Hoang Ngôn “để lại cho đời” (phần 7)

Trình Bút

5-12-2017

Mời đọc lại: Lời nói đầuPhần 1Phần 2Phần 3Phần 4  —  Phần 5Phần 6

Phần 7: Lĩnh vực y tế

* Hoang ngôn: “Bởi, thực tế có những vấn đề liên quan đến thuốc giả, thuốc thật mình mình không quản lý hết được. Thậm chí, có những hóa chất thế giới phát hiện ra mà chúng ta vẫn chưa phát hiện được”.

* Tác giả: Ông Hà Hào Hiệp – phó chánh thanh tra bộ Y Tế

* Nguồn: nguoiduatin.vn, ngày 11/09/2013

* Tựa đề: Phát ngôn gây sốc của Phó thanh tra Bộ Y Tế về thuốc giả

* Trích đoạn nội dung:

Trao đổi với Người đưa tin, ông Hà Hào Hiệp, Phó Chánh thanh tra bộ Y Tế cho biết: “Thanh tra Bộ đã nhận được thông tin về sự việc hai sản phụ bị liệt sau sinh mổ tại bệnh viện đa khoa Lục Yên và đã chỉ đạo vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em xác định nguyên nhân”.  

Bên cạnh đó, ông Hiệp cũng cho biết: “Chúng tôi cũng đã gửi công văn yêu cầu sở Y tế Yên Bái và bệnh viện Lục Yên báo cáo về sự việc trên. Tuy nhiên hai ca xảy ra này xảy ra cách nhau hơn 20 ngày nên cần xem xét kỹ lưỡng. Nếu hai ca xảy ra liền trong một ngày có thể nghi ngờ do lỗi của người thầy thuốc nhưng hai ca này lại xảy ra cách nhau khá lâu nên xác xuất đó rất khó nói…

… “Người thầy thuốc bao giờ cũng cố hết sức để bệnh nhân được an toàn, tuy nhiên cũng khó tránh khỏi những việc ngoài tầm kiểm soát. Ví dụ, thuốc men có vấn đề, hàng nghìn ống, biết đâu có một ống bị trục trặc. Hoặc tay chân mình gặp vấn đề, thậm chí bệnh nhân bị dị tật bẩm sinh, có tiền sử về thần kinh…”, ông Hiệp nhận định.  

Được biết, sự việc hai sản phụ bị liệt chân sau sinh mổ xảy ra tại Yên Bái không phải là trường hợp cá biệt. Theo thông tin PV báo Người đưa tin nắm bắt được, tại Hà Tĩnh cũng từng xảy ra những trường hợp tương tự. Dù xảy ra ở những địa phương khác nhau, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc sản phụ bị liệt đều bắt nguồn từ nguyên nhân, thuốc gây tê có vấn đề!? Lý giải cho băn khoăn này, Phó Chánh thanh tra bộ Y tế nhận định: “Hiện tại, chưa thể khẳng định được điều gì. Tuy nhiên, đúng như bạn nói, chúng ta cũng cần phải xem lại thông tin trên. Phải xem xét xem thuốc gây tê sử dụng là loại gì, kể cả 2-3 cơ sở sử dụng, nếu xảy ra vấn đề đều phải thanh kiểm tra. Đối với ngành y tế, khi chữa trị cho bệnh nhân, không bao giờ cho phép sử dụng một sản phẩm tồi. Do đó, khi xảy ra tai biến, chúng ta phải quay lại các quy trình, rà soát toàn bộ từ đó đưa ra so sánh. Bởi, thực tế có những vấn đề liên quan đến thuốc giả, thuốc thật mình không quản lý hết được. Thậm chí, có những hóa chất thế giới phát hiện ra mà chúng ta vẫn chưa phát hiện được”.  

Không ít người bệnh lo lắng, một số bệnh viện sử dụng thuốc gây tê giá rẻ có nguồn gốc không rõ ràng, hoặc nhập từ Trung Quốc!? Giải thích cho điều này, ông Hà Hào Hiệp tái khẳng định: “Tại những nơi xảy ra tai biến vừa qua, phải xem lại seri thuốc đó lấy ở đâu, nguồn gốc nhập thế nào, tại sao nhập. Không phải thuốc rẻ mà hiệu quả. Đấu thầu thuốc rẻ mà gây tai biến thì rất nghiêm trọng. Nói chung cần phải xem lại quy trình quản lý của mình, đừng tưởng cứ rẻ là ngon”. 

Trước thông tin PV cung cấp, tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cũng từng xảy ra những sự việc tương tự, Phó Chánh thanh tra bộ Y tế cho rằng: “Báo chí cứ tìm hiểu kỹ thông tin lại đi. Tôi cũng chưa nắm hết. Nếu đúng sẽ cử thanh tra để xác minh”…”

* Các bình luận:

– Có quản lý nổi đâu mà được với không.

– Có hóa chất nào nước ta phát hiện ra đâu mà nói chúng ta chưa phát hiện?

– Dân ngán hàng của Tung Quốc tới tận cổ, quan chức mê tít thò lò, lợi lộc đầy mình mà.

– Ông này được mỗi cái là dũng cảm nhận chưa quản lý được. Còn lại thì ông phát biểu… như bị thần kinh. Sự việc xảy ra liền nhau mới nghi ngờ tay nghề, cách 20 ngày thì… coi lại. Tay nghề có giỏi mà do thuốc thì có xảy liền ra nhau không hở ông? Bệnh nhân tới là cứ chích, cứ cho uống,… khỏi khám hay sao mà nói bệnh nhân bị dị tật bẩm sinh, có tiền sử về thần kinh? Xưa nay có thành ngữ: tiền nào của đó, người nghèo mới xài đồ rẻ, họa hoằng gặp được hàng tốt, chứ ai đời, đừng tưởng cứ rẻ mà ngon. Rồi xúi báo chí tìm hiểu thông tin do chưa nắm hết được, đúng thì cử thanh tra, vậy có các ông thanh tra để làm gì? ngành của các ông mà chẳng ngó ngàng đi xúi người khác. 

* Hoang ngôn: “Trong cuộc đời làm bác sỹ của tôi, số bệnh nhân chết trong khi tôi điều trị cũng phải đến… vài chục người”.

* Tác giả: Ông Đỗ Ngọc Vấn – phó giám đốc bệnh viện đa khoa Thanh Oai

* Nguồn: Báo Kiến Thức, ngày 10/12/2013

* Tựa đề: Top phát ngôn gây sốc của quan chức Việt Nam năm 2013

* Trích đoạn nội dung:

“… Cũng liên quan đến ngành y, mới đây, liên quan đến việc một bệnh nhân tử vong tại bệnh viện đa khoa Thanh Oai với nhiều nghi vấn, khi phóng viên làm việc với lãnh đạo cơ sở này, ông Đỗ Ngọc Vấn, Phó giám đốc hồn nhiên nói: “Trong cuộc đời làm bác sỹ của tôi, số bệnh nhân chết trong khi tôi điều trị cũng phải đến… vài chục người. Chẳng qua đây là người nhà bệnh nhân không hiểu nên mới nghi ngờ”. Một bác sĩ mà cho rằng trong nghề mình điều trị chết vài chục người là… bình thường thì người dân còn biết trông chờ việc bảo vệ sức khỏe ở đâu?…”

* Các bình luận:

– Ôi! tự hào quá (!) Bác sĩ… thần chết.

– Đừng tuyệt vọng bệnh nhân ơi đừng tuyệt vọng. Bác sỹ hồn nhiên, rồi bác sĩ sẽ “bình minh”. Bác sĩ sẽ đưa bệnh nhân thành – con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo…

– Nghi ngờ gì nữa, bác sĩ chữa bệnh… chết vài chục người chớ mấy.

– Hãy đến bệnh viện Thanh Oai, gặp bác sĩ “bình thường” Đỗ Ngọc Vấn nếu muốn ra… nghĩa địa sớm nhé. 

* Hoang ngôn: Tôi nghĩ rằng, bảo hiểm y tế dù tăng cũng chỉ bằng 2-3 bữa nhậu của người Việt Nam”

* Tác giả: Tiến sỹ Nguyễn Văn Tiên – phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội

* Nguồn: Giáo Dục VN, ngày 26/06/2016 

* Tựa đề:  Chuyện cái xe – cái miệng và … cái thằng

* Trích đoạn nội dung:

“… Còn một vị tiến sĩ – dân biểu, Phó Chủ nhiệm một Ủy ban của Quốc hội phát biểu:

“Tôi nghĩ rằng, bảo hiểm y tế dù tăng cũng chỉ bằng 2-3 bữa nhậu của người Việt Nam. Nếu chúng ta tiết kiệm hơn, tập trung cho vấn đề sức khỏe cũng sẽ không phải lo cuống cuồng chữa bệnh khi cần”.

Bữa nhậu bình dân, mèng ra cũng 200 – 300 nghìn đồng, tươi một tí thì tiền triệu, không biết ông tiến sĩ nọ định nói ‘bữa nhậu của người Việt’  là của “người Việt” nào?…”

* Các bình luận:

– Tiến sĩ này chắc đi nhậu suốt nên mở miệng ra là ví với nhậu.

– Ông này nói đúng, dân Việt Nam nhậu rẻ bèo, có bao nhiêu, chỉ có cán bộ như ông là nhậu sang, nhậu bạc triệu triệu.

– Tính mèng như ông nhà báo, 200 ngàn một bữa nhậu, 2, 3 bữa vị chi trung bình 500 ngàn, hơn 90 triệu dân x 500 ngàn, bằng một con số nhỏ quá ông tiến sĩ ha. BHYT gom tiền tăng dễ ợt. 

* Hoang ngôn: “Nước chúng ta nghèo nên chúng ta phải chịu, phải chấp nhận”.

* Tác giả: PGS.TS Đỗ Sỹ Hiển – giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về Sức khỏe cộng đồng

* Nguồn: Báo Đất Việt Online, ngày 24/07/2013

* Tựa đề: Nước ta nghèo nên dành cho trẻ vắc-xin cũ

* Trích đoạn nội dung:

“… PV: Trong vài năm trở lại đây, đã xảy ra rất nhiều vụ việc trẻ em tử vong sau khi tiêm vắc-xin, từ vắc-xin Quinvaxem, BDG đến vắc-xin viêm gan B khiến 3 trẻ tử vong vừa qua. Ông có nhận xét gì về vấn đề này?

PGS.TS Đỗ Sỹ Hiển: 

… Hiện nay chúng ta có 1 số loại vắc-xin đã cũ, là những vắc-xin tế bào, gây nhiều phản ứng hơn…

… Còn nói về vắc-xin Quinvaxem cần phải biết rằng, ngay cả bản thân nước sản xuất ra nó là Hàn Quốc, họ cũng không sử dụng loại vắc-xin này. Họ chỉ bán cho các nước khác, còn tại nước của họ, người dân sử dụng vắc-xin vô bào. Nước chúng ta nghèo nên chúng ta phải chịu, phải chấp nhận.   Tại sao khi xảy ra phản ứng sau khi tiêm vắc-xin Quinvaxem mà kết quả kiểm nghiệm vẫn an toàn? vắc-xin vẫn đủ tiêu chuẩn? Đó là vì áp dụng tiêu chuẩn của thế hệ cũ, đã từ lâu rồi, còn các tiêu chuẩn hiện nay thì khác…”

* Các bình luận:

– Họ sản xuất nhưng họ không xài thì mình… mua về mình xài.  

– Ai biểu nghèo chi ha, chết ráng chịu phải không ông? Cán bộ ta vì dân ghê gớm thật(!)

– Đổ lỗi cho nghèo. Tiến thuế, phí thu đủ, bảo hiểm y tế đóng dễ có sót, giá trên trời chứ đâu có thấp, tiền đi đâu về đâu? Vô túi riêng hết rồi.

– Tiêu chuẩn nay đã khác thì… mặc xác, ta vẫn sử dụng của thế hệ cũ, đã từ lâu. Chết cứ chết. 

Không chịu “thua” cấp dưới của mình, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, bộ trưởng bộ Y Tế cũng phát biều về vắc-xin. Và tiếp theo là hàng loạt hoang ngôn, tác giả duy nhất không ai khác chính là bà bộ trưởng.

* Hoang ngôn: “Lỗi của vắc-xin thì xử vắc-xin; lỗi do người tiêm, xử người tiêm; lỗi do kỹ thuật xử lý kỹ thuật”.  

* Nguồn: Báo Người Lao Động Online, ngày 24/07/2013

* Tựa đề: BT Y tế lý giải không thăm 3 trẻ tử vong

* Trích đoạn nội dung:

Dư luận đang dành sự quan tâm đặc biệt đến sự việc 3 trẻ sơ sinh tại Quảng Trị tử vong ngày 20-7 sau khi tiêm vắc xin viêm gan B.  

Ngày 21-7, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có chuyến công tác tại tỉnh Quảng Trị. Tại đây, báo chí đưa tin nữ Bộ trưởng tham dự lễ khởi công xây dựng nhà tháp chuông tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Gio Linh; thắp hương tại nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn… 

Mặc dù tham gia các sự kiện đó ngay tại tỉnh Quảng Trị, nhưng người đứng đầu ngành y tế lại không đến thăm hỏi và chia sẻ với các gia đình có con bị tử vong. Cũng tại đây, khi phóng viên đề nghị Bộ trưởng phát ngôn về việc 3 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc-xin Viêm gan B, bà đã từ chối trả lời với lý do đã có đoàn công tác của Bộ Y tế nắm bắt thông tin và trả lời báo chí.  

Đã có nhiều ý kiến trên báo chí cho rằng, nữ Bộ trưởng nên trực tiếp đến thăm hỏi các gia đình nạn nhân. Trong đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội ông Lê Như Tiến cũng cho rằng, bà Tiến nên đến thăm gia đình có con xấu số. 

Trao đổi với PV hôm nay (24-7), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, lý do đi công tác Quảng Trị để họp với UBND tỉnh Quảng Trị về nhiều nội dung công việc khác. Lịch trình, chuyến bay… đã được bố trí kín lịch. Do vậy, bà không thể bố trí thời gian đi thăm các gia đình có cháu bé bị tử vong…

… “Sẽ không có bao che, mà công khai, minh bạch nguyên nhân. Trách nhiệm của ai sẽ xử lý người đó. Lỗi của vắc-xin thì xử vắc-xin; lỗi do người tiêm, xử người tiêm; lỗi do kỹ thuật xử lý kỹ thuật..”, nữ Bộ trưởng nói…

* Các bình luận:

– Lỗi vắc-xin xử vắc-xin, đồng ý ngàn lần. Vắc-xin có tội đem… nhốt tù rục xương vắc-xin, tội nặng đem ra… xử trảm. 

– Lịch kín hết mà, làm gì còn phút giây nào cho các trẻ em chết tức tưởi. Với lại dự khai trương tưng bừng hơn. Thắp nhang cầu xin cho mình quan trọng hơn chứ.

– Không có hội nghị, chương trình gì quan trọng bằng sinh mạng con người. Ờ, mà bà có coi trọng đâu. Có lời khuyên cũng bò ngoài tai. 

– Khi có thảm họa xảy ra, thấy người đứng đầu chính phủ ngừng hết công việc dù là công việc quan trọng, để nhanh chóng đến với người dân, ấy dà đó là ở nước ngoài, quên mất. Ờ nước ta thì, cán bộ chắc nghĩ là… bình thường, cũng có thể là vô cảm. 

– Một người vô cảm thì không nên theo ngành y, càng không nên làm bộ trưởng y tế, bà nên từ chức. 

* Hoang ngôn hình thể:

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra một cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm tại quận 5 – TPHCM sáng 17-12. Nguồn: NLĐ

* Hoang ngôn: Đúng là quá bẩn, ăn chi toàn là đồ bẩn!.”

* Nguồn: Báo Người Lao Động Online, ngày 18/12/2011

* Tựa đề: Ăn chi toàn là đồ bẩn!

* Trích đoạn nội dung:

“Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thốt lên như vậy tại buổi triển khai công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn TPHCM, tổ chức tại UBND TP vào chiều 17-12

“100% mứt các loại ngâm chất tẩy trắng công nghiệp, gần 50% dụng cụ sản xuất bẩn, 50% nước uống đóng bình nhiễm vi sinh. Đúng là quá bẩn, ăn chi toàn là đồ bẩn!”. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhìn nhận thực tế bất cập này tại TPHCM…”

* Các bình luận:

– Tuyệt chiêu cùa bà bộ trưởng, kiểm tra thực phẩm bằng phương pháp… hít ngửi. 

– Từ nay gọi bà là bà bộ trưởng… khứu giác nhé.  

– Tại sao bà không hỏi, quá bẩn mà sao được bày bán? Cấp phép cho họ bày bán ở mặt tiền, ở cửa hàng, hàng thành phẩm chứ họ có trưng cơ sở sản xuất ra không mà dân biết bẩn? Dân được quyền vào kiểm tra à? Rồi có nghe thông báo thực phẩm bẩn không? hay cấu kết cho “chìm xuồng”, thực phẩm bẩn lại tuồng ra thị trường? 

* Hoang ngôn: “Bà bộ trưởng ký quyết định công bố 10 thành tựu tiêu biểu của ngành y tế năm 2012. Trong đó tăng giá một số dịch vụ y tế đứng hàng thứ 3. Đặc biệt, đứng đầu là thành tựu đã khống chế thành công bệnh “lạ” viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân, lần đầu xuất hiện ở Việt Nam tại huyện Ba Tơ, Quảng ngãi. Tuy nhiên chưa tìm ra nguyên nhân rõ ràng nhưng đã cho đã tìm ra”.

* Nguồn: Dân Việt, ngày 05/01/2013

* Tựa đề: Tăng giá viện phí là… thành tựu y tế

* Trích đoạn nội dung:

“Ngày 4.1, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký quyết định công bố 10 thành tựu tiêu biểu của ngành y tế năm 2012.

Theo đó, việc tăng giá một số dịch vụ y tế là một trong những thành tựu hàng đầu. Tiếp đó, dù “bệnh lạ” viêm dày sừng bàn chân, bàn tay ở Quảng Ngãi chưa tìm ra căn nguyên rõ ràng nhưng đã thành công trong việc khống chế…”

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thăm khám cho một bệnh nhân ở xã Ba Điền, Ba Tơ, Quảng ngãi. Nguồn: báo Kiến Thức

* Các bình luận:

– Chạy theo thành tích muôn năm (!)

– Một việc làm cực kỳ khó khi dân đang còn nghèo, mà thực hiện được thì tự phong thành tựu là phải rồi.

– Thành tựu của người ta là chữa được bệnh, của bà là tăng giá.

– Ôm cái “thành tựu” dân bệnh đã khổ nay càng nghèo thêm.

* Hoang ngôn: “Câu hỏi này cũng phải dành cho Nhà nước vì Bộ Y tế không thể xây nhà được và cũng không có tiền làm nhà, xây bệnh viện hay mua trang thiết bị“.

* Nguồn: Báo Người Lao Động, ngày 28/05/2013

* Tựa đề: Thiếu giường bệnh thì… phải hỏi Nhà nước!

* Trích đoạn nội dung:

Phóng viên: Tình trạng quá tải bệnh viện đã kéo dài nhiều năm nhưng việc khắc phục vẫn diễn ra rất chậm, 3-4 bệnh nhân vẫn phải nằm ghép giường?

– Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Ðể giảm tải cho các bệnh viện phải xây mới bệnh viện, phòng khám, trạm xá… nhưng mỗi công trình mất ít nhất 3 năm xây dựng. Từ năm 1975 đến nay, Hà Nội mới chỉ xây thêm Bệnh viện Thanh Nhàn và Phụ sản Hà Nội. Trong khi đó, dân số tăng gấp đôi. Số giường bệnh trên 1.000 dân của Việt Nam rất thấp, chỉ 22 giường.

Cử tri, đại biểu Quốc hội có thể tiếp tục chất vấn về vấn đề quá tải bệnh viện để Bộ Y tế đưa ra thời điểm cụ thể giải quyết vấn đề này. Bà sẽ trả lời như thế nào?

– Câu hỏi này cũng phải dành cho Nhà nước vì Bộ Y tế không thể xây nhà được và cũng không có tiền làm nhà, xây bệnh viện hay mua trang thiết bị. Chúng tôi rất chia sẻ với cử tri và cảm thấy đau xót vô cùng với những nỗi vất vả mà người dân phải chịu khi nằm ghép, chờ đợi lâu. Nhưng cái chính là đầu tư vì Nhà nước mình còn nghèo. Ðương nhiên, Nhà nước đã cố gắng nhưng không thể giải quyết một sớm một chiều…”

* Các bình luận:

– Đúng quá rồi, bộ Y Tế… có liên can gì tới xây dựng, mua giường đâu. Bộ Y tế không có quản trị hành chánh(?!)

– Ủa, vậy bà làm bộ trưởng để làm gì ta, bà không tham mưu cho nhà nước lại bắt hỏi là sao?

– Đẩy trách nhiệm qua nhà nước là xong.

– Viện phí thì cứ tăng, tiền đi đâu mà đụng tới là nước còn nghèo, không có tiền?  

* Hoang ngôn: “Nói một năm chết 70.000 người và phát hiện thêm 200.000 ca ung thư, nguyên nhân thực phẩm bẩn là không chính xác. Bộ Y tế đã mời chuyên gia trong và ngoài nước hội thảo và đã thông báo là hiện nay nguyên nhân gây ung thư hàng đầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính và mãn tính“.

* Nguồn: Báo điện tử VnExpress, ngày 20/4/2017

Tựa đề: Bộ trưởng Y tế: Ung thư nhiều không phải do thực phẩm bẩn

Trích đoạn nội dung:

Chiều 20/4, đoàn giám sát của Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016. Kết quả cho thấy tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm diễn ra nghiêm trọng ở một số địa phương. Đã có hơn 1.000 vụ ngộ độc với khoảng 30.400 người mắc, hơn 25.600 người phải nhập viện, trong đó 164 người chết.

“Bệnh ung thư mỗi năm làm khoảng 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới, trong đó có nguyên nhân thực phẩm không an toàn và còn 268 vụ không xác định được nguyên nhân gây ngộ độc (chiếm 26,6%)”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho hay.

Theo ông Dũng, kết quả kiểm nghiệm rau, quả tươi sống giai đoạn 2011-2016 cho thấy tỷ lệ tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép gần 8,5%. Trong hơn 54.700 hộ dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bị kiểm tra thì hơn 9.000 vụ vi phạm… 

… “Nói một năm chết 70.000 người và phát hiện thêm 200.000 ca ung thư, nguyên nhân thực phẩm bẩn là không chính xác. Bộ Y tế đã mời chuyên gia trong và ngoài nước hội thảo và đã thông báo là hiện nay nguyên nhân gây ung thư hàng đầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính và mãn tính. Ví dụ viêm gan B, viên gan C gây viêm gan mãn tính, ung thư gan”, bà Tiến nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng đồng tình với bà Tiến là ung thư không phải do thực phẩm bẩn mà là nhiều nguyên nhân khác”.  

* Các bình luận:

– Những con số kinh khủng và sự dửng dưng kinh khủng của cán bộ khi phát biểu.

– Vậy thực phẩm bẩn không gây ra nhiễm trùng hả thưa bà?

– ông Phan Xuân Dũng cho hay, nguyên nhân trong đó có thực phẩm không an toàn chứ có nói là nó gây ra hết đâu mà phải… cãi dùm cho thực phẩm bẩn hỡi bà Tiến, ông Định? 

– Ừ, “đúng lắm”. Không phải do bẩn mà do… quá bẩn.

– Trước nói ăn chi thực phẩm bẩn giờ nói nguyên nhân thực phẩm bẩn là không chính xác. Khuyến khích ăn chăng?   

* Hoang ngôn: “Tỷ lệ hài lòng của người bệnh đạt 80, có nơi 90, thậm chí 95%. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với ngành”.  

* Nguồn: Vietbao,vn, ngày 31/01/2017

* Tựa đề: ‘Cán bộ y tế chỉ có thể tồn tại khi người bệnh hài lòng’

* Trích đoạn nội dung:

Tối mùng 3 Tết, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến gửi thông điệp đầu xuân đến người dân cả nước trong chương trình thời sự lúc 19h trên VTV. Nữ Bộ trưởng cho biết qua các đánh giá của rất nhiều bệnh viện, tỷ lệ hài lòng của người bệnh đạt 80, có nơi 90, thậm chí 95%. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với ngành...”

* Các bình luận:

– Đầu năm biết bà con kiêng kỵ chửi, bà ta thoải mái ba hoa.

– Mèo khen mèo dài duôi.

– Lên Ti vi đầu năm, nổ như pháo bông cho nó oách là lách.

– Rất hài lòng, thưa bà, đây:

. Mới ngày nào: “… Tại phiên giải trình Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội chiều 17/4, khi nhắc tới tình trạng quá tải của bệnh viện tuyến trên, Bộ trưởng Tiến đã phải thốt lên: “Vào bệnh viện Ung bướu ở TP. HCM mà thấy không khác gì trại tị nạn, đến đêm vẫn không còn một chỗ trống, người nhà bệnh nhân không còn nơi để ngủ”.

Và với phát biểu trên của Bộ trưởng Tiến, có thể xếp gần như tất cả các bệnh viện tuyến trung ương đều là… trại tị nạn…” (Những phát ngôn ấn tượng của quan chức Việt – ĐS & PL, ngày 19/07/2013)

. Ba năm sau, tình trạng chẳng khá hơn, ngày càng tăng tình trạng xấu:

“… Tại Việt Nam, số trường hợp mắc ung thư tăng nhanh từ 68.000 ca vào năm 2000 lên 126.000 năm 2010 và dự kiến sẽ vượt qua 190.000 ca năm 2020. Mỗi năm có khoảng 115.000 người chết vì ung thư, tương đương 315 người/ngày…” (Bàng hoàng mỗi ngày có 315 người Việt chết vì các bệnh ung thư – Nguồn: nguoiduatin.vn, ngày 23/10/2016)

Bệnh nhân, người nhà nằm la liệt trên giường dưới đất. Nguồn: Báo TN, ngày 13/09/2016
Quá tải bệnh viện: Căn bệnh vẫn trầm kha! Nguồn: Nhà Báo & Công Luận, ngày 15/12/2016

. Và có lẽ nhờ có người đứng đầu ngành “tài giỏi” nên:

Nam bệnh nhân được yêu cầu… đặt thuốc vào âm đạo!

Trước đó, ngày 13-5 nam bệnh nhân này có đến Bệnh viện Đa khoa Gia Lai khám bệnh. Sau khi khám, bác sĩ kết luận bệnh nhân này bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, yêu cầu lấy thuốc về nhà điều trị. 

Dựa trên đơn thuốc đã được cấp, nam bệnh nhân này về nhà uống và tá hỏa khi phát hiện một trong bốn loại thuốc được chỉ định dành cho phụ nữ. 

Tại đơn thuốc do bác sĩ Đinh Hoàng Đức cấp có mục ghi “Clanzaer 200mg, sử dụng bằng cách đặt vào âm đạo, mỗi tối một viên…” (Nguồn: Tuổi Trẻ Online, ngày 17/05/2016)

Bệnh nhân đau chân trái, bác sĩ mổ nhầm chân phải

Anh Thảo 37 tuổi ở Ứng Hòa, Hà Nội, bị liệt thần kinh chày trước nên chân trái đi tập tễnh, bác sĩ Bệnh viện Việt Đức chỉ định mổ song phẫu thuật viên đã mổ nhầm chân phải. 

Anh Thảo được chỉ định mổ lấy cơ chày sau đưa lên cơ chày trước chân trái để hỗ trợ vận động. Với phẫu thuật này, bệnh nhân được gây tê tủy sống. Ca mổ diễn ra sáng 19/7. Phẫu thuật xong, bệnh nhân tỉnh và kiểm tra lại thì giật mình nhận ra đã bị mổ nhầm chân…” (Nguồn: Báo điện tử VnExpress, ngày 20/07/2016)

Nam bệnh nhân 60 tuổi được chẩn đoán ‘mang thai’

Ông Nam ở An Giang, đến bệnh viện làm xét nghiệm huyết học, sinh hóa và nước tiểu, sau đó nhận được kết quả chẩn đoán: “Theo dõi thai bình thường”.

Trao đổi với VnExpress.net, tiến sĩ, bác sĩ Lư Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hạnh Phúc ở Long Xuyên, tỉnh An Giang, xác nhận sự việc trả kết quả xét nghiệm “mang thai” cho nam bệnh nhân…” (Nguồn: Báo điện tử VnExpress, ngày 22/7/2016)

Tới đây thì đã quá dài cho những hoang ngôn của bà bộ trưởng bộ Y Tế, tuy bà còn rất nhiều hoang ngôn nữa, nếu biên chép hết có lẽ  dày thành một tập.

© Copyright Tiếng Dân và Trình Bút

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây