Chủ tịch Quốc hội Việt Nam từ chức vì bị điều tra tham nhũng

AP

Trúc Lam chuyển ngữ

26-4-2024

Chủ tịch TQ Tập Cận bình (trái) bắt tay Chủ tịch QH Vương Đình Huệ tại Hà Nội ngày 13-12-2023. Nguồn: AP/ Minh Hoang

HÀ NỘI, Việt Nam (AP) – Người đứng đầu Quốc hội Việt Nam đã từ chức, theo truyền thông nhà nước, khiến ông trở thành thành viên cấp cao mới nhất của chính phủ rời nhiệm sở, trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra làm chấn động giới tinh hoa chính trị và kinh doanh của đất nước.

Việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ chức càng làm tăng thêm tình trạng bất ổn trong nước. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ chức hồi tháng 3 – Chỉ hơn một năm sau khi cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ chức để chịu trách nhiệm chính trị về vụ bê bối tham nhũng trong đại dịch.

Nguyễn Khắc Giang, nhà phân tích tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, cho biết: “Điều này làm nổi bật sự bất ổn cực độ trong một môi trường chính trị thường được ca ngợi về sự ổn định của nó, khi ba nhà lãnh đạo hàng đầu bị sa thải chỉ trong một năm”.

Theo tờ báo nhà nước VnExpress, việc từ chức của ông Huệ diễn ra vài ngày sau khi trợ lý của ông là Phạm Thái Hà bị bắt vào ngày 21/4, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư lợi.

Tin tức ban đầu không nói ông Huệ dính líu đến tham nhũng, nhưng lưu ý rằng các nhà điều tra phát hiện lãnh đạo Quốc hội đã “vi phạm các quy định của Đảng và những vi phạm của ông đã ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và của chính ông”. Theo VnExpress, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chấp nhận điều mà họ gọi là tự nguyện từ chức của ông Huệ.

Ông Huệ năm nay 67 tuổi, đã giữ chức Chủ tịch Quốc hội Việt Nam hơn ba năm qua. Điều đó khiến ông trở thành chính trị gia quan trọng thứ tư ở Việt Nam, cùng với Chủ tịch nước, Thủ tướng và người đứng đầu Đảng Cộng sản.

Bất ổn chính trị có thể đe dọa tham vọng kinh tế của Việt Nam khi nước này nỗ lực trở thành đối tác thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng khu vực. Trong chuyến thăm Việt Nam hồi đầu tháng này, CEO Tim Cook của Apple cho biết, ông muốn tăng cường hơn nữa việc đầu tư vào nước này.

Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời người phát ngôn Bộ Công an, Trung tướng Tô An Xô, cho biết, vụ bắt giữ ông Hà là kết quả của việc mở rộng cuộc điều tra đang diễn ra đối với Tập đoàn Thuận An. Chủ tịch công ty Nguyễn Duy Hưng và một số người khác đã bị bắt hồi đầu tháng Tư.

Chiến dịch Đốt Lò đã thiêu rụi nhiều doanh nghiệp, dẫn đến bản án tử hình chưa từng có đối với bà trùm bất động sản Trương Mỹ Lan trong vụ lừa đảo lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam.

Nhà phân tích Nguyễn Khắc Giang cho biết, ông Huệ trước đây được coi là người có khả năng kế nhiệm Trọng. Ông Giang nói: “Sự ra đi của ông ấy sẽ chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kế nhiệm ở Việt Nam”.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ triệu tập Đại hội Đảng Cộng sản kế tiếp vào đầu năm 2026.

Trong khi đó, các chuyên gia cho biết, các đối thủ đang tranh nhau để giành vị trí người kế nhiệm ông Trọng, là người được chọn để nắm chức Tổng bí thư hồi năm 2021, trong nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ. Ở độ tuổi của ông Trọng, các chuyên gia cho rằng, khó có khả năng ông sẽ tiếp tục thêm một nhiệm kỳ nữa.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây