Khi ba nhánh quyền lực còn 1.5

Mai V. Phạm

19-10-2018

Sự phân chia quyền lực hoặc nguyên tắc tam quyền phân lập là nền tảng của nền dân chủ Mỹ (Check and balance or separation of power). Tuy nhiên, nguyên tắc tản quyền này sẽ mang tính chất biểu tượng khi có sự hiện diện của một quốc hội suy yếu, đặt lợi ích chính đảng lên trên lợi ích của đất nước và dân tộc.

Quốc hội Mỹ – Lập pháp (Legislative) là cơ quan duy nhất do người dân bầu trực tiếp. Mặc dù tổng thống được dân bầu, nhưng chính các cử tri đoàn mới là người quyết định bầu chọn Trump.

Quốc hội Hoa Kỳ có quyền làm luật, tuyên chiến, huy động tiền bạc, cấp kinh phí và tự giám sát các khoản chi tiêu thích hợp, luận tội và xét xử quan chức liên bang, phê duyệt các chức vụ được tổng thống bổ nhiệm, phê duyệt các hiệp ước do nhánh hành pháp đàm phán với các nước khác và phế truất tổng thống. Nhưng có thể nói vai trò được cho là tối quan trọng của quốc hội chính là KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC của tổng thống – đứng đầu chính phủ nhánh Hành pháp (Executive).

Quốc hội hiện tại của Hoa Kỳ, bao gồm Hạ viện và Thượng viện, đều do đảng Cộng Hòa (Republican) nắm quyền đại đa số. Chính phủ – Hành pháp là Trump – đảng Cộng hoà. Nghĩa là cả hai nhánh quyền lực Lập pháp và Hành pháp hiện tại đều do đảng Cộng hòa nắm quyền điều hành.

Cứ thử tưởng tượng Quốc hội im lặng, hoặc mặc kệ trước những hành vi lạm quyền, sai trái của Trump, thì chắc chắn hai nhánh này sẽ nhập thành 1 = nhánh Cộng hoà. Và nếu như nhánh Cộng hoà nắm quyền lực ĐỦ LÂU thì họ có thể dần dần thay đổi nhánh TƯ PHÁP thành những người của họ, sẵn sàng phục vụ lợi ích của đảng Cộng hòa. Kiềng 3 chân thì vững chắc, nhưng 1.5 chân thì không thể nào đứng được!

Khi quyền lực tập trung quá lớn vào một cá nhân hoặc chính đảng, thì cũng là lúc nền dân chủ thực sự bị lung lay, suy yếu và dễ biến thành dân chủ giả hình, hoặc độc tài chuyên chế. Nga, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Philippines là những ví dụ. Đây chính là sự lo lắng của khá nhiều người, trong đó có mình. Vấn đề không phải chỉ là Trump, mà đáng sợ hơn chính là một Quốc hội sẵn sàng tiếp tay, nhận chỉ thị từ Trump. Và nghĩa là nguyên tắc kiểm soát quyền lực dần tan biến…

Putin (Russia), Erdogan (Thổ Nhĩ Kỳ) thâu tóm quyền lực hành pháp và tư pháp cũng gần giống như Hitler: thâu tóm quyền lực từng chút, từng xíu một, để dân không hay biết. Đến khi có quyền lực tạm mong muốn thì ra tay bịt miệng, thanh trừng đối lập, từng đứa một. Rồi lại tiếp tục thâu tóm quyền lực bằng cách bổ nhiệm THẨM PHÁN TỐI CAO là những cánh tay đắc lực giúp bọn độc tài sửa đổi Hiến pháp để chúng dễ duy trì quyền lực cũng như hợp pháp hoá việc thanh trừng đối lập… Khi đã nắm toàn bộ quyền lực của chính quyền, bọn chúng sẽ chính thức trở thành Hitler, Stalin hoặc Tập Cận Bình.

Hiểu một cách giản dị, Trump hoàn toàn có thể thâu tóm quyền lực, trở thành độc tài nếu có sự trợ giúp đắc lực của Quốc hội do Cộng hoà kiểm soát và Tư pháp (trực tiếp do tổng thống đề cử) dần nghiêng về Trump và đảng CH. Tam quyền phân lập sẽ không còn hiệu quả. Tóm lại, luật pháp chỉ có Ý NGHĨA khi người chơi (các bên từ dân tới quan) TÔN TRỌNG nó. Còn không, luật pháp cũng chỉ là đống giấy vụn. Không hơn, không kém.

Chế độ tổng thống kém linh hoạt, và tam quyền phân lập sẽ không hiệu quả khi tổng thống là kẻ có khuynh hướng độc tài, mị dân kết hợp với một quốc hội “bù nhìn”. Các nền dân chủ mạnh nhất hiện nay tại châu Âu, Canada và Úc đều theo mô hình nghị viện (parliamentary).

Trump là 1 bài học đắt giá cho nền dân chủ tương lai của Việt Nam: sự nguy hại của chế độ tổng thống và vai trò quan trọng của công dân trong nền dân chủ. Một nền dân chủ chỉ có thể phát triển và vững mạnh khi có sự tham gia đóng góp của mọi công dân. Giáo dục xã hội và chính trị cho mỗi công dân là rất cần thiết. Động viên quốc dân tham gia chính trị, đi bầu, nâng cao ý thức cộng đồng là rất quan trọng.

Cái chết của nền dân chủ không là một cuộc ám sát phục kích. Nó sẽ là một cái chết chậm chạp đến từ sự thờ ơ, vô cảm và thiếu sự quan tâm đúng mức. (“The death of democracy is not likely to be an assassination from ambush. It will be a slow extinction from apathy, indifference, and undernourishment.”)

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Nước Mỹ hiện nay có nhiều bệnh lắm, bệnh nhẹ là phải bỏ tiền ra để trợ cấp cho lũ ăn bám để được mang tiếng là xứ sở tự do, hoặc phải bỏ tiền ra để duy trì hoạt động cho những tổ chức tào lao chi khươn chẳng đem lại lợi ích gì cho chính mình. Bệnh nặng là xã hội đen và các tổ chức ngầm đang lũng đọan nền kinh tế mà thua thiệt lại chính là người lao động bản xứ. Nặng hơn nữa là các doanh nghiệp Mỹ chỉ vì lợi ích của mình nên chỉ đầu tư vào những chỗ nào có lợi nhuận cao chứ không hề quan tâm đến mức sống của đồng bào mình tăng hay giảm.
    Chỉ thế thôi, đã thấy cái đểu cáng của tự do dân chủ giả hiệu thế nào rồi!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây