Dương Ngọc Thái
7-12-2024
Để hiểu Nvidia muốn gì ở Việt Nam, tôi nghĩ cần nhìn lại lịch sử.
Cuối thập niên 1990, Cisco là công ty “hot” nhất thế giới. Lúc bấy giờ ai cũng muốn nối mạng. Là nhà cung cấp thiết bị kết nối, Cisco phát triển nhanh chóng. Năm 2002, Cisco trở thành công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới.
Nhiều người nghĩ rằng, bây giờ các hãng công nghệ lớn mới đến Việt Nam mở văn phòng. Thật ra Cisco đã đến Việt Nam từ năm 1998. Việc đầu tiên họ làm là mở trung tâm đào tạo. Họ còn đến trường cấp ba của tôi cho học bổng.
Rất nhanh chóng, bao thế hệ kỹ sư chạy đua lấy các chứng chỉ Cisco. Những người đã học công nghệ Cisco khi ra trường thường chỉ muốn dùng hàng Cisco. Kết quả là Cisco gần như độc quyền thị trường thiết bị mạng Việt Nam trong suốt nhiều năm tiếp theo.
Một trường hợp khác đáng tìm hiểu là Oracle. Sản phẩm chủ chốt của Oracle là máy chủ dữ liệu Oracle Database.
Một hệ thống phần mềm thường có ba lớp: giao diện, tính toán và lưu trữ. Giao diện là phần người dùng nhìn thấy. Tính toán là nơi triển khai các nghiệp vụ. Lưu trữ là nơi chứa dữ liệu.
Ba lớp này thường độc lập với nhau. Mỗi lớp có thể sử dụng một công nghệ riêng. Oracle muốn cả ba lớp đều phụ thuộc vào Oracle Database. Chiến lược của họ gồm ba bước.
Đầu tiên, Oracle tạo ra ngôn ngữ lập trình PL/SQL, kêu gọi lập trình viên triển khai nghiệp vụ ngay trong Oracle Database.
Tiếp theo, Oracle tạo ra các công nghệ như Oracle Forms, sau này là Oracle ADF hay Oracle APEX, cho phép lập trình viên xây dựng giao diện và triển khai nghiệp vụ trên nền Oracle.
Cuối cùng, Oracle cung cấp miễn phí tất cả công nghệ kể trên. Họ đổ tiền quảng cáo, khuyến khích, đào tạo, hối thúc, thâu tóm những nhà phát triển xây dựng sản phẩm trên nền các công nghệ này. Kết quả là rất nhiều phần mềm quản trị doanh nghiệp (enterprise software) chỉ hỗ trợ Oracle Database và chỉ Oracle Database mà thôi.
Khi ngân hàng tôi đang làm việc lúc đó mua phần mềm quản trị ngân hàng (core banking), chúng tôi buộc phải dùng Oracle Database vì phần mềm core banking sử dụng Oracle Forms kết nối vào Oracle Database. Oracle không cần bán hàng, vẫn ung dung thu tiền bản quyền.
Có thể tóm tắt chiến lược của Oracle và Cisco bằng hai từ: lock-in. Họ bày binh bố trận để buộc khách hàng phải tiếp tục sử dụng sản phẩm của họ. Không riêng gì Cisco hay Oracle, lock-in là chiến lược quen thuộc của các tập đoàn công nghệ, bao gồm Nvidia.
Nvidia đang độc chiếm thị trường chip AI toàn cầu. Khi bạn đang dẫn đầu, tất cả những việc bạn muốn làm là giữ nguyên hiện trạng.
Trước tiên, bạn mở trường đào tạo để có nhiều người biết và chỉ biết công nghệ của bạn mà thôi. Những người này sẽ trở thành đại sứ, đưa công nghệ của bạn đến mọi nơi.
Nvidia đang chuẩn bị mở trường đào tạo AI ở Việt Nam. Họ muốn tạo ra một triệu kỹ sư AI, đương nhiên là tập trung học công nghệ AI của Nvidia.
Tiếp theo, bạn cung cấp miễn phí công nghệ cho các nhà phát triển. Bạn đổ tiền quảng cáo, khuyến khích, hối thúc, thâu tóm các nhà phát triển xây dựng sản phẩm trên nền công nghệ của bạn. Ai mua các sản phẩm này sẽ buộc phải mua luôn công nghệ của bạn.
Nếu Oracle có Oracle Forms thì Nvidia có CUDA. CUDA giúp lập trình viên phát triển các sản phẩm AI trên nền tảng chip Nvidia. Đây là con át chủ bài trong chiến lược lock-in của Nvidia.
Nếu khéo léo, không những bạn sẽ chiếm được thị trường trong nhiều năm, mà còn được tiếng thơm đang đầu tư, giúp đỡ những quốc gia kém phát triển xây dựng “ngôi nhà thứ hai”.
Phải nói Nvidia quá giỏi. FPT thông báo rình rang khi… được mua chip của Nvidia. Lẽ thường, chỉ người bán mừng khi ký được hợp đồng, còn bây giờ Nvidia đã trở thành hàng xa xỉ, người mua cũng thi nhau trưng ra cho thiên hạ biết họ sang như thế nào.
(Tiếp theo: Việt Nam nên làm gì?)