Vụ chuyến bay giải cứu: Nạn nhân bị gạt ra bên ngoài (kỳ 1)

Blog VOA

Trân Văn

13-4-2023

Gạt bỏ vai trò “bị hại” của các nạn nhân vì điều đó sẽ… tạo điều kiện để có thể sung công khoản 180 tỉ do “phạm tội mà có”? Hay vì nếu chiếu theo các quy định của Luật Tố tụng hình sự hiện hành thì việc triệu tập lấy lời khai, thu thập bằng chứng, từ… 200.000 “bị hại” sẽ khiến…

Sau khi công an Việt Nam công bố Kết luận điều tra về việc soạn lập – phê duyệt – tổ chức – thực hiện các chuyến bay “giải cứu”, thông qua nhiều cơ quan truyền thông chính thức, một số luật sư (1), cựu viên chức của hệ thống tư pháp (2),… đồng thanh bày tỏ sự nhất trí trong việc đề cao ý chí của công an: Không xem các nạn nhân – những người do rơi vào tình trạng ngặt nghèo đành phải chấp nhận trả khoản tiền từ vài lần đến hàng chục lần chi phí hợp lý để được hồi hương – là…bị hại”.

Những luật sư và cựu viên chức của hệ thống tư pháp cho rằng: Hàng trăm ngàn người phải trả chi phí cực lớn cho việc được lên phi cơ để hồi hương, phải lưu trú – ăn uống tại nơi được chỉ định trong thời gian cách ly không phải là “bị hại” vì chi phí đó là do các bên tự thỏa thuận. Nếu các nạn nhân chứng minh được rằng họ phải nộp khoản tiền “trái với quy định của nhà nước” hoặc các tổ chức cá nhân đã gian dối trong việc thu tiền hay có những hành vi khác khiến cho giao dịch vô hiệu (như bị lừa dối, bị cưỡng ép…) thì họ có thể khởi kiện bằng các vụ kiện riêng ở Tòa Dân sự để đòi lại tiền từ các doanh nghiệp có liên quan. Còn nếu các giao dịch là hợp pháp, tự nguyện, việc nộp tiền là công khai, ngay tình, tổ chức thu tiền có chức năng nhiệm vụ được pháp luật cho phép, giá cả theo thỏa thuận thì đây là quan hệ dân sự kinh tế hợp pháp, chưa có cơ sở pháp lý để công dân có thể yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan phải trả tiền. Bởi công an chỉ điều tra, đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự của các cá nhân đã phạm những tội như “môi giới hối lộ”, “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” nên “bị hại” của vụ án đã đề cập được xem là… “cơ quan nhà nước chứ không phải khách hàng bỏ tiền để được hồi hương”. Những luật sư và cựu viên chức tư pháp này nhấn mạnh: Tuy chi phí rất cao nhưng dù biết rõ giá cao như vậy, nạn nhân vẫn chấp nhận chi tiền do cần về nước thì đó là thỏa thuận dân sự giữa họ với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ...

***

Bất kể thế nào thì nhận định, ý kiến của một số luật sư, cựu viên chức tư pháp cũng đã góp phần làm rõ một ý: Suốt quá trình điều tra về việc soạn lập – phê duyệt – tổ chức – thực hiện các chuyến bay “giải cứu”, công an Việt Nam đã cố tình loại bỏ hàng trăm ngàn nạn nhân ra khỏi vụ án. “Khoản lợi bất chính” – xấp xỉ 180 tỉ mà các bị can đã giao nhận với nhau là do “phạm tội mà có” sẽ được… sung công. Các nạn nhân đã cắn răng gánh chịu thiệt hại giờ dù muốn hay không cũng phải ráng… cắn răng chặt hơn nữa!

Khoan bàn đến… tình – vốn rõ ràng là vô tri, vô cảm, việc lọai bỏ các nạn nhân khỏi vai trò “bị hại” dù họ thực sự đã phải gánh chịu thiệt hại nặng nề, thậm chí, để thoát khỏi tình thế ngặt nghèo, nguy hiểm đến tính mạng, không ít người phải vay mượn, trả lãi,… liệu có hợp lý hay không? Luật Tố tụng hình sự Việt Nam định nghĩa như thế này về “bị hại” tại Điều 62: Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.

Cũng theo Điều 62, bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền: Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ. Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu. Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá. Đề nghị giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật. Được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án. Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật. Đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường. Tham gia phiên tòa, trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người khác tham gia phiên tòa, tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, xem biên bản phiên tòa. Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Tham gia các hoạt động tố tụng… Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án. Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng(3).

Chưa hết, Luật Tố tụng hình sự Việt Nam còn một điều khác (Điều 30) quy định về giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự (ở đây là bồi thường thiệt hại cho nạn nhân): Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự (3).

Tại sao trước kia, vào thời điểm bắt đầu tiến hành điều tra các vi phạm pháp luật liên quan đến việc soạn lập – phê duyệt – tổ chức – thực hiện các chuyến bay “giải cứu”, một số viên chức hữu trách từng công khai thừa nhận những người Việt phải trả đủ loại chi phí với giá không ai có thể tưởng tượng để được hồi hương giữa lúc đại dịch đang làm cả thế giới ngả nghiêng là “nạn nhân” nhưng khi kết thúc điều tra, bất chấp các quy định của Luật Tố tụng hình sự, công an Việt Nam lại không thừa nhận những nạn nhân đó là “bị hại”? Gạt bỏ vai trò “bị hại” của các nạn nhân vì điều đó sẽ… tạo điều kiện để có thể sung công khoản 180 tỉ do “phạm tội mà có”? Hay vì nếu chiếu theo các quy định của Luật Tố tụng hình sự hiện hành thì việc triệu tập lấy lời khai, thu thập bằng chứng, từ… 200.000 “bị hại(4) sẽ khiến việc giải quyết vụ án, bao gồm cả tổ chức xét xử thêm khó khăn, phức tạp? Hoặc vì tất cả những lý do vừa kể và nhiều lý do khác nữa? Chẳng hạn những ai phải chịu trách nhiệm khi hoạt động phạm tội diễn ra công khai, dân tình ta thán suốt 20 tháng và biến hàng trăm ngàn người thành nạn nhân? Thế nào là điều tra khách quan khi xem các nạn nhân là đối tương tự nguyện chịu thiệt hại chứ không có ai làm… hại?

(Còn tiếp)

Chú thích

(1) https://vietnamnet.vn/chuyen-bay-giai-cuu-dua-cuu-tu-nhan-ve-nuoc-va-la-thu-to-sai-pham-2129414.html

(2) https://tuoitre.vn/khach-di-chuyen-bay-giai-cuu-co-duoc-tra-lai-tien-20230408150132809.htm

(3) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Trach-nhiem-hinh-su/Bo-luat-to-tung-hinh-su-2015-296884.aspx

(4) https://thanhnien.vn/toan-canh-vu-chuyen-bay-giai-cuu-sau-1-nam-khoi-to-dieu-tra-1851538213.htm

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Tôi tự hỏi,người bán lon nước có con ruồi chết 500 triệu,công ty sản xuất lon nước không an toàn cho sức khoẻ người dùng thuận mua lại để khỏi mang tiếng xấu cho đại công ty là quá rẽ,sao lại bỏ tù người bán đến 7 năm.Các người không thấy như thế là quá tàn ác sao

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây