Ai lừa đảo khách hàng?

Võ Xuân Sơn

8-4-2024

Mấy ngày nay, ngoài việc block những cú điện thoại quảng cáo kiểu mất dạy, nhá máy rồi để cho người được gọi gọi lại, và chúng quảng cáo, thường là bằng đoạn ghi âm sẵn, tôi lại phải vất vả block nhiều số điện thoại của nhân viên tư vấn chứng khoán (stockbroker) MBS.

Không biết có bao nhiêu stockbroker của MBS, mà từ khoảng 10 ngày nay, ngày nào tôi cũng chặn cả chục số gọi từ đây. Ban đầu, khi tôi chưa có kinh nghiệm với nhóm stockbroker của các ngân hàng gọi mời chào, tôi luôn trả lời lịch sự. Và tôi luôn bị quấy bằng đủ thứ câu hỏi liên tu bất tận, thậm chí cúp máy rồi còn bị gọi nữa. Sau này, tôi khôn ra, cũng không cố chấp giữ mình là người có văn hóa, nên chặn hết các số đó lại. Trong khi các cuộc gọi quấy rầy khác giảm dần, thì mật độ các cuộc gọi của chứng khoán MBS không hề thay đổi, nếu không muốn nói là tăng lên.

Tôi có nghe nói việc giám đốc chi nhánh ngân hàng bị bắt vì lừa đảo trộm tiền trong tài khoản của khách hàng gởi tại ngân hàng hơn 300 tỉ. Việc lừa đảo ở đất nước “rực rỡ” của chúng ta bây giờ không còn là điều gì lạ lẫm, nên nếu nó không xảy ra ở nơi tôi có quan hệ, thì thực sự là tôi không quan tâm. Mãi đến hôm nay, tôi mới ngồi đọc bài viết được một bạn trên Facebook post. Thì ra cái cô giám đốc chi nhánh ngân hàng bị bắt vì lừa đảo hơn 300 tỉ đồng của khách hàng gởi tại ngân hàng, là thuộc ngân hàng MSB.

Cường độ gọi của các stockbroker của MBS dày đặc, làm tôi nhầm lẫn với MSB. Với cách quản lý của ngân hàng như trong trường hợp vị giám đốc chi nhánh ngân hàng MSB lừa đảo, trộm tiền trong tài khoản của khách hàng gởi tại ngân hàng hơn 300 tỉ, thì liệu tôi tham gia chứng khoán có an toàn hay không?

Thực ra thì tôi không có ý quy kết gì đối với ngân hàng MSB. Việc nhân viên lừa đảo không chỉ xảy ra ở MSB. Quy mô lừa đảo của cô giám đốc chi nhánh MSB cũng nhỏ hơn nhiều so với cái cô Huyền Như hồi nào.

Vấn đề nhân viên xấu, lừa đảo trộm tiền trong tài khoản của khách hàng gởi tại ngân hàng, thực ra chỉ là một phần của câu chuyện. Điều chính yếu là cách các ngân hàng xử lý chuyện này. Mặc dù người dân gởi tiền tại ngân hàng, là giao dịch giữa người dân và ngân hàng. Nếu nhân viên ngân hàng lừa đảo trộm tiền trong tài khoản của khách hàng gởi tại ngân hàng, thì đó là vấn đề trong nội bộ ngân hàng. Thế nhưng, các ngân hàng lại cố tình chuyển những vụ đó thành nhân viên ngân hàng lừa đảo khách hàng, chuyển trách nhiệm khắc phục sự việc lên nhân viên phạm pháp của mình.

Ban đầu thì nhân viên ngân hàng lợi dụng sơ hở trong quản lý của ngân hàng mà lừa đảo, trộm tiền trong tài khoản của khách hàng gởi tại ngân hàng. Sau đó, ngân hàng chuyển trách nhiệm việc làm mất tiền của khách hàng lên đầu nhân viên, và chuyển trách nhiệm đền bù cho khách hàng lên nhân viên.

Khi đó thì thực sự không biết ai mới là người lừa đảo khách hàng?

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “những cú điện thoại quảng cáo kiểu mất dạy, nhá máy rồi để cho người được gọi gọi lại, và chúng quảng cáo, thường là bằng đoạn ghi âm sẵn”

    Nên mở đầu đoạn ghi âm bằng bài “Nối Vòng Tay Lớn”, sẽ lừa được nhiều người hơn

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây