Precariat – Giai cấp mới nguy hiểm (chương 0)

LỜI GIỚI THIỆU CỦA DỊCH GIẢ

Bạn đọc cầm trên tay cuốn thứ ba mươi tư * của tủ sách SOS2, cuốn Precariat – giai cấp mới nguy hiểm (The Precariat – the new dangerous class) của Guy Standing (Blumsbery Academic, 2011).

Giáo sư Guy Standing là chuyên gia về lao động, ông đã từng nhiều năm làm tại Tổ chức Lao động Quốc tế, ILO, ông tự nhận là người cánh tả. Precariat là một khái niệm được ông phát triển trong cuốn sách này. Từ precariat có thể gợi nhớ đến từ precarious (không chắc chắn, bấp bênh) và proletariat (giai cấp vô sản), tuy nhiên đây là một khái niệm mà cả cuốn sách này muốn làm rõ. Nó là một giai cấp xã hội mới. Cuốn sách bàn về sự hình thành, các nguồn gốc, các đặc điểm của giai cấp mới này. Nó có thể bị các lực lượng dân túy và phát xít mới tận dụng ra sao và ông cũng gợi ý nó nên tự tổ chức thế nào để đóng vai trò xứng đáng của nó trong sự Biến đổi Toàn cầu (đặc biệt trong cuốn A Precariat Charter: From Denizens to Citizens, Một Hiến chương Precariat: Từ Những người Ngụ cư sang Các Công dân, Blumsbery Academic, 2014). Ngoài hai cuốn vừa nhắc đến bộ ba sách của ông gồm cả cuốn The Corruption of Capitalism – Why rentiers thrive and work does not pay: Sự Tham nhũng của Chủ nghĩa Tư bản – Vì sao những kẻ thu tô phát đạt và công việc không sinh lợi, phân tích giai cấp elite chỉ chiếm 1% (hay 0,01%) dân số nhưng sở hữu đến gần 40% của cải (trong khi 80% người từ dưới lên chỉ có 7% của cải) và đề xuất những cải cách để làm cho chủ nghĩa tư bản hoạt động cho nhiều người chứ không chỉ cho số rất ít.

Đáng lưu ý là, với tư cách chuyên gia về lao động, ông phân biệt rất rõ khái niệm công việc (work) và lao động (labour). Công việc được đặc trưng bằng giá trị sử dụng, còn lao động bằng giá trị trao đổi của nó. Nói cách khác lao động là một loại công việc được trả công, có thể được tính bằng tiền và được các lý thuyết kinh tế coi như cốt lõi của sự phát triển kinh tế; còn công việc là khái niệm rộng hơn; có thể có công việc không là lao động nhưng hết sức cần thiết và hữu ích cho cuộc sống.

Bộ ba sách này có thể giúp chúng ta hiểu kỹ hơn tình hình thế giới trong những năm qua (mà được thể hiện rõ rệt trong sự suy thoái dân chủ, sự nổi lên nhanh của chủ nghĩa dân túy nhất là qua nhiều cuộc bầu cử hay trưng cầu dân ý ở châu Âu, như tại Hungary, Áo, Ba Lan, Vương Quốc Anh và nhiều nước khác, hoặc ở Phillipines và Mỹ gần đây) và quan trọng hơn nó có thể giúp để vạch ra những chính sách phù hợp hơn, cũng như thúc đẩy sự cải cách chính trị cấp bách mà các lực lượng chính trị phải tiến hành, kể cả sự vất bỏ những mô hình đảng chính trị đã lỗi thời (mà có lẽ đang diễn ra ở nhiều nơi, nhất là ở Pháp gần đây).

Theo Guy Standing cấu trúc giai cấp của xã hội toàn cầu hóa nhìn giống một hình nón, trên đỉnh là elite, những người cực gàu và rất có quyền thế, là 1% hay 0,01% được nhắc tới ở trên. Bên dưới elire là giai cấp salariat (những người hưởng lương), giai cấp đang giảm dần của những người có việc làm ổn định với bảo hiểm xã hội và nhiều phúc lợi khác nhưng đang lo cho tương lai của con cái họ sẽ không được thế. Bên cạnh salariat là các profician (chuyên viên), các nhà tư vấn, những người tự làm việc độc lập. Dưới các profician là giai cấp vô sản, giai cấp lao động cũ của thế kỷ thứ hai mươi, đang teo dần ở mọi nơi. Dưới giai cấp này là precariat, và dưới cùng là giai cấp “hạ cấp-underclass”.

Precariat có thể được coi như gồm những người thiếu 7 hình thức an toàn liên quan đến lao động: 1) an toàn thị trường lao động (Labour market security); 2) an toàn công ăn việc làm (Employment security); 3) an toàn việc làm (Job security); 4) an toàn công việc (Work security); 5) an toàn tái tạo kỹ năng (Skill reproduction security); 6) an toàn thu nhập (Income security) và 7) an toàn đại diện (Representation security).  

Nhìn một cách khác, đại thể precariat là một giai cấp gồm những người có ba nhóm đặc điểm chính

  • quen với cuộc sống lao động không ổn định, với sự tồn tại bấp bênh, bất an; họ không có một câu chuyện nghề nghiệp cho đời họ, về tôi là gì hay muốn trở thành gì, ngoài ra họ luôn phải làm nhiều công-việc-cho-lao-động, những công việc không được trả công, không được công nhận nhưng vẫn phải làm để thực hiện lao động được trả công vì nếu không làm họ sẽ phải chịu hậu quả; họ có mức giáo dục cao hơn mức lao động mà họ có thể nhận được khiến họ chịu tác động dẫn đến không kiểm soát được thời gian của mình, luôn đối mặt với sự bất trắc;
  • họ phải dựa vào tiền công kiếm được để trang trải mọi thứ, chứ không có các trợ cấp khác như ngày nghỉ lễ có lương, lương hưu, bảo hiểm ý tế, vân vân; họ phải tự chịu rủi ro và hệ quả là họ không chỉ đối mặt với  cuộc sống bấp bênh về kinh tế mà luôn bên bờ vực nợ nần, chỉ một sai lầm, một tai nạn, một quyết định sai họ có thể bị đẩy ra ngoài đường;
  • họ ngày càng mất một cách có hệ thống các quyền quan trọng, các quyền dân sự, các quyền văn hóa, các quyền xã hội, các quyền chính trị không thấy các đảng chính trị hay các chính trị gia đại diện cho các lợi ích hay khát vọng của họ; họ mất các quyền kinh tế bởi vì họ không thể thực hành hay làm những việc mà họ có đủ tư cách và khả năng để làm; đó là thực tế của precariat.

Và thực tế ấy không phải là một sự tình cờ, mà là hậu quả của chủ nghĩa tư bản toàn cầu, của các chính sách tân-tự do và sẽ không biến mất. Bi kịch hiện thời là precariat bị chia rẽ thành ba phái:

  • phái được Guy Standing gọi là phái atavist (lại giống) là những người nhìn lại quá khứ, ông cha họ đã từng có sự tự hào nghề nghiệp của họ, dù là thợ khai mỏ, thợ tiện hay thợ điện, còn họ thì không có; họ cảm thấy mất cái quá khứ của tổ tiên và thường là những người ít học và dễ nghe sự dụ dỗ của những kẻ dân túy và phát xít mới; họ thực sự nguy hiểm và rất dễ lao vào nền chính trị mà tác giả gọi là nền chính trị địa ngục mà khiến ngày càng nhiều người cả thuộc các giai cấp trên hoảng sợ;
  • phái thứ hai gồm những người nhập cư, người thiểu số, những người tỵ nạn, những người luyến tiếc vì họ cảm thấy không có quê hương cả ở đó và ở đây, họ thường cúi đầu cam chịu vì họ phải sống, nhưng ở mọi nơi áp lực đã đến mức mức bùng nổ và chúng ta không thể trách họ;
  • phái thứ ba, phái tiến bộ, gồm những người đã học cao đẳng, đại học và cha mẹ họ bảo họ sẽ có tương lai tươi đẹp, nhưng khi ra trường họ đối mặt với sự phũ phàng của cuộc sống, không kiếm được việc làm ổn định và vẫn bị nợ nần, phải lang thang kiếm sống bằng những việc làm tạm thời hay bằng cách nào đó; họ có thể lo âu, thất vọng, xa lánh (anomic), họ đầy tức giận, nhưng họ không nghe theo sự dụ dỗ của những kẻ dân túy, dân tộc cực đoan hay phát xít mới mà họ muốn một nền chính trị tiến bộ, nền chính trị thiên đường.

Sau khi làm rõ khái niệm, phân tích cấu thành của giai cấp mới và các đặc điểm của nó, cuốn Precariat dành chương áp chót, nền chính trị địa ngục, để vẽ ra một bức tranh rất đáng lo ngại nếu giai cấp mới này không tự tổ chức và bị các thế lực dân túy, thậm chí phát xít mới lợi dụng. Rất đáng tiếc các sự kiện trong 5-6 năm qua cho thấy điềm gở được tác giả cảnh báo đã đến nhanh qua những diễn biến chính trị và xã hội ở nhiều nước trên thế giới, nhất là ở các nôi của dân chủ như cuộc trưng cầu dân ý brexit ở Vương Quốc Anh hay bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua.

Tuy vậy, chương cuối, nền chính trị thiên đường, gợi ra các hướng (mà được bàn kỹ hơn trong cuốn Hiến Chương) có thể gây hứng khởi cho nhiều người.

Đây là một cuốn sách có thể gây tranh cãi, và việc tranh cãi là rất cần để thúc đẩy sự tiến triển của xã hội, hy vọng theo hướng tốt.

Đây không phải là một sách chuyên khảo về kinh tế học hay xã hội học, có nhiều khái niệm mới được giải thích kỹ trong văn bản, rất nhiều ý tưởng có vẻ ngược với tư duy thịnh hành. Tuy nhiên khi ngẫm nghĩ kỹ chúng ta sẽ thấy lập luận của tác giả rất thuyết phục.

Thí dụ, ý tưởng về một thu nhập cơ bản phổ quát (cấp tiền mặt một cách vô điều kiện hàng tháng cho tất cả những người cư trú hợp pháp trong một lãnh thổ). Tác giả là một trong những người sáng lập ra BIEN (Mạng lưới Thu nhập Cơ bản Châu Âu/Trái đất) từ 1986 và đổi tên từ Âu châu sang Trái đất (chữ E trong viết tắt trên) vào năm 2004. BIEN ngày càng thu hút nhiều người tam gia trên khắp thế giới, dù ý tưởng về thu nhập cơ bản đã được nhiều nhà tư tưởng nhắc đến từ đầu thế kỷ thứ mười sáu, như Thomas More (1516) và Johannes Ludovicus Vives (1526), Marquis de Condorcet (1794) và Thomas Paine (1796), đến Charles Fourier và John Stuart Mill (1948-1849), cho đến Bertrand Russell, George D.H. Cole, James Meade, James Tobin, John Kenneth Galbraith trong thế kỷ thứ hai mươi và nhất là từ các năm 1980 đến nay. Những nghiên cứu gần đây, nhất là những thí nghiệm được tiến hành ở nhiều nơi trên thế giới cho thấy một thu nhập cơ bản phổ quát:

  • là có thể chi trả được; và nhiều phê phán đối với nó đã bị bác bỏ, chẳng hạn như có thu nhập cơ bản người dân không trở nên lười biếng hơn mà ngược lại làm việc hăng say hơn, hiệu quả hơn;
  • cổ vũ các đức hạnh của con người tử tế phát triển, khiến người dân vị tha hơn, khoan dung hơn;

Ý tưởng về thu nhập cơ bản nhằm phân phối lại sự an toàn kinh tế (số 6 trong 7 loại an toàn mà precariat thiếu), là một phần quan trọng của ý tưởng chung về phân phối lại cả 7 loại an toàn, hay an ninh nói chung chứ không chỉ sự an toàn kinh tế, cho tất cả mọi người. Nói cách khác, giai cấp precariat đang hình thành có mục tiêu rõ ràng để tiêu diệt chính nó, tức là để xây dựng một xã hội thực sự nhân văn.

Ngoài ý tưởng về thu nhập cơ bản phổ quát, còn nhiều ý tưởng khác, như việc sử dụng thời gian, làm chậm cuộc sống để chúng ta có thể làm nhiều công việc hữu ích như chăm sóc, suy ngẫm,… hơn chỉ là lao động, hoặc để tâm đến việc phát triển sự thấu cảm, suy nghĩ giả như mình trong hoàn cảnh của người khác, để phát triển cuộc sống xứng đáng, cũng được bàn đến trong cuốn sách và đáng khích lệ là ngày càng có nhiều bằng chứng thực tế ủng hộ các ý tưởng như vậy. Một bằng chứng là cuốn sách này của ông đã được dịch ra gần hai mươi thứ tiếng.

Theo tôi, đây là một cuốn sách nền tảng hết sức quan trọng. Các nhà nghiên cứu chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, các chính trị gia, các nhà hoạch định chính sách, các nhà báo và các sinh viên cũng như tất cả những ai quan tâm đến việc hiểu kỹ hơn về tình hình thế giới và trong nước, đến việc xây dựng một xã hội mới, đến cải thiện dân chủ nhất thiết nên đọc cuốn sách này.

Người dịch đã cố gắng hết sức, nhưng chắc chắn bản tiếng Việt còn nhiều hạn chế mong được sự góp ý của quý bạn đọc.   

Hà Nội, 22/5/2017
Nguyễn Quang A

– – – – –

LỜI NÓI ĐẦU CỦA TÁC GIẢ

 

Cuốn sách này là về một nhóm mới trên thế giới, một giai cấp đang hình thành. Cuốn sách dự định để trả lời năm câu hỏi: Precariat là gì? Vì sao chúng ta phải quan tâm đến sự tăng lên của nó? Vì sao nó phát triển? Ai gia nhập nó? Và precariat đưa chúng ta tới đâu?

Câu hỏi cuối cùng là cốt yếu. Có một nguy cơ là, trừ phi precariat được hiểu, sự nổi lên của nó có thể dẫn xã hội đến một nền chính trị địa ngục. Đây không phải là một dự đoán. Nó là một khả năng gây lo lắng. Nó sẽ chỉ được tránh nếu precariat có thể trở thành một giai cấp cho chính nó, với năng lực hoạt động hữu hiệu, và một lực lượng cho việc rèn đúc một ‘nền chính trị thiên đường’ mới, một chương trình nghị sự và chiến lược hơi không tưởng cho các chính trị gia và cho cái được gọi một cách hoa mỹ là ‘xã hội dân sự’, gồm vô số các tổ chức phi chính phủ mà cũng thường ve vãn trở thành các tổ chức tựa-chính phủ.

Chúng ta cần nhận ra precariat toàn cầu một cách khẩn cấp. Có nhiều sự tức giận ở đó và nhiều lo lắng. Nhưng dù cuốn sách này nêu bật phía nạn nhân của precariat nhiều hơn phía giải phóng, đáng tuyên bố ngay từ đầu rằng là sai để thấy precariat về mặt đau khổ thuần túy. Nhiều người bị kéo vào nó đang tìm cái gì đó tốt hơn cái được chào trong xã hội công nghiệp và bởi chủ nghĩa lao động thế kỷ thứ hai mươi. Họ có thể không còn xứng đáng với tên Anh hùng hơn là Nạn nhân. Nhưng họ bắt đầu cho thấy vì sao precariat có thể là một điềm báo trước về Xã hội Tốt lành của thế kỷ thứ hai mươi mốt.

Bối cảnh là, trong khi precariat đã tăng lên, thực tế bị che dấu của toàn cầu hóa đã nổi lên bề mặt với cú sốc tài chính 2008. Bị trì hoãn quá lâu, sự điều chỉnh toàn cầu đang đẩy các nước thu nhập cao xuống khi nó kéo các nước thu nhập thấp lên. Trừ phi những bất bình đẳng bị cố ý bỏ qua bởi hầu hết các chính phủ trong hai thập niên qua được sửa lại một cách triệt để, sự đau khổ và các hậu quả có thể trở nên bùng nổ. Nền kinh tế thị trường toàn cầu có thể rốt cuộc làm tăng tiêu chuẩn sống ở mọi nơi – ngay cả những người phê phán nó cũng muốn điều đó – nhưng chắc chắn chỉ các nhà tư tưởng là có thể phủ nhận rằng nó đã gây ra sự bấp bênh kinh tế cho nhiều, nhiều triệu người. Precariat ở các hàng trước, nhưng nó vẫn cần tìm Tiếng nói để đưa chương trình nghị sự của nó ra đằng trước. Nó không phải là ‘tầng lớp trung lưu bị ép’ hay một ‘hạ cấp-underclass’ hay ‘giai cấp lao động thấp hơn’. Nó có một bó khu biệt của các sự bấp bênh (bất an) và sẽ có một tập khu biệt ngang thế của các đòi hỏi.

Trong các giai đoạn sớm của việc viết cuốn sách này, một bài trình bày về các chủ đề này đã được tiến hành cho cái hóa ra là một nhóm phần lớn đang già đi của các học giả theo phái dân chủ xã hội. Hầu hết đã chào đón các ý tưởng với sự khinh bỉ và nói đã chẳng có gì mới. Đối với họ, câu trả lời hôm nay cứ như nó đã là khi họ còn trẻ. Cần nhiều việc làm hơn, và các việc làm tử tế. Tất cả cái tôi sẽ nói cho các nhân vật đáng kính đó là, tôi nghĩ precariat sẽ không xúc động.

Có quá nhiều người để tri ân tất cả họ từng người một vì sự giúp đỡ trong tư duy ở sau cuốn sách này. Tuy vậy, tôi muốn cảm ơn nhiều nhóm sinh viên và nhà hoạt động những người đã nghe các bài trình bày về các đề tài này trong mười sáu nước được viếng thăm trong thời gian chuẩn bị cuốn sách. Hy vọng các sự thấu hiểu và câu hỏi của họ đã thấm vào văn bản cuối cùng. Là đủ để thêm rằng tác giả của một cuốn sách giống cuốn này chủ yếu là một người chuyển tải các tư tưởng của những người khác.

Tháng Mười Một 2010
Guy Standing

– – – – –

CÁC CHỮ VIẾT TẮT 

AARP       American Association of Retired Persons (Hội Hưu trí Mỹ)

AFL-CIO   American Federation of Labor/Congress of Industrial Organizations
(Liên đoàn Lao động/Hội nghị các Tổ chức Công nghiệp Mỹ)

BBVA       Banco Bilbao Vizcaya Argentaria (Ngân hàng BVA)

BIEN        Basic Income Earth Network (Mạng lưới Thu Nhập Cơ bản Trái đất)

CBT         Cognitive behavioural therapy (Trị liệu hành vi nhận thức)

CCT         Conditional cash transfer (Chuyển giao tiền có điều kiện)

CIA          Central Intelligence Agency (Cơ quan tình báo trung ương)

CRI          Crime Reduction Initiatives (Các sáng kiến giảm tội phạm)

EHRC       Equality and Human Rights Commission (UK) (Ủy ban Bình đẳng và Nhân quyền Anh)

EU          European Union (Liên minh châu Âu)

GCSE      General Certificate of Secondary Education (Bằng Chung về Giáo dục Cấp hai)

IMF         International Monetary Fund (Quỹ Tiền tệ Quốc tế)

LIFO       Last-in, first-out (Nhập sau, xuất trước)

NGO       Non-governmental organisation (Tổ chức Phi Chính phủ)

NIC        Newly industrialising country (Nước mới công nghiệp hóa)

OECD     Organisation for Economic Co-operation and Development (Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế)

RMI       Revenu minimum d’insertion (Thu nhập tối thiểu)

SEWA    Self-Employed Women’s Association of India (Hội Phụ nữ Tự Kinh doanh Ấn Độ)

UKBA     UK Border Agency (Cơ quan Biên giới Anh)

UMP      Union pour un Mouvement Populaire (Đảng Liên minh vì phong trào Nhân dân [Pháp])

– – – – –

* Ghi chú: Các quyển trước gồm:

    1. J. Kornai: Con đường dẫn tới nền kinh tế thị trường, Hội Tin học Việt Nam 2001, Nhà Xuất bản Văn hoá Thông tin (NXB VHTT) 2002; Con đường dẫn tới nền kinh tế tự do (NXB Tri thức. 2007)
    2. J. Kornai: Hệ thống Xã hội chủ nghĩa, NXB Văn hoá Thông tin 2002
    3. J. Kornai- K. Eggleston: Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, NXB VHTT 2002
    4. G. Soros: Giả kim thuật tài chính
    5. H. de Soto: Sự bí ẩn của tư bản,  NXB Chính trị Quốc gia, 2006 [Sự bí  ẩn của Vốn]
    6. J. E. Stiglitz: Chủ nghĩa xã hội đi về đâu?
    7. F.A. Hayek: Con đường dẫn tới chế độ nông nô
    8. G. Soros: Xã hội Mở
    9. K. Popper: Sự Khốn cùng của Chủ nghĩa lịch sử
    10. K. Popper: Xã hội mở và những kẻ thù của nó, I, Plato
    11. K. Popper: Xã hội mở và những kẻ thù của nó, II, Hegel và Marx
    12. Thomas S. Kuhn: Cấu trúc của các cuộc Cách mạng Khoa học
    13. Thomas L. Friedman: Thế giới phẳng, Nhà xuất bản Trẻ, 2006
    14. Một năm Hội nghị Diên Hồng Hungary do Nguyễn Quang A tuyển, dịch, biên soạn
    15. Kornai János: Bằng Sức mạnh Tư duy, tiểu sử tự thuật đặc biệt, NXB Thanh Hóa, 2008
    16. Kornai János: Lịch sử và những bài học,NXB Tri thức, 2007
    17. Peter Drucker: Xã hội tri thức, Quản lý, Kinh doanh, Xã hội và Nhà nước, tập tiểu luận
    18. Murray Rothabrd: Luân lý của tự do
    19. Amartya Sen: Tư tưởng về công bằng
    20. Kornai János: Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản, dân chủ và thay đổi hệ thống
    21. Kornai János: Các ý tưởng về chủ nghĩa tư bản, NXB Thời Đại, 2012.
    22. Robert Kagan: Thế giới mà Mỹ tạo ra, 2012
    23. Daron Acemoglu, James A. Robinson: Vì sao các Quốc gia Thất bại, 2012 (NXB Trẻ có bản dịch khác được xuất bản năm 2013)
    24. Kỷ yếu hội thảo Đại học Michigan: Bàn tròn Ba Lan-Những bài học, 2013
    25. Thương lượng những thay đổi cơ bản: Hiểu và mở rộng các bài học của các cuộc đàm phán Tròn Ba Lan, 2013
    26. Adam Michnik: Những lá Thư từ Nhà tù và các Tiểu luận khác, 2013
    27. Elzbieta Matynia: Dân chủ ngôn hành, 2014
    28. Josep M. Colomer: Lý thuyết Trò chơi và Chuyển đổi sang Nền dân chủ – Mô hình Tây Ban Nha, 2014
    29. Lisa Anderson: Chuyển đổi sang Dân chủ, 2015
    30. Paul J. Carnegie: Con Đường từ Chủ nghĩa Độc đoán đến Dân chủ hóa ở Indonesia, 2015
    31. Hsin-HuangMichael Hsiao (ed.): Các nền Dân chủ Á châu Mới: So sánh Phillipines, Hàn Quốc và Đài Loan, 2015
    32. Larry Diamond và Marc Plattner (biên tập) Dân chủ có Suy thoái?, 2016
    33. Chistian Welzel, Tự do đang lên – Trao quyền cho con người và truy tìm sự giải phóng, 2016

– – – – –

MỤC LỤC 

Chương mở đầu:  Lời giới thiệu – Lời nói đầu  Danh mục chữ viết tắt 

Chương 1.  Precariat 

Chương 2.  Vì sao Precariat đang Tăng?

Chương 3.  Ai gia nhập Precariat?

Chương 4.  Những người Di cư: Các nạn nhân, kẻ xấu hay người hùng?

Chương 5.  Lao động, Công việc và sự Thúc ép Thời gian

Chương 6.  Một nền Chính trị Địa ngục

Chương 7.  Một nền Chính trị Thiên đường

Phụ chương a:  Tài liệu tham khảo

Phụ chương b:  Index

 

Bình Luận từ Facebook