Nhân tri dân chủ (phần 2)

GS Lê Hữu Khóa

4-10-2018

Tiếp theo phần 1

Sung lực dân chủ

Thể chế dân chủ tạo nên chế độ dân chủ để bảo trì xã hội dân chủ, không phải là một thể chế thuần giống hay thuần chủng, vì nó vượt trên phạm trù thuần hoá để thống trị, chính nghĩa của dân chủ luôn tìm tới sự hợp nhất dựa trên:

– Lưỡng nguyên có đối kháng để phát triển xã hội, để bảo vệ tự do cho công dân, cụ thể là có ít nhất hai đảng, hoặc hai tập thể tạo ra hai cực đối kháng nhau, qua các dự án phát triển đất nước, qua các lộ trình phát huy sức mạnh của một dân tộc. Hai đảng này trực diện để đối diện thường xuyên bằng sức đối kháng của họ, nơi mà họ phải tích cực để tiến bộ qua các chương trình ứng cử, sẽ trở thành quốc sách khi họ thắng cử để nắm chính quyền. Lưỡng nguyên chấp nhận đối kháng mang bản chất của tự do cạnh tranh trên chính trường rất sòng phẳng, nơi luật rừng mạnh được yếu thua được thế bằng luật đúng của đa số thắng thiểu số qua tranh cử.

– Đa nguyên dựa đa tài, nơi mà đa nguyên dựa trên đa đảng, vì có sung lực tạo ra đa tài trong quản lý, đa năng trong sản xuất, đa trí trong cơ chế, đa hiệu trong kinh tế… Đa nguyên chọn đa dạng để chống độc tài, chọn đa chiều để loại độc trị, chọn đa phương để khử độc đảng. Chính hệ đa này sẽ mở ra nhiều cửa, đưa tới nhiều chân trời làm mới tự do, làm rộng công bằng, làm giầu bác ái. Cũng chính đa nguyên tạo ra nhiều nhận định trong lập pháp, tạo ra nhiều phân tích trong tư pháp, tạo tiền đề cho nhiều phương án trong hành pháp.

Đa nguyên là sung lực của dân chủ, vì nhờ có đa tài nên chống lại được với thảm hoạ quá nhiều bất tài hiện nay trong lãnh đạo của ĐSCVN, đa nguyên dùng đa trí để gạt luôn quá nhiều bất lực, và cũng chính đa nguyên dụng đa hiệu để trừ mọi hậu quả của độc đoán tới từ độc đảng, độc tôn, độc trị, độc quyền. Đa nguyên nói thẳng với sung lực: vắng mợ chợ vẫn đông! Không có lãnh tụ nào, không có đảng phái nào là tối cần, chính họ tự nghĩ là: không có họ thì nhân loại phải gục! Dân tộc phải chết! Sự thật chính trị là không ai là tối cần cả trong một thể chế thật sự dân chủ. Chỉ vì dân tộc cần mọi công dân, vì đất nước cần mọi nguyên khí, vì giống nòi cần mọi tiềm năng. Vì sung lực dân chủ là hợp nhất trong đa nguyên, nó không tính chuyện đơn lẻ để xé lẻ, để xài lẻ.

Quá trình hợp nhất qua lưỡng nguyên thì hai đảng có thể thay nhau mà lãnh đạo, mà nắm chính quyền qua tranh cử, có lúc cùng nhau tổ chức một chính phủ, các quốc gia Âu châu có nhiều kinh nghiệm về hệ chia quyền này, nước Đức là quốc gia có nhiều kinh nghiệm phong phú về quá trình này. Có quá trình hợp nhất qua đa nguyên, nhiều đảng phải, nhiều tập hợp chính trị có thể nắm chính quyền, tổ chức chính phủ cũng qua đầu phiếu, tạo ra một sung lực dân chủ đó là sự thông minh hỗ tương (l’intelligence de la complémentarité), đảng này bổ khuyết cho đảng kia, tập thể này hữu ít cho tập thể kia, hiện nay nước Pháp đang sống kinh nghiệm này để vượt qua lưỡng nguyên (phái tả, phái hữu) với thói quen của các phản xạ kình chống nhau qua biên giới tả-hữu.

Sự thông minh hỗ tương, tận dụng đa tài, đa năng, đa trí, đa hiệu tạo ra một sinh hoạt văn minh trong chính trường, cho phép ra đời sự thông minh tôn trọng lẫn nhau (l’intelligence du respect mutuel). Họ văn minh qua hỗ tương, qua tôn trọng lẫn nhau, nên họ tránh được các cuộc thảm sát của ĐSCVN đã làm, đã truy diệt các đảng đối lập, từ các đảng phái quốc gia tới các đảng thuộc phong trào đệ tứ cộng sản trong những năm 1940-1960. Và cho đến giờ này với độc đảng, ĐCSVN vẫn tiếp tục truy diệt mọi chồi non dân chủ, mọi mầm móng đa nguyên. Đây là thảm hoạ cho Việt tộc mà thủ phạm chính là ĐCSVN đang ám sát mọi thông minh có trong giống nòi Việt, họ diệt đa tài để giữ độc đảng, đây là một tội lớn của ĐCSVN trong lịch sử cận đại và hiện đại của Việt Nam.

Sung lực dân chủ có tầm vóc chính trị, có bản lĩnh định chế, có gân cốt nhân lý được thấy rõ qua ba thực thể pháp lý sau đây của mọi chế độ thực sự có dân chủ:

– Phân ranh giữa chính trị và luật pháp, trong đó chính trị được nắm chính quyền, được lập chính phủ, nhưng chính trị qua chính giới và chính khách cùng với đảng phái của họ không được đứng trên, đứng ngoài, đứng xa pháp luật, mà họ phải ở trong khung pháp luật như mọi công dân, và nếu cần phải chịu bị xử như mọi công dân.

– Hợp nhất giữa chính quyền và quốc gia, trong đó chính quyền đại diện cho quốc gia, từ chính trị tới ngoại giao, từ xã hội tới văn hoá, từ an ninh tới quốc phòng… mà cùng lúc phải bảo vệ một cách tuyết đối không những quyền lợi của quốc gia, mà nhất là sự sinh tồn của dân tộc đã bầu ra chính quyền đó.

– Ưu tiên nhân quyền trong đó dân chủ tận dụng mọi quyền hạn của mình để bảo vệ tự do, công bằng, bác ái vì nhân quyền, với nội dung ngày càng cao về nhân phẩm, nhân đạo; ngày càng rộng về nhân bản, nhân văn; ngày càng sâu về nhân từ, nhân nghĩa, ngày càng xa về nhân tri, nhân trí.

Không có ba sung lực: phân ranh giữa chính trị và luật pháp, hợp nhất giữa chính quyền và quốc gia, ưu tiên nhân quyền thì không có thể chế dân chủ nào bền vững. Chính dân chủ đã dùng tất cả sung lực này của mình để tổ chức ra một không gian chính trị dân chủ, trong đó mê tín, dị đoan, thần linh, kể cả thượng đế không còn có mặt trong sân chơi-trò chơi-luật chơi này. Và bản thân sân chơi-trò chơi-luật chơi này phải luôn được hiện đại hoá từ xã hội tới pháp luật, từ văn hoá tới giáo dục, để mở rộng tự do cho công dân, để thăng hoa nhân quyền; từ đây xuất hiện phạm trù: tự do dân chủ (liberté démocratique) cao hơn tự do của cá nhân, nó còn tìm cách đi xa hơn tự do của tập thể, của cộng đồng.

Tự do dân chủ dùng ba tự do: tự do đầu phiếu, tự do ứng cử, tự do tranh cử để thay đổi các tự do đã cố hữu như thành lũy trong sinh hoạt văn hoá và xã hội. Cụ thể là khi con người muốn có tự do hôn nhân, thì phải ra luật để bảo đảm quyền hủy hôn nhân, tức là lập ra một quyền mới là được ly hôn, được quyền ly dị. Vì hôn nhân là một thực thể của tự do, thì ly hôn cũng phải là một thực thể ngược lại để cùng song hành với hôn nhân để bảo vệ tự do của mỗi cá nhân, khi thỏa hiệp hôn nhân không còn được một trong hai người hoặc cả hai không đồng ý với thỏa hiệp hôn nhân này nữa. Xa hơn: giữa hôn nhân và ly hôn, còn có người muốn sống chung mà không qua đám cưới, muốn sống thử mà không màng gì tới hôn nhân, thì đây cũng là một tự do mà một xã hội văn minh phải công nhận. Xa hơn nữa, xã hội dân chủ chấp nhận hôn nhân giữa các cá nhân đồng tính, và công nhận quyền có con của các cặp hôn nhân này qua luật pháp.

Chính các thể chế dân chủ hiện nay đang trên đà nghiên cứu các đạo luật mới công nhận quyền tự do dân chủ của tự chủ hoá (liberté démocratique de l’autonomisation) để đi đến nguyên tắc cá tính hoá (principe de l’individualité) trong sinh hoạt dân chủ. Tại đây, công dân không những phải được công nhận như một cá thể với tất cả quyền lợi được hiến pháp công nhận, mà công dân này phải được công nhận như một cá nhân có đặc điểm riêng, với ý muốn riêng, mang mong cầu riêng, cao hơn nữa chính công dân này với cá tính sáng tạo của mình muốn thực hiện các hoài bão chính đáng của mình, và yêu cầu xã hội và pháp luật phải tôn trọng những sáng tác, như là những tác phẩm đặc thù, có mang đặc tính của họ.

Chính thể chế dân chủ đã đi đầu trong quá trình luật hoá bảo vệ quyền sở hữu các phát minh cá nhân, không những là một vốn của trí tuệ của cá nhân đó, mà cụ thể là bảo vệ thành quả tới từ cá tính của cá nhân qua sáng tạo làm nên biệt tài của cá nhân đó. Các cao trào cá nhân hoá có mặt rộng rãi trên các mạng xã hội qua internet hiện nay, ngày ngày làm rõ nét uy lực sáng tạo của các cá nhân để khẳng định quy luật tự do nhân trí được cá nhân hoá. Đây là chuyện hiện thực, có trong sinh hoạt truyền thông dân chủ hiện nay, có những cá nhân sáng tạo đã có ảnh hưởng rộng rãi qua các mạng xã hội trên internet, và ảnh hưởng của họ nhiều, sâu, rộng, cao hơn hẳn các báo đài của độc đảng đang kiệt lực, cạn hơi tuyên truyền những tin tức trái sự thật, những tin đồn phản chân lý, những tin bẩn ngược lẽ phải.

Các quốc gia chậm trễ (như Việt Nam hiện nay) trong quá trình tri thức dân chủ này, sẽ chậm trễ trong quá trình tri thức nhân quyền, về cá nhân tính trong đó cá tính của mỗi công dân biết sáng tạo sẽ là sung lực để thăng hoa dân tộc của công dân đó.

Hùng lực dân chủ

Hùng lực trong một không gian dân chủ phải dựa trên các nội dung pháp quyền được dân chủ hướng dẫn từ đầu đến cuối, trong đó dân chủ không chỉ là phương pháp và kỹ thuật bầu ra các lãnh đạo có khả năng để quản lý đất nước, bảo vệ dân tộc, mà hùng lực dân chủ còn dựa trên một hệ thống lý luận đi xa hơn phương pháp và kỹ thuật ứng cử và bầu cử. Trong không gian dân chủ, ta sẽ thấy xuất hiện ba nền móng, có chiều sâu lẫn chiều rộng để xây dựng một thể chế dân chủ, vì ba nền móng này sẽ làm rõ các giá trị mà con người tin, và một thể chế thật sự dân chủ phải thể hiện niềm tin của quần chúng ngay trong đời sống, sinh hoạt của một xã hội dân chủ:

– Giá trị nhân phẩm muốn-và-biết làm người theo hướng hay, đẹp, tốt, lành có trong đạo lý của một dân tộc, trong một quốc gia, trong trong một xã hội, nơi mà nhân bản, nhân văn, nhân đạo làm rường cột không những trong giáo dục mà cả trong chính trị; qua đó mọi công dân đều được quyền đòi hỏi từ phòng thân tới lập thân cho tới tiến thân, là phải được định chế dân chủ bảo đảm và pháp luật dân chủ bảo vệ. Ở đây, không hề có chuyện “mang con bỏ chợ”, không hề có chuyện “ai chết mặc ai”, như hàng triệu thảm kịch của dân oan, dân đen mà chúng ta thấy đầy ngập trong xã hội độc tài qua độc đảng hiện nay.

– Giá trị lập luận pháp quyền nơi mà không những lập luận về quyền lợi của dân tộc và quốc gia phải được bảo vệ hằng ngày; mà các tập thể, các cộng đồng cũng phải được bảo vệ từ hiến pháp tới pháp luật. Tại đây, cá nhân là công dân trong không gian dân chủ, không đứng ngoài các lập luận pháp quyền, vì chính các lập luận này làm ra công luật, sinh ra các đạo luật mà không có thực thể nào được đứng trên nó. Vì chính nó đại diện cho quyền lợi của quần chúng hiện tại, mà cả cho giống nòi mai sau; và với sức thuyết phục chỉnh lý của nó, nơi mà mọi công dân phải tôn trọng các quyền lợi tối cao của dân tộc và quốc gia được bảo vệ bằng pháp luận qua hiến pháp và luật pháp.

Các lập luận pháp quyền luôn bị thay, tráo, lừa, gian trong các chế độ độc tài phản dân chủ, nơi mà các bọn lãnh đạo tự cho phép chúng xé luật, lách luật, tránh luật. Vì chúng rất hiểu tầm vóc của lập luận pháp quyền chính là thượng nguồn của mọi diễn luận và giải luận về dân chủ, nên các chế độ độc tài, độc trị, độc tôn qua độc đảng luôn luôn tránh phát triển các trung tâm nghiên cứu về lập luận pháp quyền trong đó công luật phải bảo vệ bởi pháp luật. Đừng mong các chế độ độc đảng phản dân chủ lấy tự sáng kiến để tổ chức và thực hiện các hội thảo, hội nghị, hội luận về các lập luận pháp quyền để xây dựng một hùng lực cho dân chủ, vì chúng ngày ngày “mất ăn, mất ngủ” vì các lập luận pháp quyền này.

Giá trị quan hệ xã hội chính là quan hệ giữa người với người, qua sinh hoạt xã hội, qua đời sống xã hội, từ kinh tế tới thương mại, từ văn hoá tới giáo dục, từ tôn giáo tới tâm linh… Đây là một phạm trù ngày càng có tầm thiết yếu trong các nghiên cứu, điều tra về các kinh nghiệm nhân sinh trong không gian dân chủ. Giá trị quan hệ xã hội cao hơn quyền lợi của một tập thể, sâu hơn quyền lực văn hoá của một cộng đồng, và chắc chắn là rộng hơn tư lợi của một công dân. Vì không thể có nhân phẩm, tức là phẩm chất làm người, nếu không có những giá trị quan hệ xã hội có phẩm chất hay, đẹp, tốt, lành, ngày ngày nuôi dưỡng nhân phẩm qua các quan hệ cụ thể đã có trong xã hội.

Giá trị quan hệ xã hội giữa người với người là gốc của quá trình tạo dựng nhân sinh quan cho một công dân; là rễ của quá trình chế tác ra thế giới quan của một tập thể; là nguồn của quá trình phát triển vũ trụ quan của một cộng đồng trước đà tiến hoá của nhân loại. Chính giá trị quan hệ xã hội giữa người với người trực tiếp điều kiện hoá tầm nhìn-sức hiểu, tức là từ kiến thức tới tri thức của mọi chủ thể trong sinh hoạt dân chủ. Nhân phẩm của một người, của một tập thể, của một cộng đồng được kiểm tra và kiểm chứng qua phẩm chất của quan hệ xã hội của các nhân tố này.

Thảm kịch của xã hội Việt hiện nay với hiện tượng vô cảm (ai chết mặc ai) đang đi ngược lại với ba giá trị trên (giá trị nhân phẩm, giá trị lập luận pháp quyền, giá trị quan hệ xã hội) từ đó nói lên rất rõ: ba cái thiếu, ba cái vắng, ba cái trống một xã hội bị bưng bít tin tức và truyền thông tức là bị thui chột về nhân phẩm, mất niềm tin về pháp quyền tức là què cụt về thế giới quan trước công bằng xã hội, bị công an trị tức là bị cầm tù ngay trong tự do quan hệ xã hội.

Một thảm kịch ngoại giới luôn có nguyên nhân từ một thảm kịch nội giới, trong đó mọi bi kịch của ĐCSVN đều chóng chày trở thành thảm kịch cho Việt tộc hiện nay. Hãy nhìn lại lý lịch cá nhân của chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa qua đời ngày 21/09/2018 (mà giả thuyết chính đáng là bị truy diệt qua thanh trừng nội bộ kiểu độc đảng phản dân chủ), là một chỉ báo rõ nét về số phận của các lãnh đạo ĐCSVN, thảm hại hơn là trình độ tri thức và mức độ luân lý của chính giới được nhào nặn bởi độc đảng: một tên trùm công an với tay vấy máu hàng ngàn nạn nhân trong các cuộc đàn áp đồng bào Tây Nguyên tới các cuộc đàn áp khốc liệt chống các chủ thể đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền. Thảm kịch thành thảm hoạ cho đất nước, đây cũng là tên đầu sỏ các tổ chức trộm, cắp, cướp, giựt được tổ chức bởi tay chân bộ công an của hắn, từ cướp đất của dân oan để bán cho các tập đoàn địa ốc bất chính, tới các chuyện lén lút đưa du đảng, côn đồ để phá hoại, chụp mũ, vu khống các cuộc biểu tình yêu nước.

Với một hệ thống tham ô, tham nhũng ở mọi cấp, cùng lúc cũng là tên đầu nậu này cấu kết với bọn lưu manh, xã hội đen khủng bố những người yêu nước đấu tranh chống xâm lược Tàu, khi hắn là Bộ trưởng Bộ Công an. Một tên buôn máu để tranh quyền, cũng là loại mua bằng bán cấp để mua chức bán quyền với chủ đề tiến sĩ là “khoa học an ninh”, mà chỉ có bọn gian lận học giả-thi giả-bằng giả mới dám dùng một cách vô liêm sĩ, trong khi báo đài tuyên huấn thì lại rao tin là một học trò giỏi, chăm học, phải “bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng để học bài”, ai còn tin chuyện này ở thế kỷ XXI này?

Và cái gốc của vấn đề là: an ninh có thể là một phạm trù nghiên cứu nếu nó có lãnh vực kiến thức chuyên môn cần khảo sát, nó không hề là một khoa học với lý thuyết luận, phương pháp luận, khoa học luận, thí dụ như của khoa học chính trị. Mà thật lạ! Chủ tịch nước thì có bằng tiến sĩ về “khoa học an ninh”, và tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (là nhân vật trung tâm bị nghi vấn là tác giả sát hại chủ tịch nước này) thì có bằng tiến sĩ về “xây dựng đảng”, nếu họ là chính khách thật, trong một chính giới thật, tại sao họ không nghiên cứu về chính trị học, tức là khoa học chính trị ?

Chuyện học giả-thi giả-bằng giả khó có thể xảy ra trong một môi trường dân chủ có tri thức rõ, vững, chắc, bền, mà dân chủ tây phương Tây gọi là: clarté (sáng (để) soi), tại đây cái giả không có chỗ đứng, ghế ngồi, như các lãnh đạo của ĐCSVN đang đánh lận con đen, biến cái “giả học” thành cái tự vỗ ngực là “có học”. Cái sáng (để) soi của dân chủ vừa là lý thuyết, vừa là thực hành, vì nó vừa là lý luận, vừa là phương pháp, nó luôn đứng về phía sự thật để lột mặt nạ cái giả, vì nó luôn đứng về phía chân lý để lột trần cái gian, và nó luôn đứng về phía lẽ phải để tuột trần thân cái đểu.

_____

Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie*Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á* Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.

Các bài của giáo sư LÊ HỮU KHOÁ trên BÁO TIẾNG DÂN đã được ANTHRPOL-ASIE xuất bản và các bạn đọc có thể chuyển tải trực tiếp qua TRỰC LUẬN (l’argumentation directe), XÃ LUẬN (l’argumentation sociétale) http://bit.ly/2OMGXH9 trong VÙNG KHẢ LUẬN (trang thầy Khóa).

Mời đọc lại các bài cùng tác giả: Thư gởi tuổi trẻ của Việt tộc  —  Thư gởi các đảng viên của ĐCSVN: Trả lại thẻ đảng để nhận lại nhân phẩm Việt!  —  Thư gởi các ủy viên Bộ Chính trị đảng CSVN  —  Thư gởi các đại biểu Quốc hội: Cúi đầu bấm nút, rồi cúi đầu quỳ gối!  —  Thư gởi các Bộ trưởng của chính phủ: Chạy chức hay chạy dân? —  Thư gởi các nhà lãnh đạo tương lai của Việt tộc: Lãnh đạo nhận nhân lý, nhập nhân trí  —  Một xã hội bị tàu nạn hóa (Phần 1)  —  Một xã hội bị tàu nạn hóa (Phần 2)  — Một xã hội bị tàu nạn hóa (Phần 3) —  Một xã hội bị âm binh hóa (Phần 1)  —  Một xã hội bị âm binh hóa (Phần 2)  —  Một xã hội bị khổ sai hóa (Phần 1) —  Một xã hội bị khổ sai hóa (Phần 2)  — Một xã hội bị ngu dân hóa (Phần 1)  — Một xã hội bị ngu dân hóa (Phần 2)  —  Một xã hội bị ngu dân hóa (Phần 3)  —  Một xã hội bị ngu dân hóa (Phần 4) —  Nhân lý dân chủ (Phần 1)  —  Nhân lý dân chủ (Phần 2) —  Nhân tri dân chủ (phần 1)

Bình Luận từ Facebook