Hoang Ngôn “để lại cho đời” (phần 6)

Trình Bút

3-12-2017

Ảnh minh họa. Nguồn: LEO

Mời đọc lại: Lời nói đầu  —  Phần 1  —  Phần 2  —  Phần 3  —  Phần 4Phần 5

6. Lĩnh vực vệ sinh, an toàn thực phẩm

* Hoang ngôn: “Một số mặt hàng thủy sản như tôm nếu bị trả do vấn đề chỉ tiêu vi sinh thì chỉ cần luộc lên là có thể ăn được“.

* Tác giả: Ông Nguyễn Như Tiệp – cục trưởng cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad – Bộ NNPTNT)

* Nguồn: Báo điện tử Lao Động, ngày 09/11/2015

* Tựa đề: Thêm một cái “phẩy tay”

* Trích đoạn nội dung:

“Nhân câu chuyện các lô hàng hải sản Việt Nam bị “trả về nước”, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad – Bộ NNPTNT) Nguyễn Như Tiệp đã phẩy tay thế này: Khi hàng trả về tiêu thụ trong nước cũng không có vấn đề gì. Một số mặt hàng thủy sản như tôm nếu bị trả do vấn đề chỉ tiêu vi sinh thì chỉ cần luộc lên là có thể ăn được”.

Phải mở ngoặc nói thêm, “phương án giải quyết” trước đó là “tiêu thụ nội địa”. Có nghĩa là ai đã chót ăn thì cứ yên tâm, trừ việc ăn gỏi luôn.  

Xin nói thêm, trong hàng trăm lô hàng bị trả về, ngoài lỗi lẻ tẻ kiểu “đóng gói sai quy cách, nhãn mác, sai thông tin”… thì có tới 181 lô bị cảnh báo về chỉ tiêu kháng sinh cấm sử dụng, cảnh báo vi sinh và vân vân các cảnh báo khác…” 

* Các bình luận: 

– “Hay”. Người ta sợ không ăn, trả về thì mình… ăn, có chết ông… Tây bà… Đầm nào đâu mà lo(!)

– Ý ông ấy nói ở nước ngoài họ ăn tạp, ăn không có… luộc, ăn sống không hà, nên họ sợ vi sinh.

– Vi sinh nhỏ xíu xiu thì sợ gì ông cục trưởng cục c. (ý quên, cục Quản Lý…) ha. Mấy cha nội nước ngoài người thì bự mà sợ con chút xíu. Hèn quá(!)

– Bây giờ mới biết vì sao giá ở Việt Nam cao trên trời, chở đi chở về rồi… tiêu thụ trong nước biểu sao không cao. Chơi vậy “vui thật”, giải quyết việc làm cho ngành vận tải, bốc vác, hải quan,… 

* Hoang ngôn: Vì vậy, có những mẫu dù dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức tối đa cho phép và vi phạm quy định của Việt Nam nhưng cũng chưa đồng nghĩa với việc mất an toàn. Khi nào nó vượt ngưỡng hàng trăm lần, thậm chí 1.000 lần thì lúc ấy cơ quan quản lý nhà nước mới vào cuộc để truy xuất nguồn gốc, tiêu hủy” .

* Tác giả: Ông Nguyễn Xuân Hồng – cục trưởng cục Bảo vệ thực vật – Bộ NN-PTNT

* Nguồn: Báo Người Lao Động Online, ngày 24/06/2013 

* Tựa đề: Khoai tây độc: Phải chấp nhận!

* Trích đoạn nội dung:

* Phóng viên: Thưa ông, nếu vừa qua TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng không phát hiện được 26 tấn khoai tây Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt 16 lần ngưỡng cho phép thì người dân đã bị đầu độc?

– Ông Nguyễn Xuân Hồng: Trong trường hợp như thế thì bất cứ nước nào trên thế giới đều phải chấp nhận. Bởi vì không phát hiện ra thì thôi, cũng như nhiều trường hợp, đi khám mãi mà bác sĩ không phát hiện ra bệnh nhưng thực chất là đang mắc bệnh.

Hiện nay, trên thế giới cũng chỉ đến mức độ như thế thôi, kể cả các nước phát triển nhất họ cũng đang áp dụng những biện pháp như vậy. Bất cứ phương pháp kiểm tra gì trên thế giới cũng có độ rủi ro chứ không bao giờ được tuyệt đối 100%.

* Những nông sản có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của người tiêu dùng? 

      – Mức dư lượng tối đa cho phép là mức mà trong thương mại người ta đưa ra, nó rất an toàn. Đó là mức mà người ta thấy có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe để cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng có thông tin và bắt đầu tăng cường kiểm tra, đảm bảo các biện pháp an toàn; chứ không phải cứ vượt ngưỡng tối đa cho phép là mất an toàn. Ví dụ, người ta nói hằng ngày, 1 thanh niên 18 tuổi phải ăn 3.000 cây xà lách hoặc 1 cô gái phải ăn 354 quả táo. Khi các loại rau quả này có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, phải liên tục ăn như thế thì nó mới ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, có những mẫu dù dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức tối đa cho phép và vi phạm quy định của Việt Nam nhưng cũng chưa đồng nghĩa với việc mất an toàn. Khi nào nó vượt ngưỡng hàng trăm lần, thậm chí 1.000 lần thì lúc ấy cơ quan quản lý nhà nước mới vào cuộc để truy xuất nguồn gốc, tiêu hủy…”

* Các bình luận:

– Phải vượt ngưỡng hàng trăm, thậm chí 1000 lần mới mất an toàn nhé. Ôi! các ông “lo” cho dân chúng ghê, đặt ra cái ngưỡng tuyệt vời. Đừng lo bò trắng răng nghen bà con, ông”thiên tài” bảo thế.  

– Ông này phát biểu đúng sở trường. Ông là cục trưởng bảo vệ thực vật chứ có bảo vệ con người đâu(!)

– Chấp nhận, chấp nhận, phải chấp nhận… Không phát hiện thì cho chết dân cùng đinh.

– Thêm một ông cục trưởng cục c. nữa. 

– Nàng Bạch Tuyết cắn có miếng táo là lăn quay, xạo sự quá đi. Phải ăn 354 trái nhé, ăn liên tục gần một năm mới “rụng”.

– Ôi! Đà Lạt xứ sở của la ghim lại đầy rau củ Trung Quốc(?!)

* Hoang ngôn: Có những lô hàng phân bón, anh em phải thử nghiệm bằng miệng do không đủ thiết bị để kiểm tra”. 

* Tác giả: Ông Vũ Huy Hoàng – Bộ trưởng Bộ Công thương

* Nguồn: nongnghiep.vn, ngày 17/11/2014

* Tựa đề: Thử chất lượng phân bón bằng miệng!

* Trích đoạn nội dung:

“… Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn trước Quốc hội khóa XIII… 

… “Do dung lượng thị trường của chúng ta ngày càng phát triển mạnh. Độ mở của kinh tế cũng lớn. Giao thương hàng hóa tăng lên thì một số phần tử làm ăn không chính đáng đã đưa mặt hàng giả, kém chất lượng vào tiêu thụ. Về phương tiện, công cụ đấu tranh của lực lượng quản lý thị trường hiện nay của ta còn thiếu và yếu. Có những lô hàng phân bón, anh em phải thử nghiệm bằng miệng do không đủ thiết bị để kiểm tra. Nguyên nhân yếu kém khác là không loại trừ sự bao che của người thực thi công vụ. Khi chúng tôi phát hiện đều có xử lý đích đáng” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết. 

Chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng, ĐB Khá tiếp tục truy vấn: “Thưa Bộ trưởng, kiểm nghiệm phân bón thì dùng bằng miệng, thế kiểm nghiệm thuốc trừ sâu thì bằng gì? Đồng thời, với cách làm như hiện nay, liệu Việt Nam có trở thành bãi rác cho các DN nước ngoài làm ăn không?”. 

 Về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chia sẽ: “Kiểm tra chất lượng phân bón vô cơ, anh em phải dùng miệng nếm để xác định là một ví dụ trong rất nhiều mặt hàng khác. Để thấy rằng, trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra của chúng ta còn thiếu rất nhiều”. 

* Các bình luận:

– Phân bón có khi có phân bắc, là phân của người ta đó, ông có biết không mà để “lính” ông đến nổi này?

– Chắc ông cũng từng mếm thử phân nên giờ miệng ông phát ra toàn… phân. 

– Ô! miệng các ông có chức năng mới. Hèn gì miệng các ông ăn tạp.

– Thử thuốc trừ sâu… cũng bằng miệng cho thêm cái ống hút, xong đi súc ruột nếu gặp thuốc thật.

– Thiếu thiết bị, máy móc quá mà, phải đề xuất mua thôi, có cái để kê, để ăn chênh lệch rồi.  

* Hoang ngôn: “95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên được đánh giá có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định”

* Tác giả: Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng (VINASTAS)  

* Nguồn: nguoiduatin.vn, ngày 20/10/2016

* Tựa đề: Công bố nước mắm chứa thạch tín: ‘Bóp chết’ doanh nghiệp truyền thống

* Trích đoạn nội dung:

Trong công bố của Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng (VINASTAS) nhấn mạnh, những loại nước mắm có hàm lượng đạm cao thì đồng nghĩa với hàm lượng arsen cao. 

“95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên được đánh giá có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định”, Hội này cho biết… 

… Không dừng lại ở đó, dư luận lại đặt câu hỏi có hay không “cuộc chiến” giữa nước mắm công nghiệp và nước mắm truyền thống từ kết quả cuộc khảo sát này?  

Liên quan đến nghi vấn này, trong buổi công bố, ông Vương Ngọc Tuấn – Phó Tổng thư ký VINASTAS cho hay: “88 thương hiệu nước mắm, có tất cả các thương hiệu trên thị trường, có rất nhiều thương hiệu nổi tiếng. Mục đích của khảo sát lần này của chúng tôi là thông tin cho người tiêu dùng biết về thực trạng của nước mắm!”.   

Trao đổi với PV, ông Vương Ngọc Tuấn – Phó Tổng thư ký VINASTAS khẳng định: “Chúng tôi chưa công bố bất kỳ thông tin gì về danh sách tên các loại nước mắm vượt hàm lượng thạch tín cho phép. Việc công bố là trách nhiệm của Hội và sẽ thông báo công khai”. 

Trao đổi với báo chí, ông Trương Quang Hiến, Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phan Thiết cho rằng, cách công bố nước mắm nhiễm thạch tín (arsen) của VINASTAS là không chuẩn mực.  

Theo ông Hiến, arsen hữu cơ là bình thường, không gây hại cho sức khỏe, “Arsen có trong cơ thể của người, của động vật. Nó có lợi chứ không có hại!”, ông Hiến khẳng định… 

… Một số doanh nghiệp mắm cũng cho rằng, không nên lấy quy chuẩn của nước mắm công nghiệp chỉ 2 – 5 độ đạm để áp dụng đưa ra thông tin arsen cao trong các hãng nước mắm truyền thống từ 30 độ đạm trở lên được.   Việc VINASTAS đưa ra thông tin như thế có thể “bóp chết” ngành nước mắm cổ truyền cũng như có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. 

Với cách thông tin trên, một số chuyên gia cho rằng thiếu sự minh bạch vì không đưa ra nước mắm nhiễm arsen hữu cơ hay vô cơ…

… TS. Khải cho biết, từ năm 1952, ông đã từng đến những vùng chuyên làm mắm cá cơm.  

“Tận mắt tôi chứng kiến họ không cho phụ gia, vậy tại sao lại có thông tin arsen vô cơ là do phụ gia? Thực tế, trong tự nhiên luôn tồn tại arsen dưới nhiều dạng khác nhau, nếu cá chứa arsen và ở đâu ra thì cơ quan kiểm nghiệm phải chỉ ra được.

Cần phải nghiên cứu kỹ càng những cơ sở nào có nước mắm arsen cao hơn quy định và công bố công khai. Arsen do quá trình làm nước mắm tự sinh ra hay người làm cho phụ gia vào, cái này phải rõ ràng”, ông Khải dẫn chứng. “Tôi phản đối công bố này, công bố như vậy người làm nước mắm truyền thống bán cho ai? Đã là khoa học thì công bố phải cực kỳ khoa học”, TS. Khải bức xúc nói…”

* Các bình luận:

– Nên đổi tên thành Hiệp hội vô tiêu chuẩn và bức hại người tiêu dùng.

– Hiệp hội giết truyền thống, bơm cho công nghiệp sử dụng hóa chất rẻ, cùng chia chác mau làm giàu trên xương máu ung thư của người tiêu dùng.

– Ác, độc, đến nước mắm là món quốc hồn quốc túy mà họ cũng không tha. Dân chúng ăn cả ngàn đời nay có sao đâu mà cần thông tin thực trạng. Sao không thông tin thực trạng nước mắm công nghiệp có hóa chất gì để người ta biết?

– Công bố danh sách là giết ngay doanh nghiệp dù chưa chắc có độc hại. Nước mắm công nghiệp các ông quảng cáo “công không” (chia chác lợi nhuận chớ làm gì có chuyện công không, tính toán thối tha hết rồi) lên ngôi. Giữ thông tin thì tống tiền cũng ngon. Đường nào cũng lợi và lợi.  

* Hoang ngôn: “Thế tức là phải lăn ra chết thì mới xử lý! Ăn thực phẩm ít khi xảy ra trường hợp này, thế nên cũng không xử lý được!”  

* Tác giả: Ông Cao Đức Phát – bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

* Nguồn: Báo điện tử Lao Động, ngày 17/11/2015

* Tựa đề: Vi phạm về an toàn thực phẩm, “phải lăn ra chết thì mới xử lý”

* Trích đoạn nội dung:

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề an toàn về sinh thực phẩm sáng 17.11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNN) Cao Đức Phát thừa nhận, có tình trạng đưa chất cấm, chất độc hại vào sản xuất nuôi trồng. 

Bức xúc về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), đặt vấn đề, tại kỳ họp thứ 2 và kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề với Bộ trưởng về trách nhiệm của bộ trong việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc trừ sâu, sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến nông sản và chăn nuôi. Không đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời xử lý nghiêm tổ chức cá nhân sai phạm. Bộ trưởng đã hứa sớm khắc phục tình trạng này. “Qua thực tế cuộc sống hàng ngày và phản ánh của cử tri, tôi nhận thấy vấn đề này không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng về số lượng và mức độ nguy hiểm. Như thịt lợn thì chứa chất cấm, chuối ngâm ủ trong thùng hóa chất chứa thuốc trừ sâu, rau quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép”, ĐB Vinh nói.  

Theo đại biểu Vinh, có thể nói, con đường từ dạ dày tới nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế…

… Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết thêm, đã hỏi địa phương vì sao triển khai công việc chưa được như mong đợi, thì anh em nói nhiều lý do, trong đó có lý do nhân lực bộ máy, nhân sự…

… Hay Điều 244 quy định “nếu buôn bán thực phẩm độc hại mà gây thiệt hại tính mạng hoặc sức khỏe nghiêm trọng thì xử lý”. 

“Thế tức là phải lăn ra chết thì mới xử lý! Ăn thực phẩm ít khi xảy ra trường hợp này, thế nên cũng không xử lý được!” – Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết…”

* Các bình luận:

– Chả hiểu nổi, luật pháp gì quái đản mà cứ giữ khư khư, gây hao tốn không biết bao tiền của, gây băng hoại đạo đức từ tham lam muốn làm giàu nhanh chóng mà không bị xử lý. Biết vậy lại không yêu cầu sửa đổi sớm, đã chất vấn các kỳ trước rồi, nay mới “ca” khó, khó, khó… Có lợi ích nhóm của các ông chứ gì. 

– Người ta chết là hết đời, xử lý cho ai?

– Nhanh nhanh, tuyển thêm nhân lực nào, bộ máy còn “gọn” lắm, “chưa” có cồng kềnh chút nào (!)

– Đợi lăn quay nên mới vầy nè: “Con số trên được đưa ra tại Diễn đàn chính sách “An toàn thực phẩm ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp” do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức. Cụ thể trong năm 2015, toàn quốc ghi nhận 179 vụ ngộ độc thực phẩm với 5.552 người mắc, 23 trường hợp tử vong; Trong 6 tháng đầu năm, toàn quốc có 68 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.080 người mắc. Tính trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 150-200 vụ ngộ độc thực phẩm với 5.000-7.000 người là nạn nhân.” (Ngộ độc thực phẩm: Giật mình với những con số – Nguồn: BáoMới.com, ngày 22/09/2016). Và: “Như vậy số người chết do ung thư gây ra bởi thực phẩm bẩn là 94.700 x 35%= 33.145 người. So với con số tử vong do ngộ độc thực phẩm (21 người) thì quả thực là khủng khiếp.” (Con số khủng khiếp về ung thư có nguyên nhân từ thực phẩm bẩn – Nguồn: Báo Bình Định Online, ngày 13/04/2016). Những con số ông thấy có khủng khiếp không hỡi ông bộ trưởng? nhưng có lẽ ông đã chai sạn rồi.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây