Trình Bút
13-12-2017
Mời đọc lại: Lời nói đầu — Phần 1 — Phần 2 — Phần 3 — Phần 4 — Phần 5 — Phần 6 — Phần 7 — Phần 8 — Phần 9 — Phần 10 — Phần 11 và Phần 12
13. Lĩnh vực bầu cử, quan quyền, dân quyền
* Hoang ngôn: “Đây là việc vô cùng mới mẻ, nếu chúng ta làm được thì đây là mô hình đánh giá cán bộ rất hiếm có trên thế giới”.
* Tác giả: Ông Phạm Quang Nghị – Đại biểu Quốc hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội
* Nguồn: Báo Thanh Niên, ngày 30/10/2012
* Tựa đề: Bỏ phiếu tín nhiệm chức danh chủ chốt
* Trích đoạn nội dung:
“Đây là việc vô cùng mới mẻ, nếu chúng ta làm được thì đây là mô hình đánh giá cán bộ rất hiếm có trên thế giới. Nhiều nước cũng có biện pháp đánh giá sự tín nhiệm đối với chính phủ và người đứng đầu chính phủ, nhưng đánh giá tất cả thành viên chính phủ, đánh giá cả chủ tịch nước, phó chủ tịch, phó chủ tịch quốc hội và tất cả người đứng đầu cơ quan lập pháp thì phải nói là trên thế giới chưa hề có“.
* Các bình luận:
– Hiếm như thú quý hiếm.
– Rảnh rang quá không biết làm gì, bày trò cho hết ngày. Bày trò không giống ai.
– Lại tốn thêm tiền thuế của dân.
– Bỏ phiếu rình rập từ trong hốc, trong kẽ. Nhưng thực chất là làm loãng ra, không tập trung vào đầu não.
– Bỏ phiếu cả “làng” để huề cả “làng” ấy mà.
* Hoang ngôn: “QH lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.
* Tác giả: Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam
* Nguồn: Báo Người Lao Động, ngày 28/11/2014
Tựa đề: Vẫn giữ 3 mức tín nhiệm
Trích đoạn nội dung:
“Chiều 28-11, trước khi họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) đã biểu quyết thông qua 4 nghị quyết quan trọng. Trong đó, Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm…
… Do đó, UBTVQH đề nghị QH cho giữ quy định về 3 mức độ tín nhiệm như đã thể hiện trong dự thảo Nghị quyết theo đúng tinh thần Kết luận tại Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ 9 (khóa XI). Cụ thể: QH lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. ”
* Các bình luận:
– Cuối cùng thấp cũng như nhau, cũng tại vị chứ đâu có gì khác. Thấp cao để hỉnh lỗ mũi hoặc che mặt nhưng chuyện này hiếm, làm gì còn biết xấu hổ mà che.
– Tiếp tục có hàng hiếm như thú quý hiếm, lưu vào sách đỏ.
– Yêu nhau nhiều, yêu vừa, yêu ít chứ làm gì có không yêu.
* Hoang ngôn: “Những điều này không chỉ đảm bảo cho người dân được hiện quyền bầu cử của mình lựa chọn những người có đủ tài năng, phẩm chất, đạo đức đại diện cho mình tại cơ quan quyền lực nhà nước mà còn tạo cơ sở cho cuộc bầu cử diễn ra công bằng, công khai, minh bạch, bảo đảm thực chất”.
* Tác giả: Ông Nguyễn Hạnh Phúc – Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia
* Nguồn: VnMedia, ngày 23/05/2016
* Tựa đề: Những con số ấn tượng về kết quả bầu cử
* Trích đoạn nội dung:
“Nhìn chung tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu rất cao (trên 90%). Trong đó, hai tỉnh đạt cao nhất là Thừa Thiên Huế và Yên Bái đạt 99,99%: Lai Châu- 99,96%; Hậu Giang- 99,95%; Bắc Ninh- 99,91%; Đắk Lắk- 99,90%; Lạng Sơn- 99,84%; Ninh Thuân- 99,80%; Tiền Giang- 99,76%; Phú Yên- 99,73%; Tuyên Quang- 99,74%; Sóc Trăng- 99,69%; Khánh Hòa- 99,67%; Quảng Ninh- 99,66%; Cao Bằng- 99,65%; Thái Nguyên và Đắk Nông- 99,60%; Phú Thọ 99,57%; Vĩnh Long- 99,53%; Thanh Hóa- 99,52%; Quảng Trị và Nam Định 99,50%… Hầu hết cả Tổ bầu cử đều tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu đúng theo giờ quy đinh…
… “Những điều này không chỉ đảm bảo cho người dân được hiện quyền bầu cử của mình lựa chọn những người có đủ tài năng, phẩm chất, đạo đức đại diện cho mình tại cơ quan quyền lực nhà nước mà còn tạo cơ sở cho cuộc bầu cử diễn ra công bằng, công khai, minh bạch, bảo đảm thực chất” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nói“.
* Các bình luận:
– Lúc nào cũng có những con số “mỹ miều”, gần 100%.
– Một người nhà cầm toàn bộ phiếu bầu cho cả nhà, chả ai nói gì. Bầu dùm bạn bè, người thân cũng chả sao. Có bao nhiêu người thực lòng đi bầu.
– Bầu với bì. Một trò hề không hơn không kém. Đảng cử thì cử luôn, kêu dân đi bầu lòe bịp dân mãi.
– Dân bầu sao còn hiệp thương? Hiệp thương coi như xong thì bầu làm gì?
– Đảng cử, hiệp thương, đã sắp đặt sẵn hết rồi. Hãy xem tin tức từ các báo:
. Báo điện tử Soha, ngày 28/03/2016: Quốc hội sẽ miễn nhiệm Chủ tịch nước và Chủ tịch QH như thế nào?
“Ngày 30/3, Quốc hội sẽ miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia và sau khi bầu Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội sẽ miễn nhiệm Chủ tịch nước vào ngày 31/3… ”
Ngày 31/03/2016, báo điện tử VnExpress: Quốc hội bầu lãnh đạo mới, miễn nhiệm Chủ tịch nước
“Người kế nhiệm Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng sẽ tuyên thệ nhậm chức sáng nay nếu được đại biểu bỏ phiếu tán thành. Cùng ngày, Quốc hội bắt đầu quy trình miễn nhiệm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. … Đến nay, người duy nhất trong danh sách kế nhiệm ông Nguyễn Sinh Hùng là Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (62 tuổi). Nếu trúng cử, bà Ngân sẽ là nữ Chủ tịch đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam… “
Và do là… ứng cử viên duy nhất nên: Bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội – tin cũng từ báo điện tử VnExpress cùng ngày.
Ngày 02/04/2016, báo Lao Động: Tân Chủ tịch nước Trần Đại Qung tuyên thệ như thế nào trước Quốc hội
“Sáng 2. 4, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu ông Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước với tỉ lệ tán thành 93,12%… “
Báo Người Lao Động, ngày 06/04/2016: Chủ tịch nước đề nghị QH miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
“Cũng trong chiều 6-4, Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ trình danh sách đề cử nhân sự để QH bầu Thủ tướng Chính phủ mới. Người được giới thiệu vào chức vụ Thủ tướng Chính phủ kế nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc… ”
Báo Đất Việt, ngày 07/04/2016: Ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Thủ tướng.
Ngày 9/4/2016, báo điện tử VnExpress: Danh sách 27 thành viên Chính phủ
“Sáng 9/4, bộ máy Chính phủ mới ra mắt với 3 bộ trưởng, 2 phó thủ tướng tại vị, 22 vị trí còn lại đều là những người mới. Chính phủ hiện có duy nhất một thành viên nữ là Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến“.
Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13 đã bầu ban lãnh đạo mới. Một vài vị trí cũ tái nhiệm. Hầu hết duy nhất là một ứng viên và được bầu. Không ứng viên nào bị trượt. Bế mạc kỳ họp lần thứ 11, Quốc hội khóa 13, không lâu sau đó, chừng một tháng thì bầu cử Quốc hội khóa 14, vào ngày 22/05/2016.
Ngày 22/07/2016, báo điện tử Soha: Bà Nguyễn Thị Kim Ngân tái đắc cử Chủ tịch Quốc hội khóa 14
Ngày 25/07/2016, báo Tuổi Trẻ: Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ nhậm chức
Báo Thanh Niên, ngày 26/07/2016: Ông Nguyễn Xuân Phúc tái đắc cử Thủ tướng
Báo điện tử VnExpress, ngày 28/7/2016: Danh sách 27 thành viên Chính phủ khóa 14
“Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 có 6 ủy viên Bộ Chính trị. Độ tuổi trung bình là 56, trong đó trẻ nhất là Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng (46)”
Trong danh sách này chỉ khác một thành viên duy nhất so với danh sách kỳ họp lần thứ 11. theo VOV, ngày 28/07/2016: Ông Nguyễn Xuân Cường làm Bộ trưởng Nông nghiệp thay ông Cao Đức Phát.
Như vậy cho thấy sự hiệp thượng, một sự sắp đặt sẵn từ kỳ họp thứ 11, khóa 13. Sang khóa 14 thì đâu đã vào đó. Thượng tầng đã vậy thì xuống dưới các cấp không thể khác.
Thế thì, tổ chức bầu cử rầm beng làm gì để tốn 3.600 tỉ đồng tiền đóng thuế của nhân dân? (Trong báo cáo số 254 của Văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia về tình hình triển khai công tác chuẩn bị bầu cử ĐBQH khóa 14 và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã đưa ra thông tin về tổng mức kinh phí bầu cử được các địa phương đề xuất là khoảng 3.600 tỉ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với năm 2011, Thanh Niên, ngày 13/04/2016). Và ra rả: “công bằng, công khai, minh bạch, bảo đảm thực chất”, nhiệt liệt, hồ hởi, phất khởi, tưng bừng,…
– Rất công bằng, công khai, minh bạch, bảo đảm thực chất là đây sao:
. “Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ định chức danh ủy viên Ban chấp hành, ủy viên Ban thường vụ, phó bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nhiệm kỳ 2015-2020 đối với ông Đỗ Đức Duy, thứ trưởng Bộ Xây dựng.
Chiều cùng ngày, HĐND tỉnh Yên Bái sẽ họp phiên bất thường để bầu chức danh chủ tịch UBND và chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2016-2021…” (Thứ trưởng Bộ Xây dựng làm phó bí thư Tỉnh ủy Yên Bái – Nguồn: Báo Tuổi Trẻ, ngày 08/02/2017)
Đã chỉ định thì về làm chứ bầu làm gì? Một ứng viên duy nhất thì bầu rớt hay sao? HĐND sinh ra làm chi mà không được đề cử, nhân dân cũng vậy? Chỉ định rõ vậy còn gì bất thường?
. “Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng Thư ký Quốc hội cũng xác nhận: “Trong 5 ngày, nếu ai khiếu nại, tố cáo về những ứng viên đã trúng cử Đại biểu Quốc hội thì Hội đồng bầu cử Quốc gia sẽ có 30 ngày xem xét các đơn thư đó”.
Ngay trong ngày 10/6, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã gửi công văn tới Hội đồng Bầu cử Quốc gia đề nghị xem xét tư cách Đại biểu Quốc hội đối với ông Dương Ngọc Hải – Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, theo điều 87 Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.
Ông Dương Ngọc Hải có những dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong một vụ án mà Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhiều lần phản ánh, tuy nhiên vẫn có tên trong danh sách ứng cử và trúng cử tại tổ bầu cử số 2 (TP. Hồ Chí Minh)…
… tại phiên tòa với những căn cứ không thể chối cãi, Kiểm sát viên Hà Thị Bích Thu phải thừa nhận sai lầm và đề nghị Hội đồng xét xử khởi tố vụ án để làm rõ vai trò, trách nhiệm của Yee Lip Chee…
… Ông Dương Ngọc Hải, khi đó là Phó Viện trưởng không làm tròn trách nhiệm “quyền kiểm sát, bảo vệ pháp luật”…
… Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã có nhiều công văn đề nghị làm việc trực tiếp; đồng thời có văn bản gửi đến Thành Ủy TP. Hồ Chí Minh và các cơ quan trực thuộc nhiều lần nhưng mọi việc vẫn không được giải quyết.
Những dấu hiệu sai phạm của ông Dương Ngọc Hải không được lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh xem xét, thậm chí ông này còn được bổ nhiệm vị trí Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh.
Một điểm đáng lưu ý khác là vào ngày 19/4, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã có văn bản gửi Ủy ban bầu cử TP. Hồ Chí Minh để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật và trả lời kết quả xem xét, giải quyết cho Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Tuy nhiên, tới nay đã hơn 70 ngày trôi qua, Hội đồng Bầu cử TP. Hồ Chí Minh vẫn không trả lời. Nói cách khác, Hội đồng Bầu cử TP. Hồ Chí Minh đã vi phạm pháp luật, phớt lờ chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia về việc làm rõ và trả lời những thông tin phản ánh về các sai phạm liên quan tới ông Dương Ngọc Hải… ”
. Ông Đinh La Thăng chính thức chuyển về đoàn ĐBQH Thanh Hóa (Báo Soha, ngày 15/05/2017).
Ông Đinh La Thăng có phải do dân Thanh Hóa bầu đâu. Tự tiện chuyển đại biểu, có coi dân ra gì.
. Và cũng như bầu cử Quốc hội, bầu cử khác cũng vậy, đại hội đảng cũng sắp đặt, hiệp thương, chứ không hề có tự do đề cử, tự do ứng cử, tự do bầu.
Tiêu biểu là đây:
Vì sao chưa bầu Bí thư Thành ủy TP. HCM?
“Tại cuộc họp báo sau phiên bế mạc đại hội, trả lời câu hỏi vì sao chưa bầu Bí thư Thành ủy TP. HCM, phó bí thư thường trực Thành ủy Võ Văn Thưởng cho biết: “Theo quy định, việc giới thiệu nhân sự bầu chức danh bí thư Thành ủy thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị. TP. HCM là đô thị đặc biệt, việc chuẩn bị nhân sự bí thư Thành ủy gắn với công tác chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị khóa XII của Đảng. Việc để sau Đại hội XII phân công đồng chí ủy viên Bộ Chính trị làm bí thư Thành ủy là đúng quy định, quy trình công tác nhân sự của Đảng… ” (Nguồn: Báo Tuổi Trẻ, ngày 18/10/2015).
Sau đó thì:
Ông Đinh La Thăng làm Bí thư Thành ủy TP. HCM
“Quyết định do ông Phạm Minh Chính – ủy viên Bộ chính trị, bí thư trung ương Đảng, trưởng ban tổ chức trung ương, công bố chiều 5-2 tại Thành ủy TP. HCM...” (Nguồn: Báo Tuổi Trẻ, ngày 05/02/2016).
Khi ông Thăng bị kỷ luật, bị truất phế:
Ông Nguyễn Thiện Nhân làm Bí thư Thành ủy TP. HCM
“Sáng 10-5, Bộ Chính trị đã trao quyết định phân công ông Nguyễn Thiện Nhân – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm Bí thư Thành ủy TP. HCM…” (Nguồn: Báo Tuổi Trẻ, ngày 10/05/2017).
Tương tự là tại Hà Nội:
Bộ chính trị phân công nhiệm vụ 19 thành viên
“Ông Hoàng Trung Hải làm Bí thư Thành ủy Hà Nội… ” (Nguồn: Báo điện tử VnExpress, ngày 05/02/2016).
Tất cả không có bầu bán gì cả. Ngay chính ông Phúc đã thửa nhận:
“– Thưa ông, còn chưa đầy 1 tuần nữa, Quốc hội (QH) sẽ tiến hành bầu các chức danh lãnh đạo chủ chốt như: Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Thủ tướng Chính phủ. Vậy đến thời điểm này, QH đã nhận được đơn xin miễn nhiệm chức vụ của ai chưa? Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Theo Điều 11 của Luật Tổ chức Quốc hội, việc này không phải nộp đơn. Việc này cơ quan sẽ trình ra Quốc hội, đề nghị bầu và miễn nhiệm, đề nghị phê chuẩn, do đó không phải đơn.
– Vậy hiện đã có đơn vị nào chuyển đơn sang Quốc hội chưa?
Chưa. Hiện chưa đến thời gian đó.
– Còn chưa đầy một tuần nữa QH sẽ bầu các chức danh lãnh đạo mới mà giờ chưa có gì trong tay, liệu quá trình chuẩn bị có quá gấp gáp?
Không có gì cả, chỉ cần chờ cơ quan Đảng trình sang thôi… ” (Quốc hội 13 bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng thì Quốc hội 14 làm gì? – Infonet, ngày 24/03/2016)
– Bầu cho nhiều vào, bầu hàng tá tá ấy, để cùng phá tiền thuế của dân cho nhiều chứ làm được trò trống gì. Hãy xem thống kê (tra Google là có tất cả) so sánh khắc rõ:
Nước Mỹ, quốc gia 300 triệu dân, chính phủ gồm: 1 tổng thống, 1 phó tổng thống, 15 bộ trưởng, 14 thứ trưởng (bộ Giáo Dục không có thứ trưởng). Các đảng phái hoạt động độc lập và không bao giờ được sử dụng tiền ngân sách nhà nước.
Nhật Bản, quốc gia 120 triệu dân, chính phủ gồm: 1 thủ tướng, không có phó thủ tướng, 16 bộ trưởng, 16 thứ trưởng. Các đảng phái hoạt động độc lập và không bao giờ được sử dụng tiền ngân sách nhà nước.
Việt Nam, quốc gia 90 triệu dân, chính phủ gồm: 1 chủ tịch nước, 1 thủ tướng, 5 phó thủ tướng, 19 bộ trưởng, 122 thứ trưởng. Một đảng Cộng Sản trực tiếp lãnh đạo chính phủ (qua Ban cán sự đảng với hàng loạt các bộ) và sử dụng tiền ngân sách nhà nước tức là tiền thuế của dân.
Kết quả: Tổng thu nhập quốc nội trên đầu người (GDP per capita) của Mỹ – 53041,98 USD/năm. Của Nhật – 38633,71 USD/năm. Của Việt Nam – 1910,5 USD/năm. Và có 11 triệu công chức, 40 người dân phải è cổ ra nuôi một công chức phè phỡn. Nước Mỹ hùng mạnh, rông lớn vậy mà cũng chỉ có 2,1 triệu công chức, 160 người nuôi một công chức, gấp 4 lần Việt Nam.
* Hoang ngôn: “Tôi bổ nhiệm lãnh đạo là vì nhân dân”.
* Tác giả: Ông Lưu Văn Ban – Bí thư thị ủy Chí Linh
* Nguồn: Sức khỏe & Đời sống, ngày 11/11/2016
* Tựa đề: ‘Tôi bổ nhiệm lãnh đạo là vì nhân dân’
* Nội dung:
“Hai Phiếm cười sằng sặc:
– Đồng chí Lưu Văn Bản – nguyên Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương hiện là Bí thư Thị ủy Chí Linh, tỉnh Hải Dương vui tính quá cơ!
– Thì lãnh đạo phải lạc quan, vui tính, cấp dưới mới phấn khởi làm việc được chứ!
– Đúng thế! Cho nên đồng chí ấy nói chuyện việc ký nhiều quyết định bổ nhiệm khiến Sở này có tới 44 lãnh đạo trên tổng số 46 biên chế là vì nhân dân!
– Chắc để nhân viên hết lòng phục vụ dân thì phải thành cán bộ quản lý, có chức tước hết!
– Chứ không phải sắp đi nơi khác thì ký đại, vừa có người chịu ơn, bản thân cũng có tí “biết ơn”? Không khéo cả nước học tập tư duy đột phá của đồng chí này!
– Chắc Hải Dương có “đặc trưng” riêng, chả giống đâu trên cả nước!
– Mà suy cho cùng, những cán bộ được đồng chí GĐ Sở sắp rời vị trí đi nơi khác bổ nhiệm cũng là nhân dân đấy chứ!
– Đồng chí ấy còn bảo “Do khối lượng công việc quá lớn nên tôi phải bổ nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo. Tôi làm việc đó không vì cá nhân, không vụ lợi mà vì cán bộ, vì nhân dân”. Mà “cán bộ được bổ nhiệm là những người trẻ, là những người mới ra trường, lương còn thấp. Nhưng họ là những người nhiệt huyết, đam mê và muốn được cống hiến. Tôi làm như thế một phần là khích lệ, động viên họ”.
– Nghĩa là khối lượng công việc lớn thì cán bộ phải thành lãnh đạo mới giải quyết được. Nếu không thì chả ai làm? Sao không bổ nhiệm nốt 2 nhân viên còn lại cho hoành tráng nhể!
Hai Phiếm ngửa mặt lên giời mà rằng:
– Ông Bản ơi là ông Bản! Chúng tôi không dám thuộc phạm trù “nhân dân” của ông đâu! (Cả Nghĩ)“
* Các bình luận: Cười sặc, và cười ra nước mắt, đồng tình với ông tác giả Cả Nghĩ nên không ai bình luận gì được nữa.
* Hoang ngôn: “Obama phải ‘chạy’ vào Nhà Trắng, Putin phải ‘chạy’ vào nhà đỏ thì việc chạy vào chức, quyền của Việt Nam cũng là dễ hiểu”.
* Tác giả: PGS. TS Nguyễn Hữu Tri – Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, cựu viện trưởng viện Khoa học hành chính, trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia.
* Nguồn: Báo Đất Việt, ngày 23/01/2013
* Tựa đề: ‘Cần luật hóa cho phép chạy chức, chạy quyền’
* Trích đoạn nội dung:
“PV: – Là người có nhiều năm nghiên cứu về hành chính và là trưởng ban chấm thi nâng ngạch công chức chắc ông hiểu rõ bản chất của sự việc ‘chạy’ công chức mới đây ông Trần Trọng Dực, chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội có nêu. Ông có bình luận gì về câu chuyện này?
PGS. TS Nguyễn Hữu Tri: – Tôi đã nhiều lần đặt câu hỏi cho các lớp học khi tham gia giảng bài ở đó rằng tại sao lại phê phán việc chạy chức chạy quyền. Trên thế giới này chạy chức chạy quyền nhiều chứ (?!). Obama phải ‘chạy’ vào Nhà Trắng, Putin phải ‘chạy’ vào nhà đỏ thì việc chạy vào chức, quyền của Việt Nam cũng là dễ hiểu…
… Điều mà tôi băn khoăn, cơ chế thị trường đã được vận dụng trong lĩnh vực hoạt động kinh tế, vậy nó có được vận dụng trong các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế xã hội hay không. Câu trả lời là có…
… Thế nhưng, chúng ta không quan niệm cơ chế thị trường trong công tác tổ chức cán bộ nên mới dẫn đến tình trạng để cho nó phát triển ngầm của quy luật này, mới sinh ra chạy chức, chạy quyền.
Vì chúng ta không thừa nhận nên mới để nó chạy ngầm để rồi phê phán. Thậm chí còn phê phán cả tư tưởng chạy chức, chạy quyền. Thử hỏi trên trái đất này có ai không muốn chức quyền(?!). Chúng ta đừng nhầm lẫn khi làm yếu kém rồi quy kết ngược trở lại như vậy.
Nếu chúng ta thừa nhận cơ chế thị trường thì chính những người làm quản lý lãnh đạo phải chủ động thiết lập theo luật định cho nó chạy. Chạy công khai thì tiền sẽ nổi lên, Nhà nước quản lý được. Nếu đụng vào luật thì sẽ xử lý và sẽ không có những khoản ngầm chảy vào túi ai hết.
Tức là nếu tạo ra được cái khung khuôn khổ pháp lý thì cứ thế làm theo. Bầu cử cũng là cạnh tranh, thi cũng là cạnh tranh nhưng nếu đảm bảo một cuộc thi công khai theo quy chế luật định thì nếu phạm vào sẽ bị xử lý…”
* Các bình luận:
– Ông dám bôi bác chế độ sao? Ông lôi bí mật ra hết nhé, nào là có cơ chế thị trường nhưng ông không đưa định hướng XHCN đi kèm, nào là không thừa nhận, dấu kín bưng lừa mị sao? Không thừa nhận rồi phê phán…
– Cơ chế thị trường có đuôi mới sau đuôi định hướng XHCN, cơ chế thị trường “chạy” chức chạy quyền, cơ chế thị trườ CCCC.
– Thi công khai, cạnh tranh công khai sao gọi là chạy? Chạy chọt phải lén lút, bí mật ông không biết sao?
– “Văn hay chữ tốt không bằng dốt lắm tiền”, có tiền là có “tiên”.
– Ông này “chạy” chắc rồi nên cần hợp thức.
– Mấy ông Putin, Obama,… người ta thấy tài năng, thấy có lợi cho đất nước, cho dân họ, họ góp tiền để cùng ông vận động chứ “chạy” như các ông à?
– Ông này muốn trở lại chế độ phong kiến, chế độ quân chủ như vua Khang Hy nhà Thanh ấy mà. Ông dám chê chế độ ưu việt XHCN nhá.
* Hoang ngôn: “Rất khó để chấm dứt tình trạng chạy vì người chạy chức chạy quyền có nói ra đâu”.
* Tác giả: Ông Trần Văn Tuấn – Bộ trưởng Nội vụ
* Nguồn: Báo Pháp Luật TP. HCM, ngày 19/11/2009
Tựa đề: Chạy chức, chạy quyền là siêu lợi nhuận
Trích đoạn nội dung:
“Bộ trưởng than: Rất khó để chấm dứt tình trạng chạy vì “người chạy chức chạy quyền có nói ra đâu, cơ quan nhà nước cũng không biết, cán bộ giúp chạy chức thì tìm cách nêu những mặt tốt của người chạy… ”.
Đại biểu Cuông truy: “Bộ trưởng nói vấn đề này khó, chẳng lẽ bó tay? Khi tuyển dụng cán bộ, sao chúng ta không công khai cho nhiều ứng cử viên cạnh tranh, đối thoại để biết ai hơn ai?”.
Đại biểu Nguyễn Hữu Phước (Bến Tre) chất vấn: Chúng tôi cũng hiểu rằng chẳng ai chạy chức, chạy quyền lại đi báo cáo bộ trưởng. Nhưng chúng tôi hỏi vì sao chúng ta để tồn tại quá lâu tình trạng này mà lại không thể ngăn chặn. Tại sao chúng ta không truy tìm nguyên nhân gốc chứ không phải hiện tượng bên ngoài?
Đại biểu Trịnh Thị Nga (Phú Yên) đặt dấu hỏi: Phải chăng nạn chạy chức, chạy quyền có nguyên nhân từ chính trong bộ máy tổ chức cán bộ, hay do chúng ta xử lý không nghiêm?
Thừa nhận là còn kẽ hở để nhiều người lợi dụng nhưng Bộ trưởng Tuấn khẳng định không hề thiếu chế tài để xử lý và xử lý rất nghiêm… ”
* Các bình luận:
– Kẻ ăn cướp, ăn trộm báo sẽ tới nhà ăn cướp, ăn trộm chắc (?!)
– Mấy ông mấy bà đại biểu hỏi khó, chính tôi và bè lũ chúng tôi tạo ra thì sao trả lời được. Cho tôi thay mặt né nhé, để kiếm cách khác trả lời lấp liếm nghen.
– “Đẻ” mấy cơ quan, ban ngành thanh tra, kiểm tra, phòng chống này nọ để làm gì? Ngồi chơi xơi nước lãnh lương lãnh lẹo chứ gì nữa.
– Thừa nhận có kẻ hở, không lo bít kín kẻ hở lại đi lấp liếm có chế tài, xử lý ngiêm.
* Hoang ngôn: “Chúng tôi coi đây là tài liệu gối đầu để nghiên cứu giải pháp khắc phục”.
* Tác giả: Ông Nguyễn Thái Bình – Bộ trưởng Bộ Nội vụ
* Nguồn: Báo điện tử Đời Sống & Pháp Luật, ngày 29/11/2013
* Tựa đề: Những phát ngôn gây sốc nhất nghị trường
Trích đoạn nội dung:
“Hai lần bị truy về thực trạng chạy chức, chạy quyền trong chính ngành nội vụ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời: ‘Do đây là vấn đề nhạy cảm, tế nhị, chúng tôi đã đọc kỹ các văn kiện của Đảng. Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng XI đánh giá cán bộ là khâu yếu, tình trạng chạy chức, chạy quyền chưa được khắc phục… Chúng tôi coi đây là tài liệu gối đầu để nghiên cứu giải pháp khắc phục’.”
* Các bình luận:
– Gối đầu cho cao, cho êm, ngủ cho đã (!)
– Chúng tôi gối đầu nghiên cứu, yên tâm lần thứ… tám chúng tôi trả lời, mới hai lần mà.
– Gối đầu nghiên cứu, sắp ra giải pháp rồi, giải pháp… chạy sao cho dễ và thoát.
* Hoang ngôn hình ảnh:
* Tác giả: Ông Nguyễn Ngọc Niên – Tổng biên tập báo Nhà báo và công luận và nhiều cán bộ học viên Học viện chính trị quốc gia
* Nguồn: Tuổi Trẻ, ngày 25/05/2016, nhưng đã bị gỡ bỏ sau đó không lâu.
* Tựa đề: Bị “ném đá” vì được cõng qua chỗ ngập
* Trích đoạn nội dung:
“Qua tìm hiểu, người đàn ông trong ảnh không phải là người duy nhất được bảo vệ cõng qua chỗ ngập mà còn một số người khác cũng được cõng khi tới dự hội nghị. Theo thông tin từ một tờ báo, người được cõng được xác định là ông Nguyễn Ngọc Niên, Tổng biên tập báo Nhà báo và công luận…”
* Các bình luận:
– “Ông chủ” phải cõng “đầy tớ”. Những người “đấy tớ bình dị”.
– Không gì qua quyền hành.
– Những cán bộ bị liệt… tâm hồn, nhưng than ôi! sao mà nhiều quá.
– Lỗi tại ông Trời và lỗi tại thằng cụp hình.
* Thành ngữ hàm tiếu: Lỗi tại thằng chụp hình
* Hoang ngôn: “Có thể đây là quan hệ hết sức ngẫu nhiên”.
* Tác giả: Ông Đào Đức Toàn – trưởng ban tổ chức thành ủy Hà Nội
* Nguồn: Pháp luật TPHCM, ngày 30/09/2015
* Tựa đề: Cả họ làm quan ở Hà Nội ‘chỉ là ngẫu nhiên’
* Trích đoạn nội dung:
“Trước đó, báo chí đã phản ánh nhiều người thân, họ hàng, thông gia của lãnh đạo huyện Mỹ Đức được điều động vào các chức danh trưởng, phó Văn phòng Huyện ủy; phó ban quản lý dự án; phó Phòng Kinh tế; trưởng Phòng Dân tộc… Tuy xác nhận thông tin trên nhưng ông Toàn cho rằng: ‘Có thể đây là quan hệ hết sức ngẫu nhiên. Những trường hợp báo chí phản ánh đều có quá trình công tác, phấn đấu qua nhiều vị trí tại huyện Mỹ Đức từ trước đến nay’.
Ông Toàn cho hay Thành ủy Hà Nội đã kiểm tra quy trình bổ nhiệm những cán bộ liên quan. Kết quả là quy trình bổ nhiệm đều chặt chẽ, đúng quy định. Cán bộ được bổ nhiệm đều đủ tiêu chuẩn, phát huy tốt công việc… ”
* Các bình luận:
– Ngẫu nhiên như trúng số… mỗi ngày vậy mà.
– Đã đến công quyền thì tất cả đều là đồng chí, ai cũng như ai, không gia đình, không bà con, cứ thế được tuyển nên là… “ngẫu nhiên” thôi.
– “Phấn đấu” cả đời đấy nhé.
– Bây giờ thì người ta hỏi, đồng chí là con, em đồng chí nào? để “ngẫu nhiên” sắp xếp vị trí, và thăng tiến như diều gặp gió, thằng tiến đến chóng mặt, kể sơ có các “đồng chí”: ông Nông Quốc Tuấn con ông Nông Đức Mạnh, ông Nguyễn Xuân Anh con Nguyễn Văn Chi, ông Nguyễn Thanh Nghị con ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Trần Tuấn Anh con ông Trần Đức Lương, ông Lê Minh Hưng con ông Lê Minh Hương, ông Nguyễn Sỹ Hiệp con ông Nguyễn Văn An, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân con ông Nguyễn Sinh Hùng, ông Trần Quốc Tỏ em ông Trần Đại Quang, ông Vũ Quang Hải con ông Vũ Huy Hoàng, ông Lê Phước Hoài Bảo con ông Lê Phước Thanh, ông Lê Trương Hải Hiếu con ông Lê Thanh Hải,…
– Ngẫu nhiên có bao nhiêu đây thôi (chưa truy hết, ít ít dăm ba người trong dòng họ không tính) nghe bà con:
Công khai 9 địa phương, đơn vị có tình trạng “cả nhà làm quan”
“Tại buổi họp báo định kỳ của Bộ Nội vụ diễn ra sáng 17-2, ông Nguyễn Tiến Thành, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ, đã thông tin kết luận của Bộ Nội vụ về việc “cả nhà làm quan” tại 9 địa phương, đơn vị…
… Trong thời gian thanh tra từ ngày 31-10-2016 đến ngày 3-11-2016, Bộ Nội vụ đã tiến hành kiểm tra, rà soát theo thông tin báo chí phản ánh, tổng hợp được 9 địa phương, đơn vị, gồm: tỉnh Hà Giang; xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An; huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk; tỉnh Bình Định; huyện Phong Điền, TP Cần Thơ; Cục Thuế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thuộc Tổng cục Thuế-Bộ Tài chính; tỉnh Yên Bái; Trung tâm Pháp y thuộc Sở y tế TP Đà Nẵng.
Qua xác minh, kiểm tra Bộ Nội vụ cho biết số người nhà của một số lãnh đạo tại 9 địa phương này là gần 60 người. Trong đó, số người nhà có quan hệ ruột thịt là 18 người; số người nhà có quan hệ họ hàng là 40 người…
Bộ Nội vụ chỉ rõ các tồn tại, thiếu sót trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm như: Tại thời điểm bổ nhiệm, một số trường hợp còn thiếu một hoặc một số tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị, chứng chỉ quản lý nhà nước, ngoại ngữ tin học như trường hợp Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang; Sở TN-MT tỉnh Yên Bái; Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định; huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế… ” (Báo Người Lao Động, ngày 17/02/2017).
Chưa hết đâu nhé, đây mới là những nơi đứng hàng đầu:
Tỉnh Bắc Ninh:
1. Bố: Nguyễn Nhân Chiến (sinh năm 1960) – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh.
2. Vợ ông Chiến: Ngô Thị Khường – Phó Trưởng Phòng Bảo hiểm Xã hội thành phố Bắc Ninh (bằng Đại học tại chức).
3. Con trai: Nguyễn Nhân Chinh (sinh năm 1984) – Tỉnh uỷ viên, Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh (bằng Đại học tại chức).
4. Con trai: Nguyễn Nhân Đạt (sinh năm 1989) – Trưởng phòng Thi đua, khen thưởng của Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh (bằng ĐH tại chức).
5. Con dâu: Chu Thị Ngân (sinh năm 1984) – Trưởng phòng Dân vận của Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ.
6. Con dâu: Nguyễn Minh Huệ (sinh năm 1989) – Phó Trưởng phòng Kinh tế Đối ngoại của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh (ĐH tại chức).
7. Em ruột ông Chiến: Nguyễn Nhân Thắng – Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh (bằng ĐH tại chức).
8. Em ruột ông Chiến: Nguyễn Nhân Bình – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Du (bằng ĐH tại chức).
9. Em dâu ông Chiến: Lại Thị Nguyệt – Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Bắc Ninh. Bà Nguyệt có bằng Trung cấp Dược sau đó học ĐH tại chức Dược. Việc bổ nhiệm 1 Dược sĩ làm GĐ Trung tâm Y tế có là khách quan ko? Tại sao ko phải là bổ nhiệm 1 Bác sĩ đa khoa?
10. Em dâu ông Chiến: Trần Thị Bích Liên – Trưởng phòng của Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Bắc Ninh (ĐH tại chức).
11. Em ruột ông Chiến: Nguyễn Thị Ngọc – Trưởng phòng Công tác Học sinh sinh viên của Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Bắc Ninh. (ĐH tại chức)
12. Em rể ông Chiến: Nguyễn Trọng Oanh – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Bắc Ninh (ĐH tại chức)
13. Anh con bác ruột ông Chiến: Nguyễn Nhân Lừng – Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bắc Ninh.
14. Cháu ông Chiến: Nguyễn Nhân Cường – Phó Trưởng phòng của Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh.
15. Cháu ruột ông Chiến: Nguyễn Hữu Thọ – Bí thư đoàn Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn.
16. Anh con bác ruột ông Chiến: Nguyễn Việt Giang – Giám đốc Quỹ phát triển đất tỉnh Bắc Ninh (ĐH Tại chức).
17. Cháu ông Chiến: Nguyễn Thu Hương – Phó Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường thành phố Bắc Ninh. (ĐH tại chức).
18. Cháu dâu ông Chiến: Tạ Thị Huyền – Cán bộ Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn.
19. Cháu ruột ông Chiến: Nguyễn Nhân Giang – Phó Trưởng công an huyện Tiên Du (ĐH tại chức).
20. Trưởng họ nhà ông Chiến: Nguyễn Nhân Công – Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá Kinh Bắc (ĐH tại chức).
Ngoài danh sách 20 người kể trên còn có cả những người thuộc gia đình thông gia với nhà ông Chiến cũng được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng trong bộ máy công quyền của tỉnh Bắc Ninh như:
1. Nguyễn Trọng Cường (cháu ruột ông Nguyễn Trọng Oanh) – Trưởng phòng Đăng ký Đất đai của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bắc Ninh. Anh Cường tốt nghiệp Thạc sĩ năm 2013, có thể năm đó anh ta được xét vào công chức Nhà nước. Tuy nhiên tại sao việc bổ nhiệm anh Cường làm Trưởng phòng của một Sở lại cấp tốc đến vậy? Và cơ sở nào để xét thu hút nhân tài anh Cường trong khi cả tỉnh Bắc Ninh từ khi tách tỉnh 1997 đến nay mới tổ chức thi tuyển công chức duy nhất 1 lần.
2. Chu Thị Thuý (em ruột Chu Thị Ngân) – Cán bộ của Sở Tài nguyên Môi trường (trường hợp tuyển dụng của chị Thuý giống với trường hợp anh Cường).
3. Chu Đăng Khoa (Anh ruột Chu Thị Ngân) – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ huyện Yên Phong.
4. Nguyễn Văn Lịch (em rể Chu Thị Ngân) – Đội trưởng đội Đăng ký xe của Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Bắc Ninh (kimdunghn.wordpress. com)
Vì bị phanh phui nên ‘Bí thư Bắc Ninh đề nghị cấm đưa đơn tố cáo lên mạng xã hội’ (Báo điện tử VnExpress, ngày 30/05/2017). Để “bảo vệ di sản” cũng đúng thôi (!)
Bắc Ninh còn thêm nữa: “Gia đình ông Trình có tới 9 người đang công tác LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh và các đơn vị trực thuộc. Để tiện cho độc giả nắm rõ sự việc, chúng tôi xin liệt kê đầy đủ danh sách người thân của cựu Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh.
Cụ thể, con gái của ông Trình là bà Nguyễn Thị Minh Ngọc, Ủy viên thường vụ, trưởng ban Chính sách pháp luật LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh (là đối tượng được quy hoạch vào vị trí Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh sắp tới).
Con trai ông Trình là ông Nguyễn Huy Hoàng – Phó trưởng Ban tuyên giáo LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh, con dâu là Vương Thùy Trang – Phó trưởng Ban nữ công LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh. Con rể là Phạm Văn Hùng – Phó chánh văn phòng LĐLĐ tỉnh.
5 người cháu ruột của ông Trình là:
Nguyễn Thị Thủy – Đảng ủy viên, Bí thư Đoàn TN LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh.
Nguyễn Văn Huy – Ban CSPL LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh,
Nguyễn Lâm Tới – Phó chủ tịch LĐLĐ thành phố Bắc Ninh,
Nguyễn Thị Tuyết Nhung – Uỷ viên Ban thường vụ Công đoàn ngành Xây dựng Bắc Ninh
và Nguyễn Văn Tụ – Phó phòng Hành chính trường Trung cấp nghề thuộc LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh“. (Bắc Ninh: Dư luận xôn xao việc “cả nhà làm quan” tại Liên đoàn lao động tỉnh” – Báo Pháp Luật Việt Nam, ngày 06/12/2016).
Tới Hải Dương nhé:
“Một huyện mà anh làm bí thư, em làm phó chủ tịch, em rể làm Trưởng Ban Tổ chức thì còn ai lọt được vào nữa”, một cán bộ hưu trí xin giấu tên, từng công tác lâu năm tại Huyện ủy Kim Thành bức xúc khi nói về tình trạng “cả họ làm quan”.
Vị này kể vanh vách tên tuổi, chức danh của anh em nhà Bí thư huyện ủy Kim Thành Nguyễn Hữu Tiến.
Cụ thể, ông Tiến sinh năm 1960, là con trai của ông Nguyễn Hữu Bạ, nguyên Bí thư Huyện ủy Kim Thành.
Em trai ruột Bí thư huyện ủy Kim Thành là ông Nguyễn Hữu Hưng, sinh năm 1968 hiện đang giữ chức Phó chủ tịch UBND huyện.
Em rể ông Tiến là ông Nguyễn Hồng Cương, sinh năm 1968, là Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy và được quy hoạch vào chức Phó bí thư, Bí thư huyện trong thời gian tới.
Ngoài ra, anh trai ông Tiến hiện là một cán bộ của Chi cục Thuế huyện.
Cháu ông Tiến (con trai ông Cương) cũng hiện là chuyên viên Thanh tra huyện. Không ít người nhà của Phó bí thư thường trực huyện ủy Kim Thành Lê Ngọc Sang cũng trong tình trạng tương tự.
Ông Sang là con của ông Lê Văn Khoái, nguyên Bí thư huyện này, nguyên Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy. Chị gái ông Sang là Chủ tịch UBND huyện đã về hưu.
Em ruột ông Sang là Phó chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện. Còn con trai ông Sang làm Trưởng phòng Tài chính huyện, con dâu làm Phó giám đốc BHXH huyện, con gái làm chuyên viên phòng Nội vụ” (‘Một huyện mà anh làm bí thư, em làm phó chủ tịch, em rể làm trưởng ban tổ chức… ‘, tất cả đều đúng quy trình? – Vitalk. vn, ngày 12/04/2017)
Và Hải Phòng không chịu thua kém là mấy:
“ Trước đó, ngày 15/4, báo điện tử VTC News, phán ánh về việc 6 người trong một gia đình đang làm ‘quan’ ở huyện An Dương.
Trong đó 4 anh em ruột ông Nguyễn Trường Sơn – Phó chủ tịch thường trực UBND huyện An Dương và con trai, con dâu của ông Sơn (anh trai ông Sơn) đang nắm giữ những vị trí quan trọng của huyện… ” (‘Cả nhà làm quan’ ở An Dương: Chỉ đạo mới nhất từ Thành ủy Hải Phòng – Soha, ngày 21/04/2017).
* Hoang ngôn: “Quyền im lặng không phải quyền con người”.
* Tác giả: Ông Đỗ Văn Đương – ủy viên thưởng trực ủy ban Tư pháp của Quốc hội
* Nguồn: Báo Pháp Luật TP. HCM, ngày 29/09/2014
* Tựa đề: Quyền im lặng có phải là quyền con người?
* Trích đoạn nội dung:
“Vấn đề Quyền im lặng đang có hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Ông Đỗ Văn Đương – Ủy viên thưởng trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng: Quyền im lặng không phải quyền con người. Luật sư Phan Trung Hoài lại cho rằng Quyền im lặng đối với những bị can, người bị tạm giữ, người phạm tội là xuất phát từ quyền cơ bản của con người…
… Tuy nhiên, ông Đỗ Văn Đương khẳng định Quyền im lặng không thể đưa vào trong luật. Bởi, không nhất thiết phải có quyền im lặng trong luật vẫn có thể sử dụng nhiều biện pháp khác để thực thi giám sát chặt chẽ quá trình điều tra vụ án, giảm bức cung, án oan sai.
Ông cho biết: “Quyền im lặng khác với quyền bào chữa. Quyền im lặng không phải quyền con người, mà quyền bào chữa mới là quyền cơ bản của người phạm tội trong tố tụng hình sự. Nó nhằm thực hiện chức năng gỡ tội… ”
* Các bình luận:
– Quyền con người là quyền… nói, bắt phải nói. Mới đẻ ra đâu biết nói, phải tập cho nói mà(!)
– Không được quyền im, không nói, uýnh cho đến nói mà thôi.
– Người ta đưa quyền im lặng đồng thời là quyền có luật sư riêng, cần luật sư giám sát, bàn bạc, biện hộ,… theo ông không không im không iếc gì cả, không luật sư luật xiếc gì hết(?!)
– À, thì ra là ông nghị “nổi tiếng” với biệt danh nghị “rau muống” đây mà. Trong chốn này lắm nghị như thế này quá, nghị ngủ, nghị gật, nghị bù nhìn, nghị giơ tay biều quyết, nghị bấm nút,…
* Hoang ngôn: “Việt Nam có cần biểu tình không? Nếu không cần, tại sao lại đưa dự án Luật Biểu tình, nói rồi nói mãi như thể nó là khuôn vàng, thước ngọc để đo chiều cao, chiều rộng, chiều dài, chiều sâu của cái gọi là tự do dân chủ”.
* Tác giả: Ông Hoàng Hữu Phước – đại biểu Quốc hội (đơn vị TP. HCM)
* Nguồn: Báo Người Lao Động, ngày 18/11/2011
Tựa đề: Bất đồng về Luật Biểu tình
Trích đoạn nội dung:
“Không khí phiên thảo luận bất ngờ sôi nổi với đề nghị của ĐB Hoàng Hữu Phước (TPHCM) nên loại bỏ Luật Lập hội và Luật Biểu tình khỏi danh sách dự án luật nhiệm kỳ QH khóa XIII.
Để bảo vệ quan điểm của mình, vị ĐB này trích dẫn từ những năm 1960, từ ngữ “biểu tình” mới xuất hiện ở Mỹ và khẳng định là ngay từ khởi thủy và cho tới tận ngày nay, biểu tình là để chống lại chính phủ hoặc chống lại một chủ trương của chính phủ.
Từ phân tích trên, ĐB Phước nói: “Việt Nam có cần biểu tình không? Nếu không cần, tại sao lại đưa dự án Luật Biểu tình, nói rồi nói mãi như thể nó là khuôn vàng, thước ngọc để đo chiều cao, chiều rộng, chiều dài, chiều sâu của cái gọi là tự do dân chủ”.
Ông Phước băn khoăn Luật Biểu tình đã tham vấn ý kiến, nguyện vọng của cử tri, công dân hay chỉ vì một nhóm nhỏ vài chục, vài trăm sinh viên, học sinh, những người chưa là những công dân có thu nhập, có việc làm.
“Đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật Biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn. Hiện ở nhiều nước phát triển, nhiều cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn, cướp bóc, làm ô danh đất nước” – ông Phước nhận xét.
Để đi đến kết luận của mình, ông Phước dẫn việc những nơi có biểu tình đã xâm hại quyền tự do mưu cầu hạnh phúc của người dân, ở những cuộc tập hợp đông người gần đây ở TPHCM chỉ nghe những người bị kẹt xe lớn tiếng thóa mạ, văng tục, đe dọa những người đang tập hợp.
Tiếp tục thảo luận về việc có nên đưa Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật, ĐB Huỳnh Thế Kỷ (Ninh Thuận) bày tỏ sự nhất trí cao với ĐB Hoàng Hữu Phước là không nên xây dựng Luật Biểu tình.
“Ở TPHCM và Hà Nội vừa qua, người dân xuống đường cũng có người có động cơ tốt nhưng có bị lợi dụng không?” – ông Kỷ bày tỏ. ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên – Huế) và ĐB Nguyễn Thanh Tùng (Bình Định) cũng đề nghị chưa đưa Luật Biểu tình vào chương trình khóa này... ”
* Các bình luận:
– Người ta gọi ông này là ông nghị khùng quả không sai. Người ta văn tục vào mặt ông thôi.
– Đa số người dân không ủng hộ? ông xướng càn lên. Người dân cần biểu tình để chống lại sự làm càn của các ông lãnh đạo, muốn tăng giá xăng, giá điện, giá nước,… là tăng vô tội vạ, muốn thu hồi đất là thu, thay đổi sách giáo khoa sành soạch vẫn thay,…
– Ô nhục cho các ông thì có, tại sao các ông sợ dữ vậy, sợ đến hèn nhát không dám ra luật? sợ mất ghế, mất độc quyền ngay à? Nên gọi các ông là Tự Kỷ, Vô Nghĩa, Tùng Vô Thanh thì hợp hơn.
* Hoang ngôn: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, biết kế thừa những tinh hoa dân chủ của các Nhà nước pháp quyền trong lịch sử và đã, đang phát triển lên tầm cao mới, khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản”.
* Tác giả: Bà Nguyễn Thị Doan – phó chủ tịch nước
* Tựa đề: Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới
* Nguồn: báo Nhân dân điện tử, ngày 05/11/2011
* Các bình luận:
– Dân chủ gấp vạn lần là như vậy đây phải không bà:
“Phóng viên CNN đã mang tấm ảnh cha Lý bị bịt miệng tại tòa ra hỏi ông chủ tịch và được ông cho biết việc này đã xảy ra khi ông Lý có “lời lẽ thô bạo, chửi bới Chánh tòa”. Ông Triết nói: ‘Chúng tôi khẳng định việc này là không tốt, không đúng… Những việc này sẽ bị xử lý’.” (‘Bịt miệng là không đúng’ – BBC)
– Dân chủ vạn lần là… bắt hàng loạt người bất đồng chính kiến. Những người phản đối môi trường bị hủy hoại, phản đối Formosa, phản đối nhục hình, phản đối cướp đất trắng trợn,… Chính phủ chụp mũ, áp đặt cho họ tội chống phá chính quyền, thậm chí bỏ tù không qua xét xử.
Mới đây nhất là vụ bắt blogger Mẹ Nấm – Ngày 10 tháng 10 năm 2016, trước khi bị bắt vài giờ, Mẹ Nấm đã đến trại tạm giam sông Lô tỉnh Khánh Hòa, cùng với mẹ của Nguyễn Hữu Quốc Duy để đòi được thăm nuôi và đưa video trực tiếp lên Facebook. Nguyễn Hữu Quốc Duy (sinh năm 1985) bị kết án ba năm tù giam theo điều 88 tội “tuyên truyền chống phá Nhà nước” vì chia sẻ những link trên facebook. Công an đã ra mời bà vào trại giam và tạm giữ luôn.
Và: “Sau hơn 4 tháng bị bắt giam, chính quyền Việt Nam tiếp tục gia hạn lệnh tạm giam với nhà vận động cho nhân quyền và môi trường Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, không cho phép gặp gia đình và tiếp xúc luật sư, theo tin từ gia đình.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã xác nhận thông tin này với VOA Việt Ngữ.
Theo Bà Lan, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã ký lệnh gia hạn tạm giam đối với con bà vào ngày 13/1/2017, nhưng bà chưa hề nhận được văn bản này, tất cả chỉ là thông báo miệng: “Theo lệnh tạm giam 4 tháng thì ngày 10/2 là hết hạn tạm giam. Ngày 14/2 khi không nhận được thông tin gì thì tôi có làm đơn. Ngày 21/2 họ mời tôi lên, họ nói họ có quyền gia hạn tạm giam thêm 3 tháng. Anh mời tôi lên là đại úy Ngô Xuân Phong, ảnh đọc cho tôi lệnh gia hạn tạm giam ký ngày 13/1, gia hạn từ ngày 7/2 cho tới ngày 7/5, tức là gia hạn thêm 3 tháng nữa. Tôi hỏi tại sao khi gia hạn không thông báo cho gia đình thì họ nói chỉ thông báo cho người bị tạm giam thôi. ”
Khi hỏi về việc trong hơn 4 tháng qua chính quyền có cho phép Như Quỳnh tiếp xúc với luật sư hay không, bà Tuyết Lan cho biết luật sư đã làm hết trách nhiệm của họ, “họ gửi văn bản đi nhưng không được hồi đáp, những gì họ làm đã rơi vào im lặng”. (Mẹ Nấm bị gia hạn tạm giam ‘bằng lệnh miệng’ – VOA, ngày 23/02/2017)
Họ bị bắt vì như thế này: “Quỳnh nghĩ nếu mà Quỳnh viết sai, hoặc là Quỳnh viết cường điệu, hoặc là nói quá sự thật, thì người ta sẽ nhận ra ngay. Đàng này mình nói đúng, nhưng mà khổ nỗi là mình nói đúng và nhiều người thừa nhận cái đúng thành ra mình bị ghép vào cái tội ‘gián tiếp gây rối trật tự an ninh xã hội’. ”
Ngay chính phủ nước ngoài cũng quan ngại: “Hoa Kỳ Ngày 11 tháng 10 năm 2016, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, Katina Adams, nhấn mạnh: “Chúng tôi hết sức quan ngại về vụ bắt giữ blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam phóng thích cô Quỳnh cùng tất cả những tù nhân lương tâm khác, cho phép tất cả mọi người dân ở Việt Nam được tự do bày tỏ quan điểm chính trị trên mạng và ngoài đời mà không sợ bị trả thù. Xu hướng gần đây bắt bớ và tuyên án các nhà hoạt động ôn hòa [tại Việt Nam] rất đáng ngại và đang đe dọa che phủ tiến bộ về nhân quyền của Việt Nam. ” (Mỹ kêu gọi phóng thích blogger Mẹ Nấm – VOA, ngày 12/10/2016).
© Copyright Tiếng Dân và Trình Bút