Vài góp ý về câu chuyện “bảo hiến” trong vụ Nguyễn Văn Chưởng

Nguyễn Quốc Tấn Trung

6-8-2023

Kính gửi các anh chị trên Facebook mà Trung theo dõi,

Trung rất vui mừng khi thấy nhiều anh chị đã và đang tiếp tục theo dõi sát sao vụ Nguyễn Văn Chưởng và đưa ra nhiều giải pháp để có thể tìm cách hoãn vụ việc và điều tra xét xử lại.

Dù hoàn toàn đồng tình với nỗ lực của các anh chị, trong một số gợi ý, Trung có thấy một vài gợi ý cho rằng Quốc Hội Việt Nam có thể dựa vào thẩm quyền “bảo hiến” (Constitutional Review/ Judicial Review) của mình để tuyên “vô hiệu” bản án đã có hiệu lực nhưng có dấu hiệu sai phạm về mặt thủ tục.

Trung nghĩ có một vài hiểu lầm cần chỉ ra để chúng ta không có những kỳ vọng sai liên quan đến khái niệm và thủ tục bảo hiến nói chung.

***

Bảo hiến nhìn chung là thủ tục để một cơ quan hiến định xem xét lại tính hợp hiến của một văn bản quy phạm pháp luật (có thể được sản xuất bản cơ quan hành pháp hay lập pháp).

Ở Hoa Kỳ, bảo hiến nổi tiếng thuộc thẩm quyền của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ với mô hình bảo hiến phi tập trung (Decentralised Model of Constitutional Review). Hiểu đơn giản là, ngay cả các cá nhân, tổ chức dân sự cũng hoàn toàn có quyền thách thức tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật trước tòa có thẩm quyền.

Ở Châu Âu, chúng ta cũng có mô hình bảo hiến tập trung (Centralised).

Riêng ở Việt Nam, chúng ta có mô hình bảo hiến… “tổng lực” ghi nhận rải rác trong nhiều văn bản như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Tuy nhiên, dù là mô hình nào đi chăng nữa, trên khắp thế giới, hoạt động bảo hiến hoàn toàn KHÔNG thể can thiệp vào đối tượng là bản án của cơ quan tư pháp. Điều này cơ bản vì một bản án có tính chất đơn lẻ, có tính áp dụng cá nhân, không phải là luật áp dụng trên toàn quốc gia để có thể xâm phạm đến trật tự hiến pháp.

Sai phạm bên trong nội tại của vụ án có thể được xem xét bởi các bước như phúc thẩm, giám đốc thẩm… Còn vấn đề bảo hiến chưa bao giờ có thể bao quát nội dung của một bản án.

Việc cho rằng cơ quan lập pháp có thể can thiệp vào kết quả xét xử của cơ quan tư pháp cũng là một bước đi không phù hợp với nhu cầu xây dựng cấu trúc minh bạch quyền lực trong các cơ quan bộ máy nhà nước.

***

Một vài lời phản biện ngắn, chúng ta có thể trao đổi thêm, nhưng cũng đừng nên tạo ra những kỳ vọng pháp lý không thật và không được công nhận, dù là ở bất kỳ hệ thống pháp luật nào.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Có một câu chuyện được luật sư Triệu Quốc Mạnh – Chỉ huy lực lượng cảnh sát Sài Gòn – Gia Định, kể lại như vầy: Ngày 29/4/1975, sau khi nhậm chức Chỉ huy lực lượng cảnh sát Sài Gòn – Gia Định, ông Mạnh đến Tòa Sài Gòn – Gia Định thì thấy lực lượng cảnh sát tư pháp ở đây vẫn tề tựu đầy đủ, quân trang gọn gàng đứng chào ông nghiêm cẩn. Ông mới vội vã hỏi: “Các anh còn làm gì ở đây mà chưa đi di tản?” Chỉ huy trưởng cảnh sát tư pháp mới nói: “Tại sao chúng tôi phải di tản? Chúng tôi đâu có liên quan gì đến chính quyền?”

    Chuyện này tôi được nghe chính một người cùng trong “lực lượng thứ ba” với ông Mạnh kể lại. (Vì sự riêng tư của ông, tôi sẽ không nói tên, nhưng tôi tin ông, và cũng không thấy ông có lý do để bịa đặt chuyện này).

    Bây giờ nghe chuyện này chúng ta có thể thấy vô lý, nhưng đó chính là nhận thức của những người thời đó, cụ thể là của những người trong ngành tư pháp Sài Gòn bấy giờ: “TƯ PHÁP ĐỘC LẬP”.

    Chính vì thế mới có chuyện, những “trùm sinh viên” của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn như Huỳnh Tấn Mẫn, Dương Văn Đầy… được thả ngay tại tòa, trước sự tức tối của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, trong vụ “10 tháng 3” nổi tiếng.

    Tư pháp độc lập không phải sự đảm bảo tuyệt đối cho công lý, nhưng nó là điều kiện tối cần thiết để có được công lý.

    Công lý cần cho tất cả chúng ta. Công lý cần cho mọi người dân, và cần cho cả chính quyền.
    Một chính quyền muốn thực sự vững mạnh, muốn giữ được xã hội thực sự ổn định bền vững thì phải đảm bảo công lý cho từng người dân và tất cả nhân dân.

    Hôm qua, đọc bức thư của Nguyễn Văn Chưởng trên trang FB của luật sư Lê Văn Hòa tôi chợt nhớ lại câu chuyện của luật sư Triệu Quốc Mạnh ở trên.

    Có lẽ cũng đã đến lúc nghiêm túc đặt ra vấn đề độc lập tư pháp và thành lập một lực lượng cảnh sát tư pháp độc lập, để hạn chế tối đa những oan sai do sự chồng chéo của hệ thống điều tra – xét xử hiện hành.

    FB NĐK

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây