Hồ Bạch Thảo
21-2-2022
Xem lại phần 1-67
68. Thời Giản Định Đế, Trần Quý Khoáng khởi nghĩa
Sau khi đại quân của Trương Phụ dẹp tan nhà Hồ, bắt cha con Hồ Quý Ly tại cửa biển Kỳ La, thuộc tỉnh Hà Tĩnh vào tháng 6 năm 1407; thì chiến tranh cũng chưa hoàn toàn chấm dứt. Tại Cao Bằng, Lạng Sơn, dư đảng nhà Hồ vẫn ra vào nơi rừng núi chống cự; giết viên Tiền quân Ðô đốc Cao Sĩ Văn.
Ngày 29 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [30/9/1407]
“Ngày hôm nay Tiền Quân Đô đốc Thiêm sự Cao Sĩ Văn mang binh đến Quảng Nguyên, giao tranh ác liệt với giặc, tử trận. Lúc bấy giờ tuy đã bình định xong, nhưng các vùng khe núi tại các châu Thất nguyên [Tràng Định, Lạng Sơn], dư đảng giặc họ Hồ vẫn ra vào cướp phá. Quan Tổng binh Tân thành hầu Trương Phụ sai Cao Sĩ Văn đến đánh bắt. Đến Quảng Nguyên bọn giặc chặn đánh, bị Sĩ Văn đánh bại chém vài chục tên. Bọn chúng bèn tập trung lại, dựa vào núi lập trại cố thủ. Sĩ Văn ngày đêm công kích, trại sắp bị phá, giặc đột nhiên xuất hiện rồi bỏ chạy. Sĩ Văn mang lính cảm tử truy kích, giao tranh mãnh liệt, giặc dựa vào núi cao dùng tên và đá bắn xuống, Sĩ Văn trúng phi đạn chết. Bộ tướng tiếp tục truy kích rồi giao tranh, giặc bỏ trốn vào châu Thất Nguyên. Phụ bèn sai Đô Chỉ huy Trịnh Sảng tiếp tục mang quân đến, bình định được.
Sĩ Văn người huyện Hàm Dương, Thiểm Tây. Vào thời Hồng Vũ [Minh Thái Tổ] xuất thân từ Tiểu hiệu, tòng chinh tại Vân Nam và Kim Sơn, có công được thăng lên Yên Sơn Tả Hộ vệ Bách hộ. Lúc Thiên tử dẹp loạn trong nước, Sĩ Văn hăng hái đi đầu tham gia chiến trận, lập công mấy lần được thăng Tiền quân Đô đốc phủ, Đô đốc Thiêm sự. Khi đánh Giao Chỉ, ra sức cần lao phấn đấu, nhưng rốt cuộc bị tử trận. Văn là người cương trực, giỏi cưỡi ngựa, bắn cung; tử trận mọi người đều tiếc”. (Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc – Việt Nam, tập 1, trang 276).
Vào tháng 10, người con thứ của vua Trần Nghệ Tông tên là Ngỗi, trước được phong là Giản Định vương, tránh lệnh Trương Phụ bắt về Trung Quốc, bèn chạy trốn đến Mô Ðộ, châu Trường Yên thuộc tỉnh Ninh Bình. Người trong vùng là Trần Triệu Cơ chiêu mộ dân, lập lên làm vua, vẫn dùng tên hiệu cũ gọi là Giản Định đế:
“Mùa đông, tháng 10, ngày mồng 2 [1/11/1407], Giản Định Đế lên ngôi ở Mô Độ, châu Trường Yên, dựng niên hiệu là Hưng Khánh. Trước đó, Trương Phụ yết bảng bắt các tôn thất họ Trần và đầu mục quan lại cũ để đưa về. Vua trốn chạy đến Mô Độ. Người Thiên Trường là Trần Triệu Cơ đem quân đến lập lên ngôi, xưng theo tên hiệu cũ”. Toàn Thư, Bản Kỷ quyển 9, trang 8a.
Bấy giờ tại Ðông Triều [tỉnh Quảng Ninh], viên Thổ hào Phạm Chấn lập Trần Nguyệt Hồ làm vua tại Bình Than, đề cờ là Trung Nghĩa quân. Nhà Minh sai quân đến đánh, Nguyệt Hồ bị bắt, Phạm Chấn chạy trốn; quân của Nguyệt Hồ tan rã. Tháng chạp, Giản Định đế sai bọn Trần Nguyên Tôn, thu thập số quân của Nguyệt Hồ còn lại, hội họp ở Bình Than. Quân nhà Minh đến đánh, lại tan vỡ; bèn cùng nhau chạy vào Nghệ An. Viên đại tri châu ở Hóa Châu là Đặng Tất nghe tin, liền giết quan nhà Minh, đem quân đến họp. Tất dâng con gái cho Giản Định, Giản Định phong cho Tất làm quốc công, cùng nhau mưu tính việc khôi phục.
Phong trào chống quân Minh xâm lược dấy lên nhiều nơi, theo tự sự của Thượng thư Hoàng Phúc trong tác phẩm Hoàng Trung Tuyên Công Văn Tập (1), năm Vĩnh Lạc thứ 5 [1407] tại châu Tam Ðái [tỉnh Vĩnh Phú] đầu đảng Trần Nguyên Thôi nổi dậy, bị quân Minh bắt rồi giết. Tại châu Hạ Hồng, phủ Tân An [tỉnh Hải Dương], Trần Nguyên Tôn nổi dậy. Tại huyện Tuyên Hoá [tỉnh Bắc Cạn, Thái Nguyên] Trần Nguyên Lộc nổi dậy, bị quân Minh bắt vào chính năm đó. Tại huyện Ma Lung phủ Quảng Oai [tỉnh Hà Tây] Bạch Sư Nhiễm nổi dậy, nhưng chưa dẹp được.
Ðối phó với những khó khăn về quân sự trước mắt, vua Thái Tông tạm thời tỏ ra mềm dẻo, ban chiếu thư hứa tha cho những người nổi dậy; tỏ ra khoan thứ, hoãn sách hạch dân chúng:
“Ngày 15 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [9/6/1408]. Ban chiếu xá tất cả tàn dư đảng giặc tại Giao Chỉ, cho trở về làm ăn. Sắc các quan văn võ tại Giao Chỉ cần phải khoan tuất chớ xâm nhiễu, điều gì chưa cần làm cho đình bãi”. (Minh Thực Lục. Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 295)
Sử nước ta cũng xác nhận vua Minh ban chiếu thư đại lược như sau:
“Nhà Minh xuống chiếu, đại lược nói: ‘Còn nghĩ bọn dư chúng vốn là ngu muội, hoặc vì đói nghèo bức bách, hoặc bị kẻ mạnh bắt ép, hặc bị bọn gian dụ dỗ, việc không thể đừng, tình cũng đáng thương, nếu nhất loạt bắt tội cả, trẫm thực không nỡ. Khi chiếu thư này tới, đều tha cho cả. Quan lại ở các nha môn, quân dân thuộc đất Giao Chỉ hãy thể lòng chí nhân của trẫm phải khoan hồng thương xót, chớ làm ráo riết, chớ vơ vét của dân, hết thảy những việc không cần kíp phải ngừng bỏ cả“. Toàn Thư, Bản Kỷ quyển 9, trang 10a.
Mặt khác vua Thái Tông lệnh cho quân Minh xây chắc các thành trì và cơ sở quân sự cùng lập hàng rào phòng thủ; điều động gấp 1 vạn quân từ Quảng Đông tới tăng cường:
“Tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [tháng 6-7/1408]. Tháng này xây các thành tại Đô ty Giao Chỉ; vệ Thanh Hóa; Giao Chỉ tiền vệ, hậu vệ; vệ Xương Giang, Khâu Ôn; các Thiên hộ sở Thị Cầu, Ải Lưu. Mỗi nơi nên lập hàng rào”. (Minh Thực Lục. Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 299 )
“Ngày 19 tháng 7 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [10/8/1408]. Đô ty Giao Chỉ tâu số quân còn lưu tại các vệ, sở, không đủ để phòng bị. Nay Đô chỉ Huy sứ Tôn Toàn, Quảng Đông, thống lãnh quân hơn 1 vạn, chở bằng thuyền hạm, khí giới đầy đủ; xin cho tạm lưu lại để phòng ngự. Xét chấp nhận”. (Minh Thực Lục. Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 307)
Lúc bấy giờ Giản Ðịnh Ðế được dân ủng hộ, nên thế lực lớn mạnh mau chóng. Lập căn cứ tại vùng Hoá Châu [Thừa Thiên, Quảng Trị], Nghệ An; tướng của Giản Ðịnh là Ðặng Tất mang quân đánh giết bọn Phạm Thế Căng tại cửa bể Nhật Lệ [tỉnh Quảng Bình]. Thế Căng lúc trước hàng quân Minh, được Trương Phụ trao chức Tri phủ Tân Bình [tỉnh Quảng Bình], sau phản lại, tự xưng là Duệ Vũ Ðại Vương. Rồi đại quân của Giản Định đế tiếp tục xua ra Bắc, lược định vùng đất các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Hà Tây, Vĩnh Phú ngày nay và uy hiếp thành Ðông Ðô [Hà Nội]. Tình hình khẩn trương, vua Minh Thái Tông vội ra lệnh Mộc Thạnh giữ chức Chinh Di Tướng quân điều động quân tại các Ðô ty Vân Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên sang đánh:
Ngày 7 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [31/8/1408]. Đô ty Giao Chỉ cùng ty Bố chánh, Án sát tâu: Nghịch tặc Giản Định cùng bọn Đặng Tất tụ tập dân chúng làm loạn, xin tăng thêm binh để tiễu bình.
Định là quan cũ của họ Trần, khi đại quân đến dẹp giặc họ Lê, y ra hàng, bèn sai người đưa đến kinh sư. Rồi y cùng Trần Hy Cát bỏ trốn, cùng với ngụy quan đất Hoá Châu là bọn Đặng Tất, Nguyễn Suý mưu nổi loạn. Bọn chúng suy tôn Định làm vua, tiếm xưng kỷ nguyên Hưng Khánh, hoạt động tại các vùng núi non tại Hoá Châu và Nghệ An, chế tạo vũ khí, chiêu tập đồ đảng. Lúc này đại quân đã về nước, bọn Định mang quân ra đánh Bình Than và ải Hàm Tử; chặn đường đi lại tại Tam Giang. Chúng đánh phá gần thành Giao Chỉ [Đông Đô, Hà Nội], các châu huyện như Từ Liêm, Oai Man, Thượng Hồng, Đại Đường, Ứng Bình, Thạch Thất đều theo chúng; thế giặc càng ngày càng thịnh, quan quân đánh mấy lần nhưng không lập được công, nên xin tăng thêm binh.
Thiên tử cho rằng Giao Chỉ mới được sáp nhập vào bản đồ, nhân tâm chưa vững vàng, mà bọn dư đảng tiếp tục nổi lên, nếu không kịp thời dẹp tan, sợ tràn lan ra thì không kiềm chế nổi. Mệnh điều Đô Chỉ huy Sứ ty Vân Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên, Thành Đô Tam hộ vệ, tổng cộng 4 vạn binh; ra lệnh Kiềm Quốc công Mộc Thạnh lãnh Chinh Di Tướng quân tổng suất từ Vân Nam sang đánh; vẫn ra lệnh Thượng thư bộ Binh Lưu Tuấn tham mưu quân sự. Sắc dụ Giao Chỉ Đô ty bọn Đô đốc Thiêm sự Lữ Nghị, Hoàng Trung rằng bọn Giản Định làm phản, đã ra lệnh Kiềm Quốc công Mộc Thạnh mang quân sang đánh, các người hãy chỉnh đốn binh lính nghe theo sự điều động; chuẩn bị thủy quân 2 vạn, cùng thuyền bè khí giới để đợi dùng. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 307)
Ðể xoa dịu tình hình, cùng làm kế hoãn binh chờ khi lực lượng tiếp viện sẵn sàng tham chiến, vua Minh Thái Tông sai sứ ban sắc chiêu hàng Giản Ðịnh Ðế như sau:
“Ngày 19 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [8/9/1408]. Sai sứ ban sắc dụ cho bọn nổi loạn Giản Định rằng:
“Mới đây cha con giặc họ Lê gây việc soán đoạt, buông tuồng bạo lọan, độc hại người trong nước, chiếm đoạt biên cảnh; bèn mệnh xuất sư điếu phạt, bọn ác đầu sỏ bị bắt, dư đảng bị tiêu diệt; rồi thiết lập quận huyện, vỗ về thiện lương, một phương nhân dân đều được yên nghiệp. Chỉ riêng các ngươi ương ngạnh, lập đảng chống cự triều mệnh, cướp bóc dân chúng. Quần thần xin hưng sư tiêu diệt, Trẫm nghĩ dưới lằn tên mũi đạn, sợ liên lụy đến dân vô tội; mà những kẻ bất thiện như các ngươi cũng còn được cơ hội để có thể sửa đổi, nên ban sắc dụ này. Đại phàm cử sự cần phải hợp đạo trời, cha con giặc họ Lê tội ác đầy rẫy, trời đã phế thì không thể giữ được; các ngươi là đám tàn dư, trái đạo, nghịch mệnh trời, thì cũng đợi để tiêu diệt mà thôi! Tuy nhiên vui được sống, ghét chết là sự thường tình của con người ta. Nếu trước đây các ngươi chưa nghĩ kỹ nên làm việc bội nghịch trái đạo, hoặc do bọn quan lại hà khắc phải liều lĩnh mưu đồ tự tồn, lòng muốn hối cải nhưng còn nghi ngờ chưa dám quyết! Phàm con người ai mà không sai, sai mà biết sửa, còn gì tốt bằng. Bọn các ngươi hãy nhân lúc này, minh định lẽ nghịch thuận, xem xét cơ duyên họa phúc, tìm yên ổn có lợi cho bản thân, bảo vệ được gia tộc, mưu đồ kế vĩnh cữu. Hãy dốc lòng thành quy phụ, sự sai lầm trong quá khứ được tha hết không hỏi đến, còn được giao chức quan, trả lại đất để cai trị, con cháu đời đời được thế tập. Lời Trẫm phát xuất từ tâm lòng, thông với trời đất; nếu các ngươi chấp mê không theo, họa sẽ đến với bản thân và gia đình, lúc đó hối cũng không kịp!” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 309).
Chuẩn bị cho việc đánh dẹp quân khởi nghĩa của Giản Ðịnh Ðế, ngoài việc điều động đạo quân Vân Nam do Mộc Thạnh chỉ huy sang tăng viện; Minh Thái Tông còn đề ra những phương lược cụ thể như: Thăng thưởng chiều chuộng bọn phản quốc như Mạc Thúy khi chúng sang chầu; để rồi đưa về nước làm tai mắt dẫn đường. Giao cho Lý Bân làm Tổng binh đô chỉ huy thao luyện thủy quân; đặt thêm 37 sở tuần kiểm nhắm kiểm soát dân chúng. Lệnh Ðô đốc Lữ Nghị phối hợp chặt chẽ với đạo quân tiếp viện của Mộc Thạnh, cùng tạm thời đình chỉ việc khai thác mỏ vàng, để thao luyện lính thợ vào việc chiến đấu:
“Ngày 8 tháng 9 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [27/9/1408]. Thăng Tri phủ Lạng Giang Mạc Thúy chức Giao chỉ Bố chánh ty Hữu Tham chính, thưởng bạch kim 50 lượng, tiền 500 quan, lụa nõn trong ngòai 5 tấm. Thăng Giao Châu Trung Vệ Phó Thiên hộ Nguyễn Như Ngẫu chức Chỉ huy Thiêm sự, thưởng giống như Thúy. Thăng Tri châu phủ Lạng Giang Mạc Huân chức Bố chính ty Hữu Tham nghị; thăng Giao Châu Tả vệ Chỉ huy Thiêm Sự Trần Nhữ Thạch chức Chỉ huy Đồng Tri; cùng Tri phủ Tân An Mạc Viễn được thưởng so với Thúy giảm một phần năm. Bọn Thúy đều là người Giao Chỉ, khi đại quân vào nước họ là người đầu tiên qui thuận, giúp dẹp giặc chiêu dụ dân chúng có thành tích. Tân thành hầu Trương Phụ do tiện nghi trao chức, đến nay vào triều, luận công lao theo thứ tự mà thăng thưởng. Kỳ dư bọn Bùi Như Long gồm 24 người đều được phong chức Thiên hộ, Bách hộ, cùng ban sắc tưởng thưởng. Thiên tử đích thân làm thơ tặng bọn Thúy”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 310).
“Ngày 26 tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [13/11/1408]. Mệnh Phong thành hầu Lý Bân sung chức Tổng binh quan Đô chỉ huy; Uông Trị, Thái Bân giữ chức phó Tổng binh thao luyện thủy quân. Đặt 37 sở tuần kiểm tại Giao Chỉ, gồm:
Phủ Thanh Hóa đặt 26 sở: Ấp Long Quan, Lạc Hà, Lạc Quan, Nhiêu Sơn Quan lệ thuộc vào huyện Cổ Lôi; ấp Lễ, Kinh Khẩu lệ vào huyện Vĩnh Ninh; Cá Câu, Lịch Quan, Ấp Lẫm Quan, Công Sách Quan lệ vào huyện Lỗi Giang; Hiểm Thạch Quan, Đô Trấn lệ vào huyện An Lạc; Bồ Mang Quan, Nga Lạc Quan lệ vào huyện Nga Lạc; Cửa biển Linh Trường, lạch cửa biển Linh Trường lệ thuộc huyện Hà Trung, lạch cửa Chi Nga lệ vào huyện Chi Nga; cửa biển Ðiển Sử lệ vào châu Cửu Chân; cửa Lạch Hào, cửa Lạch Trầm, Đội Ôi lệ vào huyện Kết Duyệt; cửa Bố Vệ lệ vào huyện Duyên Giác; Yếu, Ông Quan, Lập Quan, Hắc Quan lệ thuộc vào huyện Nông Cống.
Phủ Lạng Giang đặt 1 sở: cửa khẩu Tam Giang lệ vào huyện Thanh viễn.
Phủ Tam Giang đặt 1 sở: trại Động Lâm, lệ vào huyện Hạ Hoa.
Phủ Bắc Giang đặt 2 sở: Thạch Thần, lệ thuộc châu Gia Lâm; cầu Tiểu Giang lệ thuộc vào huyện Đông Ngàn.
Phủ Kiến Bình đặt 2 sở: đồn cửa khẩu Ba Lạt lệ vào huyện An Bản; cửa sông Hổ Hà Đội lệ vào huyện Yên Mô.
Phủ Kiến Xương đặt 1 sở: Tam Khẩu lệ vào huyện Phù Dung.
Châu huyện Tuyên Hóa đặt 1 sở: Quan Hào lệ vào huyện Khoáng.
Châu Quảng Oai đặt 3 sở: Đa Ải, Khả Lẫm lệ vào châu này; Bát Nhai lệ vào huyện Mỹ Lương.
Đặt 2 ty Kinh lịch tại hậu vệ Giao Châu, vệ Tam Giang; mỗi nơi 1 viên Kinh lịch. Đặt thêm Đề cử ty Thị bạc tại Vân Đồn; lại, mục, Đề cử mỗi chức một viên. Đặt 2 Đề cử ty Thị bạc tại phủ Tân Bình và Thuận Hóa. Đặt 3 công trường thuế trừu phân (2) tại Vân Đồn, Tân Bình, Thuận Hóa. Đặt cục, ty cho công trường mỏ bạc tại phủ Tuyên Hóa; đặt Đề cử 1 viên, Phó Đề cử 2 viên; 2 viên Đại sứ, 4 phó Đại sứ cho mỗi trường, cục”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 314)”
“Ngày 21 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [6/1/1409]. Sắc dụ Đô ty Giao Chỉ bọn Đô đốc Thiêm sự Lữ Nghị rằng: nay lo việc điều quân chinh tiễu tàn dư giặc; những chỗ khai mỏ vàng phải đình chỉ, triệu hồi các quan quân dưới cờ hoặc lính thợ cho thao luyện, không được phép chiếm lưu”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 317).
Lúc này tại nước ta lại có thêm cuộc nổi dậy của Nguyễn Công Trà tại huyện Tuyên Hóa phủ Thái Nguyên. Công Trà xúi giục Thổ quan các châu huyện tại Thái Nguyên nổi lên chống quân Minh (3). Nhưng mãnh liệt hơn phải kể đến chiến thắng lớn của phe Giản Ðịnh Ðế tại trận Bồ Cô, trận này quân ta tiêu diệt được bộ chỉ huy quân Minh tại Giao Chỉ, trong đó có Ðô đốc Lữ Nghị và Thượng thư Lưu Tuấn. Bồ Cô là tên một bến đò thuộc xã Bồ Cô; nay thuộc huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép về trận đánh này như sau:
“Tháng 12, ngày 14 [30/12/1408], quốc công Đặng Tất cả phá quân Minh tại Bồ Cô hãn. Bấy giờ nhà Minh sai tổng binh Mộc Thạnh mang tước Kiềm quốc công, đeo ấn Chinh di tướng quân, đem 5 vạn quân từ Vân Nam đến Bồ Cô, vừa khi vua Giản Định cũng từ Nghệ An tới, quân dung nghiêm chỉnh, gặp lúc nước triều lên gấp, gió thổi mạnh, sai các quân đóng cọc giữ và lên hai bên bờ đắp lũy. Thạnh cũng chia quân thuỷ, quân bộ cùng cầm cự. Vua cầm dùi đánh trống, hạ lệnh các quân thừa cơ xông đánh từ giờ Tỵ [khoảng 11 giờ] đến giờ Thân [16 giờ], quân Minh thua chạy, chém được Binh bộ thượng thư Lưu Tuấn, Đô ty Lữ Nghị, cùng quân mới đến, quân cũ đến hơn 10 vạn tên. Chỉ một mình Mộc Thạnh chạy thoát trốn vào thành Cổ Lộng (4). Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 9, trang 10b.
Sử liệu từ Minh Thực Lục cũng xác nhận chiến thắng này, còn cho biết rõ hơn về lý lịch các tướng lãnh, quan lại cao cấp của nhà Minh tử trận:
Ngày 24 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [9/1/1409]
“Ngày hôm nay, quan Tổng binh Giao Chỉ Kiềm quốc công Mộc Thạnh giao tranh với đầu đảng giặc Giao Chỉ, Giản Định, tại sông Sinh Quyết (5) bị thua. Đô đốc Thiêm sự Lữ Nghị, Binh Bộ Thượng thư Lưu Tuấn, Tham chính Giao chỉ Bố chánh ty Lưu Dục đều chết.
Lữ Nghị người đất Hạng Thành, Hà Nam; khởi đầu giữ chức Bách hộ vệ Tế Dương; thời Hoàng thượng Tĩnh Nạn, Nghị theo chinh phạt mấy lần lập kỳ công được thăng đến chức Đô Chỉ huy Đồng tri. Năm Vĩnh lạc thứ ba thăng Đô đốc Thiêm sự, cùng với Hoàng Trung luyện binh tại Quảng Tây; lại cùng mang binh đem cháu Vương An Nam là Trần Thiên Bình về nước. Vì làm trái chiếu chỉ, nên Nghị không tránh được thất bại ở Kê Lăng; rồi được tha tội cho giữ nguyên chức tòng chinh, mệnh sung Ưng Dương Tướng quân. Giao Chỉ bình, có công được giữ chức Đô ty Giao Chỉ. Nghị tính thâm trầm, dũng lược, đánh trận thâm nhập; bị hãm chết trận.
Lưu Tuấn người đất Giang Lăng, Hồ Quảng; đậu Tiến sĩ năm Ất Sửu; thời Hồng Vũ, giữ chức Chủ sự bộ Binh, rồi được thăng lên Tả Thị lang bộ này. Thời Kiến Văn (6) giữ chức Thị trung; khi Thiên tử [Thành Tổ] tức vị, được thăng hàm Thượng thư. Tuấn cẩn thận, cần mẫn trong công việc, có mưu trí, giỏi ứng biến, nên được tín nhiệm. Trước đây quan Tổng binh chinh phạt Giao Chỉ, mệnh Tuấn tham mưu quân vụ, góp nhiều công ích, nên sau khi bình Giao Chỉ, được ban thưởng. Rồi lại được cử sang Giao Chỉ để tham mưu quân vụ cho Thạnh. Thạnh bại, Tuấn bị vây, bèn thắt cổ tự tử.
Lưu Dục người Vũ Thành, Sơn Đông; xuất thân từ Lại khoa Cấp Sự trung, thăng Thông chính Sứ ty Tả Thông chính, rồi đến chức Tả Tham chính ty Bố chánh Hà Nam; được đổi đến Giao Chỉ giữ chức Hữu Tham chính. Dục tính hà khắc, ít nói, thiếu ân; tuy nhiên làm việc giỏi, đến nơi nào thuộc lại và dân cũng đều sợ, đến nay cùng chết với Tuấn”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 317)
Trận Bồ Cô là một thảm bại của quân Minh, nên Phó Ngự sử Lý Khánh đàn hặc Mộc Thạnh với lời lẽ nặng nề:
Ngày 29 tháng 1 năm Vĩnh Lạc thứ 7 [13/2/1409]
Đô sát viện phó Ngự sử Lý Khánh hặc tấu quan Tổng binh Giao Chỉ Kiềm quốc công Mộc Thạnh mang quân dẹp bọn nổi loạn tại Giao Chỉ, không phấn đấu dõng cảm chế ngự giặc để đến nỗi quân tan, khiến bọn Đô đốc Lữ Nghị, Thượng Thư Lưu Tuấn, Đô chỉ huy Liễu Tông bị hại; chiếu pháp luật đáng trị tội. Thiên tử phán:
“Làm tướng để quân tan không trị tội sao được! Hãy tạm để đó, cho cố gắng báo đền”. (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 322).
Tuy nhiên sau chiến thắng này, quan điểm về tiến, thủ của vua Giản Định và Quốc công Đặng Tất hoàn toàn khác nhau. Toàn Thư chép:
“Vua bảo các quân:
– Hãy thừa thế chẻ tre, đánh cuốn chiếu thẳng một mạch, như sét đánh không kịp bịt tai, tiến đánh thành Đông Quan thì chắc chắn phá được chúng.
Tất tâu:
– Hãy bắt hết bọn giặc còn sống sót, không nên để mối lo về sau.
Do dự mãi không quyết định được. Quân giữ thành Đông Quan đến cứu viện, đón Mộc Thạnh về”. (Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 9, trang 11a).
Từ sự việc này, nội bộ vua tôi nhà hậu Trần trở nên chia rẽ, mấy tháng sau vua nghe lời dèm, giết Nguyễn Cảnh Chân và Đặng Tất. Con Nguyễn Cảnh Chân là Nguyễn Cảnh Dị, con Đặng Tất là Đặng Dung tức giận bỏ đi, phò Trần Quý Khoáng lên làm vua, niên hiệu Trùng Quang.
_________
Chú thích:
1. Dẫn theo Trịnh Vĩnh Thường, Chinh Chiến Dữ Khí Thủ: Minh Đại Trung Việt Nghiên Cứu, Đài Nam, Quốc Lập Thành Công Đại Học Xuất Bản Tổ, trang 85-86.
2. Trừu phân: thuế tùy loại, đánh theo phần trăm của hàng hóa.
3. Dẫn theo Trịnh Vĩnh Thường, Chinh Chiến Dữ Khí Thủ: Minh Đại Trung Việt Quan Hệ Nghiên Cứu, Đài Nam, Quốc Lập Thành Công Đại Học xuất bản tổ, trang 85-86.
4. Theo chú thích của bản dịch Toàn Thư: Thành Cổ Lộng do người Minh đắp, thuộc xã Bình Cách, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Hà; tục gọi là thành Cách.
5. Sông Sinh Quyết gần núi Thiên Kiện; theo Cương Mục núi Thiên Kiện còn có tên là núi Địa Cận; ở xã Thiên Kiện, huyện Thanh Liêm, tỉnh Nam Hà.
6. Kiến Văn: Niên hiệu vua Huệ đế nhà Minh.