18-2-2020
Tiếp theo phần 1
2/ Mục tiêu biên giới
Tác giả Việt Long gộp vấn đề “nạn kiều” vào vấn đề “biên giới” mà không đưa ra một dẫn chứng nào cho độc giả thấy có sự quan hệ giữa hai “vấn nạn” này.
Tác giả dẫn lại các “tố cáo” của hai phía về vấn đề biên giới, lần lượt dẫn lại như sau:
Dẫn:
“Tài liệu Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: “Nếu số vụ khiêu khích lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam của Trung Quốc năm 1975 là 234 vụ, gấp rưỡi năm 1974, thì năm 1978 tăng vọt lên 2.175 vụ, gấp mười lần”. Hết dẫn.
Dẫn:
“Theo Nguyễn Ngọc Minh, từ 1974 tới tháng 1/1979, Bắc Kinh đã gây ra 4.563 vụ xâm lấn biên giới, gây hận thù dân tộc (1974: 179 vụ; 1975: 294 vụ; 1976: 812 vụ; 1977: 873 vụ; 1978: 2175 vụ; 1979: trước ngày 17/2/1979, 230 vụ). Tài liệu của Huỳnh Văn Trình cho biết: năm 1974 – 179 vụ, trong đó có vụ rất nghiêm trọng xảy ra vào 01/6/1974 (500 lính và dân binh Trung Quốc bao vây chiến sĩ biên phòng Việt Nam suốt 24 giờ ở Phia Un (Trà Lĩnh – Cao Bằng) và vào 16/6/1974 (gây ẩu đả ở khu vực Phai Luông – Sóc Giang, Cao Bằng; dùng hàng ngàn người gây nên trận “mưa đá” làm hàng chục dân Việt Nam bị trọng thương); năm 1975 – 294 vụ (gấp đôi năm 1974); năm 1976 – 812 vụ (gấp 4 lần năm 1974), trong đó 10 lần dùng lực lượng từ 1000 đến 3000 người bao vây chiến sĩ biên phòng, 3 lần cướp giật vũ khí, gây xô xát … làm cho số bị thương của Việt Nam lên đến 300 người; năm 1977 – 873 vụ, trong đó 25 lần dùng lực lượng đông người với hung khí (búa, xà beng, súng cao su bắn tên sắt) và hành vi côn đồ gây thương tích cho 413 người Việt Nam, bắt đi 17 người (trong đó 15 chiến sĩ biên phòng); năm 1978 – 2175 vụ (gần gấp 3 lần năm 1977) với 24 vụ nổ súng làm chết và bị thương 72 dân và chiến sĩ biên phòng Việt Nam.” Hết dẫn.
Tài liệu phía TQ, tác giả dẫn như sau:
Dẫn: “từ năm 1975 đến 16 tháng 2 năm 1979, trước ngày Trung Quốc buộc phải thực hiện hành động đánh trả để tự vệ, nhà cầm quyền Việt Nam liên tục gây ra khiêu khích vũ trang và liên tiếp gây ra các sự kiện xâm lược với số vụ ngày càng tăng. Số liệu các sự việc đó như sau: năm 1975: 439 vụ; năm 1976: 986 vụ; năm 1977: 572 vụ; năm 1978: 1108 vụ; năm 1979 (tính đến ngày 16 tháng 2 năm 1979): 129 vụ.”
Câu hỏi đặt ra là bên nào (tố cáo) đúng, bên nào sai?
Tác giả nhìn nhận:
Dẫn:
“Khó có thể đánh giá con số nào là chính xác và sự thực ai là bên gây hấn, nước nhỏ hay nước lớn, do các tài liệu chính thức chưa được giải mật. Song một điều hiển nhiên chúng chứng minh tình hình biên giới đã căng thẳng gấp nhiều lần so với trước và đã xảy ra trước khi quân tình nguyện Việt Nam tiến sang Campuchia.” Hết dẫn.
Ta có thể kết luận vấn đề “nạn kiều” không liên quan gì đến vấn đề “biên giới” (tranh chấp lãnh thổ).
Dầu vậy tài liệu CIA bạch hóa năm 2002 cho biết hai bên có nổ súng năm 1978, nguyên nhân “người Hoa bị bạc đãi từ VN muốn vượt biên vào TQ”.
Theo tôi, vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên đất liền giữa VN và TQ đã hiện hữu từ rất lâu. Ngay cả khi nhà nước bảo hộ Pháp (đại diện cho nhà Nguyễn) và triều đình nhà Thanh ký kết hai Công ước phân định biên giới giữa các tỉnh Hoa Nam với Bắc kỳ năm 1887 và năm 1895, những tranh chấp về biên giới vẫn còn. Vì lý do kinh tế, chính trị… thỉnh thoảng các cột mốc bị dời nhưng diện tích sai lệch không lớn, chỉ nhiều lắm vài cây số vuông. Đến khoảng các năm 1938, sau các đợt kiểm soát vị trí các cột mốc biên giới, các viên chức Pháp ở địa phương đề nghị lên phủ toàn quyền ở Hà nội về sự cần thiết “xác định lại vị trí các cột mốc để đường biên giới được rõ rệt”. Tức là, trên thực địa, phía TQ đã “lấn” sang VN.
Sau 1954, chính phủ VNDCCH cai trị toàn miền Bắc. Vấn đề lãnh thổ biên giới (bị TQ lấn) vẫn không được VN đặt lại.
Chỉ đến năm 1973, khi lãnh đạo VNDCCH có quyết định nghiêng hẵn về phía Liên Xô chống lại Bắc kinh, thì vấn đề biên giới, vốn đã có tranh chấp, trở thành “địa bàn” để hai bên “tính sổ” với nhau. Thay vì bằng “thương thuyết” và “luật lệ” (vì Công ước Pháp-Thanh 1887-1895 vẫn còn hiệu lực) thì hai bên nói chuyện với nhau bằng “súng đạn” mà “chiến trường” là khu vực chung quanh đường biên giới.
Nhưng tranh chấp biên giới trên đất liền, theo tôi, không phải là nguyên nhân “cốt lõi” đưa đến chiến tranh.
Tài liệu CIA Mỹ bạch hóa năm 2002 cho biết là VN chiếm một vùng lãnh thổ khoảng 60km² của TQ và đây là một “cái cớ” để TQ phát động chiến tranh, “dạy cho VN một bài học”.
Khu vực 60km² mà tài liệu của CIA đề cập đến là vùng đất nào? Trên thực tế, sau khi TQ tuyên bố “đã đạt được mục tiêu” rồi rút quân về, chiến tranh vẫn còn tiếp diễn ở khu vực suối Thanh thủy (Vị Xuyên) cho tới năm 1988. TQ muốn thiết lập đường biên giới khu vực này là suối Thanh Thủy.
Theo tôi, vùng lãnh thổ rộng 60km² mà tài liệu CIA nói là VN chiếm của TQ, là dãi đất ở phía bắc, chạy dọc theo chiều dài của suối Thanh thủy. Vấn đề là tài liệu của CIA cho thấy có sai lầm.
Mặc dầu theo nội dung hai công ước Pháp Thanh về phân định biên giới 1887 và 1895 xác định rằng đường biên giới khu vực này là trung tuyến suối Thanh thủy. Nhưng nội dung này đã bị thay đổi, với sự đồng thuận của cả hai bên Pháp và Thanh triều, qua một biên bản phân giới ngày 13 tháng 6 năm 1897. Theo đó đường biên giới dời lên phía bắc, là đường “phân thủy” giữa hai vùng Mường Tung (thuộc TQ) và Thanh thủy (thuộc VN).
Tức là, nếu không có nghiên cứu kỹ nội dung hồ sơ Công ước Pháp-Thanh về phân định biên giới, ta có thể hiểu lầm rằng suối Thanh thủy là đường biên giới và VN “chiếm” của TQ 60km² đất.
Theo các tài liệu từ TQ được bạch hóa, vùng lãnh thổ 60km² do VN kiểm soát này là một trong những nguyên nhân chiến tranh.
Đây có thể là một “sơ sót” của phía TQ (và CIA Mỹ) trong việc diễn giải và nhận định một hồ sơ pháp lý còn hiệu lực. Nhưng cũng có thể đó là một “sai lầm cố ý” của TQ (và Mỹ) để có cớ gây chiến với VN.
Theo tôi, về biên giới lãnh thổ, nguyên nhân “thuyết phục” khiến TQ quyết định “dạy cho VN một bài học” là sự “bội ước” của nhà nước VNDCCH về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhìn từ vấn đề “nạn kiều”, hay từ vấn đề biên giới lãnh thổ, là hai trong những lý do khiến TQ “dạy cho VN một bài học”, là vì VN đã “bội ước”.
Đây là một sai lầm trọng đại của đảng CSVN.
Khi cần sự trợ giúp của TQ để “đánh cho Mỹ cút đánh cho Ngụy nhào” thì đảng này đã hứa hẹn với TQ những điều, mà nếu thực hiện, thì nền độc lập VN bị thương tổn và chủ quyền lãnh thổ bị thiệt hại.
Không một lãnh đạo của một quốc gia độc lập có chủ quyền nào có thể hứa hẹn “bảo vệ kiều dân” của một quốc gia khác như CP CHMNVN đã hứa hẹn với TQ.
Không một quốc gia độc lập có chủ quyền nào lại nhìn nhận chủ quyền lãnh thổ của đất nước mình (HS và TS) thuộc chủ quyền của nước kia (TQ).
Nguyên nhân chiến tranh 1979 là do đảng CSVN đã “bội ước”.
Đảng CSVN phải chịu trách nhiệm về những đổ vỡ gây ra cho chiến tranh, về cái chết của hàng chục ngàn bộ đội, thậm chí hàng trăm ngàn nếu tính luôn dân quân ở các vùng biên giới. Đất nước bị tàn phá. Hàng chục năm sau hệ quả chiến tranh vẫn còn. Để thoát cảnh “cô lập”, VN phải “khấu đầu” qui hàng đảng CSTQ.
Vấn đề là luật pháp VN không có điều khoản nào “chế tài” đảng CSVN hết cả. Hết phạm sai lầm này đến phạm sai lầm khác. Từ năm 1945 đến 1979, đảng CSVN đã dẫn dắt dân tộc VN đi vào 4 cuộc chiến tàn khốc mà cuộc chiến nào cũng có thể tránh được.
Dầu vậy phần đông học giả VN vẫn không thấy đâu là đâu dây mối nhợ gây ra chiến tranh.
Chống TQ để bảo vệ lãnh thổ là một chuyện, nhưng không thể hô hào việc chống TQ, đưa việc “chống TQ” trở thành mô hình “yêu nước”.
Không có một cuộc “tranh luận” đứng đắn nào ở VN, về bất kỳ vấn đề nào. Mọi sự thật lịch sử đều bị bóp méo, nếu không thì bị thời gian chôn vùi.