Thụy Sỹ và trung lập chính trị trong cuộc chiến Ukraine

Lâm Bình Duy Nhiên

20-3-2022

Ảnh trên mạng

Chiều nay lên phố, tôi bắt gặp hình ảnh một người phụ nữ đang đứng một mình trước Nhà thờ Saint-François cổ kính. Chị đeo một tấm bích chương với những dòng chữ viết bằng tay: “Neutrality, Indifference kills tue – Je suisUkraine” (Trung lập, sự thờ ơ giết hại – Tôi là người Ukraine).

Trong một buổi chiều thứ bảy mát dịu của ngày cuối Đông, chị đứng đó, im lặng, dòng người hối hả qua lại. Tôi cùng vợ và các con cũng lặng lẽ ngắm chị. Một sự xúc động dâng trào. Cái khẩu hiệu “Je suisUkraine” đã trở nên quá quen thuộc trong những ngày này, từ khi Putin ra lệnh tấn công Ukraine. Nó bắt nguồn từ “Je suis Charlie “ (Tôi là Charlie) sau khi toà soạn của tờ báo châm biếm nổi tiếng của Pháp bị bọn khủng bố Hồi giáo cực đoan tấn công vào ngày 7/1/2015.

“Tôi là người Ukraine” như một lời ủng hộ và chia sẻ cho những nạn nhân người Ukraine, những người đang anh dũng và bất khuất chiến đấu chống lại quân đội xâm lược Nga. Tất cả chúng ta đều là người Ukraine…

Chị là người Thuỵ Sĩ và trên tấm bích chương chị đã bộc lộ rõ quan niệm về thái độ trung lập của Thuỵ Sĩ. Trung lập và thờ ơ, vô cảm sẽ dẫn đến sự giết hại. Giết hại dân lành và tàn phá cả một quốc gia. Đó chính là nỗi lo đáng sợ của nhiều công dân Thuỵ Sĩ trong cuộc chiến tranh này. Họ kêu gọi chính phủ Liên bang phải lên án chính quyền của Putin và trừng phạt nước Nga. Họ kêu gọi chính phủ phải đón nhận những người lánh nạn chiến tranh đến từ Ukraine. Tất cả mọi đảng phái chính trị đều cảm thông với nỗi đau của dân tộc Ukraine.

Tôi nhìn chị và cảm thấy một cảm xúc tự hào khó tả. Người dân xứ này không bao giờ quên nỗi đau của nhân loại.

Cùng vào thời điểm đó, tại Quảng trường Liên bang (Place Fédérale) tại thủ đô Berne, hàng ngàn người Thuỵ Sĩ đang biểu tình ủng hộ nhân dân Ukraine. Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, qua vidéo, phát biểu trực tiếp cảm ơn nhân dân và chính phủ Thuỵ Sĩ đã ủng hộ Ukraine. Ông Ignazio Cassis, Tổng thống Liên bang Thuỵ Sĩ cũng có mặt tại cuộc biểu tình.

Tôi chia tay chị và tự nhủ, chính phủ Thuỵ Sĩ đã và đang có nhiều biện pháp trừng phạt Nga, bất chấp vai trò trung lập chính trị lịch sử.

Cầm tờ báo Le Temps, trong quán cà phê nhỏ, tôi đọc bài viết của ông Ignazio Cassis. Một sự tình cờ ngẫu nhiên, khi chỉ vài phút trước, tôi còn đứng trước người phụ nữ đang một mình bày tỏ thái độ về cuộc chiến tàn khốc tại Ukraine.

Tổng thống Liên bang Thuỵ Sĩ, ông Ignazio Cassis đã viết rằng “Bảo vệ tự do có một cái giá và Thụy Sĩ sẵn sàng chấp nhận nó”.

Trước khi tấn công Ukraine, Putin đã hối thúc Thuỵ Sĩ chọn thái độ ủng hộ Nga. Kết quả đi ngược lại với những gì người Nga hy vọng.

“Tấn công tàn bạo”, “man rợ”, “điên cuồng tàn phá”, Ignazio Cassis đã chọn những từ ngữ rõ ràng và cứng rắn cho bài báo được đăng vào thứ Bảy trên tờ “Le Temps” và tờ “Schweiz am Wochenende”.

Giống như Tổng thống Hoa Kỳ, ông Joe Biden hôm thứ Sáu, đã yêu cầu Tập Cận Bình “chọn bên”, ông Tổng thống Liên bang Thuỵ Sĩ nhận định cuộc xâm lược Ukraine là “cuộc đối đầu giữa sự dân chủ và sự dã man” và nói rằng ông đứng về phía “thế giới tự do”.

Trong bài viết, ông nhắc lại sự bùng nổ của chiến tranh, phản ứng của cộng đồng quốc tế, của Thụy Sĩ và những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.

Ông chủ yếu nói về “những nỗi đau không thể chịu đựng được” của những người tị nạn Ukraine. Ông cũng đề cập đến nguy cơ lớn về nạn đói đối với người dân của các quốc gia phụ thuộc vào lúa mì và ngũ cốc của Ukraine và Nga.

“Đối với Hội đồng Chính phủ Liên bang, tình hình đã rõ ràng: Thụy Sĩ không thể chịu đựng cuộc chiến này mà không phản ứng, Hội đồng Liên bang không có quyền làm như vậy và phải có lập trường”, ông viết.

Đối mặt với “một sự tàn phá điên rồ”, Thuỵ Sĩ không thể nào chấp nhận ngồi yên vào khoanh tay đứng nhìn, ông Ignazio Cassis khẳng định thái độ của quốc gia này.

Ngay cả khi lập trường đó đồng nghĩa với việc phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng. Thời gian và mức độ khốc liệt của cuộc chiến sẽ quyết định tác động kinh tế đối với Thụy Sĩ và mọi thứ đều không có gì là chắc chắn.

Tuy nhiên, theo ông Ignazio Cassis, ba điều “có thể xảy ra” và đó không phải là những tin vui: “Chúng ta sẽ đối mặt với lạm phát và giá năng lượng tăng một cách lâu dài và rõ ràng (…) và chúng ta sẽ phải tính đến những tác dụng lâu dài, đặc biệt do sự phụ thuộc vào dầu khí”.

Theo ông Tổng thống, sẽ không có giải pháp “đũa thần” nào cho những gì đang xảy ra.

Ông đã kết luận bài viết “Ngày 24 tháng 2, bộ mặt của thế giới đã thay đổi, và không theo chiều hướng tốt nhất. Chúng ta phải bảo vệ tự do và dân chủ một cách dũng cảm và không mệt mỏi. Điều này có một cái giá. Một cái giá mà Thụy Sĩ đã sẵn sàng chấp nhận”.

Có thể đánh giá một cách khách quan rằng chưa bao giờ quốc gia bé nhỏ và phồn thịnh này lại bày tỏ thái độ đoàn kết dứt khoát với Liên Âu trong vấn đề lên án cuộc xâm lăng Ukraine cũng như các biện pháp chế tài nhắm vào các quan chức Nga và Putin.

Và trong cuộc chiến này, Thuỵ Sĩ lại một lần nữa thể hiện vai trò của một quốc gia có truyền thống nhân đạo khi đón nhận gần 10 ngàn người Ukraine chỉ trong một tuần qua.

Chỉ trong một ngày, 9/3/2022, Ngày quốc gia đoàn kết với Ukraine (Journée nationale de solidarité avec l’Ukraine), tổ chức từ thiện La Chaîne du Bonheur đã quyên góp được hơn 50 triệu quan để viện trợ cho người dân Ukraine.

Trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền quốc gia và những giá trị dân chủ, Ukraine không hề đơn độc khi nhân dân thế giới tự do luôn đồng hành và ủng hộ người dân xứ này.

Trong đó có người dân Thuỵ Sĩ, vì đó là lương tâm và vì “trung lập không đồng nghĩa với thờ ơ, vô cảm”, theo lời của Tổng thống Ignazio Cassis.

Tôi sẽ nhớ mãi lời tuyên bố này…

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Khi Thụy Sĩ đứng chung hàng ngũ với thế giới cấm vận Nga thì tên đồ tể Putin ra lệnh đưa Thụy Sĩ vào danh sách những quốc gia thù địch, lý do đơn giản là bọn tỷ phú vây quanh Putin gởi tiền ở đây gần 300 tỷ quan và bị đóng băng. Thụy Sĩ trung lập không phải vì yêu hòa bình ghét chiến tranh mà quốc gia này trung lập vì có thể làm ăn với tất cả từ tỷ phú lưu manh đến bọn máu me và độc tài ăn bẩn. Cái lạ là giới trẻ Thụy Sĩ lại ghét Hoa Kỳ nếu anh tác giả đọc trong những comment trên báo sẽ thấy và báo chí Thụy Sĩ rất sợ Tàu, hầu hết những bài viết về tàu thì họ khóa phần comment vì trước đây người ta hay chửi vấn nạn hàng nhái và sau thì thì cúm Tàu, ngay cả đến thằng chó đại sứ tàu cũng ra oai chửi những bộ trưởng xa xả vì chúng biết Thụy Sĩ cần chúng trong thương mại, thật ra thì không phải nhưng với cái cách thà quỳ xuống mà bán được đồng hồ còn hơn là làm chuyện bao đồng, nhớ ngày nào Giang Trạch Dân đến Thụy Sĩ và đi thăm những nhà máy bào chế thuốc ở Basel, hắn tự cho là Thiên Tử và yêu cầu con đường chỉ cho mình hắn đi qua, và khi về thủ đô Bern thì có người dân Tây Tạng biểu tình thì hắn đùng đùng nổi giận mạt sát quan chức nước sở tại và hăm dọa về bang giao kinh tế.
    Nói chung là việc Thụy Sĩ đứng về phe cấm vận Nga là vì bắt buộc chứ không phải tự nguyện, ngay những ngày đầu của cuộc chiến thì họ đã giữ khoảng cách vì số tiền mà họ giữ của người nga quá lớn, khi hầu như toàn thế giới vào cuộc và có cả Phần Lan, Thụy Điển và Singapore, Lục Xâm Bảo, Monaco (những thiên đường trốn thuế- le paradis de fiscal) cùng đứng vào hàng ngũ thì Thụy Sĩ mới muối mặt đứng vào hàng.
    Cảm ơn anh LBDN cho bài viết rất cảm động, Thụy Sĩ có nhiều mặt tốt, dân chúng rất hiền lành và chăm chỉ nhưng mặt tối cũng đầy rẫy. Anh ở tỉnh Geneva có lẽ anh biết bọn quan tham việt cộng đem tiền bẩn qua đó mua nhiều ngôi vila khủng, anh là nhà báo nếu có thể điều tra và cho bà con thưởng lãm những cơ ngơi của loài sâu bọ. Thêm nữa, tỉnh Geneva và tỉnh Vaud cũng tất đông việt cộng, anh nên cẩn thận mỗi khi viết về chúng. Thân mến

Leave a Reply to Choi Song Djong Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây