Lấy râu ông nọ, cắm cằm bà kia?

Ngô Anh Tuấn

18-2-2020

Phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án “Trốn thuế” mà luật sư Trần Vũ Hải là người bị “vạ lây” (với vai trò là người giúp sức) dự kiến sẽ diễn ra trong 02 ngày (13-14/02/2020) nhưng bước sang ngày thứ 04 mà vẫn chưa xong phần xét hỏi. Tới nữa cuối giờ sáng hôm nay mới chuyển sang tranh luận, đối đáp. Do đó, phiên toà này khả năng cao sẽ kéo dài qua ngày thứ 05.

1. Những điều đã được làm rõ từ quá trình điều tra và tại phiên toà phúc thẩm

1.1. Căn nhà và tài sản có trên đất tại số 78/40 Tuệ Tĩnh, phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang là tài sản của bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, ông Ngô Văn Lắm chỉ là người đứng tên giùm từ thời điểm cuối tháng 6/2015. Điều này được bản Kết luận điều tra, Cáo trạng và Bản án sơ thẩm ghi rõ ràng ngay từ những trang đầu tiên.

1.2. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản có trên đất tại số 78/40 Tuệ Tĩnh, phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang ký ngày 22/01/2016 do ông Ngô Văn Lắm chuyển cho bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (chính mảnh đất sau này bà Hạnh bán cho vợ chồng luật sư Hải) mà tôi thay mặt thân chủ cung cấp cho toà ngày 16/01/2020 là thực. Tại toà, bà Hạnh khẳng định điều này và Văn phòng Công chứng Hoàng Long (Nha Trang) cũng xác nhận là có lưu giữ bản gốc và văn bản này đến nay chưa bị hủy giá trị.

1.3. Theo bà Hạnh, ông Hải, người tư vấn soạn thảo các hợp đồng khác nhau là ông Phạm Anh Tuấn và nhân viên Văn phòng Công chứng Hoàng Huệ – Phạm Tuấn. Những người ký vào các văn bản này chỉ việc ký rồi bên làm dịch vụ thực hiện các bước sau đó.

1.4. Nguyên đơn dân sự (Chi Cục thuế Nha Trang) khẳng định rằng, với hồ sơ khai báo vào thời điểm giao dịch, họ đã thu đủ thuế (và thu hơn giá trị thực tế khai báo vì họ tính theo khung giá nhà nước). Bản thân nguyên đơn dân sự không có yêu cầu các bị cáo phải nộp một số tiền thuế nhất định nào đó vì họ không có cơ sở. Tuy nhiên, nếu toà tuyên các bị cáo phải nộp thêm tiền vì trốn thuế thì họ vẫn thu tiếp.

1.5. Bà Hạnh cho biết mình đã sai do không khai báo thuế đúng quy định, bà sẽ chịu trách nhiệm về hành vi của mình, bà có thể bị oan nhưng không kêu oan vì đã quá mệt mỏi và muốn tập trung vào công việc làm ăn của mình. Sau khi có bản án sơ thẩm, bà đã nộp toàn bộ số tiền khắc phục hậu quả và tiền phạt cho cả mình và ông Lắm…

2. Những điều chưa được làm rõ hoặc không bao giờ được làm rõ

2.1. Số tiền thuế mà nhà nước thiệt hại là bao nhiêu và cơ sở nào để xác định.
Đại diện Chi cục thuế Nha Trang khẳng định là họ không đưa ra yêu cầu những người có nghĩa vụ nộp thuế phải nộp cho nhà nước vào nhiêu mà phải chờ văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Người đại diện của Chi cục thuế Nha Trang trong phiên phúc thẩm gần như từ chối trả lời toàn bộ các câu hỏi của ông Hải và các luật sư liên quan tới cơ sở tính thuế, dựa vào đâu để tính số thuế bị thất thu, giữa hợp đồng công chứng và viết tay, ông tính theo cái nào… Sự bất hợp tác của vị này khiến ông Hải phải đặt ra câu hỏi “Có ai chỉ đạo ông từ chối trả lời không”, và đương nhiên là ông tiếp tục từ chối trả lời!

2.2. Ai là người giúp bà Hạnh trốn thuế?
Lời khai của cả bà Hạnh, ông Hải đều khẳng định người tư vấn hợp đồng ghi dưới giá trị thực là do công chứng viên Phạm Anh Tuấn. Lời khai này là mâu thuẫn với lời khai của vị công chứng viên này trong các lần lấy lời khai nhưng toà không triệu tập được ông này tới toà đối chất làm rõ ai nói đúng, ai nói sai mặc dù ông Hải, các luật sư và bà Hạnh đều có yêu cầu này. Vì ông Hải là người mua, không phải đóng thuế, ông cũng không được hưởng lợi gì từ việc ghi giá giao dịch thấp hay cao (ngay cả phí trước bạ cũng không được lợi vì đã có khung cố định). Bà Hạnh càng không có lý do để đổ thừa hay vu oan cho công chứng viên cả. Vậy tại sao toà không triệu tập được ông Tuấn tới toà? Phải chăng ông là một nhân vật quyền lực vô song hay ông nắm giữ nhiều bí mật về tài sản và giao dịch của các vị quan chức địa phương và bắt họ làm “con tin” nên không ai dám đụng đến ông?

2.3. Bản kết luận giám định thuế của ông Nguyễn Văn Trang không thực hiện đúng yêu cầu của cơ quan điều tra. Khi ông bổ sung kết luận giám định bằng miệng tại phiên toà thì nó lại mâu thuẫn với kết luận điều tra. Ông Trang kết luận bằng miệng rằng tài sản là của ông Lắm là người có nghĩa vụ nộp thuế, trong khi đó kết luận điều tra, cáo trạng và bản án sơ thẩm đều khẳng định tài sản là của bà Hạnh. Không những thế, bản cáo trạng còn mâu thuẫn với kết luận điều tra khi kết luận điều tra thì ghi bà Hạnh là người trốn thuế còn cáo trạng thì không ghi rõ ai là người trốn thuế. Bản án sơ thẩm thậm chí là mâu thuẫn với chính mình khi phần nhận định thì ghi tài sản là của bà Hạnh nhờ ông Lắm đứng tên nhưng phần kết thì khẳng định người trốn thuế là ông Lắm. Nói chung, đọc xong các văn bản này, người có chuyên môn luật cũng điên đầu chứ đừng nói tới người dân bình thường.

2.4. Những chứng cứ buộc tội được khai khác triệt để còn những chứng cứ gỡ tội đều bị từ chối bằng nhiều hình thức khác nhau khiến cho phiên toà chỉ chạy loanh quanh sự thật mà không dám nhìn thẳng vào sự thật. Không hiểu có phải vì áp lực quá lớn hay sự tự tin vào sự “bảo kê” của quan trên quá lớn đến mức các cơ quan tiến hành tố tụng đã phớt lờ mọi nổ lực chứng minh vô tội của các bị cáo (thậm chí đó mới chỉ là một điều vừa mới manh nha). Đúng ra, khi đã chứng minh tài sản giao dịch với vợ chồng ông Hải là thuộc về bà Hạnh thì người ta phải tập trung vào việc chứng minh các điều kiện, thủ tục pháp lý liên quan tới việc sở hữu này đã đúng, đủ chưa, bà có tài sản là căn nhà nào khác vào thời điểm thực hiện giao dịch với hay không, bà có thuộc đối tượng miễn thuế hay không thì đằng này họ đã không làm mà cứ chăm chăm vào buộc tội ông Lắm một cách khiên cưỡng tới hết mức có thể? Phải chăng đã có sự bảo kê từ cấp trên hay chỉ vì các vị này quá lười suy nghĩ, vận động?

……

Còn quá nhiều điểm khuất tất, chưa làm rõ được trong vụ án này mà tôi chưa thể nêu hết trong bài viết ngắn này, tôi sẽ tổng hợp lại bằng một bài viết khác toàn diện hơn.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây