Những chuyện chưa quên (phần 11)

Hồ Phú Bông

ảnh: internet

Phần 11: Ông lái đò làng Cổ Phúc

Tiếp theo phần 1, phần 2, phần 3, phần 4, phần 5, phần 6, phần 7, phần 8, phần 9 phần 10

Trời mùa đông, ngày ngắn đêm dài nên đêm ở rừng xuống khá mau. Tù không có đồng hồ (vì cái gì có thể gọi là tư trang, kể cả cái cắt móng tay, dao cạo râu… đều phải nộp cho trại cất giữ) nên đời tù sống theo tiếng kẻng. Kẻng báo thức. Kẻng lao động. Kẻng trưa. Kẻng chiều. Kẻng tối học tập, phê bình. Kẻng điểm danh trước khi đi ngủ. Khi nghe ba tiếng kẻng sau cùng trong ngày, vô chuồng, thì đêm như đã vào khuya.  

Đêm nay, Nghiêm thấy khó ngủ. Cái bụng lép kẹp, cồn cào, xay xát về đêm gây khó ngủ là chuyện bình thường nhưng chiều nay Khoa và Nghiêm đã có tăng cường thêm được một gô măng luộc ở ngoài rừng mà sao vẫn không ngủ được, hay là bị măng hành? Tiểu tổ hái măng không có vệ binh theo giữ nên trại ấn định chỉ tiêu và khu vực để vào đó đi tìm măng bẻ đem về.  Sáng nay Khoa đem theo một cái gô, ngụy trang đựng nước uống, nhưng dùng để luộc măng. Nghiêm thì lo chỉ tiêu cho cả hai. Công việc nào cũng khó khăn. Phải lo chỉ tiêu cho cả hai người, không dễ, đã hẳn rồi, nhưng chuyện Khoa tìm cách đốt lửa luộc măng cũng không đơn giản chút nào! Củi vì mưa và sương đêm nên bị ẩm ướt, rất khó nhóm lửa. Phải thổi ù cả tai may đâu lửa mới bén. Khi lửa cháy thì phải lo quạt khói cho tan mỏng ra kẻo bị lộ mục tiêu mà củi càng ướt, khói càng nhiều. Tù thì không có quyền dùng lửa hộp quẹt. Tù nào giấu giữ hộp quẹt là có âm mưu trốn trại! Có vô số lý do để quy kết cho cái tội tày trời nầy.

Chiều nay trước khi về trại, Khoa và Nghiêm chia nhau ăn gô măng lạt vì không có muối. Măng luộc không muối, nếu nhai kỹ sẽ bị ngấy đến tận cổ họng, không thể nào nuốt, cho nên chỉ nhai dập dập, lấy lệ, rồi ráng nuốt. Nửa gô măng nầy đêm nay lại hành hạ cái bao tử một cách khác, làm Nghiêm không ngủ được, cứ muốn ói ra. Nghiêm trở dậy, lần ra đầu hồi. Một bóng đen khác đã thu lu ở đó rồi. Nghiêm giật mình, cứ tưởng là cán bộ vô rình! Thì ra là Khoa. Khoa hỏi nhỏ:

– Măng hành?

– Tao nghĩ vậy.

– Có thể bụi măng mọc ngay gò mối hoặc ổ kiến.

– Ai nói với mầy là măng mọc ngay gò mối hay ổ kiến thì bị nhiễm độc?

– Tao đoán.

– Kim Dung cho các cao thủ võ lâm ăn nhiều độc vật nên có công lực thâm hậu mà!

– Vậy thì tao và mầy ráng chịu qua đêm, ngày mai mình sẽ có nội công thâm hậu.

– Mày vẫn còn đùa được, chưa sao!

– Ráng giữ, đừng cho ói.  Ói là chén khoai mì buổi tối trào ra luôn.

Đêm lạnh. Tiếng chim lạ bỗng kêu trong đêm. Lẻ loi.  

Khoa nói:

– Ráng vô ngủ, kẻo ăng ten báo cáo tụi mình bàn chuyện trốn trại.

Khoa và Nghiêm lò mò trở về chỗ ngủ.

Vừa chợp mắt thì Nghiêm giật mình thức giấc. Ánh đèn pin quét những tia sáng vào một số mùng ngủ. Việc nầy khá lạ, rất ít khi xảy ra. Ánh đèn pin soi khá kỹ nơi mùng Hải, bên cạnh Nghiêm, rồi đến một cái mùng khác ở khoảng gần giữa lán. Không một lời nói. Chắc chắn có nhiều tù thức giấc nhưng nhắm mắt giả vờ như say ngủ. Rồi ánh đèn pin mất hút.

Sáng đi lao động ngoài rừng, Khoa nói:

– Đêm qua họ vào kiểm soát thật kỹ mùng thằng Hải và thằng Chân.

– Chắc họ nghi hai đứa trốn trại.

– Hai đứa nó trốn hụt một lần ở trong Nam. Tao ở chung trại.

– Chắc họ đọc hồ sơ nên theo dõi kỹ?

– Cũng có thể là do ăng ten.

– Biết đâu họ nghe tiếng chim rừng kêu giống như báo động vì có người hay thú đi đến gần, lúc mầy và tao còn ở ngoài đầu hồi?

Nghiêm tiếp:

– Cái hộp quẹt của mầy phải giấu cho thật cẩn thận nếu họ phát hiện là bầm mình.

– Tao biết, nên không giấu trong người đâu. May lắm thì dùng thêm được một tháng nữa là cùng. Khô dầu là phải quăng thôi.

– Lúc đó gạ đổi cho dân địa phương. Zippo mà!

– Mày có lý. Để xem sao.

– Nhưng cũng thật nguy hiểm vì cán bộ trại hầu hết là người địa phương, vừa rành thổ nhưỡng, vừa có gia đình, dòng họ, anh em. Họ tự động quản lý tù vòng bên ngoài, vì tù sổng, cán bộ trại là thân nhân của họ sẽ bị khiển trách!

Buổi tối, tập trung điểm danh sớm hơn thường lệ. Ông cán bộ quản giáo phụ trách lán, dạy dỗ tù kỹ hơn:

– Đảng cho các anh ra đây nà để học hỏi nếp sống văn minh, nành mạnh. Đêm qua tôi và một một số các đồng chí nán khác vào kiểm tra đột xuất thì thấy một số các anh chưa chấp hành tốt đường nối chính sách. Cụ thể nán ta có anh Nguyễn Văn Hải, ngủ gì mà anh để tồng ngồng ra như vậy! Cái đẹp của người Việt ta nà kín đáo, không như văn hóa đồi trụy Mỹ-Ngụy đầu độc ở miền Nam.

Bây giờ thì cả lán mới biết Hải ở truồng ngủ nhưng không ai dám cười! Vấn đề nầy không biết ai là người có văn hóa, văn minh? Người ngủ hay người rọi đèn pin vô mùng?

Tản hàng, Hải tâm sự riêng:

– Tao biết, họ kín đáo kiểm tra quần áo, chỗ ngủ của tao nhiều lần để canh chừng việc trốn trại, nên lần nầy vừa thấy ánh đèn pin bên ngoài, ráng chịu lạnh một chút, tao tuột quần xuống bày nguyên con, nhắm mắt nằm im cho họ ngắm thỏa thích! Chỉ tiếc là không có cán bộ gái!

Không có bản đồ nên không biết làng Cổ Phúc nằm ở nơi nào trong khu vực nông trường trà Trần Phú, huyện Văn Chấn, tỉnh Hoàng Liên Sơn, chỉ biết là làng Cổ Phúc cách nơi trại tù số 5 khoảng ba tiếng đồng hồ đi bộ. Làng nằm bên kia một dòng sông lớn (có thể là sông Hồng hoặc một nhánh của sông Hồng) nước chảy xiết về xuôi. Trời mùa đông. Lạnh. Gió heo may. Đám tù rách rưới, bị gậy như đám hành khất Cái Bang trong truyện võ hiệp của Kim Dung! Có khác chăng là Cái Bang của Kim Dung thì võ nghệ cùng mình và tự chọn một lối sống không bị ràng buộc trước những thế lực thống trị, còn đám tù cải tạo là một loại động-vật-mới của chế độ mà họ không dám minh bạch cho thế giới biết một tên gọi rõ ràng!  

Như vừa trải qua những trận chưởng kinh thiên động địa trong hắc bạch giang hồ, đám tù Cái Bang tơi tả, thoát ra đến bìa rừng, thì bắt gặp một phong cảnh thật êm đềm, hoang vắng. Một dòng sông lớn trước mặt! Đường dẫn đến bến sông bên dưới ngoằn ngoèo như ruột dê với lau lách đìu hiu. Bầu trời mùa đông thật ảm đạm. Một chiếc thuyền nhỏ từ phía bên kia sông nhấp nhô, đang băng qua lượn sóng về phía bên nầy. Con thuyền nhỏ tròng trành như chiếc lá đang trôi giữa dòng, thật mong manh. Ông lái đò ngồi chèo với một cây dầm nhỏ, khuấy nước, rồi kẹp theo mạn thuyền giữ tay lái, khác hẳn với hình ảnh thật đẹp của cô lái đò đứng đàng sau ghe, lấy chân điều khiển bánh lái, hai tay giữ hai mái chèo hai bên, nhún nhảy, nhịp nhàng cho con thuyền rẽ sóng ở miền Nam. Phải chờ khá lâu đám tù Cái Bang mới từ từ nhận ra được chiếc nón lá cời, bộ đồ nâu bạc phết và khuôn mặt cháy nắng, teo tóp nhăn nheo như hột xí muội của ông lái đò. Hình ảnh ông lái đò trong một bài thơ nổi tiếng được nhiều người ngâm tao đàn ngày xưa đang ở ngay trước mặt. Ông lái đò trong bài thơ có cái bi tráng tiễn người đi chiến chinh. Ông lái đò trước mặt thì đưa khách qua lại sang sông, ở một vùng quê hoang dã, quạnh vắng.  

Thuyền nan nhỏ, mỗi chuyến đò ngang chỉ có thể chở được bốn đến năm người nên cả đội tù Cái Bang là khách ngoại lệ. Ông quản giáo ra lệnh và chọn một nhóm tù trẻ, khỏe để sang sông, còn tất cả chờ đợi ở bên nầy. Ai không biết bơi thì đổi người khác. Bên kia sông có tre làng, có những thân cau cao vút vươn trên nền trời xám lẻ loi. Làng vắng vẻ, không thấy bóng người. Tĩnh mịch của vùng quê thật gợi nhớ.

Tuổi học trò của Nghiêm cũng gắn bó với đò ngang. Quê nghèo được bao bọc bằng những dòng sông. Mỗi lần muốn ra phố đều phải qua đò ngang. Mỗi bến nước, một con đò. Đò Giữa, đò Dọc, đò Điện Bình, đò Hoa Trà, đò An Trường, đò Kẻ Thá, đò Hà Mật… Bao nhiêu bến đò ngang là bấy nhiêu kỷ niệm. Mùa mưa phùn gió bấc, gió chướng, thì mọi người ru rú trong cái tơi bằng lá hoặc chiếc áo mưa. Nam sinh quần xắn đến gối, dép móc trên ghi đông xe đạp gọn gàng nhưng nữ sinh thì áo dài vướng víu, dễ bị bùn dơ. Làm sao giữ chiếc cặp sách vở cho khỏi ướt, phải che chắn làm sao khi phải xắn quần đến gối khoe cặp bắp chân nõn nà. Quần áo dài trắng mà bị ướt, vải dính vào da thì da thịt như khỏa thân trước những cặp mắt hau háu của bọn con trai. Mùa hè đùa giỡn, nghịch nhau với làn nước hai bên mạn thuyền, đầy ắp tiếng tru tréo, cười đùa. Giọng con trai vỡ tiếng, giọng con gái trong vắt. Người lớn thường mắng mỏ, càu nhàu đám nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò! Tuy là quê nghèo nhưng một chuyến đò ngang cũng lớn, chở được mười mấy người. Quê nghèo đó đã hơn mấy mươi năm không gặp lại. Mấy mươi năm người khách qua đò ngày xưa bị nổi trôi theo dòng đời, đã quên hẳn bến sông! Nghiêm lặng người với kỷ niệm.  

Bố Thục cũng có vẻ thẫn thờ. Ông vuốt chòm râu dài, lốm đốm sợi bạc. Chòm râu mà ông đã bị hạch sách đủ điều chỉ vì một lý do vô cùng đơn giản mà không ai giải quyết được. Lệnh của trại thì cấm để râu, tóc nhưng dao cạo râu thì bị tịch thu. Quản giáo bắt ông cạo râu. Ông nói không có dao. Quản giáo bảo hỏi tù văn hóa phụ trách hớt tóc. Tù văn hóa hớt tóc trả lời chỉ có một tông đơ cùn phải hớt cho 300 người. Chuyện râu cứ thế lòng vòng. Cuối cùng thì râu bố Thục cứ dài ra cho ông vuốt. Ông thấy mình già như ông già Cái Bang vuốt râu. Quê bố Thục ở ngoài nầy, bố di cư vô Nam năm 1954. Tuổi thanh niên của bố may mắn còn hưởng được chút tự do, tuổi già của lại phải quay trở về quê hương. Hành trình về cõi chết. Bố tâm sự:

– Tôi thì lá rụng về cội, cũng được đi! Nhưng mấy cậu thì… giải thích làm sao đây?

Ông lái đò cũng có chòm râu bắp. Loài dán dùng râu để nói chuyện, ông lái đò và bố Thục nhìn râu để hiểu ra nhau. Một ông đang sống trên sóng nước, nắng mưa. Một ông đang tù đày, khổ ải.  

Ông quản giáo đi theo toán sang sông để vào làng mua bắp cải. Tù Cái Bang còn lại tìm chỗ nghỉ chân, chờ đợi. Ông vệ binh chiếm một gốc cây có vị thế tốt để quan sát, gà gật tựa lưng, còn tù Cái Bang thì tản mát, ngồi nhìn cây cỏ đìu hiu.  

Qua hai chuyến để chở hết toán tù sang bên kia sông không ai hiểu tại sao ông lái đò không ở lại nơi cái chòi lá đơn sơ của ông bên đó để chờ toán mua bắp cải quay về, ông có thể tiết kiệm được sức lực khi phải chèo qua dòng sông rộng? Ông lại chèo ghe trống sang sông. Vào bến, cắm thuyền, ông lên bờ. Dáng ông còm cõi, lưng còng, bộ đồ nâu bạc phết. Áo ông dày cộm và vá chùm đụp. Cái quần dài xắn ngang gối khoe đôi ống chân đen đủi, khẳng khiu như hai thanh củi, đôi chân trần không có dép. Đến ông vệ binh, nói mấy câu mồi điếu thuốc vấn, rồi ông ra phía sau gốc cây đi thẳng vào lùm bụi. Ông có việc sinh lý cá nhân! Ông chậm rãi trở ra, có vẻ khoan khoái nhìn bố Thục, rồi ngoái đầu vào lùm cây, ông nói thật nhỏ chỉ vừa đủ nghe :

– Đừng cho nó thấy, xuất trưa của tôi để ở trong đó. Ông vào ăn cho khéo, tôi cảnh giác cho.

Ông lái đò trở lại gốc cây. Ngồi hút thuốc và nói chuyện với ông vệ binh để câu giờ.

Sau bữa sắn cơm tối, bố Thục kéo một hơi thuốc lào dài, ếm khói. Bố về chỗ nằm, vắt tay lên trán. Không nằm được bố lại trở dậy, ra ngoài đầu hồi, nhìn mông vô rừng. Bóng tối nhòe nhoẹt. Hải tắm dưới suối lên, ngừng lại chỗ bố, gợi chuyện:

– Đường xa quá, nên mệt hả bố?

– Oải chứ, nhưng ông lái đò cứ làm tôi nghĩ quẩn.

Hải yên lặng, bố tiếp:

– Ông dấm dúi cho tôi khẩu phần của ông. Chỉ cơm độn với dưa muối thôi. Tôi ăn nhưng xót lắm! Nghĩ  đến hoàn cảnh của mình và tình thương lớn của ông.

Câu chuyện được kín đáo truyền miệng trong một số tù thân thiết nhau là mỗi đợt tù đi ngang qua bến sông, ông lái đò đều âm thầm quan sát tù nào già yếu nhất, để tìm cách dấm dúi một phần cơm.  

Dũng biết ngày mai lán của Hải đi mua bắp cải. Tìm gặp Hải, Dũng giãi bày tâm sự:

– Cũng như bố Thục mấy tuần trước, tao đã nhận được một phần cơm của ông lái đò. Tao không biết lấy gì để bày tỏ cho ông lão biết tụi mình mang ơn ông về chuyện nầy! Ông lão thì già yếu quá, tao cũng muốn ông chống chỏi với cái lạnh khắc nghiệt trên sông nước, kéo dài mạng sống thêm chút nữa để thỉnh thoảng giúp đỡ bọn mình. Tao chỉ có mỗi cái áo lạnh đang mặc trên người, là của vợ tao đưa khi thăm nuôi ở trong Nam. Tao biết sẽ không còn dịp đi đến làng Cổ Phúc lần thứ hai nên phải nhờ mầy. Mầy tìm cách theo toán qua bên kia đò, rồi quăng chiếc áo nầy vô túp lều nhỏ của ông lão nơi bến sông. Chắc chắn ông cũng không biết ai đã biếu ông chiếc áo ấm nầy, cũng như ông sẽ không bao giờ biết tên những người ông đã dấm dúi phần cơm, nhưng chắc ông hiểu được lòng biết ơn, tình nghĩa của tù miền Nam! Trái tim nhân hậu của ông sẽ kể cho con cháu ông, là những chứng nhân thầm lặng của cuộc đổi đời. Đường tù con dài, đói lạnh còn nhiều, nhưng nếu không làm được điều nầy thì lương tâm tao không thể nào yên được. Vợ tao sẽ tha thứ cho tao lý do bị mất cái áo.

Dũng vừa nói xong, để lại cái áo, rồi đứng dậy quay về lại lán ngay như sợ Hải không nhận lời. Hải một mình, trầm ngâm, rồi lấy khoát vào người.  

Đây là một vật chứng tự nguyện trao đổi, nó thật nhỏ nhoi trong đời sống hàng ngày nhưng vô cùng quan trọng trên bước đường tù vô định của một tù đói! Một dấu ấn đậm nét trong nhau của những kẻ khốn cùng, của những con người mà Đảng muốn họ hận thù nhau!

Hai tuần nữa đến Tết, lán 8 được lệnh cho nghỉ làm buổi chiều, chuẩn bị cơm nước sớm để đi lao động ban đêm, khiêng mấy tạ nếp đi xay tại nhà máy của một nông trường trà. Không thể dùng quang gánh khiêng vì đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, lại đi ban đêm, chắc chắn sẽ vấp té và tai nạn. Không ai quan tâm đến thương tật của tù nhưng họ lo nếp sẽ bị đổ làm thiệt hại kinh tế. Do đó họ hướng dẫn tù dùng túi đựng quần áo cá nhân hoặc dùng quần dài cột chặt hai ống chân để đổ nếp vào rồi cột lưng lại. Cái quần dài sẽ biến thành hình chữ U, vác trên hai vai vòng qua cổ.  Vác theo cách nầy dễ chịu hơn là đeo ba lô, khi đi phải khom người về phía trước để cân bằng cơ thể. Nhưng đường xa, hai ống chân đầy thóc sẽ ép hai bên ngực gây khó thở.  

Nhà máy xay nông trường có lẽ làm việc 24/24. Tù vác lúa nếp đến nơi khá khuya, nhưng nhà máy vẫn đông người. Đổ thóc chung vào những cái thúng đan bằng tre khá lớn rồi tù tản ra khắp nơi. Đây là lần đầu tiên tù có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với sinh hoạt của công nhân nông trường. Tiếng gọi là nhà máy, nghe thật quan trọng nhưng vô cùng thô sơ, từ trang thiết bị đến cách tổ chức thật nghèo nàn. Mấy bóng đèn điện tù mù không đủ sáng, bụi cám, thóc, bay mù trong không khí. Công nhân lam lũ, mệt nhọc, không thấy được chút sinh khí hay nụ cười. Những bài hát đầy xung động, những nụ cười rạng rỡ, những ánh mắt ngời sáng tương lai của công nhân trên những bích chương và phim ảnh thật mỉa mai với thực tế ở đây! Hải, Nghiêm ra bên ngoài dù lạnh, để dễ thở hơn. Một chị đi ngang qua, Hải hỏi xin nước uống. Trong bóng tối không nhìn rõ mặt, chị hỏi:

– Các anh ở trại nào? Đợi đây. Cẩn thận, chúng quan sát đấy!

Chị hỏi, không đợi câu trả lời, rồi bỏ đi rất nhanh.

Hải nói:

– Có ý tốt. Không xấu.

Nghiêm:

– Có thể. Chờ xem.

Hải, Nghiêm còn dò dẫm, nghi ngờ. Những bài học chính trị tù được biết là người dân miền Bắc rất căm thù Mỹ-Ngụy miền Nam mà!

Một lúc sau, một anh công nhân đi đến gần, nói nhỏ, rồi cũng bỏ đi ngay:

– Hai anh lại đằng ấy, vợ tôi đã để nước và hai xuất cơm tối của chúng tôi, gói trong lá chuối. Các anh cẩn thận đấy!

Anh không đợi nghe lời cám ơn, rồi mất hút.  

Những con người xa lạ, lại nhịn cả phần ăn tối để cho tù trong một trạng thái căng thẳng tự nó nói lên rất nhiều điều!  

Hình như những bài học tù đã bị nhồi nhét từ Nam ra Bắc có cái gì đó ở phía đàng sau!

Một buổi chiều khi lán 7 trên đường đi lao động về, vừa lội qua dòng suối cạn, đến khúc quành có gờ đất dựng đứng do xe ủi làm đường bên dưới tạo nên, thì bị phục kích. Đá, sỏi từ trên đồi quăng xuống như mưa. Đường độc đạo không lối thoát nên tù chỉ còn cách lấy hai tay che đầu, chạy thoát về phía trước và la lớn báo động cho nhau. Những viên đá lớn nhỏ, đủ loại quăng xuống và tiếng đám con nít léo nhéo bên trên rượt theo đám tù. Hai ông vệ binh đứng lại nơi suối, nhìn và vỗ tay cười lớn. Một số tù bị u đầu, trầy trán, trầy tay nhưng thương tích không nặng.  

Buổi tối, ông quản giáo vào sinh hoạt đặc biệt. Ông giải thích:

– Các anh nà tội đồ của dân tộc, theo Mỹ-Ngụy giết hại nhân dân, nên cách mạng đưa các anh đến vùng đất hẻo nánh nầy nà để bảo vệ mạng sống cho các anh. Dù chúng tôi đã giải thích với các em về chính sách khoan hồng của Đảng và nhà nước dành cho các anh, nhưng rất tiếc nà các em ở đây cũng ném đá các anh để trả thù việc các anh đã giết cha, chú, thân nhân của các em. Do đó, từ nay các anh không được đi riêng nẻ vì có thể bị giết chết bất cứ ở nơi nào. Các anh phải đi chung, về chung để được chúng tôi bảo vệ. Trẻ em vô tư mà còn căm thù, huống chi nà người nhớn! Trẻ em thì chỉ có đá sỏi vớ vẩn nhưng người nhớn thì có dao rựa, vũ khí trên tay… Hàng rào nứa quanh trại chỉ nà tượng trưng nhưng hàng rào nhân dân mới quan trọng. Chiều nay các anh học được bài học nhỏ để thấy hết mọi nguy hiểm của bản thân.  

Ông quản giáo lý luận thật hùng hồn. Ông quên là ông đang nói chuyện với đám tù chứ không phải ông đang dàn dựng cho đám trẻ con. Ông lú lẩn. Sự dối trá đã trở thành đạo lý trong ngôn ngữ hàng ngày của ông. Đạo lý của chủ nghĩa của ông.

Một ngày nào đó ông mới có được kinh nghiệm của ông lái đò, của anh chị công nhân nhà máy xay ở nông trường trà Trần Phú. Ông sẽ kinh nghiệm được những kẻ trọn đời nghèo khó và chịu đựng. Những kẻ bị Đảng nhân danh!

Bi kịch là chính ông. Đảng nhân danh ông và ông cũng nhân danh Đảng!

Trong tận cùng của khổ đau và chịu đựng, trái tim nhân ái đã lớn dậy. Sự dối trá, gian ác và bạo ngược là những lớp phân lá mục phủ lên trên, và âm thầm ở bên dưới, hạt giống của những ông lái đò, anh chị công nhân nông trường sẽ nẩy mầm!

 

Bình Luận từ Facebook