Xuất bản hồi ký “Cung đàn số phận”

Tạ Duy Anh

10-5-2024

Ảnh: Tác giả Tạ Duy Anh (hàng đứng, thứ hai từ phải sang) và Lưu Trọng Văn (hàng đứng, trái). Nguồn: Tạ Duy Anh

Tôi đã muốn quên cuốn sách ấy đi, vì vài lý do riêng. Nhưng vừa đọc bản thảo tập kịch “phá kịch” của Văn Lưu Trọng (từ “Phá kịch” cũng là của ông), trong đó có vở “Ô cửa sổ mầu trắng” viết về hồn cốt, tính cách, văn hóa Hà Nội xưa, khiến tôi lại phải nhớ đến cuốn sách đó. Trong vở kịch vừa kể, tác giả có nhắc đến nhóm Toán Xồm, Lộc Vàng… những người bị đi tù hàng chục năm hoặc chết thảm trên vỉa hè chỉ vì hát thứ nhạc bị coi là đồi trụy lúc ấy.

Xin trích lời của một nhân vật trong vở kịch “Ô cửa sổ mầu trắng”: “Ở ĐẤT NƯỚC NÀY CHỈ HÁT BÀI HÁT MÀ NGƯỜI TA KHÔNG THÍCH THÔI ĐÃ BỊ TỐNG TÙ CẢ CHỤC NĂM THÌ LẤY ĐÂU RA TỰ DO CẤT TIẾNG NÓI CỦA MÌNH”.

Không phải ai cũng đủ khả năng khái quát như Lưu Trọng Văn, để nói ra một điều to lớn như vậy bằng một câu. Lịch sử chân chính không thể viết khác đi được sự thật chua chát ấy.

Sở dĩ lại phải nhớ cuốn “Cung đàn số phận”, vì những gì Lưu Trọng Văn nhắc đến, đã được viết chi tiết, đầy đủ hơn trong cuốn hồi ký, do tác giả Kim Dung – Kỳ Duyên chấp bút, theo lời kể của ông Lộc.

Trước khi đọc bản thảo gửi đến xin xuất bản, tôi có biết qua về vụ án “Nhạc vàng”, nhưng không hình dung nổi nó lại oái oăm, bi hài và đau đớn, gây tổn thương đến nhân phẩm như tác giả viết. Đọc mà thấy chua chát, uất ức đến nghẹn cả cổ. Chỉ là một nhóm thanh niên tụ tập hát thứ nhạc họ thích, mà có người bị tù cả chục năm, bị đầy ải, bị hành hạ đến mức quên cả cảm giác sống, cảm giác về thời gian, cứ như họ phạm tội tày trời vậy?

Tôi đọc xong rất nhanh, yêu cầu tác giả chỉnh sửa vài chỗ, làm rõ vài chi tiết và sự việc nào còn lăn tăn nghi vấn về tính xác thực, thì bỏ đi. Một vài cái tên, gắn với những ý kiến không thể xác thực được, tôi yêu cầu tác giả viết tắt. Rất may, đa số thông tin thể hiện trong bản thảo đều có thể kiểm chứng qua tài liệu, qua nhân chứng, qua chính báo chí hồi ấy… còn lưu lại.

Khi quyết định phải xuất bản bằng được cuốn sách, thay cho cách nhắc lại lịch sử, tôi chỉ muốn những chuyện đau đớn như vậy sẽ không lặp lại. Bởi đến khi tôi đọc bản thảo, 55 năm đã trôi qua kể từ khi xảy ra các sự kiện được nhắc tới. Những người phải chịu trách nhiệm về vụ án oan dậy đất ấy hầu hết đều đã chết. Nhân vật chính của cuốn sách thì cũng đã ngoài bảy mươi tuổi. Nội dung của nó không nhắm đến việc trả thù quá khứ, trả thù cá nhân ai đó, mà chỉ kể lại một sự thật những người trẻ hôm nay cần phải biết.

Sách ra được khoảng một tháng thì Cục xuất bản gửi công văn yêu cầu NXB phải ra quyết định đình chỉ phát hành. Cục mà cho quyền NXB, nghĩa là mức độ không bị đánh giá quá nghiêm trọng. Tuy nhiên nó cũng gây cho tôi và đồng nghiệp vài va vấp, tranh cãi nhau về quan điểm xuất bản. Rất may chúng tôi đều là những người thẳng thắn, quân tử, hiểu sâu sắc về tính cách của nhau từ trước, nên sau đó mọi việc nhanh chóng được hóa giải.

Vì tôi rất muốn nhiều người đọc cuốn sách, nên lập tức viết giải trình với Cục xuất bản theo kiểu cố đấm ăn xôi. Tôi tìm lời lẽ mềm mỏng nhất để thuyết phục Cục xuất bản cho cuốn sách được lưu hành bình thường. Nhưng mọi nỗ lực trổ tài chữ nghĩa của tôi đều thất bại.

Có lẽ Cục xuất bản cũng bị sức ép từ đâu đó chứ họ cũng không muốn mua thêm việc, một việc không đáng phải mất công mất sức, lại dễ mang tiếng xấu.

Cuối cùng tôi đành thông báo trước cho đối tác, rằng tôi chấp nhận tìm cách trì hoãn, cưỡng lại sức ép từ Cục về mặt thời gian, để đối tác tìm cách bán cho xong 3.000 cuốn in lần đầu. Kinh doanh sách là một nghề khá rủi ro ở xứ này. Chỉ những ai làm xuất bản mới thấu hiểu điều đó.

Khi đối tác xác nhận đã hết sách, tôi mới thảo quyết định để giám đốc kí, chính thức hóa việc yêu cầu đối tác kinh doanh không tiếp tục phát hành và khép sự vụ lại ở đó.

Người đại diện của ông Lộc Vàng chuyển cho tôi một cuốn sách tặng có cả chữ kí của tác giả Kim Dung lẫn nhân vật chính, cùng lời mời đến dự một ‘sô’ hát của ông.

Nhưng cho đến giờ này tôi vẫn chưa gặp, chưa biết mặt cả hai người và chưa một lần nghe Lộc Vàng hát.

Cảm ơn nhà viết kịch “trẻ” Lưu Trọng Văn, về những điều gan ruột ông viết.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây