Trình Bút
20-12-2017
Mời đọc lại: Lời nói đầu — Phần 1 — Phần 2 — Phần 3 — Phần 4 — Phần 5 — Phần 6 — Phần 7 — Phần 8 — Phần 9 — Phần 10 — Phần 11 — Phần 12 — Phần 13 và Phần 14
Phần 15: Lĩnh vực tòa án, pháp lý
* Hoang ngôn hình ảnh:
* Tác giả: Bà Đặng Thị Bích Loan – Thẩm phán toà án ND huyện Phúc Thọ[1]; Ông Võ Tấn Sinh – thẩm phán Tòa án ND huyện Bắc Bình[2]
* Nguồn: Báo Đời Sống & Pháp Luật, ngày 10/10/2014
* Tựa đề: Những tình huống phản cảm tại chốn pháp đình
* Trích đoạn nội dung: “Chủ tọa vừa ‘buôn’ điện thoại vừa xử án
Theo tin tức trên báo Xây dựng, trong phiên tòa xử nguyên nhà báo Phạm Đình Huy cưỡng đoạt tài sản tại TAND huyện Phúc Thọ (Hà Nội), khi Luật sư đang bào chữa thì Chủ tọa – Thẩm phán Đặng Thị Bích Loan lại thản nhiên nghe điện thoại, phớt lờ những trình bày của luật sư và đương sự.
Trả lời Infonet về bức ảnh “chủ tọa vừa buôn điện thoại vừa xử” gây xôn xao cư dân mạng, Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng hãng luật Gia đình (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết: “Hành động nghe điện thoại khi đang xét xử làm ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của phiên tòa, coi thường nội quy phiên tòa, coi thường pháp luật mà hành vi nghe điện thoại không tập trung, chú ý trong lúc làm việc.
Đặc biệt nghe điện thoại trong quá trình xét xử sẽ làm cho thẩm phán không nắm bắt hết các ý kiến, quan điểm các đương sự, bị cáo, đại diện viện kiểm sát, của luật sư để đưa vào bản án, lắng nghe để phát hiện tình tiết mới… và chính sự vi phạm này là một trong những nguyên nhân ra bản án oan sai, thiếu sót.
Đồng thời thể hiện việc chủ tọa phiên tòa coi thường, không tiếp thu các quan điểm, ý kiến của các bên liên quan…
Điều đó càng cho thấy những dấu hiệu về “án bỏ túi” và việc xét xử nhiều lúc chỉ là thủ tục, hình thức vì bản án đã soạn sẵn. Điều này thể hiện chất lượng xét xử không cao, chỉ là hình thức và đây không được gọi đúng nghĩa là tranh tụng tại tòa”.
Kỳ án trộm dê, bị cáo… nằm giữa công đường
Vụ án trộm dê xét xử trong gần thập kỷ kéo dài từ năm 2005 đến nay. TAND huyện Bắc Bình, Bình Thuận đã 14 lần đưa ra xét xử sơ thẩm và trong lần xử thứ 14 vào ngày 15/1, tòa tuyên phạt bị cáo Nguyệt 24 tháng tù giam. Lý do tòa sơ thẩm bị hoãn nhiều lần, xử đi xử lại 14 lần mới xong là vì xảy ra hàng loạt sai phạm tố tụng trong quá trình điều tra và xét xử. Trong phiên xử lần thứ 14, bị cáo lăn ra bất tỉnh nhưng tòa vẫn cho khiêng bị cáo đặt nằm giữa công đường để xét xử….”
* Các bình luận:
– Những “ông Trời con” ngông cuồng xét xử.
– Đếm sao hết những ông bà thẩm phán như vầy. Chỉ trong một bài báo mà đã như thế này (khuyến cáo: coi chừng bị sặc cơm nước mà… chết):
“Một cán bộ trong ngành tư pháp kể một câu chuyện xảy ra cách đây không lâu, trong một phiên tòa hình sự khi bị cáo trình bày loanh quanh, vị thẩm phán chủ tọa đã hét: “Câm ngay”. Tuy không trực tiếp chứng kiến cảnh ấy, nhưng có lần chúng tôi đã phải sửng sốt vì vị chủ tọa ở một phiên xử của tòa án cấp huyện tại TP.HCM “mời” kiểm sát viên xét hỏi bằng câu: “Ê, tới phần của mày rồi đó”.
“Mất thời gian lắm”
Một cảnh thường gặp, trong cùng một buổi, hội đồng xét xử (HĐXX) có thể đưa từ 3 đến 5 vụ án ra xét xử, nên thông thường để tiết kiệm thời gian phần thủ tục được làm chung cho tất cả các vụ án. Và khi xử đến vụ án nào, vị chủ tọa chỉ hỏi lại: “Có yêu cầu thay đổi ai trong HĐXX không”? Nếu không có yêu cầu gì thì “nhập đề” luôn phần xét hỏi.
Nhưng rồi người điều khiển phiên tòa cũng gặp phải một cảnh trớ trêu, nên phải… đôi co với bị cáo. Hôm đó, đến vụ án thứ hai, vừa nghe vị chủ tọa nói: “Lúc đầu giờ tôi đã phổ biến quyền và nghĩa vụ của bị cáo, khỏi cần nói lại nhé. Bị cáo có muốn thay đổi ai trong HĐXX không?”. Bị cáo Nguyễn Hoàng Trung tròn mắt: “Gì ạ, bị cáo quên hết cả rồi”. Chủ tọa bực: “Có chắc phải nói lại không, mất thời gian lắm”. Bị cáo gãi đầu, ậm ừ: “Bị cáo…”. “Thế bị cáo chưa rõ chỗ nào, tòa nói lại chỗ đó?”. Bị cáo lí nhí: “Dạ… thôi tòa cứ nói đại đi, bị cáo biết gì mà hỏi?”. Vị chủ tọa cau có: “Mất thời gian với bị cáo quá, để tòa phổ biến lại từ đầu”.
Mới đây, tại một phiên xử hình sự diễn ra ở Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM xét kháng cáo kêu oan của một bị cáo phạm tội giết người, một cảnh tượng đã khiến người dự khán khó tin được.
Trong khi vị chủ tọa đưa ra chứng cứ cho thấy bị cáo cầm dao đâm, thì vị thẩm phán ngồi cạnh, từ đầu phiên xử đã ngửa cổ tựa đầu ra thành ghế, bỗng bật dậy gắt: “Cãi gì nữa”. Xong ông đập đập tay lên chồng hồ sơ nói: “Chứng cứ rành rành thế này mà còn cãi. Về chỗ đi. Loanh quanh chối tội…”. Nghe như vậy bị cáo tiu ngỉu, nhưng rõ ràng trên gương mặt tỏ vẻ không phục.
Hôm khác, tại phòng xử A cũng của tòa này, người dự khán cũng chứng kiến một vị thẩm phán thuyết phục bị cáo ngay khi vừa mở phiên tòa: “Chứng cứ rõ ràng rồi, kháng cáo cũng vậy thôi”. Lúc này, các luật sư phía dưới chỉ biết nhìn nhau to nhỏ “án chưa xử mà đã biết kháng cáo “cũng vậy”, bó tay”.
“Tuổi này ai lại đi ăn trộm”
Còn nhớ một vụ án, bị cáo nữ bị truy tố về tội “lừa đảo” do sau khi ngã giá, nhận tiền bán dâm xong, bị cáo lợi dụng sơ hở “chuồn”. Không may lần đó gặp phải một khách hàng không vừa, anh này bỏ thời gian tìm bị cáo ở nhiều điểm thường tụ tập gái bán dâm và “tóm” được bị cáo nộp công an. Trong phần xét hỏi vị hội thẩm nhân dân nói: “Bị cáo là người vô nhân đạo. Đã nhận tiền của người ta thì phải đi bán dâm chứ ai nhận tiền rồi lại chạy. Làm ăn như thế là mất uy tín…”. Hôm ấy không riêng gì người dự phiên tòa, ngay cả các thành viên khác trong HĐXX dường như cũng cố nhịn để không bật cười.
Lần khác, tại một phiên tòa xử vụ án gây rối trật tự công cộng của một TAND huyện, vị hội thẩm nhân dân cao giọng hỏi một bị cáo: “Khi tham gia gây rối có đem theo dao không?”. Bị cáo lí nhí thưa: “Dạ có”. Vị này hỏi tiếp: “Đem theo dao sao không đâm?”. Bị cáo chỉ biết ngơ ngác nhìn tòa, miệng ú ớ không biết nói gì.
Tại một phiên tòa xét xử vụ án trộm cắp, một vị hội thẩm nhân dân cũng hỏi bị cáo: “Trước khi đi ăn trộm, bị cáo có ghé nhà ai không?”. Bị cáo khai: “Dạ có, bị cáo ghé nhà ông nội của bị cáo chơi”. “Sao không ghé nhà ông ngoại?”. Bị cáo nhìn quanh rồi thưa: “Bị cáo không biết ạ”.
Lần khác, một vị hội thẩm nhân dân khi tham gia xét hỏi cũng đặt vấn đề: “Bị cáo bao nhiêu tuổi?”. “Dạ, 16 tuổi”. “Tuổi này là tuổi đi học, đến trường. Ai lại đi ăn trộm”. Bị cáo ngơ ngẩn hỏi: “Vậy, mấy tuổi mới đi ăn trộm được ạ?”…
Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý, cách xét hỏi theo kiểu quy buộc hoặc kiểu quát nạt làm cho bị cáo có cảm giác HĐXX thiên vị, ác cảm, mất đi tính dân chủ tại phiên tòa.
Con nghiện, con bạc…
Ông Nguyễn Hồng Sơn (Trưởng phòng Kiểm sát xét xử phúc thẩm, tái thẩm, giám đốc thẩm hình sự – Viện KSND TP.HCM) cũng đưa ra một dẫn chứng mà ông từng chứng kiến. Đó là một phiên xử dân sự, khi đương sự cứ nói miên man không đi vào trọng tâm, vị chủ tọa đã ví von: “Nói dài như trâu đái”. Có thẩm phán hôm trước nhậu say, hôm sau ra phiên tòa còn nồng nặc mùi rượu, mặt đỏ lừ, gắt gỏng.
Ông Sơn cho biết, cách đây không lâu ông phải làm kiến nghị gửi chánh án TAND một huyện tại TP.HCM, vì trong khi kiểm sát một bản án, ông phát hiện dùng tới hơn 20 từ “y, thị, hắn…”. Theo ông Sơn, cách dùng những từ này hay “con nghiện, con bạc…” thể hiện văn hóa của những người tiến hành tố tụng còn hạn chế và bản án phát hành ra không nghiêm. (Bi hài văn hóa pháp đình – Báo Thanh Niên Online, ngày 11/10/2010)
* Hoang ngôn: “Xin được Tòa dân sự TANDTC về đường lối giải quyết vụ án”.
* Tác giả: Ông Nguyễn Ngọc Ánh – chánh án Tòa án ND TP Thái Nguyên
* Nguồn: Người Đưa Tin, ngày 28/12/2012
* Tựa đề: Chánh án tòa địa phương “xin ý kiến” để xử án
* Trích đoạn nội dung:
“Đây là vụ án tranh chấp đất đai, mặc dù chưa tiến hành hòa giải cơ sở nhưng TAND TP. Thái Nguyên vẫn thụ lý vụ án. Sau đó, một số thẩm phán mặc dù không được phân công nhưng vẫn lấy lời khai, lập biên bản giao nhận chứng cứ một cách rất tùy tiện. Khi đưa ra xét xử, Tòa còn không thèm ban hành các thủ tục bắt buộc như: Quyết định đưa vụ án ra xét xử, biên bản ghi ý kiến thảo luận của Hội đồng xét xử, quyết định hoãn phiên tòa. Thậm chí, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng không được thông báo đến tham dự.
Ở vụ án này có lúc còn bị một lãnh đạo tòa án thành phố tự ý lập biên bản để hòa giải, dù vụ án đã được phân công cho thẩm phán khác giải quyết. Tuy nhiên, khi những “lỗi” vi phạm tố tụng này chưa được giải quyết, TAND Tp. Thái Nguyên vẫn một mực đưa vụ án ra xét xử lại…
… Trong quá trình đưa vụ án ra xét xử lại ở cấp sơ thẩm, không tôn trọng tính độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, ông Nguyễn Ngọc Ánh, chánh án TAND TP Thái Nguyên bất ngờ có công văn “xin ý kiến” của TANDTC trong việc giải quyết vụ án này…
… Trong công văn chánh án Ánh đề nghị: “xin được Tòa dân sự TANDTC về đường lối giải quyết vụ án”…”
* Các bình luận:
– Tòa án ở đâu cũng có các “ông Trời con”, nhưng các “ông Trời con” còn phải hỏi “ông Trời Cha”(!)
– Cửa miệng của quan cấp dưới là: “Xin ý kiến lãnh đạo.” Vậy có luật pháp để làm gì? để treo ngắm chơi hay sao mà không căn cứ theo luật để xét xử, đâu phải chuyện tày đình, chưa bao giờ có để tạo án lệ? Với các ban ngành khác cũng vậy, phân cấp quyền hạn để đâu, sao không thực thi mà cứ hỏi ở trên?
– Một là ngu dốt, không dám làm, sợ làm bậy. Hai là hèn nhát không dám phán. Ba là sợ cấp trên như sợ cọp. Bốn là làm rối lên để vòi vĩnh, hù dọa hỏi cấp trên ý là rất nghiêm minh. Và năm nữa là có có luật… rừng, giữa các ông với nhau.
* Hoang ngôn: “Những người đó có tội thì rõ rồi. Nhưng vì… đại cục, vì cái to lớn hơn nên hai ngành kiểm sát, công an đã họp, thống nhất không khởi tố hình sự như chúng tôi đã đề nghị”.
* Tác giả: Ông Lý Quang Thái – giám đốc sở LĐ-TB&XH
* Nguồn: Báo Đất Việt Online, ngày 11/12/2013
* Tựa đề: Tham ô lớn, sếp xin công an ‘tự xử’ vì đại cục
* Trích đoạn nội dung:
“Phòng cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, chức vụ công an tỉnh Hà Giang phát hiện trong hai năm 2012, 2013, các đối tượng Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật, thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Giang cùng hai cộng sự Nguyễn Thị Lan Anh, kế toán, Trịnh Thu Hương, thủ quỹ đã “ăn bớt” của trẻ khuyết tật hơn 181 triệu đồng.
Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Hà Giang xác định: “Đây là vụ việc có dấu hiệu phạm tội tham ô tài sản”, gồm các tình tiết tăng nặng như “phạm tội có tổ chức”, “số tiền chi sai và chiếm hưởng với số lượng lớn lên đến 181.950.000 đồng”.
Ngày 4/10/2013, Sở LĐ-TB&XH đã có công văn do ông Lý Quang Thái, Giám đốc Sở ký gửi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang đề nghị “không khởi tố vụ án hình sự đối với các cá nhân sai phạm liên quan đến vụ việc nêu trên và chuyển hồ sơ để Sở LĐ-TB&XH xử lý cán bộ theo thẩm quyền”.
Thông tin trên báo Nhân dân, ông Thái giải thích: “Hà Giang là tỉnh nghèo, có rất nhiều trẻ em tàn tật cần được hỗ trợ. Nếu cơ quan điều tra khởi tố hình sự, tôi sợ các tổ chức, cá nhân sẽ biết chuyện, không hỗ trợ cho nữa”.Và “để góp phần ổn định chính trị tại địa phương, Sở đã có văn bản đề nghị cơ quan điều tra không khởi tố hình sự các đối tượng nói trên”, ông Thái nói.
Ông Thái khẳng định: “Những người đó có tội thì rõ rồi. Nhưng vì… đại cục, vì cái to lớn hơn nên hai ngành kiểm sát, công an đã họp, thống nhất không khởi tố hình sự như chúng tôi đã đề nghị.
Đồng thời họ cũng đã có văn bản trả lời, bàn giao hồ sơ để chúng tôi có biện pháp xử lý hành chính đối với những người sai phạm”.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Giang còn có thái độ khá nghiêm khắc đối với người tố cáo. Bởi như ông Thái nói, thì lãnh đạo Sở đã xác định được “tác giả” của lá đơn tố cáo.
“Đây là một cán bộ từng công tác tại Trung tâm này, nhưng sau đã được chuyển sang làm phó ở một đơn vị khác. Người này gửi đơn tố cáo đến Công an, Thanh tra tỉnh chứ không gửi qua Sở. Nếu gửi qua Sở, chúng tôi đã xử lý chứ không để đến mức thế này.Sau khi xử lý ba cán bộ sai phạm, chúng tôi sẽ xử lý cô này vì vi phạm điều đảng viên không được làm”, ông Thái nói.
* Các bình luận:
– Cùng một giuộc nên bao che cho nhau. Và xử lý người tố cáo.
– Đã gian mà không khôn còn ngụy biện, và ác đức tận cùng.
– Vì đại cục… c. Các ngành cũng thông đồng với nhau hết.
– Hóa ra xưa nay cá nhân, tổ chức hỗ trợ không hà. Hết hỗ trợ lấy gì ăn nữa.
* Hoang ngôn: “Xin đính chính với đại biểu là oan sai từ năm 1999, nhưng quá trình giải quyết bồi thường khi có khởi kiện thì đến năm 2013 mới có, chứ không phải là quá trình bồi thường kéo dài hàng chục năm như đại biểu hỏi”.
* Tác giả: Ông Trương Hòa Bình – Chánh án Tòa án ND Tối Cao
* Nguồn: Đầu tư Chứng khoán, ngày 17/11/2015
* Tựa đề: “Trả lời như Chánh án thì không cần trả lời cũng được”
* Nội dung:
“Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đã chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình về vụ án oan của cựu giám đốc Lương Ngọc Phi. Đại biểu Xuyền nêu: “Vụ án kéo dài hàng chục năm trời mà đến nay việc bồi thường cho người bị oan sai vẫn chưa kết thúc. Vì sao vụ án bị kéo dài? Liệu Chánh án Trương Hòa Bình có giải pháp gì để việc bồi thường sớm kết thúc và có thể kết thúc trong năm 2015 hay không?”.
Theo giải trình của Chánh án Trương Hòa Bình, ông Lương Ngọc Phi, nguyên là giám đốc Công ty Khai thác chế biến nông hải sản xuất nhập khẩu Hòa Bình (tỉnh Thái Bình) đã bị khởi tố, điều tra, bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Trốn thuế” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa” từ năm 1998.
Bản án sơ thẩm đã tuyên phạt ông Phi 14 năm tù giam vì tội Lạm dụng tín nhiệm, 3 năm tù giam vì tội Trốn thuế, tổng hợp hình phạt 17 năm tù. Sau đó ông Lương Ngọc Phi kháng cáo. Khi đưa ra xét xử phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã tuyên bố ông Phi không phạm tội Lạm dụng tín nhiệm và hủy một phần bản án về tội Trốn thuế để điều tra lại.
Sau khi điều tra lại, Viện kiểm sát đã ra quyết định đình chỉ điều tra với ông Lương Ngọc Phi về hành vi Trốn thuế. Do đó, Tòa án có trách nhiệm bồi thường cho ông Phi…
Về bồi thường, có quá trình cụ thể: tháng 6/2006, ông Phi có đơn yêu cầu bồi thường. Quá trình thương lượng kéo dài mà không đạt được thỏa thuận nên ông Phi tiến hành khởi kiện. Có hai vụ kiện.
Vụ thứ nhất, ông Phi đòi bồi thường số ngày tạm giam, số ngày tại ngoại, bồi thường thu nhập thực tế đã mất, tiền thuê luật sư, thiệt hại do tổn thất sức khỏe, tiền thuốc men. Bản án sơ thẩm, Tòa án nhân dân thành phố Thái Bình đã tuyên bồi thường 660 triệu đồng.
Bản án đã thi hành xong.
Sau này, ông Phi tiếp tục khởi kiện, bồi thường thiệt hại do 3 cơ quan tiến hành tố tụng gây ra. Đơn yêu cầu là vào ngày 8/1/2013. Ông Lương Ngọc Phi yêu cầu bồi thường số tiền hơn 54 tỷ đồng. Tòa án nhân dân thành phố Thái Bình đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm vào ngày 26/8/2013 và tuyên Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình phải bồi thường 21,4 tỷ đồng và bác các yêu cầu khác.
Sau phiên tòa sơ thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình có công văn đề nghị Tòa án nhân dân tối cao thẩm định bản án sơ thẩm để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vì căn cứ bồi thường chưa đảm bảo khách quan.
Tiếp đó, Tòa án nhân dân tối cao có quyết định kháng nghị bản án nêu trên do có các sai lầm nghiêm trọng trong định giá tài sản, bồi thường thiệt hại, khi thu giữ tài sản và phát mại có số liệu chưa chính xác và một số vấn đề khác. Kháng nghị được Ủy ban thẩm phán của tỉnh Thái Bình chấp nhận, hủy bản án sơ thẩm và đưa ra xét xử lại.
Tháng 8/2015, Tòa án thành phố Thái Bình đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần hai và buộc Tòa án tỉnh Thái Bình bồi thường cho ông Phi 23 tỷ đồng. Sau khi bản án được tuyên, ông Phi lại kháng cáo nên việc giải quyết vụ án này phải tiếp tục theo trình tự phúc thẩm.
“Xin đính chính với đại biểu là oan sai từ năm 1999, nhưng quá trình giải quyết bồi thường khi có khởi kiện thì đến năm 2013 mới có, chứ không phải là quá trình bồi thường kéo dài hàng chục năm như đại biểu hỏi”, Chánh án Trương Hòa Bình nói.
Đến nay, theo quy định của pháp luật thì vụ án đang được giải quyết theo trình tực phúc thẩm. Biện pháp giải quyết vụ án này thì cách duy nhất là theo trình tự tố tụng.
“Đại biểu hỏi Chánh án có cách gì giải quyết vụ án thì xin trả lời đại biểu là quyền giải quyết vụ án là ở Hội đồng xét xử phúc thẩm, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao không có quyền can thiệp. Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ làm việc và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Giải quyết nhanh nhưng vẫn phải đúng pháp luật” – Chánh án Trương Hòa Bình nói.
Có sự đùn đầy trong giải quyết bồi thường
Trước trả lời của Chánh án Trương Hòa Bình, đại biểu Bùi Văn Xuyền đã có ý kiến trao đổi lại. Theo đại biểu Xuyền, nếu trả lời như Chánh án Trương Hòa Bình thì có lẽ không cần phải trả lời.
Đại biểu Xuyền đã “đính chính” lại lời đính chính của Chánh án cho đúng với diễn biến vụ án. Theo đại biểu, vụ án từ năm 1999 và ông Phi khởi kiện đòi bồi thường từ năm 2004 vào lúc đó ông Phi đã yêu cầu bồi thường cả về hình sự và dân. Nhưng khi đó Tòa án tối cao và Viện kiểm sát tối cao không thống nhất được cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường. Việc này đã phải đưa ra Quốc hội khóa 10. Sau đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội phải ra quyết định Tòa án phải có trách nhiệm bồi thường. Lúc đó, Tòa án mới đứng ra giải quyết bồi thường cho công dân.
“Ở đây có sự đùn đẩy” – đại biểu Bùi Văn Xuyền nhấn mạnh.
Khi xét xử, Tòa án tách yêu cầu bồi thường làm hai gồm bồi thường dân sự và bồi thường hình sự. Với bồi thường dân sự có từ năm 2004, ông Phi yêu cầu bồi thường 18 tỷ đồng, đến năm 2006, ông Phi yêu cầu bồi thường 35 tỷ đồng, năm 2013 là 54 tỷ đồng và năm 2015 là 64 tỷ đồng.
“Nếu đến năm 2013 mới đòi bồi thường như Chánh án nói thì tôi không phải chất vấn đến lần 2”, đại biểu Bùi Văn Xuyền nói.
Sau phiên tòa sơ thẩm lần 2, Tòa án tỉnh kháng cáo. Lúc này nguyên đơn cũng kháng cáo, vì đằng nào vụ án cũng kéo dài cũng bị kéo dài. Đến giờ phút này, nếu Tòa án tỉnh rút đơn thì nguyên đơn cũng rút đơn vì vụ án kéo dài quá sức chịu đựng công dân. Họ không mong muốn kháng cáo để kéo dài tiếp.
Đại biểu Xuyền đề nghị Chánh án Trương Hòa Bình nên kiểm tra xem xét lại, để giải quyết dứt điểm vụ án. Đã thương lượng, đánh giá, định giá hàng chục năm nay, cái gì đúng cái gì không đúng phải ra chứ. Làm sao giằng co mãi. Nhà nước gây thiệt hại cho công dân hàng chục tỷ đồng thì ai chấp nhận được.
* Các bình luận:
– Một ông chánh án đứng đầu trả lời chất vấn mà không nắm rõ hết, để đính chính ngược thì không còn gì để nói nữa.
– Người ta đâu cần ông “xía” vô vụ án, cái cần là trách nhiệm thúc đẩy để giải quyết cho xong, không để dây dưa kéo dài thôi chứ.
– Dây dưa kéo dài, đùn đẩy trách nhiệm là “nghề của các chàng”. Tùm cách xù luôn đây mà. Gây oan cho dân thì dễ như trở bàn tay, dân đòi oan thì trần ai khoai củ.
– Có ông chánh án tối cao và những ông từng là chánh án tối cao như vậy nên án oan xảy ra liên miên không có gì lạ. Ngoài những vụ nổi cộm, chấn động cả nước như án oán của các ông Hàn Đức Long, Trần Văn Chiến, Nguyễn Thanh Chấn, Bùi Minh Hải ngồi tù oan suốt bao năm ròng rã, ông cụ Trần Văn Thêm với 46 năm uất ức trong ngục, ông Huỳnh Văn Nén và “Kỳ án vườn điều” được xem là vụ oan sai lớn nhất trong lịch sử tư pháp Việt Nam bởi có đến 9 người trong một gia đình rơi vào vòng lao lý,… đến nay thì vẫn còn đầy ra đó những oan trái như vụ của ông Hồ Duy Hải xét lên xử xuống, có lúc tưởng chừng như ông phải bị thi hành án tử hình.
Còn không biết bao vụ ít chấn động hơn như thế này: “Chiều 11/4, cơ quan tố tụng (Công an – viện Kiểm sát ND – Tòa án) huyện Bình Chánh, TP. Hố Chí Minh đã tổ chức buổi xin lỗi công khai tại UBND xã Hòa Đông (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) đối với 3 công dân trên địa bàn cu trú vì đã để oan sai.” (Ba ông là Khưu Khánh Sỹ, Trần Văn Uống và Ong Văn Sệt – Tiền Phong, 11/04/2017); “Đó là anh Nguyễn Tấn Đại (28 tuổi; ngụ xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) bị truy tố oan 11 năm trước về tội “Hiếp dâm trẻ em”. Ngày 15-12, tại trụ sở UBND xã Phú Lộc, VKSND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức xin lỗi công khai anh Đại.” (Báo Người Lao Động Online, ngày 15/12/2016); “Sau 22 năm bị oan sai, ông Phan Văn Lá (48 tuổi, ngụ xã Vĩnh Công) mới được xin lỗi và bồi thường 300 triệu đồng.” (Báo Người Lao Động Online, ngày 23/09/2015); “Được VKSND TP HCM xin lỗi sau 14 năm oan sai – Đúng 9 giờ ngày 11-8, đại diện VKSND TP HCM đã tổ chức xin lỗi công khai ông Trương Bá Nhàn (SN 1962) và gia đình ông tại hội trường UBND phường 13, quận Bình Thạnh.” (Báo Người Lao Động Online, ngày 11/08/2015); “Sáng nay 4-4, TAND Hà Nội tổ chức xin lỗi công khai ông Phạm Đức Bình vì đã kết án oan trong phiên xử 14 năm trước.”(Báo Người Lao Động Online, ngày 04/04/2014);…
* Hoang ngôn: “Nghiêm ở đây không có nghĩa sai là ‘chặt chém’ ngay, như vậy thì hết người, không có người để làm”.
* Tác giả: Ông Nguyễn Sinh Hùng – Phó thủ tướng Chính Phủ
* Nguồn: Báo Tuổi Trẻ Online, ngày 13/06/2010
* Tựa đề: Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: Phải làm đường sắt cao tốc
* Trích đoạn nội dung:
“Tôi đồng ý xử nghiêm, xử đúng quy định pháp luật. Kể cả các bộ, các ngành, Phó thủ tướng, Thủ tướng thì các đồng chí QH có thể xử lý… đúng quy định của pháp luật, đúng thực tiễn của tình hình để chúng ta cân lên, đặt xuống và xử lý một cách thận trọng. Còn hôm nay thấy sai một chút chỗ này xử lý, “cách chức đi, kỷ luật đi”, ngày mai thấy sai chỗ kia, “cách chức đi, kỷ luật đi”, lấy ai mà làm việc các đồng chí? Giả sử làm mười việc tốt, có một việc sai thì cũng phải tính toán…
Cho nên quy định của Đảng, pháp luật có cái đạo đức, tính hợp lý là phải cân nhắc, thận trọng, có tính toán. Nghiêm ở đây không có nghĩa sai là “chặt chém” ngay, như vậy thì hết người, không có người để làm. Thử hỏi trong số chúng ta ngồi đây, bản thân tôi nhiều khi cũng tự hỏi mình làm trăm việc, làm mười việc thế nào cũng sai một hai việc cũng nên, có khi sai lớn, có khi sai nhỏ, nhưng mà các đồng chí cứ dẹp đi thì bầu không kịp?...”
* Các bình luận:
– Nghiêm không có nghĩa là “chặt chém”, có nghĩa là khều khều cho vui thôi.
– Ông phó thủ tướng có máu xã hội đen thật. Làm sai thoải mái, chả sao cả, có phó thủ tường bảo kê.
– Khi đã làm lãnh đạo thì cân nhắc thật kỹ một khi làm dù là việc nhỏ, để không sai trái, có lợi cho dân cho nước. Nói như ông thì xin chào thua.
– Người ta nói sai một ly đi một dặm. Ông thì: “có khi sai lớn” coi nhẹ như không.
– Các ông có đầy kế hoạch, nào là xây dựng đội ngũ kế thừa, nào là cán bộ nguồn, nào là nguồn cán bộ trẻ hóa,… sao sợ không kịp?
* Hoang ngôn: “Tinh thần của chúng ta là rất minh bạch, công khai, nếu ta sai, ta sẽ xin lỗi dân. Nếu người dân sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
* Tác giả: Ông Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
* Nguồn: Đất Việt, ngày 05/05/2017
* Tựa đề: Vụ Đồng Tâm: Sẽ xin lỗi dân nếu…
* Trích đoạn nội dung:
“Chiều 4/5, trả lời một số câu hỏi của báo chí, Bộ trưởng, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định vụ việc ở thôn Hoành, Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) sẽ được giải quyết rốt ráo, công bằng, nghiêm minh với cả người dân và cán bộ. ‘Tinh thần của chúng ta là rất minh bạch, công khai, nếu ta sai, ta sẽ xin lỗi dân. Nếu người dân sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật’…”
* Các bình luận:
– Vậy luật pháp chỉ dành cho dân, các ông không dùng luật, chỉ xin lỗi là xong.
– Làm sai thoải mái thôi, chỉ cần xin lỗi, đâu bị gì(!)
– Ông này nói đúng lắm. Luật còn hơn là nghiêm khắc, rất hà khắc dành cho dân, cán bộ thì chỉ cần xin lỗi, bị khiển trách, cao hơn là cảnh cáo, cùng lắm là giơ cao đánh khẽ, xong lại lên chức cao hơn. Đã biết bao vụ xảy ra rồi. không kể xiếc:
. “Tám người ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) sau khi nhận chuyển nhượng (trái phép) đất lâm nghiệp của Nhà nước mà cứ tưởng là đúng luật nên tiến hành “dọn cỏ, chặt cây” để canh tác. Thế là họ bị kết tội hủy hoại tài sản vì đã chặt 12 cây tràm (trị giá hơn 10 triệu đồng) của Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa.
12 cây tràm này trung tâm đã thu hồi, đã bán và lấy lại đúng bằng số tiền thiệt hại mà cơ quan tố tụng đã quy kết. Trung tâm nói không còn thiệt hại nữa, đại diện VKSND tỉnh Đồng Nai cũng nói không xác định được hành vi phạm tội của các bị cáo nên đề nghị tòa hủy án để yêu cầu điều tra lại. Nhưng HĐXX TAND tỉnh Đồng Nai vẫn tuyên y án sơ thẩm kết tội tám bị cáo (trong đó có năm bị cáo từng bị tạm giam, tòa tuyên phạt tù đúng bằng số ngày tạm giam này).
Sự việc này khiến dư luận thắc mắc, rằng tòa làm vậy là đúng hay sai, có phù hợp với logic cuộc sống hay không…
… Tòa trên “cứu” tòa dưới
Đây lại thêm một trường hợp tòa án cấp phúc thẩm đã “cứu” tòa án cấp sơ thẩm nhưng lần này tòa án cấp phúc thẩm đã cứu “đúng luật” nên cũng chẳng có gì để trách cứ tòa án cấp phúc thẩm. Tòa án cấp sơ thẩm không bị mang tiếng là án bị sửa, bị hủy; thành tích của tòa án cấp sơ thẩm không bị sứt mẻ gì, thẩm phán không bị kiểm điểm, giải trình. Thế là trên dưới đều vui vẻ!
Tuy nhiên, 12 cây tràm bị chặt hạ, tám người bị ra tòa, năm người bị tù giam, còn lại cũng bị án tù nhưng được hưởng án treo. Cứ nhìn vào “đội ngũ” bị cáo đứng trước tòa và nội dung vụ án thì thấy có cả bà già tóc bạc, còn lại đều là những người còn rất trẻ, mới thấy thương xót cho những người dân thấp cổ bé họng!
Có lẽ cũng chẳng có ở nước nào như nước ta, luật tố tụng lại cho phép tòa án vẫn xét xử khi VKS (công tố) rút quyết định truy tố. Ở các nước khác khi công tố đã rút truy tố thì lập tức tòa án phải đình chỉ vụ án. Nhưng BLTTHS hiện hành của nước ta thì lại khác, nếu VKS rút cáo trạng trước khi mở phiên tòa thì tòa án mới đình chỉ, còn VKS mà rút truy tố tại phiên tòa thì tòa án vẫn tiến hành xét xử. Chẳng hiểu lý luận này học ở đâu nhưng rõ ràng là không có căn cứ khoa học. Không biết sắp tới sửa đổi, bổ sung BLTTHS có ai quan tâm đến quy định này không! Không hiểu sao luật ở ta cứ phải “khác người” thì mới được gọi là “sáng tạo”!
Không đáng để xử lý hình sự
Trở lại vụ án này, nếu so với việc chặt hạ cây xanh ở Hà Nội thì có lẽ sắp tới phải có hàng trăm người (liên quan vụ chặt cây) sẽ phải hầu tòa. Thế nhưng đó là chuyện của ngày mai, người dân cả nước chờ xem TP Hà Nội sẽ xử lý như thế nào đối với những người chủ trương và thực hiện chủ trương “triệt hạ” hàng loạt cây xanh của thủ đô.” (Chặt 12 cây tràm bị tội, chặt cây Hà Nội thì sao? – Báo Pháp Luật TP.HCM Online, ngày 15/04/2015)
Không ai trong vụ chặt hàng trăm cây cổ thụ bị gì cả.
Tương tự Hà Nội là ở Phú Yên: “Tỉnh sẽ báo cáo, nhận khuyết điểm trước Thủ tướng, đồng thời trình bày cụ thể để Thủ tướng xem xét, quyết định. Thủ tướng cho làm hay không rồi tính tiếp”. Ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên, nói như vậy về việc tỉnh cho san dọn 116 ha rừng phòng hộ ven biển tại TP Tuy Hòa để thực hiện dự án khu du lịch cao cấp New City, trong đó có hạng mục sân golf.” (Vụ phá rừng: Phú Yên nhận khuyết điểm trước Thủ tướng – Báo Mới.com, ngày 29/04/2017)
. “Có thể nhiều người theo chủ nghĩa duy vật sẽ không tin nhưng chúng ta chỉ có thể dùng hai chữ “ma thuật” để lý giải cho việc một công trình lớn (gồm 40 biệt thự) xây dựng trái phép trên bán đảo mà những cá nhân, cơ quan có thẩm quyền không một ai nhìn thấy. Chỉ duy nhất một người đàn ông câu cá được “đồn thổi” rằng có “mắt thần” nên mới nhìn ra.
Và cũng từ đó, người ta phát hiện ra sai phạm của chủ đầu tư công trình này – công ty cổ phần Biển Tiên Sa: xây dựng khi chưa được cấp phép.
Thế nhưng những vi phạm mang tính “bất chấp” đó có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến cảnh quan, môi trường của “mắt thần Đông Dương” lại chỉ phải trả giá bằng một mức phạt nhẹ nhàng: 40 triệu cho 40 căn biệt thự.
Chắc hẳn sau khi đọc những tin tức liên quan đến vụ việc ở Sơn Trà thì một nhà văn sống tại phường Sông Bằng, TP. Cao Bằng cùng người chủ đất quán cà phê Xin Chào tại huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh) phải cám cảnh cho số phận của mình khi… sinh sống nhầm địa điểm.
Chuồng gà của nhà văn không được thi công xây dựng và đưa vào hoạt động cũng bởi sự băn khoăn của chính quyền. Cũng vì “trăn trở” đó nên nhà văn phải khốn đốn chạy đôn chạy đáo, làm thủ tục trình lên hàng loạt sở, ban ngành để lo “chỗ chui ra chui vào” cho gà.
Nhưng điều đó vẫn chưa sóng gió bằng công cuộc “dựng nhà cho vịt” của chủ đất quán cà phê Xin Chào. Ông đã phải đối mặt với hàng loạt tội danh, bị địa phương kiểm điểm xử phạt hơn 6 triệu đồng. Và đỉnh điểm của bão giông là một thời gian ngắn sau, ông bị khởi tố , đối mặt với án hình sự vì… 30m2 không gian cho đàn vịt…” (Dựng một chuồng gà bị khởi tố, xây 40 biệt thự chỉ phạt tiền – nguoiduatin.vn, ngày 22/03/2017)
Ngay giữa thủ đô, những công trình to đùng sai phép cũng thế, chỉ phạt tiền:
. “Những kiểu thăng chức khó hiểu
Liên tiếp những sai phạm của cán bộ thuế chi Cục thuế Tân Bình (TP.Hồ Chí Minh) bị dư luận bóc trần. Mới đây, cán bộ thuế của đơn vị này đã bị lực lượng công an bắt quả tang đang nhận tiền hối lộ của doanh nghiệp. Những sai phạm như vậy kéo dài, lặp lại nhưng người đứng đầu chi Cục thuế Tân Bình lại không bị xem xét trách nhiệm.
Trong vụ việc liên quan đến công ty cổ phần xây dựng xuất nhập khẩu Việt Long nợ ngân sách hơn 707 tỷ đồng có trách nhiệm của chi Cục thuế Tân Bình. Sai phạm về nâng khống giá trị in ấn, gây thất thoát tiền ngân sách đều giống nhau đã được kiểm điểm nghiêm túc nhưng ông Chi cục trưởng thì được cho về hưu sớm, hai cán bộ được thuyên chuyển công tác, còn ông Trần Quang Sanh (chi cục phó) được bổ nhiệm lên vị trí mới quyền Chi cục trưởng, chi Cục thuế Tân Bình.
Tại nhiều địa phương người dân cũng bức xúc về chuyện sai phạm của cán bộ cơ sở không được cấp trên xử lý nghiêm khắc. Đó là trường hợp chính quyền xã Châu Thái có chủ trương xây dựng bia tưởng niệm liệt sỹ. Để thực hiện, xã huy động đóng góp trong dân với mức thu 100.000 đồng/hộ. Tại thời điểm đó, toàn xã Châu Thái có 1.301 hộ tuy nhiên, khi mới thu được 26,3 triệu đồng/26 hộ thì dừng lại. Số tiền thu được lãnh đạo xã đã dùng để chi trả cho việc xây dựng cơ bản. Từ đó tới nay, xã không thu thêm hộ dân nào nữa, số tiền đã thu cũng chưa trả lại cho các hộ dân. Trong khi đó tượng đài liệt sỹ vẫn chưa được xây dựng khiến người dân bất bình. Cộng thêm hàng loạt sai phạm song Chủ tịch UBND xã Châu Thái (Quỳ Hợp, Nghệ An) chỉ bị cảnh cáo. Oái oăm hơn, ông này còn được cơ cấu giữ chức Bí thư Đảng ủy xã với lý giải là… để khắc phục hậu quả đã gây ra trước đó.
Ngay tại Hà Nội, dư luận vẫn không đồng tình về cách xử lý cán bộ có sai phạm. Đó là trường hợp cán bộ cấp dưới đi thi hộ cho Phó giám đốc sở TN&MT Hà Nội để lấy lòng sếp. Tuy nhiên, khi việc bị vỡ lở người thi hộ sếp đã bị kiểm điểm mức khiển trách về mặt Đảng và kiểm điểm về mặt chính quyền. Tuy nhiên, sau đó, cán bộ này đã được thăng chức lên Phó phòng Kế hoạch – Tổng hợp sở TN&MT. Trong khi đó, Phó Giám đốc sở TN&MT, người được cấp dưới tự ý thi hộ) được điều tham gia ban chấp hành, ban thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Quận ủy Long Biên! Việc thăng chức, chuyển công tác được thực hiện khiến nhiều người dân cảm thấy bất ngờ và khó hiểu và cho rằng kỷ luật như vậy thì khó ngăn chặn được những sai phạm.
Ngược lại những năm về trước, chính vì công tác cán bộ có những “châm chước” nên đã tiếp tay cho nhiều vụ án nghiêm trọng. Đó là trường hợp Nguyễn Thập Nhất liên quan đến vụ án Năm Cam, và mới đây là việc bổ nhiệm, thăng chức cho Dương Chí Dũng khi Vinalines liên tục làm ăn thua lỗ và trở thành “nhân vật trung tâm” của “đại án” tham nhũng vừa được xét xử trong thời gian qua…” (Cán bộ sai phạm được thăng chức – Tuyệt chiêu “trả bóng”? – Báo Pháp Luật & Đời Sống Online , ngày 03/03/2014)
Cán bộ là vậy, còn thường dân (phạm tội khi chưa thành niên):
“Ngày 20/7, TAND quận Thủ Đức (TP HCM) tuyên phạt Nguyễn Hoàng Tuấn (ngụ huyện Củ Chi) 10 tháng tù, Ôn Thành Tân (cùng 18 tuổi) 8 tháng 20 ngày tù – bằng thời gian tạm giam – về tội Cướp giật tài sản…
… Cáo trạng xác định, trong thời gian được tại ngoại để điều tra về hành vi Trộm cắp tài sản, Tuấn bỏ nhà đi lang thang. Khuya 17/10/2015 Tuấn gặp Tân, cùng chơi Internet tới sáng hôm sau thì rủ nhau đến nhà hàng ở quận Thủ Đức kiếm việc làm.
Trên đường đi cả hai đói bụng, không có tiền nên bàn cách vờ mua đồ ăn rồi bỏ chạy. Khoảng 12h, chúng đến tiệm tạp hóa trên đường Tô Vĩnh Diện (quận Thủ Đức. Tuấn hỏi mua một bịch chuối sấy, ổ bánh mì ngọt và 3 bịch me. Khi chủ quán bỏ tất cả vào túi nylon thì cậu ta giật phăng, tăng ga bỏ chạy.
Nghe chủ quán tri hô, hai người đàn ông gần đó đuổi theo bắt Tân và Tuấn giao công an. Số hàng bị cướp giật có giá 45.000 đồng…” (Cướp bánh mì khi đói, 2 thiếu niên lĩnh án – Báo điện tử VnExpress, ngày20/7/2016)
Bởi vậy, năm 2014 xuất hiện bìa của “Bộ Luật Dân Sự”, có hình diễn viên Công Lý, tuy thất cười nhưng dân chúng rất đồng tình.
Và có thành ngữ hàm tiếu: Công Lý ở Việt Nam là một diễn viên – Ai cũng biết rằng, diễn viên Công Lý là diễn viên hài khá nổi tiếng.