Mắt Rừng, Máu Rừng và Xác Rừng

Thái Hạo

9-9-2023

Nghị sĩ Năng Yến. Ảnh: FB tác giả

Ngày 7.9, một nhóm Hà Nội của những thực hành nghệ thuật đương đại gồm họa sĩ Năng Yến, họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương nghệ sĩ trình diễn Hoan Doan ghé Tào thôn thăm nhau. Vừa gặp, câu chuyện rừng Bình Thuận đã cuốn tất cả đi giữa những ngổn ngang âu lo, giận dữ, xót xa… Phút chốc, mọi người như đã lạc vào những cánh rừng tưởng tượng. Và một series nghệ thuật tình cờ ra đời.

Đầu tiên là tác phẩm Quốc Sách được Yến Năng thực hiện ngay tại chỗ, dành tặng riêng cho chủ nhà. Một cuốn sách được anh khoét thủng, biến thành lưỡi cuốc và tiến hành tra cán – thành “cuốc sách”, không phải “quốc sách”!

Tác phẩm như một ý niệm vừa mang tính trào lộng, vừa gợi lên sự thất vọng bởi khoảng cách giữa những khẩu hiệu và thực tế, nhưng đồng thời cũng là một thông điệp về sự cần thiết của một nền tảng hiện đại, văn minh đối với xã hội Việt Nam đương đại: cần thoát khỏi những “cái cuốc” cũ kỹ, giáo điều, thoát khỏi những hô hào bóng bẩy nhưng vô hồn, lạc hậu để thay bằng một cái cuốc tân kỳ: tri thức.

Chỉ có tri thức mới có thể xới lên, cày vỡ những mảnh đất tinh thần cằn cỗi, bạc màu, hoang hóa, thổi vào đó sức sống tươi mới của khoa học, tự do, và đa nguyên văn hóa, nhằm phục sinh một đời sống và môi sinh đã trở nên cùn mòn, rỉ sét, ngột ngạt, tàn tạ.

Vừa trao “Cuốc Sách” cho chủ nhà, anh lập tức thực hiện tác phẩm thứ hai: Mắt Rừng. Đó là một cái cây dại mọc sát bên lều tranh, được Yến Năng chân thành xin phép và bắt đầu vẽ lên những mặt lá, biến chúng thành những con mắt mở to, ngơ ngác, trong sáng và tinh sạch. Anh nói: “Trời có thể không có mắt, nhưng những côn trùng, cá mú, muông thú… chắc chắn có mắt; cỏ cây hoa trái chắc chắn có mắt; đất đai núi rừng chắc chắn có mắt; thiên nhiên có mắt! Hồn thiêng sông núi đang theo dõi chúng ta thông qua MẮT RỪNG!”.

Trong sự mời gọi của những “mắt rừng”, sáng hôm sau chúng tôi lên đồi, bên cạnh những cây thông cháy dở do một cơn hỏa hoạn mấy tháng trước là xác thông đen đúa nằm ngổn ngang, bất động trên mặt đất… Trong khung cảnh ấy, Hoan Doan bắt đầu tác phẩm Xác Rừng của mình bằng sự “dịch chuyển nội tâm” với hình ảnh hóa thân vào một cây thông xanh đang chìm sâu vào giấc ngủ yên bình, rồi bỗng nhiên bị đánh thức bởi những tiếng động “chặt đi, đốn đi…”. “Người-Thông” từ sự ngơ ngác, rồi thành sợ hãi, đau đớn, gào rú. Và đổ xuống. Cây chết. Người chết. Nghệ sĩ lại hóa thân thành những con thú hoảng loạn, thất thanh và cuồng điên trốn chạy trong tiếng cây gãy, tiếng người lao xao “chặt đi, chặt đi…”.

Cái chết lại ập đến trên thân thể điêu tàn, linh hồn muông thú thoát ra. Man dại, nguyền rủa. Và bò đi trong hoang dại. Cả đoàn, mồ hôi vỡ ra như tắm, nước đầm đìa ngực áo, phần vì leo núi, phần vì cảm giác rợn người do bị cuốn vào nỗi đau trong biểu đạt của người nghệ sĩ.

Buổi trưa không ngủ, anh em mang guitar ra chơi và hát, cho đến khi mặt trời đã dịu, lại lục tục đồ đoàn, cùng đi bộ ra con đê trước nhà để Yến Năng thực hiện tác phẩm thứ ba của mình: Máu Rừng.

Yến Năng gần như trần truồng đứng bên những cái cây lớn nhỏ. Họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương dùng màu đỏ pha loãng, vẽ những đường phạt ngang trên cả cây lẫn người. Máu ròng ròng chảy xuống…

5 cây được vẽ ở 5 vị trí khác nhau tương ứng với thân người; cây cuối cùng, người nghệ sĩ bị rút dây, treo ngược lên, một nhát vẽ ngang cổ, máu đỏ chảy đầm đìa trên mặt, trên đầu. Máu chảy vào mắt…

Trong chuyến đi thăm nhau này, hầu hết các tác phẩm ra đời đều như một sự tình cờ, không kế hoạch, không trù tính, không tập tành, không gia công tỉa tót. Tất cả thô mộc và thật như chính cuộc sống đang trình hiện trước mặt. Chỉ có những ý tưởng vụt hiện trong phút chốc và người nghệ sĩ liền nắm lấy, hóa thân và thực hiện tại chỗ bằng tất cả sự vẫy gọi trong sâu thẳm một nguyên sinh người.

Nghệ thuật trình diễn là một loại hình hiện đại do những nghệ sĩ mỹ thuật thực hiện nhằm diễn đạt ý tưởng của nghệ thuật tạo hình. Ở đó, tác phẩm chính là tất cả những chuyển động và biểu hiện của người nghệ sĩ trong bối cảnh mà hiện diện như một thành tố thuộc về một biên giới không có biên giới. Thực hành nghệ thuật trình diễn chính là biểu hiện của hơi thở cuộc sống, vừa mang tính tượng trưng vừa phá vỡ các khuôn khổ và quy tắc, biến tác phẩm trở thành một thông điệp mà tác giả vừa là người sáng tạo vừa bị chính tác phẩm của mình sáng tạo nên. Bị nghệ thuật hành!

Với series “tự phát” này, nhóm Yến Năng, Nguyễn Ngọc Phương, Hoan Doan và sau đó là một “nghệ sĩ bất đắc dĩ” – doctor Đăng Vinh Ngô – vừa truyền đi một tiếng nói công dân, tiếng nói con người, bằng chính cơ thể và cuộc sống của họ, vừa phá vỡ những diễn ngôn có tính đại tự sự, vẫy gọi nhau đến những chân trời khác, khởi tạo một tinh thần đa dạng văn hóa, tôn trọng sinh mệnh và những chuyển vận nhỏ nhiệm nhất của đời sống.

Trong hoàn cảnh thực tế này, tất cả hội tụ và kết tinh trong một khát vọng cưỡng bách nội tâm: kêu đòi sự sống cho rừng và rừng Bình Thuận.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. HOCK GIẢ: BÙI CHÍ VINH

    Không phải tự nhiên mà trời trừng phạt
    Mà lũ lụt mỗi năm mỗi tàn phá kinh hoàng
    Hai tấm bản đồ Việt Nam cách nhau 60 năm đã tự mình tố cáo
    Một bên màu xanh phủ bạt ngàn, một bên ghẻ chóc tan hoang

    Sau 60 năm hết sạch rừng nguyên sinh
    Sau 60 năm mất tiêu rừng phòng hộ
    Những bộ bàn ghế gỗ trắc đỏ đen giá 10 tỉ thị trường
    Tràn ngập phòng khách các quan như thách đố

    Không phải tự nhiên mà những gò đất, núi đồi thay phiên nhau xói lở
    Không phải tự nhiên mà nước ngập lòng dân, ngập tận mái nhà
    Không phải tự nhiên mà Thủy Tinh trong truyền thuyết nổi cơn cuồng nộ
    Khi từ núi đến rừng bị tận diệt xót xa

    Khi di tích của cộng đồng người Chăm ở Bình Thuận chịu phong ba
    Chỉ một tờ giấy phép là tài nguyên trọc lóc
    Ai đứng đằng sau lưng hàng ngàn thủy điện phá sơn hà
    Để hôm nay núi rừng miền Trung rung rức khóc

    Phải gông cổ bọn quan tham nhà rộng cửa cao gỗ lim, gỗ trắc
    Bọn quan tham được ngụy trang bằng các nghề buôn chổi đót, nuôi lợn, bán ve chai thúi cả móng tay chỉ để làm giàu
    Không phải tự nhiên dân lành bị chôn vùi vì lở đất
    Chính bọn buôn thủy lợi, bán môi trường là hung thủ chứ sao !

    NGUỒN MẠNG.

  2. NÃO TRẠNG NÔ LỆ, NĐK

    Tôi thực sự rất muốn biết tên những kẻ đứng sau các loại tổ nhóm như Tifosi này. Không những thế, tôi còn muốn biết tên họ đầy đủ của bọn chúng. Không những thế, tôi còn muốn tên họ của bọn chúng được khắc đầy đủ vào bia đá. Chẳng để làm gì cả, chỉ là để ngàn đời sau con cháu chúng ta vẫn có thể phỉ nhổ vào bọn chúng mà thôi.

    Tôi thường cảm thấy kinh tởm nhất khi chạm phải những não trạng nô lệ. Đó có thể không phải là những cái đầu kém cỏi. Đó có thể là những bộ óc thông minh, thậm chí tuyệt vời thông minh, nhưng chúng là những não trạng bị xiềng xích, bị nô lệ trong những thứ tư duy, định kiến hẹp hòi, hoặc tệ hại hơn như não trạng của đám Tifosi này, (có lẽ) đang bị xiềng xích trong cái dạ dày của công danh và lợi lộc mà chúng thờ phụng.

    Với những đám phò quyền, phò lợi lộc như đám Tifosi này, bất cứ điều gì các “ông chủ” của chúng (chính quyền hoặc các doanh nghiệp đang ban phát bổng lộc cho bọn chúng) làm đều đúng, đều cần phải bảo vệ. Bảo vệ bằng tất cả kiến thức và trí thông minh chúng có, bảo vệ bất chấp liêm sỉ, bất kể đạo đức, chứ đừng nói gì đến chân lý hay khoa học. Cùng với đó, bất cứ tiếng nói phê phán, trái chiều nào của người dân, với chúng đều là “đáng nghi”, đều là “phản động”.

    Muốn thấy ví dụ minh họa thì cứ đọc những gì chúng viết ở đây (hình ảnh đi kèm), để bảo vệ cho dự án “Phá hơn 600 ha rừng tự nhiên để làm hồ thủy lợi phát triển kinh tế, ở Hàm Thuận Nam, Bình Thuận” (xem link bài trên VnExpress đi kèm dưới comment).

    Một lần nữa, tôi thực sự rất muốn biết tên những kẻ đứng sau các loại tổ nhóm như Tifosi này. Tôi muốn biết tên họ đầy đủ của bọn chúng. Tôi muốn tên họ của họ được khắc đầy đủ vào bia đá, để ngàn đời sau con cháu chúng ta vẫn có thể phỉ nhổ vào.

    PHẢN ĐỐI PHÁ RỪNG LÀM KINH TẾ!

  3. Những người có khuynh hướng cầm chuông bên này gọi những người này là “tree-huggers”, vì cũng có 1 nhóm như vậy kéo nhau tới khu rừng sắp bị dẹp, rùi xích nhau lại chung với cây . Cuối cùng thì 1 trong những cánh rừng đó trở thành cái mall gần nhà tớ

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây