Bản dịch nội dung “phỏng vấn” Tổng thống Nga Vladimir Putin của Tucker Carlson (Phần 4)

Cù Tuấn, biên dịch

12-2-2024

Tiếp theo phần 1phần 2phần 3

Tucker Carlson: Vâng. Nhưng đây là một câu hỏi mà ông có thể trả lời được. Ông đã từng làm việc ở Đức, và khá nổi tiếng ở đó. Người Đức biết rõ ràng rằng đối tác NATO của họ đã làm điều này, rằng NATO đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế của họ – nó có thể không bao giờ phục hồi được. Tại sao họ lại im lặng về điều đó? Điều đó rất khó hiểu với tôi. Tại sao người Đức không nói gì về chuyện đó?

Vladimir Putin: Điều này cũng làm tôi bối rối. Nhưng giới lãnh đạo Đức ngày nay được hướng dẫn bởi lợi ích của tập thể phương Tây hơn là lợi ích quốc gia của họ, nếu không thì rất khó giải thích logic hành động hay không hành động của họ. Suy cho cùng, không chỉ chuyện Nord Stream-1 bị nổ và Nord Stream-2 bị hư hỏng, mà còn một đường ống vẫn an toàn và khí đốt có thể được cung cấp cho châu Âu qua đó, nhưng Đức không mở nó. Chúng tôi đã sẵn sàng, xin vui lòng mở nó ra.

Có một tuyến đường ống khác xuyên qua Ba Lan, được gọi là Yamal-Europe, cũng cho phép lưu lượng lớn dầu chảy qua. Ba Lan đã đóng cửa tuyến này, nhưng Ba Lan hưởng lợi từ Đức, do Ba Lan nhận tiền từ các quỹ hỗ trợ liên châu Âu và Đức là nhà tài trợ chính cho các quỹ liên châu Âu này. Đức nuôi sống Ba Lan ở một mức độ nhất định. Và họ đã đóng đường ống dầu đến Đức. Tại sao? Tôi không hiểu. Người Đức đã cung cấp vũ khí và cả tiền bạc cho Ukraine.

Đức là nhà tài trợ thứ hai sau Mỹ về viện trợ tài chính cho Ukraine. Có hai tuyến đường khí đốt chạy qua Ukraine. Người Ukraine chỉ đơn giản là đóng một tuyến đường. Hãy mở con đường thứ hai và lấy khí đốt từ Nga. Họ không mở nó. Tại sao người Đức không nói: “Này các ông, chúng tôi cung cấp cho các ông tiền bạc và vũ khí. Làm ơn mở van để khí đốt từ Nga đi qua đến chỗ chúng tôi”.

“Chúng tôi đang mua khí hóa lỏng với giá cắt cổ ở châu Âu, điều này khiến mức độ cạnh tranh của chúng tôi và nền kinh tế nói chung giảm xuống mức 0. Ông có muốn chúng tôi tiếp tục đưa tiền cho ông không? Hãy để chúng tôi có một cuộc sống tử tế, kiếm tiền nuôi nền kinh tế của chúng tôi, bởi vì số tiền chúng tôi đưa cho ông đến từ nền kinh tế này”. Ukraine từ chối làm như vậy. Tại sao? Hãy hỏi họ. (Gõ lên bàn.) Những gì ở đây và những gì trong đầu họ đều giống nhau. Những người ở đó rất bất tài.

Tucker Carlson: Có lẽ thế giới đang chia thành hai bán cầu. Một bên có năng lượng giá rẻ, bên kia không có năng lượng giá rẻ đó. Và tôi muốn hỏi ông rằng, nếu bây giờ chúng ta là một thế giới đa cực, thì rõ ràng là như vậy, ông có thể mô tả các khối liên minh không? Ông nghĩ có ai ở mỗi bên?

Vladimir Putin: Nghe này, ông vừa nói rằng thế giới đang chia thành hai bán cầu. Bộ não con người được chia thành hai bán cầu: Một bán cầu chịu trách nhiệm về một loại hoạt động, bán cầu còn lại thiên về sáng tạo v.v… Nhưng nó vẫn là một và nằm trong cùng một cái đầu. Thế giới phải là một tổng thể duy nhất, an ninh nên được chia sẻ, thay vì dành cho “nhóm tiền tỷ vàng” (nguyên văn tiếng Nga золотой миллиард). Đó là kịch bản duy nhất mà thế giới có thể ổn định, bền vững và có thể dự đoán được. Cho đến lúc đó, khi cái đầu bị chia thành hai phần, đó là một căn bệnh, một tình trạng bất lợi nghiêm trọng. Đó là thời kỳ của một căn bệnh nghiêm trọng mà thế giới hiện đang phải trải qua.

Nhưng tôi nghĩ rằng, nhờ nghề báo trung thực – công việc này cũng giống như công việc của các bác sĩ, bằng cách nào đó điều này có thể được khắc phục.

Tucker Carlson: Hãy lấy một ví dụ – đồng đô la Mỹ, loại tiền đã thống nhất thế giới theo nhiều cách, có thể không có lợi cho ông, nhưng chắc chắn có lợi cho chúng tôi. Liệu đó có phải là tiền tệ dự trữ, tiền tệ được chấp nhận rộng rãi không? Ông nghĩ các biện pháp trừng phạt đã thay đổi vị thế của đồng đô la trên thế giới như thế nào?

Vladimir Putin: Ông biết đấy, sử dụng đồng đô la làm công cụ chính sách đối ngoại để chiến đấu là một trong những sai lầm chiến lược nghiêm trọng nhất của giới lãnh đạo chính trị Mỹ. Đồng đô la là nền tảng sức mạnh của Mỹ. Tôi nghĩ mọi người đều hiểu rất rõ rằng dù có in bao nhiêu đô la thì chúng cũng nhanh chóng được phân tán trên toàn thế giới. Lạm phát ở Mỹ là tối thiểu. Tôi nghĩ đó là khoảng 3 hoặc 3,4%, con số này hoàn toàn có thể chấp nhận được đối với Mỹ. Nhưng họ sẽ không ngừng in ấn. Khoản nợ 33 nghìn tỷ USD cho chúng ta biết điều gì? Đó là về việc phát hành tiền.

Tuy nhiên, nó là vũ khí chính được Mỹ sử dụng để duy trì quyền lực của mình trên toàn thế giới. Ngay khi giới lãnh đạo chính trị quyết định sử dụng đồng đô la Mỹ làm công cụ chính trị, một đòn đã giáng mạnh vào cường quốc Mỹ này. Tôi không muốn sử dụng bất kỳ cách diễn đạt thiếu văn học nào, nhưng đây là sự ngu ngốc và một sai lầm rất lớn.

Hãy nhìn vào những gì đang xảy ra trên thế giới. Ngay cả các đồng minh của Mỹ hiện cũng đang giảm quy mô dự trữ đô la của họ. Thấy vậy, mọi người bắt đầu tìm cách tự bảo vệ mình. Nhưng việc Mỹ áp dụng các biện pháp hạn chế đối với một số quốc gia, chẳng hạn như đặt ra các hạn chế đối với giao dịch, đóng băng tài sản v.v… gây ra mối quan ngại sâu sắc và gửi tín hiệu đến toàn thế giới.

Chúng ta đã có gì ở đây? Cho đến năm 2022, khoảng 80% giao dịch ngoại thương của Nga được thực hiện bằng đô la Mỹ và euro. Đô la Mỹ chiếm khoảng 50% giao dịch của chúng tôi với các nước thứ ba, trong khi hiện tại tỷ lệ này giảm xuống còn 13%. Không phải chúng tôi cấm sử dụng đồng đô la Mỹ, chúng tôi không có ý định như vậy. Đó là quyết định của Mỹ nhằm hạn chế các giao dịch của chúng tôi bằng đô la Mỹ. Tôi cho rằng đó là một sự ngu ngốc hoàn toàn xét từ quan điểm lợi ích của chính nước Mỹ và những người nộp thuế của nước này, vì nó gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ, làm suy yếu sức mạnh của Mỹ trên toàn thế giới.

Khi đó các giao dịch của chúng tôi bằng nhân dân tệ chiếm khoảng 3%. Ngày nay, 34% giao dịch của chúng tôi được thực hiện bằng đồng rúp, và khoảng hơn 34% là bằng đồng nhân dân tệ.

Tại sao Mỹ làm điều này? Suy đoán duy nhất của tôi là họ đã tự huyễn hoặc chính bản thân họ. Có lẽ họ nghĩ nó sẽ dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn, nhưng không có gì sụp đổ cả. Hơn nữa, các quốc gia khác, bao gồm cả các nhà sản xuất dầu, đang nghĩ đến và đã chấp nhận thanh toán dầu bằng đồng nhân dân tệ. Ông có nhận ra điều gì đang xảy ra hay không? Có ai ở Mỹ nhận ra điều này không? Ông đang làm gì thế? Ông đang tự cắt tay của chính mình… tất cả các chuyên gia đều nói điều này. Hãy hỏi bất kỳ người thông minh và có tư duy nào ở Mỹ xem đồng đô la có ý nghĩa gì đối với Mỹ? Nước Mỹ đang giết đồng đô la bằng chính đôi tay mình.

Tucker Carlson: Tôi nghĩ đó là một đánh giá công bằng. Câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Và có thể ông đánh đổi một quyền lực thuộc địa này để lấy một quyền lực thực dân khác, ít tình cảm và dễ tha thứ hơn nhiều? Chẳng hạn, BRICS có nguy cơ bị nền kinh tế Trung Quốc thống trị hoàn toàn không? Theo cách không tốt cho chủ quyền của họ. Ông có lo lắng về điều đó không?

Vladimir Putin: Chúng tôi đã từng nghe những câu chuyện về ông kẹ trước đây. Đó là một câu chuyện về người không có thực dùng để hù dọa. Chúng tôi là hàng xóm của Trung Quốc. Ông không thể chọn hàng xóm, cũng như ông không thể chọn họ hàng gần. Chúng tôi có chung đường biên giới 1000 km với họ. Đây là điều thứ nhất.

Thứ hai, chúng tôi có lịch sử chung sống với nhau hàng thế kỷ, chúng tôi đã quen với điều đó.

Thứ ba, triết lý chính sách đối ngoại của Trung Quốc là không hung hăng, luôn tìm kiếm sự thỏa hiệp và chúng ta có thể thấy điều đó.

Điểm tiếp theo như sau. Chúng ta luôn được kể cùng một câu chuyện về ông kẹ, và nó lại tiếp tục, mặc dù dưới hình thức uyển chuyển, nhưng nó vẫn là cùng một câu chuyện về ông kẹ: Sự hợp tác với Trung Quốc không ngừng gia tăng. Tốc độ hợp tác của Trung Quốc với châu Âu đang phát triển ngày càng cao hơn tốc độ tăng trưởng hợp tác Trung-Nga. Hãy hỏi người châu Âu: Họ có sợ không? Có thể, tôi không biết, nhưng họ vẫn đang cố gắng tiếp cận thị trường Trung Quốc bằng mọi giá, đặc biệt là khi họ đang phải đối mặt với các vấn đề kinh tế. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang tìm hiểu thị trường châu Âu.

Các doanh nghiệp Trung Quốc có sự hiện diện ít ỏi ở Mỹ? Đúng, các quyết định chính trị đến mức Mỹ đang cố gắng hạn chế hợp tác với Trung Quốc.

Đó là sự bất lợi cho chính ông, ông Tucker, rằng ông đang hạn chế hợp tác với Trung Quốc, ông đang tự làm tổn thương chính mình. Đây là một vấn đề tế nhị và không có giải pháp tối ưu nào, giống như với đồng đô la Mỹ.

Vì vậy, trước khi đưa ra bất kỳ biện pháp trừng phạt bất hợp pháp nào – trái pháp luật theo Hiến chương Liên Hợp quốc – người ta nên suy nghĩ thật kỹ. Đối với những người ra quyết định, điều này dường như là một vấn đề.

Tucker Carlson: Như vậy, ông vừa nói rằng thế giới sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều nếu nó không bị chia cắt thành các liên minh cạnh tranh, nếu có sự hợp tác toàn cầu. Một trong những lý do ông không có được điều đó là vì chính quyền Mỹ hiện tại kiên quyết chống lại ông. Ông có nghĩ rằng nếu có một chính quyền Mỹ mới sau Joe Biden thì ông có thể thiết lập lại liên lạc với chính phủ Mỹ không? Hay việc Tổng thống Mỹ là ai không quan trọng?

Vladimir Putin: Tôi sẽ nói cho ông biết. Nhưng hãy để tôi kết thúc mạch suy nghĩ trước đó. Chúng tôi cùng với đồng nghiệp và người bạn của tôi, Chủ tịch Tập Cận Bình, đã đặt mục tiêu đạt được kim ngạch thương mại song phương 200 tỷ USD với Trung Quốc trong năm nay. Chúng tôi đã vượt quá mức này. Theo số liệu của chúng tôi, thương mại song phương của chúng tôi với Trung Quốc đạt tổng cộng 230 tỷ USD và số liệu thống kê của Trung Quốc cho biết con số này là 240 tỷ USD.

Một điều quan trọng hơn: Cán cân thương mại của chúng tôi rất cân bằng, bổ sung lẫn nhau trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng, nghiên cứu và phát triển khoa học. Nó rất cân bằng.

Đối với BRICS, nơi Nga đảm nhận chức chủ tịch năm nay, các nước BRICS nhìn chung đang phát triển rất nhanh.

Hãy nhìn xem, nếu trí nhớ của tôi không nhầm, thì vào năm 1992, tỷ trọng của các nước G7 trong nền kinh tế thế giới lên tới 47%, trong khi vào năm 2022, tôi nghĩ, tỷ trọng này đã giảm xuống còn hơn 30% một chút. Các nước BRICS chỉ chiếm 16% vào năm 1992, nhưng hiện nay thị phần của họ đã lớn hơn G7. Nó không liên quan gì đến các sự kiện ở Ukraine. Điều này là do xu hướng phát triển toàn cầu và kinh tế thế giới mà tôi vừa đề cập và đây là điều tất yếu. Điều này sẽ tiếp tục xảy ra, giống như việc Mặt trời mọc – ông không thể ngăn cản Mặt trời mọc, ông phải thích nghi với nó. Mỹ thích ứng như thế nào? Với sự trợ giúp của vũ lực: Trừng phạt, áp lực, đánh bom và sử dụng lực lượng vũ trang.

Đó chính là sự tự huyễn hoặc mình. Cơ sở chính trị của ông không hiểu rằng thế giới đang thay đổi, trong những hoàn cảnh khách quan, và để duy trì đẳng cấp của ông – ngay cả khi ai đó khao khát, xin thứ lỗi cho tôi, đạt đến mức độ thống trị – ông phải đưa ra những quyết định đúng đắn một cách hiệu quả và kịp thời.

Những hành động tàn bạo như vậy, bao gồm cả đối với Nga và các quốc gia khác, đều dẫn đến phản tác dụng. Đây là một sự thật hiển nhiên; nó đã trở nên rõ ràng rồi.

Ông vừa hỏi tôi có người lãnh đạo nào khác đến và thay đổi được điều gì không. Vấn đề không phải về người lãnh đạo, nó không phải về tính cách của một người cụ thể. Tôi đã có một mối quan hệ rất tốt với Bush. Tôi biết rằng ở Mỹ, ông ấy được miêu tả như là một cậu bé nhà quê không hiểu nhiều. Tôi đảm bảo với ông rằng miêu tả như vậy là không đúng. Tôi nghĩ ông ấy cũng đã phạm nhiều sai lầm với Nga. Tôi đã kể cho ông về năm 2008 và quyết định ở Bucharest mở cửa cho NATO đối với Ukraine, v.v… Điều đó đã xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống của Bush. Ông ấy thực sự đã gây áp lực lên người châu Âu.

Nhưng nhìn chung, ở cấp độ cá nhân, tôi có mối quan hệ rất tốt với ông Bush. Ông ta không tệ hơn bất kỳ chính trị gia Mỹ, Nga hay châu Âu nào khác. Tôi đảm bảo với ông rằng ông ấy hiểu rõ việc mình đang làm cũng như những người khác. Tôi cũng có những mối quan hệ cá nhân thân thiết như vậy với ông Trump.

Vấn đề không phải về tính cách của người lãnh đạo, mà là về tư duy của giới tinh hoa. Ý tưởng thống trị bằng bất cứ giá nào, cũng dựa trên những hành động cưỡng bức. Việc thống trị xã hội Mỹ thì sẽ không có gì thay đổi mà chỉ trở nên tồi tệ hơn. Nhưng cuối cùng, nếu người ta nhận thức được rằng thế giới đang thay đổi do hoàn cảnh khách quan và người ta có thể thích ứng kịp thời với chúng, sử dụng những lợi thế mà Mỹ vẫn có ngày nay, thì có lẽ, một cái gì đó có thể thay đổi.

Hãy nhìn xem, nền kinh tế Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế đầu tiên trên thế giới có sức mua tương đương; xét về số lượng thì nó đã vượt qua Mỹ từ lâu rồi. Mỹ đứng thứ hai, sau đó là Ấn Độ – một tỷ rưỡi người, và sau đó là Nhật Bản, với Nga ở vị trí thứ năm. Nga là nền kinh tế đứng đầu ở châu Âu vào năm ngoái, bất chấp mọi lệnh trừng phạt và hạn chế. Điều này có bình thường không, theo quan điểm của ông: các biện pháp trừng phạt, hạn chế, không thể thanh toán bằng đô la Mỹ, bị cắt khỏi các dịch vụ SWIFT, các biện pháp trừng phạt đối với tàu chở dầu của chúng tôi, các biện pháp trừng phạt đối với máy bay, các biện pháp trừng phạt trong mọi thứ, ở mọi nơi? Số lượng lệnh trừng phạt lớn nhất trên thế giới được áp dụng – được áp dụng đối với Nga. Và chúng tôi đã trở thành nền kinh tế đứng đầu Châu Âu trong thời gian này.

Những công cụ mà Mỹ sử dụng không có tác dụng. Vâng, người ta phải suy nghĩ về những gì cần làm. Nếu nhận thức này đến với giới tinh hoa cầm quyền, thì đúng vậy, thì người đầu tiên của nhà nước Mỹ sẽ hành động để đoán trước những gì cử tri và những người đưa ra quyết định ở các cấp khác nhau mong đợi ở người này. Rồi có lẽ điều gì đó sẽ thay đổi.

Tucker Carlson: Nhưng ông đang mô tả hai hệ thống khác nhau. Ông nói rằng người lãnh đạo hành động vì lợi ích của cử tri, nhưng ông cũng nói rằng những quyết định này không phải do người lãnh đạo đưa ra mà là do giai cấp thống trị đưa ra. Ông đã điều hành đất nước này quá lâu, ông đã biết tất cả những tổng thống Mỹ này. Ông nghĩ những trung tâm quyền lực ở Mỹ là gì? Và ai là người thực sự đưa ra quyết định?

Vladimir Putin: Tôi không biết. Mỹ là một đất nước phức tạp, một mặt bảo thủ, mặt khác thay đổi nhanh chóng. Thật không dễ dàng để chúng tôi có thể phân biệt rõ ràng.

Ai đưa ra quyết định trong cuộc bầu cử – ông có thể hiểu điều này không, khi mỗi bang có luật riêng, mỗi bang tự điều chỉnh, ai đó có thể bị loại khỏi cuộc bầu cử ở cấp bang. Đó là một hệ thống bầu cử hai giai đoạn, chúng tôi thấy nó rất khó hiểu.

Chắc chắn có hai đảng chiếm ưu thế, Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, và trong hệ thống đảng này, các trung tâm đưa ra quyết định, chuẩn bị các quyết định.

Vậy thì hãy xem, theo tôi, tại sao sau khi Liên Xô sụp đổ, người ta lại theo đuổi một chính sách gây áp lực sai lầm, thô thiển và hoàn toàn phi lý như vậy đối với Nga? Xét cho cùng, đây là một chính sách gây áp lực. Sự mở rộng của NATO, hỗ trợ cho phe ly khai ở Kavkaz, tạo ra hệ thống phòng thủ tên lửa – đây đều là những yếu tố gây áp lực. Áp lực, áp lực, áp lực.

Rồi việc kéo Ukraine vào NATO chỉ là áp lực, áp lực, áp lực. Tại sao? Tôi nghĩ, trong số những lý do khác, là do năng lực sản xuất quá mức đã được tạo ra. Trong thời kỳ đối đầu với Liên Xô, có rất nhiều trung tâm và chuyên gia về Liên Xô được thành lập, không thể làm gì khác được. Đối với họ, có vẻ như họ đã thuyết phục được giới lãnh đạo chính trị: cần phải tiếp tục “đục khoét” nước Nga, cố gắng chia rẽ nước này, tạo ra trên lãnh thổ này một số thực thể gần như nhà nước và khuất phục nước Nga bằng hình thức chia rẽ, sử dụng chúng như các tiềm năng tổng hợp cho cuộc đấu tranh trong tương lai với Trung Quốc. Đây là một sai lầm, bao gồm cả tiềm năng quá mức của những người từng làm việc cho cuộc đối đầu với Liên Xô. Cần phải loại bỏ điều này, cần có những lực lượng mới, mới mẻ, những con người nhìn về tương lai và hiểu những gì đang xảy ra trên thế giới.

Hãy xem Indonesia đang phát triển như thế nào! 600 triệu người. Chúng ta có thể thoát khỏi vấn đề này bằng cách nào? Không thể thoát được. Chúng ta chỉ cần giả định rằng Indonesia sẽ tham gia, họ đã và đang tham gia, vào các câu lạc bộ các nền kinh tế hàng đầu thế giới, bất kể thế nào đi nữa – dù ai đó có thích hay không.

Vâng, chúng tôi hiểu và biết rằng ở Mỹ, bất chấp mọi vấn đề kinh tế, tình hình vẫn diễn ra bình thường với nền kinh tế đang tăng trưởng tốt, GDP đang tăng 2,5%, nếu tôi không nhầm.

Nhưng nếu muốn đảm bảo tương lai, chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận với những gì đang thay đổi. Như tôi đã nói, thế giới vẫn sẽ thay đổi bất kể diễn biến ở Ukraine kết thúc như thế nào. Thế giới đang thay đổi. Ngay tại Mỹ, các chuyên gia viết rằng Mỹ dù sao cũng đang dần thay đổi vị thế của mình trên thế giới, chính các chuyên gia của ông viết điều đó, tôi chỉ đọc thôi. Câu hỏi duy nhất là điều này sẽ xảy ra như thế nào – đau đớn và nhanh chóng hay nhẹ nhàng và dần dần. Và điều này đang được viết bởi những người không chống Mỹ; họ chỉ đơn giản đi theo xu hướng phát triển toàn cầu. Vậy thôi.

Và để đánh giá chúng và thay đổi chính sách, chúng ta cần những người có tư duy, nhìn xa trông rộng, có thể phân tích và đề xuất những quyết định nhất định ở cấp độ lãnh đạo chính trị.

Tucker Carlson: Tôi muốn hỏi một ý. Các ông đã nói rõ ràng rằng việc NATO mở rộng về phía đông là vi phạm lời hứa mà các ông đã đưa ra vào những năm 1990. Đó là một mối đe dọa cho đất nước của ông. Ngay trước khi đưa quân vào Ukraine, Phó Tổng thống Mỹ đã phát biểu tại Hội nghị An ninh và khuyến khích Tổng thống Ukraine gia nhập NATO. Ông có nghĩ rằng đó là một nỗ lực nhằm kích động ông có hoạt động quân sự?

Vladimir Putin: Tôi nhắc lại một lần nữa, chúng tôi đã nhiều lần đề xuất tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề nảy sinh ở Ukraine sau cuộc đảo chính năm 2014 thông qua các biện pháp hòa bình. Nhưng không ai lắng nghe chúng tôi. Và hơn nữa, các nhà lãnh đạo Ukraine, vốn nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Mỹ, bất ngờ tuyên bố rằng họ sẽ không tuân thủ các thỏa thuận Minsk, họ không thích mọi thứ ở đó và tiếp tục hoạt động quân sự trên lãnh thổ đó.

Và song song đó, lãnh thổ đó đang bị các cơ cấu quân sự của NATO khai thác dưới vỏ bọc của nhiều trung tâm đào tạo và tái đào tạo nhân sự khác nhau. Về cơ bản, họ bắt đầu tạo căn cứ ở đó. Vậy thôi.

Ở Ukraine, họ tuyên bố rằng Nga là một quốc gia không có danh nghĩa, đồng thời thông qua luật hạn chế quyền của các quốc gia không có danh nghĩa. Ukraine, sau khi nhận được tất cả các lãnh thổ phía đông nam này như một món quà từ người dân Nga, đã bất ngờ tuyên bố rằng người Nga là một quốc tịch không chính thức trên lãnh thổ đó. Nó có bình thường không? Tất cả những điều này gộp lại đã dẫn đến quyết định chấm dứt cuộc chiến mà những kẻ theo chủ nghĩa phát xít mới bắt đầu ở Ukraine vào năm 2014.

Tucker Carlson: Ông có nghĩ ông Zelensky có quyền tự do đàm phán để giải quyết cuộc xung đột này không?

Vladimir Putin: Tôi không biết chi tiết, tất nhiên rất khó để đánh giá, nhưng tôi tin rằng, trong mọi trường hợp, ông ấy đã từng như vậy. Cha ôngấy đã chiến đấu chống lại phát xít Đức trong Thế chiến thứ hai, tôi đã từng nói chuyện với ông ấy về điều này. Tôi nói: “Volodya, ông đang làm gì vậy? Tại sao ngày nay ông lại ủng hộ chủ nghĩa phát xít mới ở Ukraine, trong khi cha ông lại đã từng chiến đấu chống lại chủ nghĩa phát xít? Ông ấy là một người lính trên tiền tuyến”. Tôi sẽ không cho ông biết Zelensky đã trả lời ra sao, đây là một chủ đề riêng và tôi nghĩ tôi làm như vậy là không đúng.

Nhưng về quyền tự do lựa chọn – tại sao không? Zelensky lên nắm quyền dựa trên kỳ vọng của người dân Ukraine rằng ông ấy sẽ dẫn dắt Ukraine đến hòa bình. Ông ấy nói về điều này, chính nhờ điều này mà ông ấy đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử. Nhưng sau đó, khi lên nắm quyền, theo tôi, Zelensky nhận ra hai điều: thứ nhất, tốt hơn là không nên đụng độ với những người theo chủ nghĩa phát xít mới và những người theo chủ nghĩa dân tộc, bởi vì họ hung hãn và rất hăng hái, ông có thể mong đợi bất cứ điều gì từ họ, và thứ hai , phương Tây do Mỹ dẫn đầu ủng hộ họ và sẽ luôn ủng hộ những ai đối kháng với Nga – điều đó có lợi và an toàn. Vì vậy, Zelensky đã đảm nhận vị trí liên quan, mặc dù đã hứa với người dân của mình sẽ chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Ông ta đã lừa dối cử tri của mình.

Tucker Carlson: Nhưng ông có nghĩ vào thời điểm này – tính đến tháng 2 năm 2024 – Zelensky có quyền tự do nói chuyện trực tiếp với ông hoặc chính phủ Nga, điều này rõ ràng sẽ giúp ích cho đất nước Ukraine hoặc thế giới không? Ông có nghĩ ông ấy có thể làm được điều đó không?

Vladimir Putin: Tại sao không? Zelensky tự coi mình là nguyên thủ quốc gia, ông ấy đã thắng cử. Mặc dù ở Nga chúng tôi tin rằng cuộc đảo chính là nguồn sức mạnh chính cho mọi chuyện xảy ra sau năm 2014, và theo nghĩa này, ngay cả chính phủ ngày nay cũng có sai sót. Nhưng Zelensky tự coi mình là tổng thống, và ông ấy được Mỹ, toàn bộ châu Âu và gần như cả phần còn lại của thế giới công nhận với tư cách như vậy – tại sao không? Đương nhiên ông ấy có thể.

Chúng tôi đã đàm phán với Ukraine ở Istanbul, chúng tôi đã đồng ý, Zelensky biết điều này. Hơn nữa, người đứng đầu nhóm đàm phán, ông Arakhamia nào đó, tôi tin rằng, vẫn đứng đầu phe đảng cầm quyền, đảng của Tổng thống ở Rada. Ông ấy vẫn đứng đầu phe Tổng thống ở Rada, quốc hội của Ukraine, ông ấy vẫn ngồi ở đó. Arakhamia thậm chí còn ký chữ ký sơ bộ của mình vào tài liệu mà tôi đang kể cho ông. Nhưng sau đó ông này đã công khai tuyên bố với cả thế giới: “Chúng tôi sẵn sàng ký văn bản này, nhưng ông Johnson, khi đó là Thủ tướng Anh, đã đến và khuyên can chúng tôi làm điều này và nói rằng tốt hơn hết là nên đánh Nga. Họ sẽ cung cấp mọi thứ cần thiết để chúng tôi trả lại những gì đã mất trong cuộc đụng độ với Nga. Và chúng tôi đã đồng ý với đề xuất này”. Hãy nhìn xem, tuyên bố của Arakhamia đã được công bố. Ông Arakhamia đã nói điều này một cách công khai.

Họ có thể quay lại nữa hay không? Vấn đề là: họ có muốn hay không?

Hơn nữa, Tổng thống Ukraine đã ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với chúng tôi. Hãy để ông ta hủy bỏ sắc lệnh đó và thế là xong. Chúng tôi thực sự chưa bao giờ từ chối đàm phán. Chúng tôi luôn nghe thấy: Nga đã sẵn sàng chưa? Vâng, chúng tôi đã không từ chối! Chính họ đã công khai từ chối. Thôi, hãy để Zelensky hủy bỏ sắc lệnh của mình và tham gia đàm phán. Chúng tôi chưa bao giờ từ chối.

Và việc họ tuân theo yêu cầu hay sự thuyết phục của ông Johnson, cựu Thủ tướng Anh, đối với tôi có vẻ nực cười và rất đáng buồn. Bởi vì, như ông Arakhamia đã nói: “Chúng ta lẽ ra đã có thể chấm dứt những hành động thù địch này, cuộc chiến này cách đây một năm rưỡi rồi. Nhưng người Anh đã thuyết phục chúng tôi và chúng tôi từ chối điều này”. Ông Johnson thì bây giờ đã ở đâu rồi? Và cuộc chiến vẫn tiếp tục.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Tôi còn nhớ rõ, tháng 10 năm 2021, trên khắp các báo hàng ngày tại châu Âu, lời cảnh báo về cuộc tấn công vào Ukrain đã được đưa ra hàng ngày. Đến 1 tuần trước khi chiến sự bùng nổ, khi tổng thống Pháp và thủ tướng Đưc sang gặp Putin cố tìm cách ngăn chặn cuộc chiến tranh thì Putin vẫn khẳng định họ chi đang chuẩn bị cho một cuộc tập trận trên đất Nga, rằng Nga không hề có ý định đe dọa Ukraine. Thậm chí trước cuộc gặp với thủ tướng Scholz vài giờ, Putin còn cho rút vài nghìn quân cùng khí tài ra xa vùng biên giới với Ukraina để ”giảm sự hiểu lầm của phương tây đối với cuộc tập trận của Nga”. Cuộc chiến tranh ở giữa châu Âu đã nổ ra 6 ngày sau đó.
    Nếu đã từng chứng kiến những sự kiện nầy thì không ai có thể còn tin vào những điều mà Putin tuyên bố nữa. Bạn còn có thể tin được việc Putin tuyên bố không có tham vọng lãnh thổ của các nước cộng hòa thuộc Liên xô cũ, thậm chí là của Ba lan hay Đức nữa không?
    Nếu Nga không gây chiến với Litwa, Estonia, Ba lan, Đức … cũng chỉ vì họ còn gờm sức mạnh của NATO mà thôi.
    Cả việc Putin lên án sự không trung thực của phương Tây trong việc nuốt lời hứa không mở rộng NATO nữa: không hề có văn bản thỏa thuận nào được ký kết, lời hứa hay ý định của 1 tổng thống hay thủ tướng của 1 nước không phải là cam kết của nước đó và không có giá trị pháp lý cho các đời tổng thống/thủ tướng sau. Trái lại thỏa thuận Hungari là một thỏa thuận quốc tế mà nhà nước Nga đã cam kết công nhận sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, là tổng thống Nga, Putin phải có nghĩa vụ thực hiện những cam kết đó. Những điều Putin nói trong cuộc phỏng vấn này thật sự là trẻ con, và người phỏng vấn cũng chỉ là cái loa của Putin mà thôi. Thật không ngờ truyền thông phương tây mà lại có loại phóng viên như thế này.
    Tại nước Đức, người dân và chính quền Đức có một thời gian dài đã sống trong ảo tưởng hòa bình. Họ đã cho rằng tại châu Âu đã không còn nguy cơ chiến tranh thực sự nữa, có chăng chỉ là những xung đột chủng tộc lẻ tẻ mà thôi. Họ đã cho dừng nghĩa vụ quân sự, nhiều nhà máy sản xuất vũ khí không còn hoạt động. Ở thành phố tôi sống, các doanh trại quân đội được đóng cửa, nhà cửa, đất đai được chuyển cho trường học, làm thành trại cho dân tỵ nạn chiến tranh từ Syri hay Afganistan hoặc nhà cửa dược sửa lại cho cư dân thành phố. Rồi cả việc lớn như đặt việc cung cấp năng lượng của cả nền kinh tế vào tay nươc Nga nữa.
    Bằng cuộc chiến Ukraina, Putin đã cho họ thấy một điều, họ đã ngây thơ đến mức nào.
    Chỉ có điều, từ giờ họ sẽ không còn ngu nữa.

    • Hoàn toàn đồng ý với bác rằng: “Bằng cuộc chiến Ukraina, Putin đã cho họ thấy một điều, họ đã ngây thơ đến mức nào. Chỉ có điều, từ giờ họ sẽ không còn ngu nữa”.

      Nhiều người sống ở Mỹ, kể cả một số chính trị gia Cộng hòa bây giờ vẫn còn ngây thơ, hay họ là con rối của Putin, để tin vào tay KGB lão luyện này. (Nhất là ông “thánh” Trump, fan của Putin).

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây