Con người và “Người”

FB Thận Nhiên

25-9-2018

Thứ Năm tuần trước, 21/09/2018, khi chưa có tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, nhà báo Huy Đức post Stt “SỨC KHOẺ CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC” có đoạn như sau:

“Lãnh đạo cũng không tránh khỏi quy luật sinh – lão – bệnh… Người dân có quyền được biết và ông cũng nên được đối xử như một con người, ốm thì phải được nghỉ ngơi chữa bệnh.”

Tôi rất thú vị với nhận định này, và nhất là ở cách hành văn. Ông thật tinh tế và hóm hỉnh khi bỏ lửng ở “cái quy luật sinh – lão – bệnh…” mà không có “tử” (Không chừng khi bỏ yếu tố “tử” thì có nghĩa là vị ấy “bất tử” chăng?).

Nhưng điều độc đáo nhất trong đoạn văn ngắn đó là: “ông cũng nên được đối xử như một con người”, một điều ngỡ rằng hiển nhiên nhưng ít ai nhận thấy, hoặc có nhận thấy nhưng không nói ra: “là lãnh đạo thì không được/không bị đối xử như con người (bình thường).”

Từ lúc nào các lãnh đạo của VN không được đối xử như một con người?

Tôi nghĩ, có lẽ là từ khi nhà nước VN dùng chữ “Người” (viết hoa) để viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông được gọi là “Người” nhưng đồng thời được mô tả và phóng đại những phẩm chất vượt lên khỏi thân phận một con người bình thường. Ngay cả khi mô tả đức tính giản dị của ông thì sự giản dị ấy cũng lấp lánh hào quang mà một con người bình thường không thể có.

Khi biến một con người thành “Người”, vô hình chung người ta đang tước bỏ cái phẩm chất người và thay nó bằng phẩm chất thánh thần; thậm chí về sau này Hồ Chí Minh còn được xưng tụng là Phật, là Bồ tát, và dựng tượng thờ trong nhiều ngôi chùa.

Hiện tượng Thánh hoá, Phật hoá này không chỉ xảy ra với riêng Hồ Chí Minh, mà còn xảy ra với các lãnh đạo khác như Võ Nguyên Giáp, Đỗ Mười, Lê Duẫn…

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, những người dân căm ghét chế độ cũng không xem lãnh đạo là những con người bình thường, thay vì vậy, lãnh đạo là biểu tượng và công cụ của đảng CS và chế độ độc tài toàn trị đang áp chế lên họ.

Rốt cục, những “Người” thì không phải là “con người”. Ở phía chế độ hay phía nhân dân, họ đều được/bị tước bỏ nhân phẩm và nhân vị.

Điều đó vui hay buồn thì chỉ có “Người” mới biết!

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây