Tử tù và những đêm không ngủ

Nguyễn Văn Hải

11-8-2023

Năm 2008 tôi bị giam ở khu A-B trại giam Chí Hoà, ban đêm tôi thường nghe được tiếng của tử tù ở tầng dưới nên mới biết sinh hoạt khác thường của họ.

Tử tù bị cùm một chân trong suốt thời gian giam giữ trước khi thi hành án. Tử tù không ngủ vào ban đêm, họ thức suốt đêm để nói chuyện, hát hò, lắng nghe tiếng chân quản giáo và tiếng chìa khoá rung leng keng, thấp thỏm chờ đợi. Tiếng quản giáo lắc chùm chìa khoá trong đêm là thứ tiếng ấn tượng nhất với họ, như tiếng rung lưỡi hái của tử thần.

Tử tù thường bị đưa đi thi hành án vào khoảng nửa đêm về sáng. Nếu có một người bị đưa đi, những buồng khác luôn chúc câu: “Anh đi thanh thản nhé!” Còn người đi thì nói lời vĩnh biệt và chúc người ở lại mạnh khoẻ.

Sau một đêm yên tĩnh, khi bình minh lên, tử tù biết là sống thêm được một ngày nữa, lúc đó họ mới đi ngủ.Họ sống từng ngày, từng ngày khắc khoải như thế.

Những tử tù oan như Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh đã sống mười mấy năm như vậy và đã chứng kiến bao nhiêu tử tù bị đưa đi vào ban đêm để thi hành án, thần kinh của họ chắc còn hơn cả thép. Niềm hy vọng được minh oan và được sống đã giúp họ duy trì nhịp sống và cách tốt nhất ở trong tù là se dây và đan những con giống, trái tim, chiếc nhẫn để rèn luyện sự kiên trì, nhẫn nại và suy nghĩ về tương lai.

Vào tù ta lại se dây

Se năm se tháng se ngày se đêm…

Khu trại giam Chí Hoà như một lò bát quái nằm giữa trung tâm thành Hồ, một ốc đảo yên tĩnh nên có nhiều loài chim về ở, nhưng có một loài chim lợn có tiếng kêu rất ghê rợn vào ban đêm, tù nhân mỗi lần nghe tiếng chim lợn kêu lại đoán rằng sắp có người phải đi thi hành án.

Nghe nói nghành côn an đã chuyển trại tạm giam lên Củ Chi để biến khu đất ngay giữa trung tâm thành phố thành khu thương mại, họ muốn xoá đi dấu tích và những câu chuyện về những oan hồn vất vưởng ở Chí Hoà, về những ký ức đau đớn của tù nhân và gia đình họ với nhà tù này…

Mong rằng cộng đồng lên tiếng mạnh mẽ hơn để các em Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh được minh oan, chấm dứt chuỗi ngày sống khắc khoải đó.

Mạnh ngồi tù biệt giam án tử đã 19 năm, Hải đã 16 năm, Chưởng đã 17 năm.

***

Tiễn một người đi

Tiếng chim lợn não nùng trong đêm vắng

Báo ngày mai thi hành án tử hình

Tiếng người đi chào vĩnh biệt bạn mình,

Người ở lại chúc người đi thanh thản.

Tiếng mở xà lim, tiếng mở cùm loảng xoảng

Tiếng chân xiềng lê bước dọc hành lang

Đêm đã tàn, một ngày mới sắp sang

Tiễn một người đi trước bình minh vĩnh biệt.

Chí Hoà, 2008.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. HỌC GIẢ BÙI CHÍ VỊNH

    Trong bộ đội khi tấn công một tên chỉ huy tham ô đàn áp lính
    Là đã bị chụp mũ “mưu sát cán bộ, cướp đoạt chính quyền”
    Năm 25 tuổi tôi đã từng nằm quân lao với tội danh như vậy
    Nên chuyện ngậm máu phun người vốn là chuyện tất nhiên

    Vì thế tôi không mơ hồ gì việc có người muốn Nguyễn Văn Chưởng quy tiên
    Với lý do duy nhất là phạm nhân nhận tội
    Xin lỗi, những thằng xử Nguyễn Văn Chưởng chỉ cần một ngày nằm ở nhà giam
    Hứng tra tấn là mẹ cha không nhìn nổi

    Quan tòa mà ở tù thì quan tòa cũng phải nói
    Không khai man cũng khai đại, miễn khỏi bị đòn
    Không giết người cũng sẵn sàng nhận dối
    Sẵn sàng nhận mình là hung thủ ác ôn

    Sẵn sàng nhận mình là hung thủ cho xong
    Bất chấp hệ thống tư pháp được lập đầu danh trạng
    Ở một xứ sở đầy ma quỷ cô hồn
    Ai đang sống cũng chờ ngày lãnh án

    Hỡi những kẻ nắm cán cân công lý mà tâm hồn chai sạn
    Làm ơn một lần trong năm thở hơi thở con người
    Làm ơn ngưng ngay việc tử hình Nguyễn Văn Chưởng
    Để bia miệng ngàn đời không nguyền rủa tanh hôi…

    NGUỒN MẠNG.

  2. Có một câu chuyện được luật sư Triệu Quốc Mạnh – Chỉ huy lực lượng cảnh sát Sài Gòn – Gia Định, kể lại như vầy: Ngày 29/4/1975, sau khi nhậm chức Chỉ huy lực lượng cảnh sát Sài Gòn – Gia Định, ông Mạnh đến Tòa Sài Gòn – Gia Định thì thấy lực lượng cảnh sát tư pháp ở đây vẫn tề tựu đầy đủ, quân trang gọn gàng đứng chào ông nghiêm cẩn. Ông mới vội vã hỏi: “Các anh còn làm gì ở đây mà chưa đi di tản?” Chỉ huy trưởng cảnh sát tư pháp mới nói: “Tại sao chúng tôi phải di tản? Chúng tôi đâu có liên quan gì đến chính quyền?”

    Chuyện này tôi được nghe chính một người cùng trong “lực lượng thứ ba” với ông Mạnh kể lại. (Vì sự riêng tư của ông, tôi sẽ không nói tên, nhưng tôi tin ông, và cũng không thấy ông có lý do để bịa đặt chuyện này).

    Bây giờ nghe chuyện này chúng ta có thể thấy vô lý, nhưng đó chính là nhận thức của những người thời đó, cụ thể là của những người trong ngành tư pháp Sài Gòn bấy giờ: “TƯ PHÁP ĐỘC LẬP”.

    Chính vì thế mới có chuyện, những “trùm sinh viên” của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn như Huỳnh Tấn Mẫn, Dương Văn Đầy… được thả ngay tại tòa, trước sự tức tối của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, trong vụ “10 tháng 3” nổi tiếng.

    Tư pháp độc lập không phải sự đảm bảo tuyệt đối cho công lý, nhưng nó là điều kiện tối cần thiết để có được công lý.

    Công lý cần cho tất cả chúng ta. Công lý cần cho mọi người dân, và cần cho cả chính quyền.
    Một chính quyền muốn thực sự vững mạnh, muốn giữ được xã hội thực sự ổn định bền vững thì phải đảm bảo công lý cho từng người dân và tất cả nhân dân.

    Hôm qua, đọc bức thư của Nguyễn Văn Chưởng trên trang FB của luật sư Lê Văn Hòa tôi chợt nhớ lại câu chuyện của luật sư Triệu Quốc Mạnh ở trên.

    Có lẽ cũng đã đến lúc nghiêm túc đặt ra vấn đề độc lập tư pháp và thành lập một lực lượng cảnh sát tư pháp độc lập, để hạn chế tối đa những oan sai do sự chồng chéo của hệ thống điều tra – xét xử hiện hành.

    FB NĐK

  3. Trong lịch sử tư pháp của Việt Nam mà tôi quan sát, hiếm khi có một vụ trọng án mà cơ quan điều tra chịu bó tay. Không ít vụ án được phá trong một thời gian kỷ lục. Nhưng, cũng hiếm khi tôi thấy những vụ án oan nghiêm trọng nhất được chủ động phát hiện bởi các cơ quan tố tụng.
    Năm 1983, cho dù mang “trái tim trong trắng” [kịch Lưu Quang Vũ], ông Nguyễn Sỹ Lý vẫn bị giam cầm 2.000 ngày. Và, ông Lý chỉ được minh oan khi một người bạn tù được tha trước, âm thầm giúp ông tìm ra thủ phạm. Ông Huỳnh Văn Nén cũng chỉ nhìn thấy ánh sáng sau 17 năm nhờ hung thủ, bị giữ tình cờ trong một vụ vi phạm luật giao thông, tự thú. Ông Nguyễn Thanh Chấn ở tù 10 năm cho đến khi hung thủ tự đến đồn công an.
    Chuyện không phải của thời mông muội. Chỉ mới cách đây 10 năm, 7 thanh niên ở Sóc Trăng cũng chỉ được minh oan sau 4 tháng tạm giam nhờ hai nữ hung thủ cướp của giết người ra đầu thú.
    Những người chịu “án oan thế kỷ”, trong phòng tạm giam, đều khai nhận “hành vì giết người” hoàn hảo. Trừ 7 thanh niên ở Sóc Trăng, tất cả, khi đứng trước tòa, đều phản cung và đều bị tòa căn cứ “án tại hồ sơ”, bác bỏ. Và, chỉ khi hung thủ thật bị lương tâm cắn rứt khai ra, những gì họ tố cáo bị bức cung mới được xác nhận hóa ra là đúng.
    Với hai tử tù Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải, nếu thực sự oan, không rõ, chúng ta có thể chờ đợi lương tâm của những người đã tiến hành tố tụng hay lại phải chờ lương tâm hung thủ.
    Khi nhậm chức, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng yêu cầu công tác xét xử “không được để xảy ra oan sai”. Đây là điều mà những người tiền nhiệm ông cũng đều nhấn mạnh.
    Không phải lúc nào thông điệp này cũng được diễn dịch giống nhau. Nó tùy thuộc vào một hệ thống tư pháp sợ OAN cho thường dân hay chỉ sợ cái SAI của mình bị phát hiện.
    Tôi không biết hiện nay, ngành tòa án có còn giữ tiêu chí “án bị cải sửa” làm căn cứ bình xét thi đua và căn cứ để tái bổ nhiệm thẩm phán nữa không. Sợ sai, sợ án bị cải sửa là lý do mà các cơ quan tố tụng rất khó từ bỏ một tiền lệ rất sai là họp án [“ba bộ đồng tình…”] và thỉnh thị án.
    Nếu một nền tư pháp vận hành theo hướng để dân không bị OAN, nền tư pháp đó phải luôn đặt ra khả năng tố tụng có thể SAI. Không phải tự nhiên mà ngay từ xa xưa loài người đã nghĩ đến việc tách bạch các cơ quan tố tụng và phân ra nhiều cấp xét xử.
    Một nền tư pháp mà hướng tới mục tiêu hoàn hảo, các cơ quan tố tụng không bao giờ sai thì chỗ của những người thực sự bị oan là ở trong tù chứ chưa chắc đã phải là những người được tuyên vô tội.
    Tôi đã từng phỏng vấn tử tù “Phước Tám Ngón” và có mặt tại pháp trường cái buổi sáng 3 bị án trong vụ Tamexco bị bắn. Trừ những loại giết người do bệnh lý, thích chơi trò cân não với cơ quan điều tra, phần lớn những hung thủ thật sự giết người rất ít khi kêu oan. Chúng chấp nhận đã vay [mạng người] thì trả.
    Chúng ta đang nghe những lời kêu oan từ hai bị án Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải. Chúng ta có thể vĩnh viễn không biết sự thật nằm ở đâu. Nhưng, tôi nghĩ những người tiến hành tố tụng trong hai vụ án này biết rõ.
    Chúng ta đã phải đợi cho đến khi hung thủ thật sự ra đầu thú mới biết là Nguyễn Sỹ Lý, Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn bị oan. Nhưng, những người tiến hành tố tụng chắc chắn đã biết điều đó khi họ bắt đầu sử dụng nhục hình và mớm cung bị cáo.
    Đã từng có khá nhiều hung thủ thật ra đầu thú để minh oan cho người gánh án thay mình; nhưng, trong nền tư pháp nước ta, ít khi có một cán bộ từng tiến hành tố tụng tự nhận là mình sai để minh oan cho nạn nhân của chính mình và cộng sự.
    Trong các vụ án oan như Nguyễn Sỹ Lý, Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn… đều có vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Chúng ta chứng kiến, việc khăng khăng tuyên bố “sai phạm tố tụng” nhưng “không làm thay đổi bản chất vụ án” đáng sợ thế nào.
    Một nền tư pháp mà chỉ sợ lộ ra cái SAI sẽ không bao giờ tránh được OAN [khiên – cho dân].
    Cứ tống vào tù một dân oan là cấp phép tự do cho một tên tội phạm [hung thủ trong vụ án Huỳnh Văn Nén từng gây án đâm, chém trong thời gian ông Nén bị tù oan].
    Không có mô hình tư pháp nào hoàn hảo. Mô hình ưu việt hơn không phải là có khả năng lập thành tích “phá án 100%”, là không phải không có “án bị cải sửa” mà là có khả năng tự phát hiện sai sót.
    Mục tiêu của một nền tư pháp là công lý chứ không chỉ là phá án. Chính vì thế mà trong nhiều trường hợp, các cơ quan tố tụng phải chấp nhận thua; bởi, một khi các cơ quan tố tụng cứ khăng khăng thắng sẽ không có chỗ cho công lý.
    FB H.Đ

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây