Chiến lược của Việt Nam ở biển Đông

East Asia Forum

Tác giả: Carlyle A. Thayer, UNSW Canberra

Dịch giả: Song Phan

28-7-2017

Những người tham gia vào một cuộc biểu tình chống Trung Quốc, đánh dấu 43 năm ngày Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 19-1-2017. Ảnh: Reuters / Kham

Cách nay một năm, vào ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng tài đã đưa ra phán quyết cho những khiếu kiện của Philippines chống lại Trung Quốc về các tranh chấp trên biển của họ ở quần đảo Trường Sa. Tòa án đã phán quyết thống nhất đối với hầu hết các khiếu kiện của Philippines.

Nếu như Trung Quốc và Philippines tuân theo những kết luận của phán quyết này như yêu cầu của luật pháp quốc tế thì Việt Nam sẽ là người hưởng lợi chính vì bốn lý do.

Thứ nhất, Toà đã phán rằng, yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc về các quyền lịch sử, quyền chủ quyền và quyền tài phán khác ở biển Đông là trái với Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và “không có hiệu lực pháp lý”. Hơn nữa, Toà án thấy rằng UNCLOS đã “thế chỗ bất kỳ quyền lịch sử nào, hoặc các quyền hoặc thẩm quyền chủ quyền khác” do Trung Quốc yêu sách vốn vượt quá các giới hạn được quy định trong Công ước.

Thứ hai, Toà phán rằng không có thể địa lý nào ở Trường Sa là đảo theo luật quốc tế, và do đó, không một thể địa lý nào ở đó được hưởng vùng kinh tế đặc quyền 200 hải lý.

Thứ ba, Toà đã thấy rằng hành vi của các tàu thực thi pháp luật của Trung Quốc như việc đâm tàu và dùng vòi rồng áp suất cao, là vi phạm các nghĩa vụ của Trung Quốc theo luật pháp quốc tế. Ngoài ra, các tàu thực thi pháp luật của Trung Quốc đã vi phạm các quyền chủ quyền qua việc quấy rối các hoạt động thăm dò dầu mỏ thương mại, áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá bất hợp pháp, không ngăn cản tàu đánh cá của Trung Quốc đánh bắt bất hợp pháp và ngăn cản không cho những ngư dân khác đánh bắt cá truyền thống.

Thứ tư, Trung Quốc cũng bị quy kết là không thực hiện được các nghĩa vụ của mình trong việc bảo vệ và bảo vệ môi trường biển ở biển Đông với việc xây dựng các đảo nhân tạo, không hợp tác với các nước ven biển khác để bảo vệ và gìn giữ môi trường biển.

Tóm lại, hầu hết các nguồn tranh cãi giữa Việt Nam và Trung Quốc về các quyền chủ quyền ở biển Đông sẽ bị loại đi nếu như Trung Quốc chấp nhận phán quyết của Toà Trọng tài. Hơn nữa, con đường cho hợp tác khu vực để khắc phục sự phá hủy môi trường biển của Trung Quốc ắt hẵn đã được mở ra.

Nhưng Việt Nam đã chọn cách không nhấn mạnh đến đòn bẩy pháp lý được tăng thêm từ phán quyết của Toà án. Thay vào đó, Việt Nam lại hùa theo các thành viên ASEAN khác, tránh đề cập đến phán quyết, chọn cách dùng “các quá trình luật pháp và ngoại giao” thay vào. Việt Nam biết rất rõ rằng bất kỳ việc nhắc đến phán quyết nào cũng sẽ phải chịu đựng cơn thịnh nộ ngoại giao của Trung Quốc.

Dù vậy, Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn cam chịu. Họ đang theo đuổi bốn chiến lược để bảo vệ yêu sách biển của mình ở biển Đông.

Thứ nhất, Việt Nam đang theo đuổi chiến lược “vừa hợp tác vừa đấu tranh” với Trung Quốc. Điều này đòi hỏi phải có những hành động củng cố các yêu sách của họ ở biển Đông, chẳng hạn như tăng cường và trang bị cho hải quân và không quân, để cho thấy khả năng ngăn chặn quân sự đáng tin cậy đối với Trung Quốc.

Chẳng hạn, năm 2016, Việt Nam đã mở rộng đường băng trên đảo Trường Sa Lớn để nâng cao khả năng trinh sát biển. Đáng kể hơn nữa, được biết Việt Nam đã triển khai các thiết bị phóng các pháo tên lửa tầm mở rộng do Israel sản xuất trên một số thể địa lý của họ. Và theo các nguồn tin Trung Quốc, lực lượng đặc công thuỷ Việt Nam đã trở nên tích cực trong hoạt động ở vùng biển gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc.

Việt Nam cũng đã tăng cường các hoạt động thăm dò dầu tại biển Đông cùng với các công ty dầu Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và Ấn Độ. Điều này dẫn đến việc Trung Quốc đột ngột hủy bỏ các hoạt động giao lưu quốc phòng hàng năm trên biên giới Việt –Trung, để đáp trả.

Thứ hai, Việt Nam đã lôi kéo Trung Quốc vào các cuộc họp song phương về biển Đông ở cấp độ nhóm công tác, cấp quan chức cao cấp và cấp cao. Đồng thời, Việt Nam cũng đã thẳng thắn hơn trong việc đưa ra các phản đối ngoại giao và các tuyên bố công khai phê phán những hành động của Trung Quốc trong khu vực.

Thứ ba, Việt Nam đã tích cực ở ASEAN trong nỗ lực hình thành một mặt trận thống nhất về các tranh chấp biển với Trung Quốc ở biển Đông. Tuy nhiên, tiêu chí đồng thuận của ASEAN đã dẫn đến những tuyên bố nhẹ tênh. Ví dụ, tại hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất của ASEAN ở Manila hồi tháng 4 năm 2017, phần biển Đông trong Tuyên bố của Chủ tịch [ASEAN] từ tám đã giảm xuống còn hai đoạn văn. Tuyên bố này nêu, “chúng tôi ghi nhận những quan ngại của một số nhà lãnh đạo đối với những phát triển gần đây trong khu vực” thay vì là “những quan ngại sâu sắc” như đã được ghi nhận năm trước.

Thứ tư, lãnh đạo Việt Nam đã tìm kiếm và nhận được những tuyên bố ủng hộ từ Nhật Bản, Ấn Độ và Hoa Kỳ về biển Đông. Các tuyên bố này luôn ủng hộ tự do đi lại trên biển, trên không và các hoạt động sử dụng biển hợp pháp khác cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp mà không có sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực hoặc cưỡng bức, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm việc tôn trọng đầy đủ các quy trình ngoại giao và pháp lý.

Gần đây nhất, sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng ngày 31 tháng 5, họ đã đưa ra một tuyên bố chung ‘kêu gọi tất cả các bên liên quan thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế của mình với thiện ý trong bất kỳ giải pháp nào cho các tranh chấp này’. Họ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các bên không can thiệp vào các hành động có thể leo thang căng thẳng, chẳng hạn như việc quân sự hoá các thể địa lý có tranh chấp.

Không có khả năng xảy ra chiến tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam trong thời gian trước mắt. Cả hai nước đang theo đuổi ngoại giao song phương và đa phương, gồm các cuộc thảo luận về bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc.

Nếu thực hiện và tôn trọng, bộ quy tắc ứng xử này có thể làm nhẹ bớt một số nguồn ma sát giữa Trung Quốc và Việt Nam ở biển Đông, nơi mà phán quyết của Toà án đã không thể làm việc đó.

© Copyright Tiếng Dân – Bản tiếng Việt

Bình Luận từ Facebook