Chính tri của chính trị (Phần 5)

GS Lê Hữu Khóa

5-6-2019

Tiếp theo phần 1phần 2phần 3phần 4

Thực luận

Nhân dân không bắt các lãnh đạo ĐCSVN hiện nay đi học lại, để xóa các hậu quả về tụt hậu kinh tế, tệ nạn xã hội, đồi trụy luân lý, suy kiệt chất xám… chúng ta chỉ yêu cầu các lãnh đạo này trở lại ngay tức khắc các bài học mà tổ tiên đã để lại cho con cháu, các bài học này rất dễ hiểu nên rất dễ học, dễ học nên rất dễ trao truyền, dễ trao truyền nên rất dễ đối thoại, dễ đối thoại nên rất có đồng thuận, đồng tâm:

Có thực mới vực được đạo, với thực của sự thực để nuôi chân lýlẽ phải và với thực như thực phẩm để nuôi dân, nuôi con cháu, với liên minh chặt chẽ của sự thực qua chính ngôn của lãnh đạo, với chân lý phục vụ cho công lý, với lẽ phải làm nền cho đạo lý hay, đẹp, tốt, lành.

Có chính sách đúng, với chính trị cao, được chỉ đạo bởi lãnh đạo giỏi, theo đúng bài học của tổ tiên: có tích mới dịch nên tuồng, dựa trên năng lực lãnh đạo (khôn cậy, khéo nhờ, khó chịu), lấy tự chủ để làm chủ (khôn làm cột cái, dại làm cột con), có định hướng chủ lực, biết thời hiểu thế, nắm kế thấu mưu, làm lớn thắng to, để sớm thăng hoa dân tộc (khôn làm lẻ, khéo làm mùa).

Trước mắt là loại ra cho bằng được bọn “sâu dân, mọt nước”, hãy xếp loại chúng:

  • Bọn cơ hội trên tài nguyên đất nước (thừa gió bẻ măng).
  • Bọn đầu cơ trên tiềm năng dân tộc (thừa nước đục thả câu).
  • Bọn đầu nậu trên tiền của nhân dân (mượn đầu heo nấu cháo).
  • Bọn trục lợi túi tham không đáy (bắt cá hai tay).

Trước hiểm họa xâm lược của Tàu tặc, làm lãnh đạo phải nghiệm ngày đêm về hệ mất mà Việt ngữ đã rất rành mạch trong ngữ vựng, ngữ văn, ngữ pháp:

  • Mất mát là thiệt thòi về tiềm năng, bị hao tổn tiềm lực…
  • Mất thân là mất mạng, chết trong thất bại…
  • Mất đời là mất cuộc sống, mất xã hội, mất văn hóa…
  • Mất hết là mất tất cả, không còn gì cho hiện tại lẫn tương lai…
  • Mất trọn là mất tất cả, kể cả gia đình, quyến thuộc, thân tộc, dân tộc…
  • Mất trắng là mất tất cả, kể cả gốc, rễ, cội, nguồn…

Mất phải được liên tục suy nghĩ-suy tư-suy ngẫm bởi lãnh đạo, từ mức độ tới cường độ của quốc nạn sắp tới: vong quốc!

Cởi… bỏ

Trong tầm vóc toàn cầu với nhiều triệu môn sinh, thiền sư Thích Nhất Hạnh được các nhân vật lãnh đạo của ĐCSVN, 2006-2007, hỏi ý kiến về tình hình cũng như về tương lai của dân tộc, của đất nước, thiền sư chỉ khuyên gẫy gọn một câu một câu là:“Nên cởi bỏ ý thức hệ cộng sản cùng lúc giải thể ĐCSVN càng sớm càng hay!”. Các chủ thể trẻ mong muốn đóng góp với dân tộc, với đất nước trong vai trò lãnh đạo nên suy nghĩ thêm về lời khuyên này.

“Cởi bỏ ý thức hệ cộng sản cùng lúc giải thể ĐCSVN!” Trước hết, khẳng định khả năng cởi bỏ cái độc hại của cái độc đảng, để cởi bỏ cái độc đoán tới từ cái độc quyền, để cởi bỏ cái độc tôn tới từ cái độc trị. Độc đảng luôn độc hại, vì nó làm mù quáng hóa kẻ lãnh đạo, tạo ra vô minh để đưa lãnh đạo tới vô tri, cuối cùng là vô giác trước nỗi khổ của dân tộc, niềm đau của giống nòi, với cái độc chỉ thấy nó mà không thấy nhân tình chung quanh để có nhân tính trong kiếp làm người!

Cởi bỏ, là sung lực của Phật giáo, nó không hề thụ động vì ươn hèn, quay lưng tránh bổn phận, tháo chạy bỏ trách nhiệm, ngược lại nó mang sự thông minh của giác ngộ, giúp kẻ đã mù, câm, điếctham, sân, si đã mang ma đạo vào nhân trí để gây đổ vỡ cho nhân tri phải cải tà quy chính.

Kéo dài độc đảng là kéo dài sự mê chấp trong tư duy để tiếp tục cái mê cung trong hành động chính trị quên đất nước, xua dân tộc để chạy theo phương hướng chuyên chính để chuyên quyền, một lộ trình vô định của vô tri. Cởi bỏ hệ mê (mê muội, mê si, mê chấp, mê cung) chính là sự sáng suốt trong lãnh đạo chính trị. Cởi bỏ cái để tìm cái giác để có cái ngộ là thử thách -chính thức và chính thống- của tập thể lãnh đạo của ĐCSVN hiện nay nếu họ còn thiết tha với tiền đồ của Việt tộc!

Cởi …mở

Cởi mở trong lãnh đạo chính trị, không dựa trên một cá tính của một cá nhân lãnh đạo với phong thái thoải mái, không dựa trên tâm lý của một cá thể lãnh đạo với hành vi vui vẻ, mà nó chính là giáo dục chính trị sẽ biến thành phản xạ tích cực khi lãnh đạo. Cởi mở trong lãnh đạo chính trị là khả năng đón tiếp kiến thức mới, kinh nghiệm lành, phương án tốt, tư vấn hay, trong tư thế luôn luôn mong muốn học hỏi, biết nghe để biết đón, biết tiếp để biết nhận, biết nhận vì biết trao!

Cởi mở trong lãnh đạo chính trị vừa là nền trong đạo lý chính trị, luôn gần dân, không xa rời quần chúng, vừa là cầu nối để dân chúng được trao đổi về chính sách với lãnh đạo, được đối thoại với chính quyền, được thảo luận với chính phủ. Không mỵ dân, cũng không đạo đức giả, mà dựa vào khả năng lãnh đạo với lý luận về chính sách, với lập luận về đường lối luôn có giáo khoa chính trị, khi gặp nhân dân. Mở lý trí lãnh đạo để nhân dân có thể nói, tiếp, nghe, nhận chính kiến của mình mà không có chuyện “ăn trên, ngồi trốc” để áp đặt chuyện “cả vú lấp miệng em”.

Cởi mở để tạo quan hệ với quần chúng, với nhân dân, và làm cho quan hệ này vững, bền một cách thường trực, một quan hệ không hề “vô thưởng, vô phạt”, mà là một quan hệ ngày càng cao, sâu, xa, rộng, và luôn dựa trên chính giáo của hai bên, có nền là đạo lý hay, đẹp, tốt, lành của một dân tộc, với lộ trình hai chiều “trên nói dưới nghe”“dưới nói trên nghe”.

Khi xã hội học chính trị và khoa học chính trị đã cùng chia sẻ phân tích với tâm lý học là lãnh đạo cũng là người (là phàm nhân trước khi thành vĩ nhân nếu có thành quả lỗi lạc vì dân tộc), cũng luôn cần hai nhu cầu: cởi mở để có quan hệ giữa người và người, cởi mở để có sự thông cảm trong quan hệ xã hội. Nếu là lãnh đạo mà không có quan hệ với quần chúng bên ngoài thì rất đáng sợ! Đây có thể là loại tâm thần lạc vào chính giới!

Chính các lãnh đạo chính trị hiện nay đang xa rời nhân dân, mặc cho dân đen lầm lũi, mặc cho dân oan lang thang, mà nên làm ngược lại để có tâm niệm chính trị: làm lãnh đạo không phải chỉ tạo ra của cải cho dân, mà còn phải tạo ra quan hệ bền, chắc, vững, lâu với dân!

Từ bất công tới oan khiên

Bất bình đẳng có mặt trong xã hội, tới từ nhiều nguyên do, nhưng không phải bất bình đẳng nào cũng mang tới bất công. Bất bình đẳng là hệ vấn đề của xã hội, bất công là phạm trù có trong xã hội, nhưng được phân giải qua hệ của công pháp, nền móng của pháp luật.

Một trong những thất bại lớn của lãnh đạo hiện nay là không giải quyết được bất công, mà còn gây ra oan khiên. Ở đây bất công trở nên oan ức không chấp nhận được, biến nạn nhân của oan án thành kiếp oan khiên, đến chết cũng không yên, thành oan hồn giữa cõi dương của người sống.

Nếu bị oan vì chính sách, thì chính kẻ lãnh đạo phải được mang ra xử thật công minh, đưa ra phân xử thật công bằng, không có chuyện đặc quyền dành cho lãnh đạo, không có chuyện làm lãnh đạo thì thoát được tòa án. Pháp luật sinh ra để xử mọi vụ án, và không chừa bất cứ lãnh đạo ở cấp nào trong chính quyền, cấp cao nào trong đảng!

Thử thách hàng đầu của lãnh đạo chính trị là dùng cái thực để làm nên cái tốt, ngày ngày xóa cái nghèo để tránh cái khổ cho dân. Để nhìn thấy được cái khổ trong cõi người thì không khó! Tại đây, cái khổ được nhận diện qua sự sống còn, ngược lại sống thường là sống bình thường, bình an trong thoải mái, sống mà không phải đấu tranh từng ngày, từng giờ. Trong khi đó sống còn là phải đấu tranh để sống, muốn sống phải tranh sống, sống mà như “dở chết, dở sống”, sống lây lất, cụ thể trước mắt chúng ta là trường hợp của dân đen, dân oan, nơi mà oan khiên xuất hiện rõ ràng trong cuộc sống, trong xã hội, nếu làm lãnh đạo mà nhắm mắt, không xử lý, không giải quyết thì không những đã có lỗi mà còn mang tội nữa!

Sống còn mang ba chỉ báo xã hội học: sống trong lo âu (ăn bữa sáng lo bữa tối), sống như nạn nhân (trên dao, dưới búa), sống trong sự đe dọa (sống nay, chết mai), khi ba chỉ báo này đã rõ, không những trong dân đen, dân oan, mà ngày ngày gia tăng trong thường dân, cho đến dân thường cũng phải “mất ăn, mất ngủ”. Trong đó trẻ con trên miền cao miền xa “ăn lá để sống”, kẻ già trong thành thị “bới rác để sinh nhai” thì lãnh đạo chính trị đang bị thất bại nặng nề. Thất bại này thảm hại, vì nó sinh ra oan khiên. Tại đây, oan khiên đã biến thành chỉ báo khách quan của khoa học chính trị: bắt lãnh đạo phải thay đổi triệt để chính sách quản lý xã hội, và nếu thấy không thực hiện nổi cải cách tuyệt đối chống oan khiên, thì phải từ chức ngay để: cứu oan cho dân tộc!

Tùy thời tạo thế

Tùy thời tạo thế, được con cháu thấy rõ trong các chiến tích trong quân sự của cha ông (Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyển Trãi, Quang Trung…), qua các thành tích quản lý của tổ tiên (Lý, Trần, Lê…), trong đó lấy quy luật của thời gian (thời điểm, thời khắc, thời kỳ…) để lập nên thế (thế trận, thế tiến công, thế phản công…). Hệ vấn đề này không những đúng trong quân sự mà cả trong tổ chức và quản lý.

Linh động thích ứng để linh động tìm lối đi, “thời bắt thế, theo thời phải thế” mang tính linh hoạt của hành động trước thời thế, thuận lợi hay bất lợi của nhân cảnh. Lý lịch của các lãnh tụ tài giỏi làm xuất hiện một ẩn số khác có lúc đi ngược với thời thế, đó là ý chí; tại đây tiềm ẩn một ẩn số khác là năng lực của lãnh đạo là quá trình giải bày ý chí qua đề nghị-đàm phán-quyết định, khi thuyết phục các lãnh đạo khác. Tại đây, sự chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án vừa đối phó, vừa đối trọng ngay trên thượng nguồn để dàn xếp chu đáo nội bộ trong đó có chuyện phải cân đối phương trình thời thế-ý chí, để duy tâm không “trùm phủ” lên duy lý.

Muốn thành công thì lý trí lãnh tụ phải nhận được sự đồng tình của tất cả hoặc của đa số không những của các thành viên lãnh đạo, mà luôn cả các liên minh trong nội bộ; từ đó ý chí cá nhân sẽ chế tác ra lý trí của tập thể.

Câu chuyện thượng nguồn để chuyển hóa thời thế-ý chí qua thực lực của ý chílý trí là quá trình vừa giải thích, vừa phạm trù hoá ý chí, dựa trên tính hiệu quả, có cơ sở của điều tra sơ khởi, thực địa, làm sáng mối tương quan giữa sáng kiến của ý chítình huống tới từ thời thế. Trên thực tế lãnh đạo, phải nên phân biệt: ý chí thường thì dựa trên mô hình, còn hiệu quả thường dựa vào sự biến đổi của tình hình.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, các lãnh đạo vừa có quá nhiều tin tức, dữ kiện, chứng từ luôn đa diện, đa chiều, để lấy những quyết định đúng (của chính trị tỉnh-lãnh đạo thức), cùng lúc có các chuyên nghành, với cái chuyên gia để có được những chỉ báo để dự đoán được những chỉ tiêu.

Kẻ lãnh đạo tài giỏi phải biết ít nhất các tiêu chuẩn chọn lựa tư vấn, càng rộng thì càng sâu, càng xa thì càng cao, không “yếu vía” sợ chuyện “lắm thầy nhiều ma”, nếu kẻ lãnh đạo đó có bản lĩnh của lý luận, nội công của lập luận, tầm vóc của giải luận để nhận ra năng lực của các cố vấn, qua ít nhất ba khả năng phân tích và phân loại tình hình của họ:

1.- Tính đa phương của bối cảnh.

2.- Tính đa dạng của tình huống.

3.- Tính biến động của thới thế.

___

Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie*Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á* Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Các bài của giáo sư LÊ HỮU KHOÁ trên Tiếng Dân đã được ANTHRPOL-ASIE xuất bản và các bạn đọc có thể chuyển tải trực tiếp các tác phẩm Trực Luận (l’argumentation directe), Xã Luận (l’argumentation sociétale), Dân Luận (l’argumentation démocratique), Tự Luận (l’argumentation libre), Chính luận (l’argumentation politique), qua Facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).

Mời đọc lại các bài cùng tác giả tại đây.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây