì tự hào cái gì? Đó chỉ là tự hào liều-tự hào hảo-tự hào xuẩn vì nó bị dựng lên bởi tự hào rỗng-tự hào trống-tự hào điêu!

Các lãnh đạo chính trị của ĐCSVN từ trước đến nay đã và đang dựng lên qua tuyên truyền loại tự hào ảo này: xin ngừng lại ngay! Mà phải bắt đầu xem lại phương trình tự tin-tự tạo-tự trọng-tự hào; tiếp theo là học gương sáng của: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, và không quên đường đi nước bước của Đài Loan, Singapore trong thế kỷ qua, vì đây mới chính là chính trị quan tỉnh thức từ hệ tự.

Tạo

(Sáng kiến-sáng tạo-sáng lập)

Tạo, qua các quá trình: chế tạo, sáng tạo trong tự tạo, được hiểu như khám phá, như phát minh, như sáng chế, và trong đó vai trò lãnh đạo có rất nhiều cửa ngỏ để vào nhiều hành động lãnh đạo, tạo ra sức bật cho xã hội, sức tăng trưởng cho kinh tế. Có sáng kiến trong đề nghị, trong đối thoại… để sáng tạo ra sản phẩm, công trình, từ đó sáng lập từ hạ tầng tới thượng tầng các quy trình, quy mô mới làm thay đổi bộ mặt xã hội, cùng lúc nâng mức sống của nhân dân.

Sáng tạo trong lãnh đạo chính trị khởi nguồn qua sáng kiến dưới dạng đề nghị các chính sách, và trong mọi chính sách có ít nhất là hai mức độ khác nhau dựa trên ba chỉ báo: sân chơi, trò chơi, luật chơi để quyết định hành động lãnh đạo. Thứ nhất là cải cách, trong đó lãnh đạo giữ sân chơi, trò chơi, mà chỉ đổi luật chơi cho hợp hơn, hay hơn, hiệu quả hơn.

Thứ nhì là cách mạng, tại đây lãnh đạo xóa sân chơi, dẹp trò chơi, thay luật chơi, làm lại hết, có khi phải làm lại từ đầu, với tốn kém, với hao tổn, với hy sinh. Nếu không phân biệt được cải cách cách mạng qua mức độ đầu tư sức người, vốn liếng để phân định được biên giới giữa cải cách chỉ là thay đổi tường và vách mà vẫn giữ nền và móng. Ngược lại, cách mạngđổi đời (tuyệt đối trong biến đổi) theo nghĩa tích cực cho thành phần này và tiêu cực cho thành phần kia; không biết phân biệt để hiểu phân định giữa cải cách cách mạng thì đừng nên lãnh đạo! Nếu lãnh đạo trong vô tri thì chỉ gây ra đổ vỡ, chết chóc, suy vong đất nước, suy kiệt giống nòi.

Sáng tạo trong lãnh đạo chính trị có thể huy động qua công trình, tại đây điều tra cơ bản song hành cùng kiểm tra thống kê, để khi chính sách đi vào quy trình thì trên thượng nguồn vốn người sẽ đi cùng với vốn của, chất xám hài hòa cùng vật liệu, hậu cần trợ lực cho tiền phương. Đây không những đúng chỉ trên mặt trận quân sự, ngoại giao mà đúng cả trên lĩnh vực kinh tế và sản xuất. Mỗi sáng tạo luôn có cái giá phải trả, mỗi giá đòi hỏi lãnh đạo phải sáng suốt trong đầu tư, phải tỉnh táo trong quyết định.

Sáng tạo trong lãnh đạo chính trị có thể thể hiện qua cải tổ, qua cải tiến, qua trùng tu, nơi đây thông minh của lãnh đạo chính trị là không “tham đó, bỏ đây”, mù quáng vì tiên tiến mà quên cội nguồn, ngược lại biết đều chế để đều hòa giữa hiện đại và truyền thống. Đưa cái mới, hay để hòa với cái cũ, tốt, đưa cái đẹp, mới khám phá để song hành cùng cái lành xưa đã có sẵn. Mọi chính sách đều bắt lãnh đạo trả một cái giá nào đó, trong đó thành công sẽ tạo uy tín cho lãnh đạo, thất bại sẽ hủy diệt niềm tin của nhân dân đối với lãnh đạo, vì chữ tin làm nên chữ tín.

Đồng

(Đồng cảm-đồng giao-đồng lòng = đồng hội, đồng thuyền)

Đồng bào, tiếng gọi thiêng liêng giữa người Việt với nhau, luôn mang theo ý thức của một dân tộc sinh ra trong cùng một bào thai, đây cũng là hằng số cơ may của các lãnh đạo chính trị trong lịch sử Việt, chỉ vì nó có hùng lực tập hợp tức khắc khối đại đoàn kết dân tộc mỗi khi đất nước bị ngoại xâm đe dọa, mỗi khi tiền đồ tổ tiên bị xâm phạm từ lãnh thổ tới văn hóa. Trong khi đó, các lãnh đạo Tàu thì gọi nhân dân họ là: thiên hạ, bá tánh… vừa xa lạ, vừa thờ ơ, so với từ đồng bào.

Đồng cảm, chính là thử thách thường xuyên của lãnh đạo chính trị, trước các thử thách của thời cuộc, trước các thăng trầm trong thời thế, nơi mà đồng bào nếu có lòng tin với chính giới, sẽ có sự đồng cảm với lãnh đạo, nếu những kẻ nầy có công tâm để bảo vệ sự liêm chính của họ, có công lý để bảo trì sự liêm sỉ của họ trong chính sách cũng như trong hành động chính trị hàng ngày của họ.

Đồng giao, biến niềm tin của nhân dân thành tâm giao với lãnh đạo chính trị, nếu họ biết yêu nước-thương dân, làm việc và hy sinh vì nước-vì dân. Đây là thất bại xem như lớn nhất của ĐCSVN trong gần một thế kỷ qua với hành vi độc đoán vì độc tài, độc tôn vì độc đảng, dùng chuyên chính để chuyên quyền, từ đó bạo lực đi đôi với tham ô, bạo quyền song hành cùng tham nhũng.

Đồng lòng, khi vận nước lâm nguy, lấy đồng tâm giữa nhân dân và lãnh đạo để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đây là tinh thể của chính trị, vì nó bất chấp mọi kẻ thù, dù lớn, mạnh cỡ nào. Nơi đây, Việt tộc đã có châm ngôn luân lý, ngạn ngữ đạo lý để sẵn sàng hành động: “cả nước một lòng”, ngữ pháp của sung lực-nội công-bản lĩnh Việt tộc có thể đẩy lùi, đánh văng mọi ngoại xâm.

Đồng hội, đồng thuyền, chính là phương châm của lãnh đạo chính trị, nơi mà chính thể chính là chính nghĩa của chính sách cứu nước, giữ nước, làm thăng hoa dân tộc. Tình hình hiện nay của các lãnh đạo ĐCSVN, qua hối lộ đã vơ vét bao tiền của của nhân dân, một số đã có thẻ xanh, quốc tịch ngoại, sẵn sàng “cao chạy, xa bay” thì chắc chắn sẽ không có chuyện đồng hội, đồng thuyền, chỉ có chuyện mà Nguyễn Du đã có lần dặn con cháu nên cẩn trọng: “Trong khi chắp cánh liền cành, mà lòng rẻ rúng đã dành một bên”.

Bọn lãnh đạo nào đã giựt của-vét tiền của dân, lén lút để có thẻ xanh, quốc tịch ngoại trong túi, nếu muốn hiểu chữ đồng, thì cũng chưa muộn, hãy ngồi thật yên để ngẫm giáo lý Việt dầy nhân tính, không oán thù, qua ái ngữ: “Nắng ba năm ta không bỏ bạn, mưa một ngày bạn đã bỏ ta”.

Chí

(Ý chí-quyết chí-bền chí)

“Có chí”, là câu trả lời của Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần kháng chiến Tây Tạng, trả lời với những người Việt đã gặp được ngài và hỏi ý kiến ngài về tương lai đen tối đang bị Tàu tặc đe dọa, có thể sẽ chịu số phận mất nước như nhân dân của ông. Ngài trả lời là tin người Việt “có chí”, đó chính là hằng số của Việt tộc, giữ cho bằng được độc lập tổ quốc Việt, ngài trả lời như vậy với tất cả sự sáng suốt của ngài.

Ý chí, là gốc của chuyện “có chí”, ngay trên thượng nguồn, ý chí của một dân tộc được thấy qua chuyện quyết tâm của một giống nòi giữ cho bằng được đất nước của tổ tiên, như giữ bản sắc, văn hóa, văn minh, văn hiến của dân tộc, như tin vào bản lĩnh của độc lập, nội công của chủ quyền, như giữ chính nhân phẩm của mình.

Quyết chí, là mài thật sắc, dũa thật nhọn ý chí để nó vừa bén, vừa bền với thời gian, trong đó quyết tâm song hành cùng ý chí sẽ tạo ra bền lòng trước thử thách, chuyện này lại thấy rất rõ trong lịch sử của Việt tộc, sau một ngàn năm nô lệ, nhưng Ngô Quyền đã cởi trói, chặt xiềng nô lệ bằng một chiến thắng thật vẻ vang. Thấy rất rõ trong đời Trần, ba lần đánh quỵ sụp bọn hung hăng nhất là Nguyên – Mông, thấy càng rõ hơn trong chuyện bền gan của Lê Lợi, Nguyễn Trãi, trong trường kỳ kháng chiến tại Chí Linh.

Bền chí, nuôi quyết chí qua thời gian, làm nó vững bền trong không gian kháng chiến cũng như xây dựng, nơi mà lãnh đạo luôn có niềm tin vào Việt tộc luôn bền chí bền lòng trong khó khăn, bền tâm trước các thăng trầm, nếu không hiểu chữ chí trong hằng số Việt: thì đừng lãnh đạo! Chính bọn “mang voi giày mả tổ”, chính kẻ “cõng rắn cắn gà nhà” đã không hiểu nên chúng chóng chầy cũng mang số phận ma bùn, ma xó, trước khi thành oan hồn trong cảnh “chết bờ, chết bụi”, trong khi Việt tộc luôn tồn tại để giữ chủ quyền và độc lập của mình.

Chí nguyện, là một ẩn số của thử thách hiện nay đối với các lãnh đạo trong thời gian tới, vì chính ý chí làm nên ý lực chế tác ra ý nguyện của nhân dân, nơi ý nguyền của Việt tộc chính là nhân phẩm Việt trong độc lập dân tộc với toàn vẹn lãnh thổ Việt. Nếu không hiểu phương trình ý chíý lựcý nguyệný nguyền làm lên khối đại đoàn kết dân tộc, qua hội nghị Diên Hồng, qua bao lần quyết chí để quyết chiếnquyết thắng thì đừng lãnh đạo, lãnh đạo mà không có tư duy quyết chí-quyết chiến-quyết thắng thì chỉ làm nhục nước-hèn dân thôi!

______

Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie*Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á* Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Các bài của giáo sư LÊ HỮU KHOÁ trên Tiếng Dân đã được ANTHRPOL-ASIE xuất bản và các bạn đọc có thể chuyển tải trực tiếp các tác phẩm Trực Luận (l’argumentation directe), Xã Luận (l’argumentation sociétale), Dân Luận (l’argumentation démocratique), Tự Luận (l’argumentation libre), Chính luận (l’argumentation politique), qua Facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).

Mời đọc lại các bài cùng tác giả tại đây.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây