David Trần Hiếu
15-11-2017
Lời mở đầu: Chủ đề loạt bài “Di sản của Tư lệnh Đinh La Thăng, công tác cán bộ”, với 6 phần đã qua, Phần 1: về bổ nhiệm Nguyễn Đình Việt làm Cục phó Cục Hàng hải khi không có bằng đại học, Phần 2 là câu chuyện bổ nhiệm thần tốc Thái tử đỏ Nguyễn Xuân Anh làm Tổng cục phó Tổng cục Đường bộ; Phần 3 về Vũ Anh Minh – Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp với những lùm xùm trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp GTVT; Phần 4 là câu chuyện buồn về cố Cục trưởng Cục Đường sắt Nguyễn Hữu Thắng; Phần 5 gợi nhớ về Vũ Đức Thuận, nguyên Chánh văn phòng Bộ GTVT, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây lắp Dầu khí, hiện đang đợi ngày hầu tòa; Phần 6 liên quan đến cái mẹo của Tư lệnh Đinh La Thăng lựa chọn binh tướng của mình bằng “những cuộc thi kỳ ảo”…
Phần 7, bạn đọc sẽ được giới thiệu về một “Nguyễn Xuân…” nữa. Không phải Nguyễn Xuân Ảnh (con trai của cựu Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Chi, em trai của Cựu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh) vì đã được nêu ở phần 2 rồi. Nhân vật này không phải Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã bị tuyên án tử hình, không phải Nguyễn Xuân Anh đã bị thôi chức Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cũng không phải Nguyễn Xuân Quang, Cục phó Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, bỗng nhiên nổi tiếng sau vụ “mất trộm” gần 400 triệu trong chuyến công cán mới đây… mà là Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam thuộc Bộ Giao thông Vận tải: ông Nghè, “Tiến sĩ Hàng hải” Nguyễn Xuân Sang.
***
Thời gian qua, nhóm điều tra độc lập đã tiến hành điều tra về tấm bằng Tiến sĩ của ông Nguyễn Xuân Sang. Và đã đầy đủ bằng chứng để thấy rằng bằng Tiến sĩ từ xa mà ông này kê khai trong hồ sơ lý lịch và đang sử dụng là bằng Tiến sĩ dỏm.
Lý lịch của Nguyễn Xuân Sang do Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng hải Việt Nam quản lý, ông Sang khai trong hồ sơ đảng viên và lý lịch cán bộ có Trình độ chuyên môn cao nhất là: “Tiến sĩ Hàng hải”, và ngoại ngữ “Anh văn tương đương trình độ C”.
Trong đó, phần kê khai chi tiết Nguyễn Xuân Sang có ghi rõ: học vị Tiến sĩ chuyên ngành Hàng hải, thời gian học từ 10/2006 đến 12/2008, theo hình thức đào tạo từ xa, tại Viện Khoa học, Nghiên cứu và Thực nghiệm Điện tử, Ô-tô và Thiết bị điện – Cộng hòa Liên bang Nga.
Viện này có tên tiếng Nga “Научно-исследовательский и экспериментальный институт автомобильной электроники и электрооборудования” (viết tắt là ФГУП НИИАЭ), tiếng Anh là “The Scientific and Resarch and Experimental Institute of Automotive Electronics and Electrical Equipment”, tên giao dịch viết tắt là NIIAE, trang Web http://niiae.ru/)
Để làm rõ vấn đề, điều tra viên độc lập đã làm việc với Viện NIIAE (địa chỉ: No.39/41, St.Brick, Moscow, 105187 Russia; Phone: +7–495-365-3255), được biết trong thời gian một số năm, kể từ sau năm 2004 Viện có nhận đào tạo từ xa cho một số học viên từ Việt Nam, trong đó có Nguyễn Xuân Sang. Do học từ xa nên các học viên chỉ cần ở Việt Nam và cuối khóa có chuyến thăm khoảng 1 tuần sang Nga thăm, kết hợp bảo vệ Luận án Tiến sĩ. Về ngôn ngữ, quy định là học viên phải có đủ trình độ ngoại ngữ để bảo vệ bằng tiếng Nga, song Nguyễn Xuân Sang vì không biết tiếng Nga nên đã trình bày bằng… tiếng Việt, và thuê người thông dịch sang tiếng Nga.
Tìm hiểu vấn đề này tại một Cơ quan quản lý nhà nước chuyên về đào tạo, bằng cấp, chứng chỉ là Cục Quản lý chất lượng (trước đây là Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng) thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, điều tra viên độc lập được thông tin rằng chương trình giáo dục từ xa để cấp văn bằng của Viện Khoa học, Nghiên cứu và Thực nghiệm Điện tử, Ô-tô và Thiết bị điện ̣NIIAE (Liên bang Nga) nói trên chưa được Cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục công nhận và chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo hay liên kết đào tạo từ xa tại Việt Nam.
Do đó, bằng Tiến sĩ từ xa do Viện NIIAE của Liên bang Nga nói trên cấp cho Nguyễn Xuân Sang không được công nhận tại Việt Nam.
Ngày 20/10/2007, Cơ quan thông tin chuyên sâu về các vấn đề giáo dục, đào tạo…tại Việt Nam là Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết “Bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ đào tạo từ xa gắn mác nước ngoài không được công nhận”, cũng đã nêu rõ trả lời của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam về chủ đề này. Cụ thể, Viện Khoa học, Nghiên cứu và Thực nghiệm Điện tử, Ô-tô và Thiết bị điện (Liên bang Nga) chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép liên kết đào tạo từ xa tại Việt Nam và chương trình đào tạo tiến sĩ từ xa của cơ sở này không được công nhận!
Nguyễn Xuân Sang là một cán bộ, công chức cấp cao của nhà nước, chắc chắn hiểu biết rất rõ quy định này. Nhưng Sang vẫn khai vào hồ sơ và sử dụng bằng Tiến sĩ là vừa không đúng quy định, vừa thiếu trung thực.
Mặt khác, Viện NIIAE nơi cấp bằng Tiến sĩ cho Nguyễn Xuân Sang là cơ quan nghiên cứu về điện, điện tử và công nghệ ô-tô, máy kéo, máy móc nông nghiệp … (http://niiae.ru/) không đào tạo ngành nghề về hàng hải, không cấp học vị Tiến sĩ hàng hải. Vậy từ đâu ra mà ông Sang lại có bằng “Tiến sĩ Hàng hải” như đã kê khai trong hồ sơ cán bộ và lý lịch đảng viên ? Hẳn đây không phải là lỗi của “cậu đánh máy” như một số vị đùn đẩy trách nhiệm khi bị phát giác !
Về chứng chỉ ngoại ngữ “Anh văn tương đương trình độ C” mà Nguyễn Xuân Sang khai, trong thực tế hồ sơ chỉ có chứng chỉ tiếng Anh chương trình B; hơn nữa Sang khai trình độ ngoại ngữ “tương đương C” là gì không ai hiểu nổi, nhưng lại cũng là một điều thiếu trung thực trong kê khai!
Trước đây, báo chí và dư luận đã nhiều lần đưa tin về việc Nguyễn Xuân Sang được Tư lệnh Đinh La Thăng bổ nhiệm vượt cấp, từ hàm Trưởng phòng, tức đang từ Giám đốc đơn vị thành viên là Cảng vụ hàng hải Sài Gòn của Cục Hàng hải lên thẳng Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, dù thiếu tiêu chuẩn.
Năm 2014, Nguyễn Xuân Sang thi trượt Chuyên viên Chính, do đó không được Bộ Nội vụ xếp “ngạch Chuyên viên chính”. Nhưng đến năm 2015, Sang vẫn được Tư lênh Đinh La Thăng bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hàng hải, là trái với quy định bổ nhiệm của chính Đinh La Thăng đưa ra, là khi bổ nhiệm phải có tiêu chuẩn được xếp ngạch Chuyên viên chính. Tuy Đinh Tư lệnh có biến báo bằng một văn bản khác, rằng người được bổ nhiệm có thể nợ tiêu chuẩn, song Sang đã thi trượt Chuyên viên chính, không được xếp ngạch- chứ không phải chưa thi, nên việc cho “nợ” là quá lố bịch.
Tư lệnh Đinh La Thăng lúc đó đã quyết, nào ai dám trái ý cho rước họa vào thân, tuy tất thảy đều biết bổ nhiệm Nguyễn Xuân Sang- con người thừa tiền nhưng thiếu tiêu chuẩn, là sự bổ nhiệm thần tốc và méo mó, là theo một quy trình “kiểu Đinh La Thăng” !
Việc Nguyễn Xuân Sang sử dụng bằng dỏm không được công nhận và kê khai lý lịch không trung thực này gợi nhớ vụ Nguyễn Xuân Anh, mới bị cho thôi Ủy viên Trung ương Đảng và Bí thư Đà Nẵng, với một trong những vi phạm là “kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực, vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên và Quy định những điều đảng viên không được làm”.
Xuân Anh và Xuân Sang giống nhau, đều học Tiến sĩ thời gian 02 năm, so với thời gian đào tạo tiến sĩ trung bình từ 4-6 năm gồm nghiên cứu, viết luận án…thì các vị này quả là “siêu tốc”! Xuân Anh và Xuân Sang giống nhau ở chỗ đều ghi danh vào những cơ sở mà “học dễ như chơi” lại vẫn có “học vị”. Đáng tiếc, họ lại giống nhau ở chỗ cả hai trường mà Xuân Anh và Xuân Sang lựa chọn thì chương trình đào tạo từ xa đều không được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận và Bằng Tiến sĩ dỏm của họ đương nhiên không được thừa nhận.
Nhưng Xuân Anh khác Xuân Sang ở chỗ: Xuân Anh sang du học tại Mỹ, trường California Southern Univerity từ 3/2005 đến 12/2006; còn Xuân Sang ngồi tại Sài Gòn, nộp tiền và ghi danh nhập học tháng 10/2006 rồi qua Mạc Tư Khoa thăm quan, kết hợp bảo vệ luận án tháng 10/2008. Khác lớn nữa là ông Xuân Anh trước đó có học Cao đẳng tại Canada, học Thạc sĩ tại Mỹ…, tiếng Anh rất tốt, còn ông Xuân Sang tiếng Nga không rõ, tiếng Anh không rành.
Lại nhớ mới đây, tại Hội nghị Trung ương 6, khóa 12 bế mạc ngày 11/10/2017, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói “…nếu ai đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa”… Một chủ trương rất nhân văn cho những người biết hối lỗi, biết sai thì ra đầu thú… Nhưng hẳn quá khó để những ai đã nhúng chàm tự đi gột rửa, khi mà những thông tin về họ- những vị tay đã nhúng chàm ấy – được bưng bít, không đến được những nơi cần tới.
Tác giả cùng nhóm điều tra độc lập chỉ là những người tìm hiểu và nêu những thông tin điều tra liên quan tới công tác cán bộ của Tư lệnh Đinh La Thăng, việc xử lý thế nào đối với những nhân vật như Nguyễn Xuân Sang –Cục trưởng Cục Hàng hải với nghi án “Khai hồ sơ lý lịch, kê khai sử dụng bằng cấp không trung thực, không đúng quy định, vi phạm những điều đảng viên không được làm”… là của cơ quan chức năng trong bộ máy chính quyền hành pháp Việt Nam.
Thiết nghĩ, làm Bí thư Thành ủy, hay làm Cục trưởng, hoặc giả một vị trí nào nữa đi, cũng có ai bắt các vị ấy phải có bằng Tiến sĩ đâu ! Cái sự mua danh, trục lợi, chạy chức, chạy quyền này lại hợp với những kẻ phàm phu, người xưa gọi đó là “Mua danh ba vạn”, là “Mua danh bán lợi”…
Còn việc tự xử lý, tự gột rửa như gợi ý của ông Tổng bí thư lại tùy thuộc vào cái tư duy, lòng tự trọng, sự nhìn nhận hay bản ngã của mỗi con người mà thôi !