Quảng Bình: Cán bộ sai phạm nghiêm trọng nhiều năm nhưng không bị xử lý

Hướng Dương – Tuấn Bình

22-5-2018

Lãnh đạo đảng và nhà nước luôn nói rằng: “Đấu tranh phòng, chống tiêu cực tham nhũng, xử lý đảng viên, cán bộ sai phạm là không có vùng cấm”, nhất là khi “lò lửa đã nóng lên thì không cho phép ai đứng ngoài cuộc”. Vậy mà ở tỉnh Quảng Bình, cơ quan chức năng kiểm tra đảng viên, cán bộ, thuộc diện mình quản lý đã không xử lý những cán bộ đảng viên sai phạm nghiêm trọng trong nhiều năm qua, luôn né tránh khi trả lời dân, rằng “không thuộc thẩm quyền” của họ, khiến dư luận bất bình, người dân mất niềm tin vào cơ quan thẩm quyền của tỉnh.

Dư luận phẫn nộ vì sai phạm ở Quảng Bình kéo dài quá lâu

Việc các đảng viên là những lãnh đạo chủ chốt ở tỉnh này sai phạm nghiêm trọng, xung quanh dự án Giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A năm 2013 đi qua tỉnh Quảng Bình, đã bị người dân tố cáo nhiều lần, báo chí tốn nhiều giấy mực lên tiếng. Cụ thể: Báo Quân đội Nhân dân (QĐND) ngày 5/12/2013 đăng bài: Xung quanh GPMB Quốc lộ 1A qua TP Đồng Hới, Quảng Bình – Tập trung giải quyết dứt điểm những tồn đọng kéo dài. Ngày 27/6/2014, báo QĐND tiếp đăng bài: Việc GPMB Quốc lộ 1A qua huyện Bố Trạch và TP Đồng Hới, Quảng Bình –  Vì sao nhiêu khê mãi kéo dài?

Cũng trong thời gian trên, báo Người Cao Tuổi có loạt bài phóng sự điều tra, kèm theo hình ảnh và mới đây, ngày 28/2/2018 báo điện tử Ngày Mới lên tiếng: Quảng Bình: Sai phạm của cán bộ chủ chốt TP Đồng Hới đã rõ, sao kéo dài hơn 3 năm vẫn chưa xử lý?

Ngày 15/3/2018, báo điện tử Ngày Mới tiếp đăng Hồi âm bài: “Quảng Bình: Sai phạm của cán bộ chủ chốt TP Đồng Hới đã rõ, sao kéo dài hơn 3 năm vẫn chưa xử lí? Văn phòng Tỉnh ủy chuyển đơn của công dân đến Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy giải quyết“.

Ngày 18/3/2018, trên báo Tiếng Dân đăng tiếp bài và loạt ảnh: Cập nhật thông tin về sai phạm của các lãnh đạo TP Đồng Hới, Quảng Bình. Ngày 10/5/2018, báo Ngày Mới đăng tiếp bài: Viết tiếp về việc đảng viên, cán bộ sai phạm ở Quảng Bình: Sao lại “không thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy!?

Nội dung các bài báo phản ánh hành vi vi phạm pháp luật của các đảng viên, cán bộ lãnh đạo: Chủ tịch, Phó chủ tịch TP Đồng Hới, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh, Sở TN&MT (thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình quản lý); Trưởng các Phòng Ban của UBND thành phố Đồng Hới; Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch, Phó chủ tịch; ông Nguyễn Hải Tân, nguyên cán bộ địa chính xã Lộc Ninh, đối tượng bị báo chí lên tiếng nhiều lần; Ban quản lý dự án chuyên ngành giao thông, Sở GTVT Quảng Bình “nhúng chàm” trong việc lợi dụng công vụ GPMB quốc lộ 1A (dự án năm 2013) để cùng lực lượng hàng trăm người (có cả côn đồ) ập đến, khống chế, xâm hại quyền con người và hủy hoại tài sản nhà cửa của dân, trong khi chưa có quyết định thu hồi đất, bồi thường theo trình tự quy định của pháp luật.

Hành vi cố tình sai phạm nghiêm trọng đó đã vấp phải sự phản kháng quyết liệt của đông đảo nhân dân và dư luận trong tỉnh. Vậy mà, vụ việc nghiêm trọng này dây dưa, trì trệ, kéo dài nhiều năm qua, vẫn chưa được cơ quan thẩm quyền tỉnh Quảng Bình quan tâm, xử lý nghiêm minh, khiến dư luận bất bình, nhân dân trong tỉnh hoài nghi, đành phải “khăn, gói lên đường” tiếp tục tố cáo và kêu cứu vượt cấp đến Trung ương.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy coi thường người dân và dư luận?

Bị sức ép dư luận, mãi đến ngày 29/3/2018 Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Quảng Bình có văn bản số 491-CV/UBKTTU do ông Nguyễn Công Sự – Phó Chủ nhiệm UBKT, ký trả lời đơn phương: Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhận được đơn tố cáo của công dân, do Thường trực Tỉnh ủy chuyển đến, có nội dung: Tố cáo ông Nguyễn Đức Cường, ông Nguyễn Chung, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Đồng Hới và những đảng viên, cán bộ khác, liên quan đến việc bồi thường GPMB quốc lộ 1A, trong đó có việc chỉ đạo xâm phạm nghiêm trọng quyền con người, quyền công dân, làm hại đến nhân phẩm, uy tín, danh dự của phụ nữ, hủy hoại tài sản, cướp đất, trục lợi bất chính, gây thiệt hại lớn đến lợi ích kinh tế hợp pháp của dân.

Qua nghiên cứu, UBKT Tỉnh ủy Quảng Bình nhận thấy: Những nội dung trong đơn tố cáo đã được UBND tỉnh giải quyết và có Kết luận số 900/KL-UBND ngày 13/6/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình: “Dân tố cáo ông Trần Đình Dinh, Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới và các tổ chức, cá nhân liên quan của thành phố, tỉnh là đúng”. Nhưng: Nội dung đơn tố cáo nói trên của công dân không thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Bình”!?

Câu trả lời vô trách nhiệm và thoái thác này khiến người dân tỉnh Quảng Bình bức xúc, mất niềm tin đối với cơ quan thẩm quyền, bởi tư cách phẩm chất, đạo đức của đảng viên thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình quản lý. Trao đổi vấn đề này, ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới cho rằng, cán bộ chủ chốt của UBND TP Đồng Hới thuộc quyền quản lý của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình. Vậy, tổ chức, cá nhân nào làm sai thì người đó chịu trách nhiệm. Việc xử lý kỷ luật nói trên hay không, thuộc thẩm quyền đề nghị lên cấp trên của UBKT Tỉnh ủy, chứ Chủ tịch TP Đồng Hới hiện nay không đủ thẩm quyền.

Tiếp tục chống tiêu cực, tham nhũng theo tinh thần của Đảng và Nhà nước

Một số luật gia thuộc Hội Luật gia tỉnh Quảng Bình và những cán bộ đương chức ở cơ quan bảo vệ pháp luật, cùng các cán bộ hưu trí cho rằng: “Nhờ báo chí trong & ngoài nước lên tiếng mạnh, luôn đề cập xung quanh nội dung đơn tố cáo (kèm theo rất nhiều ảnh minh chứng) của công dân, nên Thường trực Tỉnh ủy mới chỉ đạo Văn phòng Tỉnh ủy có văn bản gửi UBKT: “Xem xét trả lời công dân”. Tuy nhiên, người đứng đầu là Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch tỉnh này, đã không chỉ đạo xử lý kỷ luật nghiêm thì ai dám vào cuộc? Hơn nữa, sai phạm đó không chỉ dừng ở con số một vài vị, mà liên quan đến nhiều đảng viên, cán bộ từ xã, phường, TP Đồng Hới, cũng như nhiều quan chức cấp tỉnh “nhúng chàm” trong lĩnh vực quản lý kinh tế, đất đai, nhà cửa; quyền con người, quyền công dân bị xâm hại…

Có lẽ theo các ông quan đó nghĩ rằng, không ai tố đến mình thì chẳng nên làm lớn chuyện cho phức tạp thêm, bởi lo sợ sẽ lộ ra: “Lạy ông tôi ở bụi này”. Việc dân khiếu kiện người khác thì mặc xác họ, kiện mãi, mệt mỏi thì dân sẽ ngưng. Có lẽ suy nghĩ thế, nên người đứng đầu tỉnh tránh né, làm ngơ cho “chìm xuồng” trước khi hạ cánh, hay “để lâu, cứt trâu hóa bùn”? Mặc dù người dân đã khiếu nại, tố cáo đã nhiều năm, mãi đến ngày 25/5/2015 Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng phải thừa nhận: “Dân khiếu nại đúng”, tại Quyết định số 1334/QĐ-UBND. Sau đó, đến ngày 13/6/2016 Chủ tịch tỉnh Quảng Bình công nhận “Dân tố cáo đúng” tại Kết luận số 900/KL-UBND như đã nói trên. Vì sao khi vụ việc khiếu kiện này đã bị đăng tải trên mạng xã hội và phản ánh nhiều lần trên báo chí Nhà nước, thì các các cơ quan chức năng mới “chuyển động”, trên đùn xuống, dưới đẩy lên “không đủ thẩm quyền”?

Hàng trăm cán bộ hưu trí, cựu chiến binh trong tỉnh bức xúc, có chung ý kiến rằng: Chỉ có UBKT Trung ương vào cuộc thì mới “trắng mắt” ra, “cháy nhà mới ra mặt chuột”. Việc Phó chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Quảng Bình, ông Nguyễn Công Sự trả lời (nếu không muốn nói là buông lỏng, bao che, né tránh) vô trách nhiệm: “Không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBKT Tỉnh ủy”! Vậy, ai là người có đủ “thẩm quyền” xử lý sai phạm này? Một số quan chức chống tham nhũng ở cấp tỉnh và các cựu lãnh đạo đều khẳng định: Chưa có văn bản chỉ đạo quyết liệt của Bí thư Tỉnh ủy thì không ai làm, bởi đã làm thì “rách việc”, sẽ lộ ra hàng loạt đảng viên, cán bộ quan chức ở tỉnh đã “nhúng chàm”!

Người dân Quảng Bình bức xúc: Chừng nào u nhọt đó chưa được xử lý nghiêm thì bệnh tật luôn tồn tại và hoành hoành, đe dọa đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng của con người nói chung, của những người dân chống tham nhũng nói riêng. Nói cách khác, đảng viên, cán bộ chủ chốt ở tỉnh Quảng Bình có nhiều sai phạm, với mức độ nghiêm trọng, nhưng cấp thẩm quyền tỉnh này cứ làm ngơ, không chịu xử lý theo tinh thần của Đảng và Nhà nước, khi “lò chống tham nhũng đã nóng…”.

Điều mà dư luận và người dân không thể bỏ qua và đặt câu hỏi, nhưng cũng chưa được giải đáp, đó là: Khoản nợ tồn đọng dự án nâng cấp, GPMB quốc lộ 1A năm 1997 (sau khi dân trực tiếp vượt cấp, có đơn khiếu nại, tố cáo và có công văn của UBND tỉnh này xin hỗ trợ kinh phí), ngày 15/1/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Văn bản số 98/TTg-KTN “Giải quyết tồn tại về bồi thường”, nâng cấp QLlA qua Đồng Hới với số tiền 18.571.285.000 đồng.

Ngày 24/4/2010, UBND tỉnh Quảng Bình ra Quyết định số 916/QĐ-UBND bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do dự án GPMB quốc lộ 1A năm 1997 hơn 14 tỷ đồng (Danh sách kèm theo đã bị Hội đồng bồi thường tùy tiện điều chỉnh lèm nhèm, có dấu hiệu biến thủ tiền của Chính phủ và của dân). Vậy, số tiền còn lại khoảng 5-8 tỷ đồng đó của Nhà nước bồi thường cho dân, đã vào túi ai?

Dù báo chí phản ánh và nhân dân đã nhiều lần chất vấn tại Trụ sở tiếp công dân và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình trong những lần tiếp xúc cử tri, nhưng không được giải đáp minh bạch. Cho nên, người dân khẳng định, số tiền bị phát hiện có dấu hiệu tiêu cực nói trên đã vào túi của các quan tham và đó chỉ là “phần nổi của tảng băng”. Trong khi trên 100 hộ dân ở thôn 16, xã Lộc Ninh, TP Đồng Hới cùng hàng ngàn hộ của các xã, phường, huyện thị khác trong tỉnh này bị Hội đồng bồi thường ở cơ sở huyện; thị; UBND TP Đồng Hới; Sở GTVT và UBND tỉnh Quảng Bình coi thường dân, cố ý bỏ qua để trục lợi bất chính.

Tính cả 2 dự án nâng cấp, GPMB Quốc lộ 1A năm 1997 & dự án GPMB Quốc lộ 1A năm 2013, đi qua Quảng Bình liên quan đến kinh tế, đất đai, tài sản của dân, bị thất thoát, biến thủ, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước và nhân dân, lên đến hàng ngàn tỷ đồng là có căn cứ. Vậy mà, đến nay vụ việc chưa được xử lý nghiêm, làm thui chột niềm tin của dân. Người dân Quảng Bình để nghị báo chí trong và ngoài nước, cần tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa, để bảo vệ tài sản của nhà nước và nhân dân khỏi bị thất thoát, quyền và lợi ích kinh tế hợp pháp của dân phải được tôn trọng, nợ dân thì phải trả dứt điểm.

Kiến nghị

Đã đến lúc người dân Quảng Bình nói chung, hàng trăm người dân tố cáo ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, TP Đồng Hới, Bố Trạch, TX Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, nói riêng, lại tiếp tục khăn gói vượt cấp, khẩn thiết kêu cứu và kiến nghị lên ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng CSVN; Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Kiểm tra Trung ương, mong cấp trên quan tâm, chỉ đạo giải quyết sự việc. Thanh tra Chính phủ phải có trách nhiệm phối hợp với UBKT Trung ương và Kiểm toán Nhà nước cần vào cuộc, làm rõ theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Văn bản số 6091/VPCP-V.I, ngày 15/6/2017: “Chuyển số đơn trên đến Thanh tra Chính phủ để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật”.

Người dân Quảng Bình nói chung, những nạn nhân tham gia tố cáo nói riêng, mong muốn Trung ương trực tiếp xử lý vấn đề này một cách công tâm, khách quan, dân chủ, minh bạch, theo đúng như thông điệp của Đảng và Nhà nước: “Phòng chống tiêu cực, tham nhũng, xử lý sai phạm đảng viên, cán bộ là không có vùng cấm”, để pháp luật được tôn nghiêm, kịp thời lập lại trật tự, kỷ cương, nề nếp, lấy lại niềm tin của nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ trên 18 tỷ đồng cho tỉnh Quảng Bình để bồi thường cho dân thiệt hại GPMB quốc lộ 1A năm 1997, nhưng số tiền đã bị biến thủ”? Văn bản của Văn phòng Chính phủ số 0691/VPCP-V.I ngày 13/6/2017, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ xử lý, vẫn còn trên giấy.

Lãnh đạo tỉnh để chìm xuồng, người dân Quảng Bình đành phải tiếp tục tố cáo và kêu cứu vượt cấp lên Trung ương, mong được Trung ương quan tâm, vào cuộc, xử lý vụ việc dứt điểm.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây