Hoang Ngôn “để lại cho đời” (phần 12)

Trình Bút

12-12-2017

Mời đọc lại: Lời nói đầu — Phần 1 — Phần 2 — Phần 3 — Phần 4 — Phần 5 — Phần 6 — Phần 7 — Phần 8 — Phần 9 — Phần 10Phần 11

Phần 12: Lĩnh vực thông tin, truyền thông, tuyên truyền

* Hoang ngôn: “VTC quyết tâm xây dựng mạng Go.vn là mạng xã hội có tên tuổi, thậm chí là số 1 Việt Nam”.

* Tác giả: Ông Lê Doãn Hợp – bộ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông

* Nguồn: báo VTC, ngày 20/05/2010

* Tựa đề: Tôi tin Go.vn sẽ là mạng xã hội số 1 Việt Nam

* Trích đoạn nội dung:

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Doãn Hợp về Mạng Việt Nam Go.vn, nhân ngày mạng xã hội giáo dục – giao tiếp – giải trí đầu tiên của người Việt và do người Việt làm chủ này chính thức ra mắt tại địa chỉ www.goonline.vn…

… VTC quyết tâm xây dựng mạng Go.vn là mạng xã hội có tên tuổi, thậm chí là số 1 Việt Nam. Đó thực sự là một quyết tâm cao, một hoài bão tốt, là quá trình phấn đấu rất dẻo dai. Tôi rất tin các đồng chí, tôi rất tin thế hệ trẻ.…”

* Hoang ngôn: “Hiện nay, số người dùng Facebook ở Việt Nam khoảng dưới 2 triệu người. Tôi nghĩ, nếu sau 6 tháng kể từ khi ra mắt, lượng người dùng của Go.vn không hơn được Facebook thì dự án này coi như thất bại”.

* Tác giả: Ông Nguyễn Lâm Thanh trợ lý tổng giám đốc VTC

* Nguồn: TTXVN – VietnamPlus, ngày 19/05/2010

Tựa đề: Mạng Việt Nam sẽ “lật đổ” Facebook trong 6 tháng?

Trích đoạn nội dung:

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Nguyễn Lâm Thanh, Trợ lý Tổng giám đốc VTC cho hay, Go.vn được kỳ vọng là mạng hàng đầu của Việt Nam về giáo dục, giải trí, giao tiếp trực tuyến…

… Thời điểm này, Facebook vẫn là mạng xã hội được nhiều người Việt Nam yêu thích, liệu đến bao giờ thì Go.vn có thể ngang bằng hoặc “lật đổ” sự “thống trị” này?

Ông Nguyễn Lâm Thanh: Ra mắt Go.vn, chúng tôi đặt mục tiêu đạt 5 triệu thành viên thường xuyên tham gia trong năm đầu tiên hoạt động (không kể số lượng thành viên đăng ký). Hiện nay, số người dùng Facebook ở Việt Nam khoảng dưới 2 triệu người. Tôi nghĩ, nếu sau 6 tháng kể từ khi ra mắt, lượng người dùng của Go.vn không hơn được Facebook thì dự án này coi như thất bại…”

* Các bình luận:

– Tuyên bố hùng hồn lắm, hùng hổ được ba bữa rồi không thấy bóng dáng đâu cả. Facebook vẫn chiếm lĩnh hoàn toàn.

– Lật đổ, nó không lật mà mình lật úp. Bao nhiêu năm không ngóc đầu lên được.

Không thất bại đâu, chỉ thất bại… nặng nề hoặc giả trá rằng chưa được thành công (!)

* Hoang ngôn: “Hôm nay có phóng viên báo đài tham dự, đề nghị đừng có đưa những điều vớ vẩn này lên”.

* Tác giả: Ông Lê Xuân Nghĩa – Phó chủ tịch ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia

* Nguồn: Báo Pháp Luật Việt Nam, ngày 10/1/2011

* Tựa đề: Khó nói và khó ứng xử

* Trích đoạn nội dung:

Tại Hội thảo về nợ công mới đây, ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đã dẫn ra những con số và đưa ra những cảnh báo về những nguy cơ làm tăng nợ công, trong đó có đề cập đến Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, ngay sau đó, ông Nghĩa lưu ý: “Hôm nay có phóng viên báo đài tham dự, đề nghị đừng có đưa những điều vớ vẩn này lên…”.

Mọi người bất ngờ và cười ồ với đề nghị rất “lạ” của vị Phó Chủ tịch Ủy ban. Sau đó, cũng không thấy có báo nào đưa thông tin đó lên thật…

* Các bình luận:

– Mời báo chí tới làm gì? làm màu hay cho có tụ để báo cáo? 

– Nguy cơ nợ công tăng là điều vớ vẩn? Vớ vẩn sao lại sợ đưa thông tin?

– Mời tới rồi rọ mõm. Báo chí nín luôn. Chắc cũng nghĩ là vớ vẩn?

* Hoang ngôn: “Trang tin xã hội nên được sử dụng để đăng tải thông tin tốt, tạo hiệu ứng lan truyền trong xã hội. Tuy nhiên, nếu sử dụng tùy tiện, dùng facebook nói xấu lẫn nhau, thậm chí nói xấu cả cô giáo, thầy giáo mình; làm việc sai trái…, nếu nhẹ sẽ bị xử phạt hành chính, nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

* Tác giả: Ông Nguyễn Bắc Son – Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền Thông

* Nguồn: Báo Thanh Niên, ngày 16/11/2015

* Tựa đề: Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: ‘Dùng facebook nói xấu nhau sẽ bị xử phạt’

* Trích đoạn nội dung:

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông, Chính phủ cũng dùng trang mạng trao đổi thông tin với người dân, do đó, với mỗi cá nhân, nếu dùng facebook chia sẻ tình cảm, giao lưu, tuyên truyền những thông tin tốt sẽ không có vấn đề gì. Tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng cũng đã quy định cụ thể về trách nhiệm của mỗi cá nhân khi sử dụng mạng xã hội, cũng như nội dung được thông tin. Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, “trang tin xã hội nên được sử dụng để đăng tải thông tin tốt, tạo hiệu ứng lan truyền trong xã hội. Tuy nhiên, nếu sử dụng tùy tiện, dùng facebook nói xấu lẫn nhau, thậm chí nói xấu cả cô giáo, thầy giáo mình; làm việc sai trái…, nếu nhẹ sẽ bị xử phạt hành chính, nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Đối với cán bộ, công nhân viên nhà nước, ngoài việc chấp hành và tuân thủ pháp luật như trên còn phải sử dụng đúng quy định, quy chế của từng cơ quan. “Đời sống trên mạng cũng như ngoài đời thường, động viên khích lệ thì tốt quá, nhưng giấu danh tính để nói xấu người khác thì không được”, Bộ trưởng Son bày tỏ quan điểm…”

* Các bình luận:

– Xã hội này toàn màu hồng, nói màu hồng thôi nhé, cấm có “bịa” ra nói xấu.

– Sao lại sợ nói xấu dữ vậy? Có phải có tật giật mình?

– Thầy cô giáo là thần thánh, không phải người phàm, không có cái xấu(?!)

– Cán bộ tham nhũng, lừa đảo, kẻ ăm trộm ăn cướp,… không phải là xấu đâu, cấm nói, nói bắt phạt à, bắt bỏ tù à.

* Hoang ngôn: “Đuổi nhà báo ngay, chúng tôi chả ngại gì. Đấy! Bởi vì trong quá trình (thanh tra) báo chí nó nhiễu thì rất là nhục…”[1]; “Hơn 20.000 nhà báo mà nó xâu xia vào thì không có lịch mà tiếp đâu nên tôi đề nghị trong quá trình đoàn thanh tra làm việc các đồng chí không tiếp”[2]

* Tác giả: Ông Nguyễn Minh Mẫn – Quyền Vụ trưởng vụ III – Thanh tra Chính phủ

* Nguồn: Báo Pháp Luật TPHCM, ngày 25/11/2016[1]; Báo điện tử Một Thế Giới, ngày 06/12/2016[2]

* Tựa đề: Vụ phó phụ trách Vụ III Nguyễn Minh Mẫn nói gì?[1]; Xấu xa phải đậy lại: Khi quan thanh tra ‘vẽ đường cho hươu chạy’[2]

* Trích đoạn nội dung:

“Chiều tối cùng ngày, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM qua điện thoại về các phát ngôn liên quan đến việc bưng bít thông tin đối với báo chí, ông Nguyễn Minh Mẫn, Quyền Vụ trưởng Vụ III, nói: “Tôi đang là trưởng đoàn thanh tra nên tôi không nói gì.

Tôi cũng không trả lời qua điện thoại. Tôi không biết anh có phải là nhà báo chân chính hay không. Anh gọi tôi giờ này là không còn giờ làm việc nhá, anh coi lại Luật Báo chí đi”. (PV gọi nhiều lần trong ngày nhưng máy ông Mẫn bận, đến 18 giờ 14 phút cùng ngày mới gọi được ông Mẫn.)

Ông Mẫn nói thêm: “Tổng Biên tập của báo Pháp Luật là cậu tôi đó. Anh muốn hỏi gì cứ hỏi tổng biên tập”. Khi PV giải thích là công tác ở Pháp Luật TP.HCM, ông Mẫn nói: “Vậy báo anh là cơ quan nào chủ quản?”.

PV trả lời là Sở Tư pháp TP.HCM, ông Mẫn nói tiếp: “Vậy anh cứ hỏi giám đốc Sở sẽ biết tôi là ai”. Khi PV muốn liên hệ gặp ông Mẫn tại cơ quan để phỏng vấn, ông Mẫn nói: “Tôi đang là trưởng đoàn thanh tra nên tôi không tiếp nhà báo. Còn các thông tin trên mạng là bịa đặt”…

… Còn lại tất cả, tôi đề nghị các đồng chí không tiếp… Bất kỳ đồng chí nào bị báo chí quấy nhiễu thì điện trực tiếp cho tôi.

Tôi nói thật, nhiều đồng chí bí thư, chủ tịch các tỉnh, bộ trưởng… đã điện trực tiếp cho tôi. Tôi đuổi, tôi sẵn sàng phối kết hợp đuổi, đuổi đấy. Đuổi nhà báo ngay, chúng tôi chả ngại gì. Đấy! Bởi vì trong quá trình (thanh tra) báo chí nó nhiễu thì rất là nhục…”…[1]

“… Nơi này từng có tiếng lùm xùm suốt 2 nhiệm kỳ trước, từ cái thời cựu Tổng TTCP Trần Văn Truyền qua đến thời ông Huỳnh Phong Tranh. Nay, với vụ việc ông Nguyễn Minh Mẫn, dư luận càng có thêm cơ sở khi tỏ ra bất bình trước việc cơ quan này đã bổ nhiệm khá nhiều người lên chức mà có dấu hiệu như “tranh thủ làm chuyến tầu vét”.

Cũng có thể người ta đã làm rất “đúng quy trình” trong việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ trước ngày nghỉ hưu, nhưng dư luận thì không khỏi bất bình trước những sự việc như vụ việc của ông Mẫn…

… Cổ nhân bảo “ếch chết tại miệng” quả không sai. Nhưng nếu ai biết kĩ hơn về ông Mẫn trước đây thì việc ông phát ngôn như vừa qua không phải là vô tình một lần mắc sơ sẩy khi báo chí tung ra cái clip ông quyền Vụ trưởng vụ Văn hóa Xã hội (Vụ 3) dẫn đầu Tổ công tác của TTCP vào làm việc tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Trong clip có đoạn người được cho là ông Mẫn nói: “Tôi nói rõ: bất kỳ đoàn viên đoàn thanh tra nào tiết lộ công trình này bị yếu kém hoặc là ăn bớt vật tư ra ngoài để báo chí biết thì người đó chịu trách nhiệm trước pháp luật… Xấu xa thì ta phải đậy lại, không có dại gì chúng ta đi vạch áo cho người xem lưng. Tôi nói thật với anh Đạt và các anh lãnh đạo, báo chí lúc này nhiều quá, hơn 20.000 nhà báo mà nó xâu xia vào thì không có lịch mà tiếp đâu nên tôi đề nghị trong quá trình đoàn thanh tra làm việc các đồng chí không tiếp, trừ báo Đảng vào tuyên truyền giúp đỡ nhà trường trong dịp tết…

… Tôi rất bất ngờ và thực sự bị “choáng” trước việc ông Mẫn mới đây đã thanh minh, giãi bày “gan ruột” mình khi bị dự luận soi. Ông nói: “Tôi là người chống tham nhũng mạnh nhất của ngành Thanh tra, liêm khiết nhất của ngành Thanh tra, chưa nhận cái kim sợi chỉ nào của ai…  ”[2]

* Các bình luận:

– Minh mẫn mà nào có minh mẫn. 

– Ông thanh… cha thiên hạ.

– Hết cục tới vụ. Vụ là vu… khống nặng… vụ.

– Một mình “nhà liêm khiết nhất ngành thanh tra” chống lại 20.000 nhà báo. Y như “một mình chống lại mafia” nhưng không phải là thanh tra thực thụ mà của nhà “xấu xa thì đậy nắp lại”.

* Hoang ngôn hình ảnh:

Ảnh cắt ra từ clip VTV [1]
Ảnh cắt ra từ clip VTV [2]
* Tác giả: Đài truyền hình Việt Nam

* Nguồn: Báo Thanh Niên, ngày 11/05/2016[1]; Kiến Thức, ngày 25/07/2016[2]

* Tựa đề: Phóng viên VTV ‘dàn dựng một số cảnh’ trong phóng sự Cây chổi quét rau[1]; Động cơ của NB Lê Bình khi làm Ký sự Syria là gì?[2]

* Trích đoạn nội dung:

“Hôm nay 11.5, clip phóng viên VTV xin bà con nông dân “thông cảm” về “tai nạn” trong phóng sự dùng chổi quét rau giả sâu (phát sóng trong chương trình Cà phê sáng vào lúc 7 giờ 30 ngày 4.5 trên kênh VTV3) lan truyền trên các trang mạng xã hội. Trong đó, người dân phản ứng gay gắt về việc phóng viên của VTV đã dàn dựng, không phản ánh đúng sự thật, gây ảnh hưởng đến việc sản xuất, trồng rau…

… Công văn của VTV có đoạn: “Chúng tôi nhận thấy, phóng viên Phạm Thị Phương đã tự tìm hiểu đề tài bằng quan sát cá nhân thiếu sự kiểm chứng, vi phạm quy trình tác nghiệp báo chí, phản ánh không trung thực sự việc và có dàn dựng một số cảnh quay trong phóng sự. VTV cho rằng, đây là lỗi vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề báo. Về phía lãnh đạo ban biên tập, VTV nhận lỗi sơ suất trong khâu kiểm duyệt nội dung trước khi lên sóng”…”[1]

“Sau khi Ký sự Syria: “Góc nhìn từ phía trong cuộc chiến” do nhà báo Lê Bình cùng ekip quay phim Ngọc Phức và hai phóng viên Vân Anh, Phương My thực hiện được phát trên Chuyển động 24h, Trung tâm Tin tức VTV24, khán giả truyền hình, cư dân mạng Việt đã liên tục có những nhận xét, bình luận về nội dung của tác phẩm này…

… Khán giả Trần Hoàng Kim bình luận tại kênh VTV24 trên Youtube như sau: “Cách làm hay, dũng cảm nhưng nhìn kĩ so sánh với các phóng viên chiến trường khác thấy sao sao ấy. Nơi nguy hiểm bậc nhất mà ăn mặc như đi du lịch. Cảm xúc cá nhân của người làm chương trình quá nhiều”. Ngoài cách ăn mặc tựa như “đi du lịch” thì việc liên tục xuất hiện với bộ dạng dưng dưng nước mắt, thở gấp gáp, liên tục mô tả nỗi sợ hãi của mình bằng lời nói… của nhà báo Lê Bình khiến một bộ phận khán giả cảm nhận rằng cô như đang “diễn” và tìm cách truyền nhiều cảm xúc hơn tới người xem…

… Khán giả có nickname Ba Duy đã mổ xẻ rất kỹ vấn đề này như sau: “Bộ phim tài liệu lẽ ra phải là câu chuyện về một quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh, nhưng đã biến thành một câu chuyện về chuyến đi khám phá của Lê Bình… Lẽ ra Lê Bình phải chìm đi, chỉ xuất hiện vào những thời điểm thực sự cần thiết với vai trò người dẫn chuyện, thì chị ta lại xuất hiện liên tục từ đầu đến cuối, chiếm hết sự chú ý dành cho những nạn nhân thực sự”.

Khán giả này còn chỉ ra rất nhiều đoạn hình ảnh mà bản thân anh nghi là có sự sắp đặt, dàn dựng: “Có nhiều cảnh nhìn qua là biết dàn dựng, ví dụ cảnh mic có logo VTV đầu phim, cảnh Lê Bình chạy trong hầm, nhìn anh lính Syria lom khom bên cạnh tủm tỉm cười là biết chẳng có địch gì. Thêm một điểm trừ nữa…”.

Nói về ký sự chiến tranh vừa rồi, nhà báo Lê Bình đã nhấn mạnh rằng cô cùng ekip đã “3 lần thoát chết” để có được những thước phim, hình ảnh chân thực nhất. Nhưng khi xem hết toàn bộ ký sự, phần đông khán giả đều cảm nhận “3 lần thoát chết” này không thuyết phục và “chưa chắc đã là thật”. Độc giả Kim Yến bình luận trên báo mạng Zing như sau: “Cảm giác như là diễn sâu thôi. Phóng viên chiến trường thực sự không có nhởn nhơ thế này. Hôm qua xem phim thấy không thuyết phục. Phóng viên Duy Nghĩa làm phóng sự chiến tranh ở Ukraine chuyên nghiệp, rất tốt. Lê Bình làm như thể cưỡi ngựa xem hoa vậy”.

Chỉ ra vô số “sạn” trong ký sự kỳ công vừa qua của Lê Bình và ekip VTV24, sau cùng, khán giả truyền hình còn thắc mắc rằng “Liệu động cơ thực sự của nhà báo Lê Bình khi thực hiện ký sự này là gì?”, khi mà dựa vào những hình ảnh phát trên TV, dường như nhà báo này đã cố gắng biến mình trở thành tâm điểm? Hay như độc giả Ba Duy phân tích: “Lê Bình không nên khóc trong phim và nếu cho vào thì phải với thời lượng hợp lý, chứ không thể dùng như điểm nhấn của phim thế được. Cô là phóng viên, nhiệm vụ củacô là phản ánh một cách trung thực, công bằng, không cảm tính, chứ không phải là diễn viên. Không biết có phóng viên Tây nào biến mình thành tâm điểm của một phim tài liệu dài 30 phút với những cảnh khóc lóc hài hước như thế chưa?”…”

* Các bình luận:

– Dối trá quen rồi, gọi là có hệ thống.

– Hại tới cả người dân chân lấm tay bùn, vô lương tâm hết chỗ nói.

– Tất cả vì sự nghiệp… diễn.

– Động cơ hả? là tự lăng xê, lăng xê nhau, lăng xê cho “nước mắt cá sấu”(!)

– Lợi dụng cả nỗi đau chiến tranh.

* Hoang ngôn hình ảnh:

Nguồn: báo NLĐ

* Tác giả: Tập thể phóng viên xu nịnh

* Nguồn: Báo Người Lao Động, ngày 06/03/2016

* Tựa đề: Bí thư Đinh La Thăng cùng vớt rác với thanh niên

* Các bình luận:

– Người ta gọi đám “nâng bi” quả không sai.

– Hết mình “vì nghề nghiệp”.

– Kẹt, xe, ngập nước, cháy nhà,… có thấy cảnh phóng viên ùn ùn kéo tới, chen lấn, bất cần thân thể như thế này đâu.

– Còn được bao nhiêu nhà báo có tâm?

* Hoang ngôn hình thể:

* Tác giả: Dư Luận Viên – những “đứa con” của ban Tuyên Giáo

* Nguồn: Ảnh internet; báo Lao Động, ngày 09/01/2013

* Tựa đề: Tổ chức nhóm chuyên gia bút chiến trên internet

* Trích đoạn nội dung:

Về các biện pháp tuyên giáo – theo ông Lợi, thành phố đã tổ chức đội ngũ 900 dư luận viên trên toàn thành phố nhằm phát huy sức mạnh của đội ngũ tuyên truyền miệng. Trong khi đó, báo chí thủ đô thực hiện ý kiến chỉ đạo về những vụ việc nhạy cảm; thành lập các tổ phóng viên bấm nút, phản ứng nhanh. Tổ chức “nhóm chuyên gia” đấu tranh trực diện trên mạng Internet, tham gia bút chiến trên Internet. Đến nay, đã xây dựng được 19 trang tin điện tử, hơn 400 tài khoản trên mạng…”

Nhóm “chuyên gia” này được gọi là dư luận viên.

* Các bình luận:

– Nhóm “chuyên gia” mất dạy.

– Nhóm hồng vệ binh, bò đỏ.

– Nhóm “chuyên gia” nói càn, lý sự cùn, nhai đi nhai lại một vài câu được nhồi vào đầu, ngoài ra chẳng hiểu biết gì.

* Hoang ngôn: Tình hình lộ lọt bí mật của Nhà nước trên mạng internet xảy ra nghiêm trọng”.

* Tác giả: Ông Tô Lâm – Bộ trưởng bộ Công An

* Nguồn: Trang thông tin điện tử Nghệ An 24h, ngày 28/10/2016

* Tựa đề: Lộ bí mật nhà nước trên internet nghiêm trọng

* Trích đoạn nội dung:

“… ‘Các thế lực bên ngoài  và số đối tượng chống đối chính trị trong nước tiếp tục liên kết trong ngoài tăng cường lôi kéo kích động, tập trung đông người, gây rối an ninh trật tự’ – Bộ trưởng cho biết.

Tình hình lộ lọt bí mật của Nhà nước trên mạng internet xảy ra nghiêm trọng...”

* Các bình luận:

– Internet có “tội” rồi. Mở đường để cấm tiệt nó thôi (?!)

– Bí mật nhà nước ai giữ? Internet giữ à? nó giữ nó mới làm lộ chứ nếu có cán bộ giữ thì làm sao lộ được phải không? hay ý ông cán bộ giữ phản bội nhiều quá?

– Nội bộ các ông tung ra chớ ai rồi đổ thừa internet. Nhân dân quản bí mật nhà nước chắc. 

– Nhà nước này mà tốt đẹp, người ta cất công chống đối làm gì cho cực.

* Hoang ngôn: “Nguyên nhân cá chết còn liên quan đến thủ phạm gây ra nguyên nhân đó”

* Tác giả: Ông Trương Minh Tuấn – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

* Nguồn: Giáo dục và Thời đại, ngày 02/06/2016

* Tựa đề: Nguyên nhân cá chết liên quan đến thủ phạm gây ra nguyên nhân đó

* Trích đoạn nội dung:

Ngọc Hà (Ban Thời sự VTV): Xin Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết những diễn biến đến thời điểm này liên quan đến vụ cá chết ở miền Trung vì trước đó Bộ trưởng có nói rằng khi nào có kết luận Bộ trưởng sẽ thông tin?… 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn: Như Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã nói, chúng ta đã xác định được nguyên nhân, các nhà khoa học đã rất nỗ lực tìm nguyên nhân. 

Tuy nhiên việc điều tra nguyên nhân cá chết là nhiệm vụ của tập thể nhiều nhà khoa học từ nhiều cơ quan trong và ngoài nước nên cũng đang có những ý kiến khác nhau cần phản biện một cách rốt ráo mới đủ cơ sở khoa học để kết luận một cách chính thức. Bất cứ một sơ suất nào trong kết luận khoa học về nguyên nhân cũng có thể sẽ dẫn đến sai lầm trong khắc phục hậu quả.  

Nguyên nhân cá chết còn liên quan đến thủ phạm gây ra nguyên nhân đó. Việc xác định thủ phạm không chỉ bằng những bằng chứng khoa học mà còn phải điều tra đầy đủ các bằng chứng vi phạm pháp luật, nhất là pháp luật về môi trường…”

* Các bình luận:

– Không biết ông nói ông có hiểu gì không? chứ ai mà hiều nổi.

– Xác định được nguyên nhân thì nói nguyên nhân. Thủ phạm liên quan  nguyên nhân thì tìm thủ phạm. Thủ phạm lại không liên quan à? Nói lòng vòng cho hết thì giờ.

– Nguyên nhân cá chết do thủy triều đỏ, thủ phạm liên quan nguyên nhân là… ông Trời. Đang đi tìm… ông Trời để bắt đền đó mà.

– Có lẽ là xác định được độc tố gây cá chết, nhưng thủ phạm, liên quan là tập đoàn Formosa nên không dám tuyên bố đó thôi. Nên lòng vòng câu giờ.

* Hoang ngôn: “Không có thông tin đó. Việc trong thông báo của công an huyện Si Ma Cai có thông tin như vậy là do lỗi đánh máy, lỗi kỹ thuật”.

* Tác giả: Ông Lê Duy Chính phó trưởng Công an huyện Si Ma Cai

* Nguồn: Báo Đất Việt Online, ngày 11/08/2016

* Tựa đề: Văn bản sốc bắt cóc lấy nội tạng: Ai đánh máy?

* Trích đoạn nội dung:

Từ chiều 10/8, dư luận sôi sục thông báo của Công an huyện Si Ma Cai, Lào Cai khuyến cáo người dân cảnh giác với tình trạng bắt cóc người mổ lấy nội tạng.

Tuy nhiên chiều ngày 11/8, trao đổi báo Đất Việt, Thượng tá Lê Duy Chính, Phó trưởng Công an huyện Si Ma Cai tái khẳng định: “Không có thông tin đó. Việc trong thông báo của công an huyện Si Ma Cai có thông tin như vậy là do lỗi đánh máy, lỗi kỹ thuật”.

“Thứ nhất, tôi không ký duyệt cái thông báo này, hai là lúc lãnh đạo xem cũng không xem kỹ. Việc này là do nhân viên lúc làm cắt ghép. Tức là trong nội dung nêu với vùng giáp biên tình trạng buôn bán phụ nữ trẻ em phải phòng ngừa… thì làm lại sai lệch giữa số liệu ghi trong văn bản khác, kiểu người ta sửa nhưng không hết ấy. Nó là lỗi kỹ thuật thôi “- Thượng tá Chính nói…

… Như thông tin trước đó, Thông báo số 487 ngày 2/8 của Công an huyện Si Ma Cai gửi công an các xã, các trường học trên địa bàn huyện Si Ma Cai nêu: Tại địa phận giáp ranh Việt Nam – Trung Quốc, tỉnh Hà Giang trong 6 tháng đầu năm 2016 xảy ra 16 vụ/16 nạn nhân bị bắt cóc, mổ lấy nội tạng...”

Hình ảnh:

* Các bình luận:

– Lỗi đánh mày, lỗi kỹ thuật? dễ đổ quá,các ông xem dân chúng là con nít hết rồi.

– Chữ ký ông phó khác mà, có ai nói ông ký đâu.

– Nhân viên cắt ghép thế nào, sao không nói? không trưng cái thông báo  1177/CAT-PV11 của Công an tỉnh Lào Cai ra để đối chiếu?

– Giả dụ có cắt ghép đi, nó rành rành đó, liếc sơ cũng thấy, chỉ có nhắm mắt ký, hoặc xỉn quắc cần câu ký mới không thấy. Nó ghép bậy bạ gì cũng ký tất. 

Thành ngữ hàm tiếu: Lỗi tại đánh máy. Lỗi tại thằng đánh máy. Lỗi tại thằng kỹ thuật. 

Hoang ngôn hình ảnh:

Các pa nô cổ động đầy rẫy lớn như những bảng quảng cáo ngoài trời
Cổng chào to bự ở khắp nơi nơi
Đoàn xe hoa cổ động mỗi khi có dịp lễ
Nơi “thâm sâu cùng cốc” cũng có đoàn xe hoa cổ động

Hoa ở khắp chốn khán phòng
Tập dợt chuẩn bị diễu hành ngày lễ 30/4/2015
Diễu hành ngày lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng

* Tác giả: Đảng và nhà nước Việt Nam

* Nguồn: Ảnh trên internet

* Các bình luận:

– Phủ một lớp sơn lên khúc gỗ đã mục ruỗng để lòe bịp, mị dân.

– Đâu đâu cũng to bự, hoành tráng, khẩu hiệu với khẩu hiệu, nhưng chẳng ai thèm nghía nửa con mắt, chẳng ai thèm đoái hoài.

– Màu sắc, hoa hòe hoa sói diêm dúa không thể tả, lòe loẹt, còn hơn phường chèo, cải lương.

– Những chiếc xe “gió tóc váy bà lên”.

– À, hình ảnh Bà Trưng ngồi trên con voi giả mà bên dưới là… cái thùng rác với bốn bánh xe đây mà. Dân chúng lên án, ê mặt quá nên dẹp luôn.

– Đốn rừng, diệt tàn voi nên bây giờ Bà Trưng phải ngồi “voi xe” diễu hành.

– Nhìn lại những hình ảnh cách đây hơn nửa thế kỷ, thời công nghệ chưa tiến bộ của Việt Nam cộng hòa, so sánh mà cảm thấy nhục nhã, xấu hổ cho thời hiện đại ngày nay. Đúng là trình độ thẩm mỹ rừng rú, từ hang Pắc Bó ra có khác trình độ có hiểu biết, học hành bài bản.

Diễu hành ngày lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng

Ảnh trên internet

Hoang ngôn hình ảnh:

* Tác giả: Ban Tuyên giáo VN

* Nguồn: Ảnh trên Internet chụp lại trang bìa báo Pháp Luật TPHCM, ngày 04/08/2010

* Các bình luận:

 – Không chối cãi gì nữa nhé.

– Ban miệng lưỡi không cương, lẻo lự.

– Rất lẻo lự, nên không dễ họ chịu đâu, sẽ cãi chày cãi cối. Như sau đó, trên báo Online đã được chỉ thị sửa thêm một chữ thành: Làm tuyên giáo phải biết nghe nói xuôi lẫn nói ngược. Chuyện báo chí bị ban Tuyên giáo kiểm duyệt, chỉ thị thì khỏi phải bàn. Họ muốn cho đăng thì đăng, không cho thì thôi nhé, đăng rồi thì hạ xuống là hà rầm, thường gặp lỗi 404 đó thôi. Mới đây nhất là tờ Thanh Niên Online phải rút bài ‘Trung Quốc lại kéo giàn khoan Hải Dương-981 xuống biển đông’, khi xuất hiện chưa đầy hai tiếng đồng hồ theo lệnh của những kẻ hèn nhát nhưng rất tàn độc với dân, với nước. 

Có người nhanh tay kịp chụp lại màn hình. Ảnh: internet

© Copyright Tiếng Dân và Trình Bút

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây