Trung Quốc đã đạt đến tột đỉnh?

Project-Syndicate

Tác giả: Joseph S. Nye, Jr.

Đỗ Kim Thêm dịch

3-1-2023

Nguồn ảnh: Kevin Frayer/ Getty Images

Theo quan điểm của người Mỹ, việc đánh giá quá thấp hoặc quá cao về sức mạnh của Trung Quốc đều nguy hiểm như nhau. Trong khi sự cuồng loạn tạo ra nỗi sợ hãi, việc coi thường những tiến bộ gần đây và các tham vọng trong tương lai của Trung Quốc có thể khiến Hoa Kỳ phung phí các lợi thế về lâu về dài của mình.

Sự thất bại trong chính sách Zero COVID  đang dẫn đến việc đánh giá lại sức mạnh của Trung Quốc. Cho đến gần đây, nhiều người kỳ vọng GDP của Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2030 hoặc sau đó. Nhưng hiện nay, một số nhà phân tích cho rằng, ngay cả khi Trung Quốc đạt được mục tiêu đó, Mỹ sẽ lại dẫn trước. Như vậy, chúng ta đã chứng kiến việc “Trung Quốc đã đạt tột đỉnh” chưa?

Đánh giá quá cao cũng như đánh giá quá thấp sức mạnh của Trung Quốc đều nguy hiểm như nhau. Đánh giá thấp tạo ra sự tự mãn, trong khi đánh giá quá cao làm dấy lên nỗi sợ hãi; nhưng một trong hai việc này có thể dẫn đến các tình trạng tính toán sai lầm. Một chiến lược tốt đẹp đòi hỏi việc đánh giá cẩn trọng thuần tuý.

Trái ngược với sự hiểu biết khôn ngoan thông thường hiện nay, Trung Quốc không phải là một nền kinh tế lớn nhất thế giới. Được đo lường bằng sức mua tương đương, Trung Quốc trở nên lớn hơn nền kinh tế Mỹ vào năm 2014. Nhưng đo lường bằng sức mua tương đương là một phương tiện của nhà kinh tế để so sánh các ước tính về phúc lợi; ngay cả khi một ngày nào đó Trung Quốc vượt qua Mỹ về tổng quy mô kinh tế, GDP không phải là thước đo duy nhất của sức mạnh địa chính trị. Trung Quốc vẫn thua xa Mỹ về các chỉ số quân sự và quyền lực mềm, và sức mạnh kinh tế tương đối của Trung Quốc vẫn còn nhỏ hơn khi xét đến các đồng minh của Mỹ như châu Âu, Nhật Bản và Úc.

Để chắc chắn, Trung Quốc đang mở rộng  các khả năng quân sự trong những năm gần đây. Nhưng đến chừng nào mà Mỹ còn duy trì liên minh và căn cứ của mình ở Nhật Bản, Trung Quốc sẽ không thể loại trừ Mỹ ra khỏi miền Tây Thái Bình Dương, và liên minh Mỹ-Nhật ngày nay mạnh hơn so với thời kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Đúng vậy, đôi khi các nhà phân tích rút ra nhiều kết luận bi quan hơn từ các binh pháp chiến tranh được thiết kế để mô phỏng cho cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc. Nhưng do nguồn cung năng lượng của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi hải quân Mỹ ở Vịnh Ba Tư và Ấn Độ Dương chế ngự, đó sẽ là một sai lầm nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng một cuộc xung đột hải quân gần Đài Loan (hoặc ở Biển Đông) sẽ bị giới hạn trong khu vực đó.

Trung Quốc cũng đầu tư hùng hậu vào lĩnh vực sức mạnh mềm (khả năng đạt kết quả được yêu chuộng qua việc gây ra thu hút hơn là bằng cách ép buộc hoặc mua chuộc bằng tiền). Nhưng trong khi các dự án trao đổi văn hóa và viện trợ thực sự có thể nâng cao sức hấp dẫn của Trung Quốc, hai rào cản lớn vẫn còn.

Thứ nhất, trong khi các cuộc xung đột lãnh thổ vẫn còn cho tiếp tục diễn ra với các nước láng giềng như Nhật Bản, Ấn Độ và Việt Nam, Trung Quốc đã khiến cho mình trở nên kém thu hút hơn so với các đối tác tiềm năng trên toàn thế giới.

Thứ hai, sự kìm kẹp sắt đá trong nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã làm mất đi các lợi ích của Trung Quốc đối với xã hội dân sự sống động mà người ta tìm thấy ở phương Tây.

Điều đó nói lên rằng, quy mô lan rộng về kinh tế của Trung Quốc sẽ vẫn rất quan trọng. Mỹ từng là cường quốc thương mại và cho vay song phương lớn nhất thế giới. Nhưng hiện tại, gần 100 quốc gia coi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của họ, trong khi chỉ có 57 quốc gia có mối quan hệ như vậy với Mỹ. Trung Quốc đã cho vay 1 ngàn tỷ cho các dự án cơ sở hạ tầng thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường trong thập niên qua, trong khi Mỹ đã cắt giảm viện trợ.

Hơn nữa, câu chuyện thành công về kinh tế của Trung Quốc chắc chắn sẽ nâng cao sức mạnh mềm của nước này, đặc biệt khi so với các thị trường đang phát triển và mới nổi khác. Và khi Trung Quốc cho phép hoặc từ chối quyền thâm nhập vào thị trường nội địa mang lại cho Trung Quốc một đòn bẫy thuộc quyền lực cứng, mà nền chính trị độc tài và các hoạt động trọng thương cho phép Trung Quốc sử dụng tự do.

Chúng ta đang ở đâu trong việc thẩm định tình trạng quân bình quyền lực tổng thể? Điều quan trọng là Mỹ vẫn có ít nhất năm lợi thế trong dài hạn.

Một là về địa lý. Mỹ được bao quanh bởi hai đại dương và hai nước láng giềng thân thiện; ngược lại, Trung Quốc có chung biên giới với 14 quốc gia khác và đang dính líu vào các tranh chấp lãnh thổ trên toàn khu vực. Mỹ cũng có lợi thế về năng lượng. Trong thập niên qua, cuộc cách mạng về đá phiến đã biến Mỹ thành một nhà xuất khẩu năng lượng ròng, trong khi Trung Quốc ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào việc nhập khẩu năng lượng.

Thứ ba, Mỹ có được sức mạnh tài chính vô song từ các định chế tài chính xuyên quốc gia rộng lớn và vai trò quốc tế của đồng đô la. Chỉ một phần nhỏ trong tổng dự trữ ngoại hối được tính bằng đồng nhân dân tệ, trong khi 59% được giữ bằng đồng đô la. Mặc dù Trung Quốc mong muốn mở rộng vai trò toàn cầu của đồng nhân dân tệ, một loại tiền tệ dự trữ đáng tin cậy phụ thuộc vào việc nó có thể tự do chuyển đổi, một thị trường vốn vững chắc, một chính phủ phát hành có thành tín và tinh thần thượng tôn pháp luật. Trung Quốc không có điều kiện nào trong số này, khiến đồng nhân dân tệ khó có thể thay thế đồng đô la trong thời gian sắp tới.

Thứ tư, Mỹ có lợi thế tương đối về dân số. Mỹ là quốc gia phát triển lớn mạnh duy nhất hiện nay được dự đoán sẽ giữ vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng về dân số trên toàn cầu. Bảy trong số 15 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ có lực lượng lao động bị thu hẹp trong thập niên tới, nhưng lực lượng lao động ở Mỹ dự kiến sẽ tăng 5%. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ bị giảm 9% dân số trong độ tuổi lao động, vốn đã đạt đến tột đỉnh vào năm 2014, và Ấn Độ sẽ vượt qua nước này về dân số trong năm nay.

Cuối cùng, Mỹ đã đẫn đầu trong việc phát triển các ngành công nghệ quan trọng (sinh học, nano và thông tin), đó là trọng tâm tăng trưởng kinh tế của thế kỷ này. Tất nhiên, Trung Quốc đang đầu tư hùng hậu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, để tiến bộ công nghệ của họ không còn phụ thuộc hoàn toàn vào việc bắt chước. Trung Quốc đã nên cạnh tranh trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, nơi mà Trung Quốc hy vọng sẽ trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu vào năm 2030. Những nỗ lực của Mỹ nhằm tướt đi các chất bán dẫn tiên tiến nhất của Trung Quốc có thể làm chậm tiến trình này, nhưng các nỗ lực này sẽ không làm kết thúc được tiến trình này.

Tất cả điều này đã nói lên rằng Mỹ đang ở trong thế mạnh. Nhưng nếu Mỹ không chống cự nổi sự cuồng loạn về sự trỗi dậy của Trung Quốc hoặc sự tự mãn về “đạt mức tột đỉnh” của mình, Mỹ có thể đánh một ván bài kém. Loại bỏ các lá bài có giá trị cao, bao gồm các liên minh mạnh mẽ và ảnh hưởng trong các định chế quốc tế, sẽ là một sai lầm nghiêm trọng.

Một vấn đề quan trọng cần theo dõi sẽ là tình trạng nhập cư. Khoảng một thập niên trước, tôi đã hỏi Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, rằng liệu Trung Quốc có sớm vượt qua Mỹ về quyền lực trên toàn diện không. Ông nói rằng, điều đó sẽ không xảy ra, bởi vì Mỹ có thể thu hút và tái kết hợp các tài năng của thế giới theo những cách đơn giản là không thể thực hiện được dưới chủ nghĩa Hán tộc của Trung Quốc.

Hiện nay, người Mỹ có nhiều lý do để cảm thấy lạc quan về vị thế của họ trên thế giới. Nhưng nếu Mỹ từ bỏ các liên minh bên ngoài và sự cởi mở trong nước, cán cân có thể thay đổi.

_______

Tác giả: Joseph S. Nye, Jr. Là giáo sư Đại học Harvard, ông từng là cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ. Cuốn sách mới nhất của ông: Do Morals Matter? Presidents and Foreign Policy from FDR to Trump do nhà xuất bản Oxford University Press phát hành năm 2020.

Bình Luận từ Facebook